Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Linh đạo của tôi xuất phát trực tiếp từ Công đồng Vatican II’

Đức Thánh Cha Phanxicô đọc bài giảng khi cử hành Thánh lễ khai mạc phiên họp toàn thể của Hội đồng Giám mục Châu Âu vào ngày 23 tháng 9 năm 2021 (Ảnh: CNS / Cristian Gennari)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong Thánh lễ khai mạc phiên họp toàn thể của Hội đồng Giám mục Châu Âu vào ngày 23 tháng 9 năm 2021 (Ảnh: CNS / Cristian Gennari)

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Công đồng Vatican II đã định hình tầm nhìn thần học và mục vụ của ngài đến mức có lẽ ngài đã không rõ ràng như lẽ ra phải làm nổi bật những mối quan hệ đó, đặc biệt khi nói đến những đóng góp của ngài đối với Giáo huấn Xã hội Công giáo.

“Trong lịch sử của Châu Mỹ Latinh mà tôi đã đắm chìm trong đó, trước hết với tư cách là một sinh viên Dòng Tên trẻ tuổi và sau đó khi thi hành sứ vụ của mình, chúng ta đã hít thở một bầu không khí Giáo hội vốn đã hấp thụ một cách hăng hái và tạo ra trực giác thần học, Giáo hội và tâm linh của công đồng, và đồng thời hội nhập cũng như thực hiện chúng”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong phần Lời nói đầu của cuốn sách mới.

“Công đồng đã trở thành tầm nhìn của đức tin, ngôn ngữ và thực tiễn của chúng ta, nghĩa là, nó chẳng bao lâu đã trở thành hệ sinh thái mục vụ và Giáo hội của chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết. “Rất đơn giản, Công đồng đã tham gia vào đường hướng của chúng ta trong việc trở thành những người Kitô hữu và trở nên một Giáo hội, và trong suốt cuộc đời tôi, trực giác, nhận thức và linh đạo của tôi đơn giản được tạo ra bởi những gợi ý của Giáo lý của Công đồng Vatican II”.

Phần Lời nói đầu cho cuốn “Tinh thần Huynh đệ: Dấu chỉ của thời đại” của Đức Thánh Cha Phanxicô được Vatican News phát hành hôm 28 tháng 9. Cuốn sách đã được nhà xuất bản Vatican phát hành bằng tiếng Ý vào ngày 30 tháng 9, được viết bởi Đức Hồng Y Michael Czerny và Linh mục Christian Barone, một nhà thần học người Ý.

Bìa cuốn sách của Đức Hồng y Czerny và Linh mục Barone

Bìa cuốn sách của Đức Hồng y Czerny và Linh mục Barone

Bản dịch tiếng Anh, “Tất cả đều là huynh đệ, Dấu chỉ của thời đại: Giáo huấn Xã hội của Đức Phanxicô” (Siblings All, Sign of the Times: The Social Teaching of Pope Francis) sẽ được Orbis Books xuất bản vào năm 2022.

Cuốn sách trình bày cách hiểu mang tính thần học về Thông điệp “Fratelli Tutti, về Tinh thần Huynh đệ và tình bạn xã hội” của Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như về Giáo huấn Xã hội của ngài nói chung, nhấn mạnh tính liên tục của nó với Giáo huấn Xã hội và đặc biệt là tầm nhìn của Công đồng Vatican II. của Giáo hội Công giáo trong việc đối thoại và công việc mục vụ đối với thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng giờ đây, hơn 50 năm sau khi Công đồng kết thúc công việc của mình, “cần phải trình bày rõ ràng hơn các khái niệm quan trọng của Công đồng Vatican II, nền tảng của các lập luận, tầm nhìn thần học và mục vụ, các lập luận và phương pháp mà Công đồng đã sử dụng”.

Công đồng khẳng định tầm nhìn về “một Giáo hội cởi mở, đối thoại với thế giới”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Và cuộc đối thoại đó đã nhấn mạnh một cách rõ ràng rằng cần có “một Giáo hội đặt mình vào việc phục vụ nhân loại, chăm sóc công trình sáng tạo, công bố và hiện thực hóa tinh thần huynh đệ phổ quát mới, trong đó các mối tương quan của con người được chữa lành khỏi sự ích kỷ và bạo lực, và đồng thời được thiết lập dựa trên tình yêu thương, sự đón nhận và liên đới”.

Đồng thời, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cảnh báo rằng thông điệp Kitô giáo không bao giờ được thu gọn vào một chương trình xã hội cũng như không thể tách rời nó ra khỏi cuộc sống thực đến mức nó chỉ tập trung vào đời sống tâm linh và đời sống mai hậu.

“Trọng tâm của Tin Mừng là sự công bố về Vương quốc của Thiên Chúa, đó là con người của Chúa Giêsu — Đấng Emmanuel và Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, Đức Thánh Cha viết. “Trên thực tế, nơi Người, Thiên Chúa biểu lộ một cách dứt khoát kế hoạch của tình yêu của Người đối với nhân loại, thiết lập quyền thống trị của Người trên mọi loài tạo hóa và đưa vào lịch sử nhân loại hạt giống của sự sống thần thiêng, vốn biến đổi nó từ bên trong”.

Vương quốc của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha nói, “là một thực tại sống động, năng động, mời gọi chúng ta hoán cải và đòi hỏi đức tin của chúng ta thoát ra khỏi bản chất tĩnh tại của một sự sùng đạo mang tính cá nhân hoặc một sự sùng đạo bị giảm xuống chỉ còn là việc tuân giữ Lề luật, thay vào đó là một cuộc tìm kiếm, một cách không ngừng nghỉ và liên tục, Thiên Chúa và Lời của Người, mà hằng ngày kêu gọi chúng ta cộng tác vào công việc của Thiên Chúa trong những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống và xã hội”.

Mặc dù Vương quốc của Thiên Chúa sẽ chỉ được thiết lập hoàn toàn vào thời sau hết, nhưng Chúa Giêsu đã bắt đầu xây dựng Vương quốc đó và Ngài tiếp tục làm như vậy, đòi hỏi mỗi người Kitô hữu phải tham gia vào nỗ nỗ lực đó, Đức Thánh Cha nói. “Mỗi người chúng ta có thể góp phần thực hiện công việc của Vương quốc của Thiên Chúa trên thế giới, mở ra không gian của sự cứu rỗi và giải thoát, gieo rắc niềm hy vọng, thách thức thứ logic chết chóc của sự ích kỷ với tinh thần huynh đệ của Tin Mừng, cam kết dấn thân thực thi bác ái và liên đới hầu giúp đỡ những người lân cận của chúng ta, đặc biệt là những người nghèo nhất”.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube