Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Đừng sợ sự thinh lặng’

Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Hội trường Paul VI tại Vatican, ngày 15 tháng 12 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô bên trong Hội trường Phaolô VI tại Vatican, thứ Tư ngày 15 tháng 12 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Dưới đây là nội dung bài chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư hàng tuần của Đức Thánh Cha Phanxicô, được đưa ra vào ngày 15 tháng 12 năm 2021.

Anh chị em thân mến, mến chào toàn thể anh chị em!

Chúng ta hãy tiếp tục hành trình suy niệm về Thánh Giuse. Sau khi giải thích về bối cảnh nơi Thánh Giuse sinh sống, vai trò của Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ, sự công chính của Thánh Giuse, và là Đấng phối ngẫu của Đức Trinh Nữ Maria, hôm nay tôi muốn xem xét một khía cạnh cá nhân quan trọng khác: sự thinh lặng. Ngày nay chúng ta rất cần sự thinh lặng. Sự thinh lặng quả thực vô cùng quan trọng. Tôi bị ấn tượng bởi một câu trong Sách Khôn Ngoan đã được đọc trong dịp lễ Giáng sinh mà tôi luôn ghi nhớ: “Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu”. Chính trong khoảnh khắc của sự thinh lặng sâu thẳm nhất, Thiên Chúa đã biểu lộ chính mình. Điều quan trọng là phải suy tư về sự thinh lặng trong thời đại mà nó dường như không được coi trọng.

Các sách Tin Mừng không ghi chép bất cứ một lời nào do Thánh Giuse người Nazareth thốt ra: không có lời nào cả, Thánh Giuse chưa bao giờ thốt lên bất cứ lời nào. Điều này không có nghĩa Thánh Giuse là người không cởi mở hay trầm mặc, không phải vậy: có một lý do sâu xa hơn khiến các sách Tin Mừng không ghi chép một lời nào của Ngài. Với sự thinh lặng của mình, Thánh Giuse đã khẳng định điều Thánh Augustinô đã viết: “Trong chừng mực để Lời – tức là Ngôi Lời làm người – lớn lên trong chúng ta, lời nói phải giảm bớt đi”.

Trong chừng mực để Chúa Giêsu, đời sống thiêng liêng, lớn lên, thì mọi lời nói phải giảm bớt đi. Điều chúng ta có thể mô tả là “nói như vẹt”, nói như những con vẹt, nói liên tục, phải giảm bớt một chút. Chính Gioan Tẩy Giả, “tiếng kêu trong hoang địa: ‘Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa’” (Mt 3, 3), đã nói trong mối liên hệ với Lời rằng: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3:30). Điều này có nghĩa là Người phải lên tiếng và tôi phải thinh lặng, và qua sự thinh lặng của Người, Thánh Giuse mời gọi chúng ta nhường chỗ cho sự hiện diện của Ngôi Lời đã trở nên người phàm, cho Chúa Giêsu.

Sự thinh lặng của Thánh Giuse không phải là hành động làm thinh, Ngài không trầm mặc; đó là một sự thinh lặng trong tâm thế đầy lắng nghe, một sự thinh lặng cần mẫn, một sự thinh lặng làm bộc lộ nội tâm tuyệt vời của Ngài. “Chúa Cha phán một lời, và lời đó là Con của Người”, Thánh Gioan Thánh Giá nhận xét, và lời đó luôn luôn được phán ra trong sự thinh lặng vĩnh hằng, và trong sự thinh lặng, lời đó phải được lắng nghe bằng cả tâm hồn”.

Chúa Giêsu đã được lớn lên trong “trường học” này, trong ngôi nhà Nazareth, với mẫu gương hàng ngày của Đức Maria và Thánh Giuse. Và không có gì ngạc nhiên khi chính Người đã tìm kiếm những khoảng lặng trong ngày (x. Mt 14,23) và mời gọi các môn đệ của Người có được kinh nghiệm như thế, Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6:31).

Thật tốt đẹp biết bao nếu mỗi người chúng ta, theo gương Thánh Cả Giuse, có thể tìm lại chiều kích chiêm niệm trong cuộc sống, được mở rộng ra trong sự thinh lặng. Nhưng tất cả chúng ta đều nhận thức được từ kinh nghiệm rằng điều đó quả không hề dễ dàng chút nào: sự thinh lặng khiến chúng ta có đôi chút sợ hãi, bởi vì nó đòi hỏi chúng ta phải đào sâu hơn về bản thân và đối mặt với phần chúng ta vốn là một thực tế. Và nhiều người sợ sự thinh lặng, họ phải nói, và nói, và nói, hoặc nghe đài, truyền hình … nhưng họ không thể chấp nhận sự thinh lặng vì họ sợ. Nhà toán học và triết học Pháp Blaise Pascal đã nhận xét rằng “tất cả những bất hạnh của con người đều xuất phát từ một thực tế duy nhất, đó là họ không thể ngồi yên một mình trong phòng”.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy học nơi Thánh Giuse cách nuôi dưỡng những khoảng không gian thinh lặng mà qua một Lời khác có thể xuất hiện, đó là Chúa Giêsu, Ngôi Lời: đó là Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta, Đấng mà Chúa Giêsu mang đến. Thật không dễ để nhận ra Tiếng nói đó, vốn rất hay bị nhầm lẫn cùng với muôn ngàn tiếng nói của sự lo lắng, của những cám dỗ, ham muốn và hy vọng đang ẩn náu trong chúng ta; nhưng nếu không có sự đào luyện vốn xuất phát từ việc thực hành sự thinh lặng này, thì miệng lưỡi của chúng ta cũng có thể gây ra sự đua khổ. Nếu không thực hành sự lặng, miệng lưỡi của chúng ta cũng có thể gây đau khổ. Thay vì làm cho sự thật được tỏa sáng, nó có thể trở thành một thứ vũ khí nguy hiểm.

Thật vậy, lời nói của chúng ta có thể trở thành sự xu nịnh, khoác lác, dối trá, nói hành nói xấu và vu khống. Có một sự thật đã được chứng minh rằng, như Sách Huấn Ca nhắc nhở chúng ta, “có nhiều kẻ gục ngã vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người? (Hc 28,18), miệng lưỡi con người gây ra sự giết chóc nhiều hơn cả lưỡi kiếm. Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: ai nói hành nói xấu anh chị em mình, ai phỉ báng những người thân cận của mình, đều là kẻ giết người (x. Mt 5, 21-22). Giết người bằng miệng lưỡi. Chúng ta không tin điều này, nhưng đó là sự thật. Chúng ta hãy nghĩ một chút về những lần chúng ta đã giết người bằng miệng lưỡi: Chúng ta sẽ rất hổ thẹn! Nhưng điều đó sẽ rất tốt cho chúng ta.

Sự khôn ngoan trong Kinh Thánh khẳng định rằng “Sống hay chết đều do cái lưỡi, ai yêu chuộng nó, sẽ lãnh nhận hậu quả” (Cn 18:21). Và Thánh Gia-cô-bê Tông đồ, trong Thư mà chúng ta đã đọc ở phần đầu, đã khai triển chủ đề cổ xưa này về sức mạnh, sự tích cực và tiêu cực, của lời nói này với những ví dụ nổi bật, và Ngài nói: “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân… Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn…  Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa” (Gc 3: 2-10).

 Đây là lý do tại sao chúng ta phải học nơi Thánh Giuse để trau dồi sự thinh lặng: không gian nội tâm trong thời đại của chúng ta, qua đó chúng ta để cho Chúa Thánh Thần cơ hội để tái tạo chúng ta, an ủi chúng ta và sửa chữa chúng ta. Tôi không nói là rơi vào tình trạng câm lặng, không phải vậy, nhưng là sự thinh lặng. Nhưng một cách rất thường xuyên, mỗi người trong chúng ta đều nhìn vào bên trong, khi chúng ta đang làm việc gì đó và khi chúng ta hoàn thành, ngay lập tức chúng ta tìm kiếm điện thoại của mình để thực hiện một cuộc gọi khác …. Chúng ta luôn như vậy. Và điều này không giúp ích được gì, điều này khiến chúng ta rơi vào tình trạng hời hợt. Bề sâu của tâm hồn lớn lên cùng với sự thinh lặng, sự thinh lặng không phải là sự câm lặng như tôi đã nói, mà là khoảng trống dành cho sự khôn ngoan, dành cho sự suy tư và Chúa Thánh Thần. Chúng ta sợ những khoảnh khắc của sự thinh lặng. Chúng ta đừng sợ! Điều đó quả thực sẽ rất tốt cho chúng ta.

Và những ích lợi cho tâm hồn của chúng ta cũng sẽ chữa lành miệng lưỡi của chúng ta, lời nói của chúng ta và trên tất là cả những lựa chọn của chúng ta. Thật vậy, Thánh Giuse đã kết hợp sự thinh lặng với hành động. Thánh Giuse không nói, nhưng Ngài đã hành động, và do đó thể hiện điều Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21). Thinh lặng, nói những điều đúng đắn, cắn nhẹ vào lưỡi đôi khi tốt cho anh chị em thay vì nói những điều vô nghĩa.

Chúng ta hãy kết thúc với lời kinh nguyện:

Lạy Thánh Giuse, con người của sự thinh lặng,
trong Tin Mừng ngài đã không
thốt lên bất cứ một lời nào,
xin dạy chúng con đừng nói những lời vô ích,
ngõ hầu chúng con có thể tái khám phá giá trị của những lời nói khai trí, khuyến khích, an ủi và nâng đỡ.
Xin gần gũi những người phải chịu đựng những lời nói
gây tổn thương,
chẳng hạn như vu khống và đâm thọc sau lưng,
và xin giúp chúng con luôn kết hợp lời nói với
hành động. Amen!

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube