Đức Phanxicô: 'Chiến tranh phải kết thúc nếu không thế giới có nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân'

Sự phá hủy từ một vụ tấn công tên lửa gần đây của Nga nhắm vào Zaporizhzhia (Ảnh: AFP)

Cảnh tàn phá từ một vụ tấn công tên lửa gần đây của Nga nhắm vào Zaporizhzhia (Ảnh: AFP)

Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến việc phát hành cuốn sách mới của mình “Tôi nhân danh Chúa mà cầu xin bạn. Mười lời Cầu nguyện cho một Tương lai Hy vọng”, và đồng thời đưa ra lời cầu khẩn tha thiết để các quốc gia gác lại chiến tranh và mối đe dọa hủy diệt hạt nhân.

Hôm Chúa nhật, tờ báo tiếng Ý “La Stampa” đã đăng một đoạn trích trong cuốn sách mới của Đức Thánh Cha Phanxicô, vốn sẽ được bày bán trên các kệ sách bằng tiếng Ý vào thứ Ba, ngày 18 tháng 10.

Với tựa đề “Tôi cầu xin Ngài NhânDanh Thiên Chúa. Mười lời Cầu nguyện cho một Tương lai Hy vọng”, cuốn sách mới của Đức Thánh Cha Phanxicô do Hernan Reyes Alcaide biên tập và Edizioni Piemme xuất bản. Cuốn sách được phát hành nhằm chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 10 năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha vào ngày 13 tháng 3 năm 2023.

Trong cuốn sách, Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra lời kêu gọi chung cho các quốc gia và các dân tộc cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, nơi hòa bình ngự trị.

Lên án chiến tranh một cách rõ ràng

Đoạn trích được phát hành hôm Chúa nhật bắt đầu với việc Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng Giáo huấn của Giáo hội bác bỏ ý tưởng rằng chiến tranh có thể giải quyết các vấn đề giữa các quốc gia, đồng thời nhấn mạnh rằng chiến tranh “luôn luôn là một sự thất bại đối với nhân loại”.

(Ảnh: AP)

(Ảnh: AP)

Đức Thánh Cha cho biết cuộc chiến ở Ukraine, bắt đầu bằng cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2, đã bộc lộ những nỗi kinh hoàng do chiến tranh gây ra.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc lại sự nối tiếp nhanh chóng của hai cuộc chiến tranh thế giới của thế kỷ trước và đồng thời cho biết chúng ta hiện đang trải qua “một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra từng phần” có nguy cơ mở rộng thành một cuộc xung đột toàn cầu quy mô lớn.

“Trước sự bác bỏ rõ ràng của các vị tiền nhiệm của tôi, các sự kiện trong hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này buộc tôi phải nói rõ thêm rằng không có bất kỳ một nguyên nhân nào mà trong đó một cuộc chiến tranh có thể được coi là chính đáng. Không bao giờ có chỗ cho sự man rợ của chiến tranh, đặc biệt là khi sự tranh chấp chiếm được một trong những mặt bất công nhất của nó: cái gọi là ‘chiến tranh phòng ngừa’”.

Đối thoại và hy vọng là những con đường khả thi

Chiến tranh, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục, không bao giờ là chính đáng và không bao giờ có thể hành động như một giải pháp.

Thay vào đó, Đức Thánh Cha nói, các quốc gia phải tham gia vào việc “đối thoại, đàm phán, lắng nghe, ngoại giao sáng tạo và chính trị có tầm nhìn xa vốn có thể xây dựng một hệ thống không dựa trên sức mạnh của vũ khí hoặc chiến lược răn đe”.

Hòa bình luôn phải là mục tiêu của một nền chính trị tốt đẹp và các Kitô hữu tốt lành phải luôn tìm cách đối thoại với những người khác, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm.

“Tất cả chúng ta phải làm việc cùng nhau để mở đường cho một niềm hy vọng chung. Tất cả chúng ta đều có thể và phải tham gia vào quá trình xây dựng hòa bình xã hội này”.

Sự đe dọa của việc buôn bán vũ khí và súng cá nhân

Suy tư về việc phổ biến vũ khí, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết việc buôn bán vũ khí là một trong những hành động ô nhục về luân lý tồi tệ nhất trong thời đại của chúng ta, cùng với việc đóng cửa biên giới quốc gia đối với những người tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi lãnh đạo các quốc gia chấm dứt việc buôn bán vũ khí và có đủ can đảm và sáng tạo để thay thế những kẻ buôn bán vũ khí bằng những doanh nghiệp thúc đẩy công ích, tình huynh đệ và sự phát triển toàn diện của con người.

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ lo ngại về việc phổ biến súng cá nhân, mà theo ngài đã dẫn đến sự gia tăng của các vụ xả súng hàng loạt và cái chết do tai nạn của trẻ nhỏ khi cất giữ súng không đúng cách.

Lựa chọn sống phụ thuộc vào chúng ta

Kế đến, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xem xét mối đe dọa hủy diệt hạt nhân mà ngài cho biết rằng cuộc chiến ở Ukraine có nguy cơ mở ra.

Sở hữu vũ khí hạt nhân là hành động trái với luân lý, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại, đồng thời cho biết rằng việc sở hữu chúng phá hoại con đường đối thoại và sự tôn trọng.

Vũ khí hạt nhân cũng đe dọa sự tồn tại của nhân loại trên trái đất, Đức Thánh Cha lưu ý.

“Ngày nay, quả thực không thể chấp nhận được và vô lương tâm khi chúng ta tiếp tục lãng phí các nguồn lực để sản xuất những loại vũ khí này, trong khi một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng bùng phát dẫn đến những hậu quả về sức khỏe, lương thực và khí hậu và không bao giờ có đủ số tiền đầu tư”.

Lựa chọn theo đuổi con đường bất bạo động và tiếp tục sự tồn tại, Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận, phụ thuộc vào chúng ta.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube