Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Thế giới đang hướng tới vực thẳm nếu không chấm dứt chiến tranh’

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các tu sĩ Dòng Tên ở Nam Sudan (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các tu sĩ Dòng Tên ở Nam Sudan (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Trong các cuộc gặp gỡ riêng với các Tu sĩ Dòng Tên ở Cộng hòa Dân chủ Congo và ở Nam Sudan trong chuyến Tông du gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ sự bận tâm của mình về chiến tranh, về một cuộc thảo luận đồng nghị để bảo vệ môi trường trong khu vực, và lên tiếng về một loạt các vấn đề khác.

Chiến tranh, sự tàn ác của bạo lực, việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, sự dữ trong Giáo hội, giấc mơ cho Châu Phi: đây chỉ là một vài chủ đề được Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập trong các cuộc gặp gỡ giữa ngài với các Tu sĩ Dòng Tên ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, các cuộc gặp gỡ đã trở thành những cuộc hẹn định kỳ trong chương trình các chuyến Tông du của ngài.

Cả thế giới đang lâm cảnh chiến tranh, liệu con người có dám dừng lại?

Vào ngày 2 tháng 2, 82 Tu sĩ Dòng Tên làm việc tại DRC, do Cha Giám tỉnh Rigobert Kyungu dẫn đầu, đã gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô ở Kinshasa tại Tòa Khâm sứ. Trong số đó có cả tu sĩ Dòng Tên Donat Bafuidinsoni, Giám mục Địa phận Inongo.

Trong cuộc trò chuyện, Đức Thánh Cha đã đề cập đến vấn đề sứ mạng hòa giải và công lý—một trong những “Ưu tiên Tông đồ Phổ quát” của Dòng Tên. Về DRC, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “rõ ràng là các vấn đề về sự phân tranh và xung đột bè phái đang diễn ra mạnh mẽ ở đây. Nhưng hãy mở to mắt nhìn ra thế giới: cả thế giới đang lâm cảnh chiến tranh!”. Đức Thánh Cha đã nhắc lại những cuộc xung đột đang diễn ra ở Syria, Yemen, Myanmar, Mỹ Latinh và Ukraine, và đặt câu hỏi: “Liệu nhân loại có đủ can đảm, sức mạnh hay thậm chí là cơ hội để quay trở lại không? Nó đang tiến tới, ngày càng tiến tới, trên đà tiến tới vực thẳm”. Đức Thánh Cha cho biết rằng ngài không có câu trả lời cho câu hỏi đó, nhưng thừa nhận rằng: “Tôi hơi bi quan”.

Vấn đề chính yếu: việc sản xuất vũ khí

“Ngày nay dường như vấn đề chính yếu là việc sản xuất vũ khí”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời than phiền rằng người ta vẫn tiếp tục sản xuất vũ khí khi “nạn đói vẫn còn đang hoành hành trên thế giới”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Thật khó để trở lại sau thảm họa này. Và chúng ta không nói về vũ khí nguyên tử!”.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha tiếp tục, “Tôi vẫn tin vào công việc thuyết phục”, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng “các Kitô hữu chúng ta phải cầu nguyện rất nhiều: ‘Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!’”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc lại những câu chuyện do các nạn nhân của bạo lực và sự tàn ác không thể tưởng tượng kể lại, và trong bài phát biểu với các tu sĩ Dòng Tên ở Nam Sudan, Đức Thánh Cha đã tố cáo “nền văn hóa chiến tranh ngoại giáo” vốn chỉ quan tâm đến việc có bao nhiêu vũ khí.

“Tất cả đều là hình thức ngoại giáo”.

Cam kết cứu lấy quần xã sinh vật Congo

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng suy tư về các vấn đề về môi trường, với tất cả những hậu quả kinh tế của chúng, đối với lưu vực sông Congo, “lá phổi xanh thứ hai” của trái đất sau Amazon, nơi đang bị đe dọa bởi vấn nạn phá rừng, tình trạng ô nhiễm và khai thác trái phép và thâm canh.

Khi được hỏi về khả năng có một Thượng Hội đồng về khu vực này giống như Thượng hội đồng được tổ chức về khu vực Amazon, Đức Thánh Cha nói rằng sẽ không có Thượng Hội đồng nào khác, bởi vì Thượng Hội đồng về Amazon là “mẫu mực”. Bốn “giấc mơ” của Thượng Hội đồng có thể được áp dụng cho các bờ sông của Congo.

Sự cân bằng của hành tinh cũng phụ thuộc vào sự lành mạnh của quần xã sinh vật Amazon và Congo.

Đồng thời, Đức Thánh Cha i nói, “sẽ tốt đẹp biết bao nếu Hội đồng Giám mục tham gia Thượng Hội đồng ở cấp địa phương với cùng tiêu chí, nhưng để theo đuổi một diễn ngôn liên quan nhiều hơn đến thực tế của đất nước”.

Giáo hội không phải là một công ty đa quốc gia về tâm linh

Nói về các nghi thức phụng vụ trong chuyến Tông du của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự đánh giá cao của mình đối với việc sử dụng nghi lễ Zaire – phiên bản đã được phê duyệt và hội nhập về văn hóa của Nghi lễ Rôma – đồng thời gọi đó là “một tác phẩm nghệ thuật, một kiệt tác phụng vụ và thi ca… Đó không phải là một sự phỏng theo, nhưng một hiện thực thơ mộng, sáng tạo”.

Một lần nữa nhắc lại hình ảnh Giáo hội như một bệnh viện dã chiến, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án “chủ nghĩa độc đoán” như là “một trong những điều xấu xa nhất trong Giáo hội… điều mà sau đó trở thành tấm gương phản chiếu xã hội bị tổn thương bởi tinh thần thế tục và sự tham nhũng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Giáo hội không phải là một tập đoàn tâm linh đa quốc gia”, và đồng thời mời gọi các thính giả “Hãy chiêm ngắm các Thánh! Hãy chữa lành, chăm sóc những vết thương mà thế giới trải qua! Hãy phục vụ người dân!”. Đức Thánh Cha lưu ý rằng “từ ‘phục vụ’ mang đậm tinh thần Inhaxiô”, đề cập đến Đấng sáng lập dòng Tên, Thánh Inhaxiô Loyola.

“Trong mọi sự hãy yêu thương và phục vụ” là tôn chỉ của Thánh Inhaxiô. Tôi mong muốn một Giáo hội phục vụ.

Chuẩn bị cho sự kiện mừng kỷ niệm Công đồng Nicaea

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng được hỏi về việc chuẩn bị cho sự kiện mừng kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Nicaea I, sẽ diễn ra vào năm 2025. Đáp lại, Đức Thánh Cha cho biết rằng công việc chuẩn bị đang được thực hiện cùng với Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople, Đức Thượng phụ Bartholomew sẽ cử hành sự kiện này “với tư cách là huynh đệ”, và đồng thời lặp lại hy vọng về một thỏa thuận về ngày cử hành Lễ Phục Sinh.

Trả lời câu hỏi về khả năng từ nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài không nghĩ rằng việc từ chức của các Giáo hoàng nên trở thành một điều bình thường. “Đức Benedict XVI đã can đảm để làm điều đó” bởi vì ngài cảm thấy mình không thể tiếp tục vì lý do sức khỏe của mình. “Hiện tại tôi không nghĩ đến điều đó trong chương trình nghị sự của mình”, Đức Thánh Cha giải thích, “Tôi tin rằng thừa tác vụ của Giáo Hoàng là ad vitam [vì sự sống]. Tôi thấy không có lý do tại sao lại không nên như vậy”.

Điều này cũng đúng đối với vai trò Bề Trên Tổng Quyền của Hội Dòng, Đức Thánh Cha cho biết thêm, “Về vấn đề này, tôi là người ‘bảo thủ’”.

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các tu sĩ Dòng Tên ở Nam Sudan và Congo (Ảnh: Laciviltacattolica)

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các tu sĩ Dòng Tên ở Nam Sudan và Congo (Ảnh: Laciviltacattolica)

Châu Phi cần các nhà lãnh đạo chính trị trung thực

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã có cơ hội gặp gỡ các tu sĩ Dòng Tên ở Nam Sudan, gặp gỡ họ tại Juba vào ngày 4 tháng 2 với 11 tu sĩ Dòng Tên đang làm việc tại nước này, cũng như Cha Kizito Kiyimba, Bề trên Tỉnh Dòng Đông Phi, bao gồm Sudan, Nam Sudan, Ethiopia, Uganda, Kenya và Tanzania.

Đức Thánh Cha đã chia sẻ ước mơ của mình rằng “Châu Phi phải phát triển” và không bị bóc lột, một chủ đề mà ngài đã nêu ra vào tháng 11 trong cuộc gặp gỡ trực tuyến với các sinh viên Châu Phi. Nhắc lại cuộc gặp gỡ đó trong cuộc trò chuyện với các tu sĩ Dòng Tên, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi rất ấn tượng trước sự khôn ngoan lanh lợi của những nam nữ thanh thiếu niên này. Tôi thực sự thích lối tư duy của họ”.

Đức Thánh Cha tiếp tục: “Châu Phi cần những chính trị gia” như thế: những con người tốt lành, khôn ngoan sáng suốt, những người có thể giúp đất nước của họ phát triển. Trước hết, Châu Phi cần “các chính trị gia không để mình bị tham nhũng bóp méo”.

“Tham nhũng chính trị không còn chỗ cho đất nước phát triển; nó gây ra sự tàn phá”.

Án phong thánh của Cha Pedro Arrupe

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về án phong thánh cho Cha Pedro Arrupe, nguyên Bề trên Tổng quyền Dòng Tên. “Tiến trình này đang được thực hiện”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “bởi vì một số giai đoạn đã hoàn thành”.

Đức Thánh Cha tiếp tục giải thích rằng trở ngại lớn nhất vào lúc này liên quan đến các tác phẩm phong phú của Cha Arrupe. “Ngài đã viết rất nhiều và bạn phải đọc tất cả, và điều đó làm chậm lại tiến trình này”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Khi được hỏi cá nhân ngài đã cầu nguyện như thế nào, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Dĩ nhiên, tôi cử hành Thánh lễ, đọc kinh Nhật tụng, và những lời cầu nguyện phụng vụ hàng ngày”. Đức Thánh Cha cũng cho biết thêm rằng đôi khi ngài lần chuỗi Mân Côi, và đôi khi ngài cầu nguyện trong khi suy niệm Tin Mừng.

“Đối với việc cầu nguyện cá nhân, tôi cũng như mọi người, phải tìm cách tốt nhất để sống điều đó từng ngày”. Đức Thánh Cha cho biết thêm: “Tôi sợ những nhà giảng thuyết về cầu nguyện, những người đưa ra những lời cầu nguyện trừu tượng, lý thuyết, những người nói, nói và nói, nhưng chỉ bằng những lời sáo rỗng”. Thay vào đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “lời cầu nguyện luôn luôn phải được thể hiện”, và “người ta phải cầu nguyện đắm chìm trong thực tế”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube