Đức Hồng y Parolin: ‘Giáo hội theo chủ nghĩa hòa bình vì Giáo hội tin tưởng và chiến đấu cho hòa bình’

Đức Hồng y Pietro Parolin trong chuyến viếng thăm Nam Sudan gần đây

Đức Hồng y Pietro Parolin trong chuyến viếng thăm Nam Sudan gần đây

Một cuộc phỏng vấn với Quốc Vụ Khanh Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin, về hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh, được xuất bản bởi tạp chí địa chính trị Ý “Limes” với tiêu đề “Cuộc Đại Chiến”.

“Các hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh không liên quan đến một quốc gia những liên quan đến một thực tế của luật pháp quốc tế vốn không có lợi ích chính trị, kinh tế, quân sự. Nó đặt mình vào việc phục vụ vị Giám mục thành Rôma, Chủ chăn của Giáo hội hoàn vũ”.

Trên đây là những lời mở đầu của cuộc phỏng vấn với Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Vatican Pietro Parolin, được đăng trên tạp chí Limes số mới nhất có tựa đề “Cuộc Đại Chiến” (The Great War), do Lucio Caracciolo và Gugliemo Gallone biên tập.

Cuộc phỏng vấn đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau, từ chính sách ngoại giao của Tòa Thánh, vốn mang tính toàn cầu vì “các vị đại diện của Đức Giáo hoàng đến từ các Giáo hội địa phương trên khắp thế giới” và với “chức năng Giáo hội rõ ràng”, cho đến vấn đề địa chính trị, vốn “không thể thiếu để thực thi nghiệp vụ ngoại giao một cách hiệu quả nhất có thể”. Cuộc phỏng vấn cũng khám phá vai trò quốc tế của Đức Thánh Cha Phanxicô – một biểu tượng cùng với các vị tiền nhiệm của ngài – về “một Giáo hội ít mang tính châu Âu hơn”, cho đến “một cái nhìn đa phương về các vấn đề quốc tế”, cũng như hoạt động ngoại giao lâu dài của Đức Hồng y Parolin, mà qua đó ngài tạ ơn Chúa vì đã ban ân sủng để đồng hành với phái đoàn ngoại giao với chứng tá linh mục. Một vấn đề khác là đặc tính phổ quát của Giáo hội trong một thế giới phức tạp và bị chia cắt, được đặc trưng bởi “Chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra từng phần” mà Đức Thánh Cha Phanxicô, trong nhiều năm, đã liên tục đề cập.

Trong tất cả những điều này, kim chỉ nam để theo đuổi đó là Tin Mừng – “việc công bố hòa bình, lời hứa và món quà bình an”, Đức Hồng y Parolin giải thích, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “tất cả các trang Tin Mừng đều chứa đầy những điều này”. Đức Hồng y Parolin lưu ý rằng “các thiên thần đã loan báo điều đó vào thời điểm Chúa Giêsu giáng sinh tại Bethlehem. Chính Ngài đã cầu chúc điều đó ngay khi Ngài phục sinh. Giáo hội noi gương Chúa Giêsu: Giáo hội tin vào hòa bình, nỗ lực dấn thân cho hòa bình, chiến đấu cho hòa bình, làm chứng cho hòa bình và tìm cách xây dựng hòa bình. Theo nghĩa này, Giáo hội là người theo chủ nghĩa hòa bình”.

Liên quan đến việc sử dụng vũ khí, Đức Hồng y Parolin chỉ ra rằng “Giáo lý của Giáo hội Công giáo quy định về quyền tự vệ. Mọi người có quyền tự vệ nếu bị tấn công. Nhưng hành động tự vệ có vũ trang này phải được thực hiện trong những điều kiện nhất định mà Giáo lý của Giáo hội Công giáo đã liệt kê: tất cả các phương tiện khác để chấm dứt hành vi xâm lược đã được chứng minh là không thể thực hiện được hoặc không hiệu quả; có những lý do có cơ sở để thành công; việc sử dụng vũ khí không gây ra những điều tồi tệ sai trái và sự xáo trộn lớn hơn những điều cần bị loại bỏ”.

Việc sử dụng vũ khí

Trước tình trạng sử dụng vũ khí không cân xứng và thiếu thận trọng ở nhiều nơi trên thế giới, Đức Hồng Y Parolin chỉ ra rằng “chiến tranh bắt đầu từ chính tâm hồn con người” và “mọi sự xúc phạm đều đẩy hòa bình ra xa và khiến bất kỳ cuộc đàm phán nào trở nên khó khăn hơn”. Đức Thánh Cha Phanxicô thường lặp lại điều này trong các lời kêu gọi của mình. Tuy nhiên, Đức Hồng y Parolin lưu ý, “tiếng nói của Đức Thánh Cha thường là ‘vox clamantis in deserto’ (tiếng kêu trong hoang địa). Đó là một tiếng nói tiên tri của sự tiên tri nhìn xa trông rộng. Nó giống như hạt giống gieo vào lòng đất cần có mảnh đất màu mỡ mới có thể đơm hoa kết trái. Nếu các tác nhân chính trong cuộc xung đột không cân nhắc những lời nói của mình, một cách đáng tiếc, sẽ chẳng có gì xảy ra, chẳng đạt được điều gì, cuộc chiến không thể kết thúc”.

“Thậm chí hiện nay”, Đức Hồng Y Parolin tiếp tục, “trong thảm kịch của Ukraine, dường như không có bất kỳ sự sẵn sàng nào để tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình thực sự và chấp nhận lời đề nghị hòa giải giữa các bên. Rõ ràng, nếu chỉ một trong các bên đề xuất hoặc đưa ra giả thuyết về vấn đề này một cách đơn phương thì chưa đủ, nhưng cả hai bắt buộc phải bày tỏ thiện chí của mình về vấn đề này. Một lần nữa, những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn chỉ là tiếng kêu trong hoang địa. Tuy nhiên, những lời của Đức Thánh Cha vẫn là một bằng chứng có giá trị cao nhất, ảnh hưởng đến nhiều lương tâm, khiến mọi người nhận thức rõ hơn rằng hòa bình và chiến tranh bắt đầu từ chính tâm hồn chúng ta và tất cả chúng ta đều được kêu gọi đóng góp để thúc đẩy hòa bình và tránh chiến tranh”.

Được thúc giục bởi những câu hỏi khác liên quan đến Ukraine, Đức Hồng y Parolin thừa nhận “khả năng có một bước nhảy vọt tiêu cực đối với các thành phần tham gia vào một cuộc xung đột trong thế giới thực. Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn chưa thể lường trước hoặc tính toán được hậu quả của những sự việc đang xảy ra. Hàng nghìn người chết, nhiều thành phố bị phá hủy, hàng triệu người phải di tản, môi trường tự nhiên bị tàn phá, nguy cơ đói kém do thiếu ngũ cốc ở rất nhiều nơi trên thế giới, cuộc khủng hoảng năng lượng … Làm thế nào chúng ta lại không nhận ra rằng phản ứng khả thi duy nhất, con đường khả thi duy nhất về phía trước, triển vọng khả thi duy nhất là chấm dứt việc sử dụng vũ khí và thúc đẩy một nền hòa bình công bằng và lâu dài?”.

Các chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến các quốc gia đang xảy ra xung đột

Về khả năng có một chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến các quốc gia đang bị xung đột ở Đông Âu, Quốc Vụ Khanh Vatican chỉ ra rằng mong muốn lớn nhất của Đức Thánh Cha, “và do đó cũng chính là ưu tiên của ngài” đó là “thông qua các chuyến đi của ngài có thể đạt được lợi ích cụ thể. Với suy nghĩ này, Đức Thánh Cha cho biết ngài muốn đến Kyiv để mang lại niềm an ủi và hy vọng cho những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Tương tự như vậy, ngài tuyên bố sẵn sàng tới Moscow, với những điều kiện thực sự hữu ích cho vấn đề hòa bình”.

Đức Hồng Y Parolin tiếp tục lưu ý rằng đối thoại giữa Rôma và Moscow là một “cuộc đối thoại khó khăn, tiến hành từng bước nhỏ và cũng trải qua những thăng trầm”, nhưng “nó không hề bị gián đoạn”. Cuộc gặp gỡ tại Giêrusalem giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill đã bị hoãn lại vì “nó đã bị nhầm lẫn và sức nặng của cuộc chiến đang diễn ra ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc gặp gỡ này”.

Một phần quan trọng của cuộc phỏng vấn được dành cho thỏa thuận bí mật giữa Tòa Thánh và Trung Quốc.

“Cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, Quốc Vụ Khanh Vatican nói, “bắt đầu theo đề nghị của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và tiếp tục trong các Triều đại Giáo hoàng của Đức Benedict XVI và Đức Phanxicô, dẫn đến việc ký kết thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm Giám mục ở Trung Quốc vào năm 2018. Chính đặc điểm của thỏa thuận tạm thời đã khuyến cáo các bên không được công khai nó, phải chờ xác minh chức năng của nó trên thực tế và đưa ra quyết định.

Hơn nữa, Đức Hồng Y Parolin cho biết thêm, “đối với việc đánh giá các kết quả của thỏa thuận, đối với tôi dường như tôi có thể nói rằng các bước tiến về phía trước đã được thực hiện, nhưng không phải tất cả các trở ngại và khó khăn đã được vượt qua, và do đó vẫn còn một cách để có thể áp dụng hiệu quả và thông qua đối thoại chân thành, có thể cải thiện nó”.

Nếu Caracciolo và Gallone chỉ ra rằng trong thế giới đương đại “các cường quốc dường như không còn có thể hiểu nhau”, “các quy tắc lâu đời và các thói quen ngoại giao bị vi phạm”, và “các giọng điệu luận chiến đi xa như những lời lăng mạ đẫm máu giữa các nguyên thủ quốc gia”, hy vọng của Đức Hồng y Parolin đó là tất cả các nhà ngoại giao đều có cái nhìn chung, cam kết bảo vệ phẩm giá và các quyền cơ bản, bảo vệ những người yếu thế nhất và thấp kém nhất trên trái đất, và nỗ lực dấn thân bảo vệ sự sống. Học cách “hít thở theo nhịp điệu của tính phổ quát”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube