Đức Phanxicô: Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ phải đưa ra 'các phản ứng hiệu quả' đối với cuộc khủng hoảng sinh thái


Đức Thánh Cha Phanxicô đọc thông điệp của mình được phát trên Đài BBC Radio 4 vào ngày 29 tháng 10 năm 2021. | Ảnh chụp màn hình từ kênh YouTube Vatican News)

Đức Thánh Cha Phanxicô đọc thông điệp của mình được phát trên Đài BBC Radio 4 vào ngày 29 tháng 10 năm 2021 (Ảnh chụp màn hình từ kênh YouTube Vatican News)

Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các tham dự viên tham gia hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc đang diễn ra tại Scotland đưa ra “các phản ứng hiệu quả” đối với cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu.

Ngay trước Hội nghị COP26 ở Glasgow, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi trên chương trình tin tức buổi sáng hàng đầu “Today” của BBC Radio 4.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Các nhà đưa ra quyết định chính trị sẽ gặp nhau tại Hội nghị COP26 ở Glasgow được triệu tập khẩn cấp nhằm đưa ra các biện pháp ứng phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay, và bằng cách này, mang lại hy vọng cụ thể cho các thế hệ tương lai”.

“Và điều đáng phải nhắc lại là mỗi chúng ta – dù chúng ta là ai và ở đâu – đều có thể đóng góp vai trò của mình trong việc thay đổi phản ứng của tập thể trước mối đe dọa chưa từng có của vấn đề biến đổi khí hậu và sự xuống cấp của ngôi nhà chung của chúng ta”.

Đây là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô ghi lại một thông điệp đặc biệt cho British Broadcasting Corp., thông tấn xã quốc gia của Vương quốc Anh.

Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng thứ hai đưa ra những suy tư của mình trong chuyên mục “Thought for the Day” trên BBC Radio 4. Người đầu tiên là Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, người đã ghi lại một thông điệp Giáng sinh vào năm 2010, sau chuyến viếng thăm Anh kéo dài bốn ngày vào tháng 9 năm đó.

“Những cuộc khủng hoảng này cho chúng ta thấy sự cần thiết cần phải đưa ra những quyết định triệt để mà không phải lúc nào cũng dễ dàng”.

Trong chuyên mục “Thought For The Day” của BBC Radio 4, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng các cuộc đàm phán về khí hậu COP phải mang lại hy vọng cho các thế hệ tương lai.

Trong phần suy tư của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhà khoa học tại Vatican vào ngày 4 tháng 10 để ký một lời kêu gọi chung thúc giục các quốc gia “đạt được mức phát thải carbon ròng sớm nhất có thể”.

Phát biểu bằng tiếng Ý với thuyết minh tiếng Anh, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi đã bị đánh động bởi điều mà một nhà khoa học đã trình bày trong cuộc gặp gỡ đó. Ông ấy nói với chúng tôi: ‘Nếu mọi thứ tiếp tục như vậy, trong 50 năm nữa, đứa cháu gái bé bỏng mới chào đời của tôi sẽ phải sống trong một thế giới không thể sống được’. Chúng ta không thể cho phép điều này xảy ra!”.

“Điều cần thiết là mỗi chúng ta phải cam kết thực hiện sự thay đổi cấp bách đường hướng này, được duy trì bởi đức tin và linh đạo của chính chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã luôn tìm cách khuyến khích các nỗ lực bảo vệ môi trường kể từ khi đắc cử Giáo hoàng vào năm 2013. Ngài đã ban hành Thông điệp Laudato Si’ vào năm 2015, trước thềm Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc tại Paris, nơi đã đàm phán Thỏa thuận Paris.

Hội nghị thượng đỉnh Glasgow, diễn ra từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 12 tháng 11, sẽ khuyến khích các chính phủ đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Ban đầu, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ tham dự sự kiện này. Nhưng vào đầu tháng này, Vatican đã đưa ra thông báo rằng ngài sẽ không có mặt. Phái đoàn của Vatican sẽ do Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin, dẫn đầu.

Hội nghị thượng đỉnh bị giáng một đòn mạnh hơn khi có thông tin xác nhận rằng cả nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Nga Putin đều sẽ không tham dự cuộc họp. Trung Quốc và Nga cùng chịu trách nhiệm về khoảng 32% lượng khí thải CO2 toàn cầu.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh sau cuộc gặp gỡ của ông với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican vào ngày thứ Sáu.

Trong thông điệp của mình, được ghi tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng sự kết hợp của vấn đề biến đổi khí hậu và đại dịch coronavirus đã làm bộc lộ “tính dễ bị tổn thương sâu sắc” của thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta tự nhận thấy mình ngày càng yếu đuối và thậm chí là sợ hãi, bị cuốn vào liên tiếp các cuộc ‘khủng hoảng’ trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, môi trường, nguồn cung ứng thực phẩm và kinh tế, chưa kể đến các cuộc khủng hoảng xã hội, nhân đạo và đạo đức”.

“Tất cả những cuộc khủng hoảng này có mối liên hệ sâu sắc với nhau. Chúng cũng dự báo về một ‘tình huống tồi tệ nhất’ vốn có thể phá vỡ các mối liên kết đang kết nối xã hội của chúng ta lại với nhau trong món quà tuyệt vời hơn là công trình sáng tạo của Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha tiếp tục: “Mọi cuộc khủng hoảng đều đòi hỏi tầm nhìn, khả năng hình thành kế hoạch và nhanh chóng biến chúng vào hành động, cân nhắc về tương lai của thế giới, ngôi nhà chung của chúng ta và đánh giá lại mục đích chung của chúng ta”.

“Những cuộc khủng hoảng này cho chúng ta thấy sự cần thiết cần phải đưa ra những quyết định, những quyết định triệt để mà không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đồng thời, những thời khắc khó khăn như thế này cũng mang đến những cơ hội, những cơ hội mà chúng ta không được lãng phí”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng các quốc gia phải đối mặt với sự lựa chọn “rút lui vào chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa bảo hộ và sự bóc lột” hoặc đón nhận sự thay đổi tích cực.

“Chỉ riêng cách tiếp cận cuối cùng này có thể hướng chúng ta đến một chân trời tươi sáng hơn. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể được theo đuổi thông qua ý thức đổi mới về tinh thần trách nhiệm chung đối với thế giới của chúng ta, và sự liên đới hiệu quả dựa trên công lý, ý thức về vận mệnh chung của chúng ta, và nhìn nhận sự hợp nhất của gia đình nhân loại trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho thế giới”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha tiếp tục: “Tất cả những điều này thể hiện một thách đố lớn về văn hóa. Nó đồng nghĩa với việc ưu tiên vấn đề công ích, và nó kêu gọi một sự thay đổi trong quan điểm, một cách nhìn mới, trong đó phẩm giá của mỗi con người, hiện tại và trong tương lai, sẽ hướng dẫn cách suy nghĩ và hành động của chúng ta”.

“Bài học quan trọng nhất mà chúng ta có thể rút ra từ những cuộc khủng hoảng này đó là chúng ta cần phải cùng nhau xây dựng, để không còn bất kỳ biên giới, rào cản hay bức tường chính trị nào cho chúng ta ẩn nấp phía sau”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube