Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đưa 50 người di cư từ đảo Síp đến Ý

Giáo hoàng Francis chào đón một người di cư tại một trung tâm chào đón gần Cesena, Ý vào ngày 1 tháng 10 năm 2017. | L'Osservatore Romano)

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón một người di cư tại một trung tâm chào đón gần Cesena, Ý vào ngày 1 tháng 10 năm 2017 (Ảnh: L’Osservatore Romano)

Theo như đưa tin, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể giúp đưa tới 50 người di cư đến Ý trong chuyến Tông du đến quốc đảo Síp và Hy Lạp trong tuần này.

Phát ngôn viên chính phủ Síp Marios Pelekanos cho biết rằng Vatican muốn thu xếp việc chuyển những người di cư hiện đang ở Síp đến Rome, Reuters đưa tin vào ngày 26 tháng 11 vừa qua.

“Đây là một biểu hiện hữu hình về tinh thần liên đới của người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã đối với những người cần được giúp đỡ, đồng thời khẳng định rằng Vatican thừa nhận vấn đề mà Cộng hòa Síp phải đối mặt ngày nay do dòng người di cư gia tăng và sự cần thiết đối với việc phân phối công bằng giữa các các quốc gia thành viên EU”, phát ngôn viên Pelekanos cho biết.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ khởi hành đến quốc đảo Síp ở Địa Trung Hải vào thứ Năm tuần này trong chuyến viếng thăm kéo dài 5 ngày cũng sẽ đưa ngài đến Hy Lạp. Chuyến viếng thăm dự kiến sẽ làm nổi bật hoàn cảnh của những người di cư đang tìm cách vào châu Âu, chủ yếu đến từ Trung Đông và châu Phi.

Lần gần đây nhất Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Hy Lạp, vào năm 2016, ngài đã đưa ba gia đình người tị nạn Syria từ trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos trở về Rôma cùng với ngài.

Trong số những người tị nạn được tái định cư với sự giúp đỡ của Đức Thánh Cha đó là Majid Alshakarji, người đã thoát khỏi cuộc nội chiến Syria khi mới 15 tuổi.

5 năm sau, Alshakarji hiện đang theo học tại một trường đại học ở Rôma để trở thành nha sĩ và tình nguyện viên với Cộng đồng Công giáo Sant’Egidio, giúp chào đón những người tị nạn mới đến Ý.

“Chúng tôi đã được phép có một cuộc sống mới ở một đất nước mới… Đó quả là một trải nghiệm hết sức tuyệt vời”, Alshakarji phát biểu với CNA vào năm 2020.

Cộng đồng Sant’Egidio đã giúp tổ chức việc đưa 70 người tị nạn Syria đến Rôma vào ngày 29 tháng 11.

Những người tị nạn, từng sống trong các trại tị nạn ở Liban, đến Ý thông qua các hành lang nhân đạo do phong trào Công giáo phối hợp với Liên đoàn các Giáo hội Tin lành ở Ý và chính phủ Ý thúc đẩy.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần thúc giục các chính phủ đừng “đánh mất đi bộ mặt con người của vấn đề di cư”.

Gần đây nhất, trong một thông điệp vào ngày 29 tháng 11 đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức Di cư Quốc tế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê phán “tiêu chuẩn kép” đặt lợi ích kinh tế lên trước “nhu cầu và phẩm giá của con người”.

“Mặt khác, tại thị trường các nước có thu nhập trung bình cao, lao động nhập cư đang có nhu cầu cao và được chào đón như một cách thức để bù đắp sự thiếu hụt. Mặt khác, những người di cư thường bị từ chối và phải chịu đựng những thái độ xúc phạm của nhiều cộng đồng tiếp đón họ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Xu hướng này đặc biệt rõ ràng trong các giãn cách xã hội do COVID-19, khi nhiều lao động ‘thiết yếu’ là những người di cư, nhưng họ không được hưởng các lợi ích của các chương trình viện trợ kinh tế COVID-19 hoặc thậm chí không được tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe cơ bản và tiêm chủng”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm.

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tổ chức của Liên Hợp Quốc đã được đọc bởi Đức Hồng y Pietro Parolin trong một thông điệp video.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “chúng ta không bao giờ được quên rằng đây không phải là những số liệu thống kê, mà là những con người thực có cuộc sống đang bị đe dọa”.

“Bắt nguồn từ kinh nghiệm hàng thế kỷ của mình, Giáo hội Công giáo và các tổ chức của mình sẽ tiếp tục sứ mạng chào đón, bảo vệ, khuyến khích và hòa nhập tất cả những người phải sống cảnh nay đây mai đó”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube