Đức Giêsu chạnh thương người nghèo

Ðức Giêsu xuất thân từ tầng lớp trung lưu. Ngài không được sinh ra và giáo dục như người nghèo hay người bị đàn áp. Tầng lớp trung lưu thời Đức Giêsu sống là những người có công ăn việc làm, không phải đi ăn xin hay sống nhờ vào của bố thí của người khác, nhưng không phải là giới giàu có, quyền lực và được trọng kính.

samarianinNhưng khác Phaolô, Đức Giêsu không là công dân Rôma và như thế Ngài không được hưởng quyền công dân Rôma. Nhưng không có gì bất lợi cho Ngài lắm trong xã hội Ngài sống. Ðiều bất lợi duy nhất cho Ngài chỉ có ở Giêsrusalem, đó là vì Đức Giêsu là người Galilê. Người Do Thái chính thống ở Giêrusalem có khuynh hướng xem thường những người Do Thái trung lưu xuất thân từ Galilê (Albert Nolan. Jesus Before Christianity. London: Darton, Longman and Todd, Revised edition reprinted, 1996, 34).

Điều đáng chú ý là mặc dù Đức Giêsu xuất thân từ giới trung lưu và không phải chịu thiệt thòi gì, nhưng Ngài lại giao thiệp với giai cấp thấp nhất và đồng hóa mình với họ. Ngài tự ý trở thành người bị xã hội ruồng bỏ.

Tại sao Đức Giêsu hành động như vậy? Cái gì làm cho con người trung lưu này tiếp xúc với người ăn xin và hoà đồng với giới nghèo? Cái gì làm cho vị ngôn sứ này liên đới với dân đen ngu dốt lề luật?

Câu trả lời thấy rõ trong các Tin Mừng, đó là lòng chạnh thương: “Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14,14). “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36; xem thêm Mc 6,36). Ðức Giêsu chạnh lòng thương trước tình cảnh khốn khổ và nước mắt của người goá phụ thành Nain: “Đừng khóc nữa”, ngài bảo chị (Lc 7,13). Ngài cũng chạnh thương khi thấy người phung hủi (Mc 1,41), hai người mù (Mt 20,34) và đám dân không có gì để ăn (Mc 8,2).

Trong các Tin Mừng, có khi lòng chạnh thương của Đức Giêsu không được nhắc đến một cách tường minh nhưng chúng ta cũng cảm nhận được. Ðức Giêsu nói đi nói lại nhiều lần, “Ðừng khóc nữa”, “Ðừng sợ hãi” (Mc 5,36; 6,50; Mt 6,25-34;  xem thêm Mc 4,40; Lc 7,13; 10,41).

Ðền thờ vĩ đại không đánh động lòng ngài được (Mc 13,1-2), nhưng ngài lại cảm động khi thấy một goá phụ nghèo bỏ đồng bạc duy nhất của bà vào hòm tiền Ðền thờ (Mc 12,41-44).

Trong khi mọi người phấn khởi khi thấy “phép lạ” cứu con gái của Giairô, thì Ngài chỉ sợ nó đói bụng (Mc 5,42-43).

Ðiều làm cho người Samari khác lạ là ông cảm thương một người đang nằm dở sống dở chết ở dọc đường (Lc 10,33). Ðiều làm cho người cha nhân ái trong dụ ngôn khác lạ là ông thương đứa con hoang đàng quá đỗi (Lc 15,20). Ðiều làm cho Đức Giêsu khác lạ là Ngài yêu thương vô bờ bến người nghèo và người bị đàn áp.

Trong tiếng Hy Lạp, động từ “chạnh lòng thương” có nghĩa là một hành động hoặc một sự thúc đẩy rất mãnh liệt, làm cho một người nào đó hành động, xuất phát từ chính trong ruột gan, con tim của mình (x.Albert Nolan. Sđd, 35). Rõ ràng, việc Đức Giêsu chạnh lòng thương đối với người nghèo một cách đặc biệt là điều không thể nghi ngờ. Hành động “chạnh lòng thương” này của Đức Giêsu là một trong những lý do hay căn nguyên cho mọi hoạt động, mọi suy tư và mọi ảnh hưởng của Ngài đối với người nghèo và người bị đàn áp.

Martino Vũ Tùng, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube