Người nghèo trong các sách ngôn sứ Giêrêmia và Isaia II

Trong hoạt động của các ngôn sứ, chủ đề chính của lời loan báo vẫn là khẳng định rằng Đức Chúa là Đấng bảo vệ người nghèo

20161128-gieremia

Giêrêmia và Isaia đệ nhị là các ngôn sứ thế kỷ VII và thế kỷ VI tr. CN.

Khi Giêrêmia được gọi làm ngôn sứ, sự sụp đổ hoàn toàn của vương quốc phía Nam đã được báo trước. Giêrêmia biết ngày đền tội của Giuđa đã đến. Nhưng vào lúc này, những người cai trị và dân vẫn sống trong những niềm hy vọng sai lạc. Họ tiếp tục đàn áp những kẻ yếu thế đang sống giữa họ.

Trong hoàn cảnh ấy, Giêrêmia công bố: sự nhận biết Thiên Chúa một cách đúng đắn phải được diễn tả trong chính sự đáp trả vì những người túng thiếu và ưu phiền.

Trong một sứ điệp đầy quyền năng, ông lên án vua Giơhôgiakim, vì cuộc sống xa hoa của vua nơi các cung điện huy hoàng:

Khốn thay kẻ xây nhà xây cửa mà không đếm xỉa đến lẽ công bình. Khốn thay kẻ xây lầu son gác tía mà chẳng màng chi đến điều chính trực. Khốn thay kẻ bắt anh em mình làm lụng vất vả mà không tính công sá, không trả thù lao. Nó nói: “Ta sẽ xây cho mình một toà nhà đồ sộ có gác rộng lầu cao”. Nó trổ nhiều cửa sổ, bọc tường bằng gỗ bá hương, rồi sơn son thếp vàng. Phải chăng ngươi tỏ mình làm vua cai trị khi ưa thích xài gỗ bá hương? Cha ngươi lại chẳng ăn chẳng uống hay sao? Nhưng ông đã thực thi lẽ công bình, đã làm điều chính trực; chính vì vậy mà mọi sự nên xuôi xắn cho ông. Ông đã phân xử công minh cho kẻ nghèo hèn túng thiếu, cũng vì vậy mà mọi sự nên xuôi xắn cho ông. Xử sự như vậy là biết Ta rồi đó! Sấm ngôn của Đức Chúa. Còn ngươi, mắt ngươi đâu nhìn gì, lòng ngươi đâu muốn gì nếu không phải là tư lợi, nếu không phải là máu người vô tội ngươi có thể đổ ra, nếu không phải là điều áp bức bạo tàn ngươi sẵn sàng thực hiện? (Gr 22,13-17).

Sau khi Nabucôđônôxo – vua Babylon – phá hủy Giuđa, dân đã bị bắt đi lưu đầy ở Babylon. Trong thời kỳ này, một ngôn sứ vĩ đại khác xuất hiện, chiếm giữ một địa vị đặc biệt trong phong trào ngôn sứ. Đó là tác giả vô danh của Is 40-66, được gọi là Isaia II.[1]

Những lời của ông đánh dấu một giai đoạn mãnh liệt trong phong trào ngôn sứ. Mặc dù mối bận tâm chính yếu của ông là mang lời an ủi đến cho dân và tìm kiếm ý nghĩa cho tương lai của họ, nhưng hoạt động của ông cũng tạo nên một lời hiệu triệu đầy uy lực cho công bằng và sự phân xử cho người nghèo.

Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: “Có Ta đây!” Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ (Is 58,6-10).

Tóm lại, trong hoạt động của các ngôn sứ, chủ đề chính của lời loan báo vẫn là khẳng định rằng Đức Chúa là Đấng bảo vệ người nghèo, và rằng lòng trung thành của dân với giao ước sẽ đưa đến một xã hội công bằng. Phán quyết và ân huệ của Israel được đặt trên một tiêu chuẩn đánh giá là lòng trung thành đối với mệnh lệnh của Thiên Chúa về sự công bằng và về lòng thương xót đối với những người nghèo[2].

Martino Vũ Tùng, C.Ss.R.

Chú thích:

[1] Theo đa số các học giả hiện đại, các chương 40-66 của Isaia thuộc thời kỳ muộn thời của lịch sử Israel. Các chương 40-55, được coi là của Isaia II, thuộc thời kỳ lưu đầy, và báo trước niềm vui mừng được trở về quê hương. Các chương 55-66, có thể thuộc về thời kỳ hậu lưu đầy. (Xem thêm John D. W. Watts. Isaiah 34-66. Vol 25 in the Word Biblical Commentary. 52 vols. Dallas, TX: Word Books Publisher, 1987).

[2] Walter Ε. Pilgrim. Sđd, 27-28; John D. W. Watts. Isaiah 34-66. Vol 25 in the Word Biblical Commentary. 52 vols. Dallas, TX: Word Books Publisher, 1987.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube