Các loại người nghèo điển hình xuất hiện trong Nhất Lãm

Họ là những người bị coi là không đáng được đếm xỉa. Nhưng họ là đại đa số dân chúng ở xứ Palestin. Họ chính là đám đông được nói đến trong Tin Mừng.

20161123 anawimĐối tượng mà Đức Giêsu nói với, trong Nhất Lãm, mang nhiều tên gọi khác nhau[1]: người nghèo, người đui, người què, người cùi, người đói, người khốn khổ (người khóc), người tội lỗi, người đĩ điếm, người thu thuế, người bị quỉ ám (cả những người không tinh sạch trong lòng), người bị bách hại, người bị chà đạp, người tù tội, người lao công vất vả, lớp người thấp hèn ngu dốt về lề luật, đám đông dân chúng, người bé nhỏ, người thấp hèn, người hạng bét và trẻ con hoặc các chiên lạc của nhà Israel.[2]

Những người được nhắc đến ở đây là một thành phần rõ rệt trong dân chúng. Ðức Giêsu thường gọi họ là những người nghèo hay người bé nhỏ; còn nhóm Pharisêu thì gọi họ là những người tội lỗi hoặc lớp người thấp hèn ngu dốt về lề luật.[3]

Người ta không thể hiểu được Đức Giêsu nếu không chú ý đến bối cảnh lịch sử đau khổ của thời đại Ngài, không cố gắng đi sâu vào thế giới của người nghèo và người bị đàn áp ở thế kỷ thứ nhất của xứ Palestine.

Người nghèo về vật chất

Mặc dù hạn từ “người nghèo” trong Tin Mừng không nhất thiết ám chỉ người nghèo về kinh tế, nhưng chắc chắn nó cũng bao hàm cả hạng người này nữa.

Người nghèo trước hết là người ăn xin. Họ là những người đau yếu và không có khả năng làm việc, nên phải sống bằng nghề ăn xin. Họ không làm việc được và họ hàng của họ cũng không đủ khả năng giúp họ hay không muốn giúp họ. Người mù, người câm điếc, người què, người cùi thường phải đi ăn xin. Người nghèo còn là những goá phụ và cô nhi, tức là các phụ nữ và các trẻ em không nơi nương tựa, và trong xã hội thời ấy, họ không có gì làm kế sinh nhai. Họ sống nhờ vào sự bố thí của những tổ chức đạo đức và ngân quỹ của Ðền thờ.

Trong những người nghèo về tài chánh, cũng phải nói đến những người lao công thường hay thất nghiệp, những nông dân canh tác ruộng vườn và những người nô lệ.

Nói cách tổng quát, cái khổ chính yếu của người nghèo không phải là cảnh cơ cực hay đói ăn, trừ khi có chiến tranh hay nạn đói. Người nghèo đôi khi phải đói khát, nhưng khác với hàng triệu người ngày nay, họ ít khi chết đói. Cái khổ chính của người nghèo thời ấy cũng như ngày nay là sự xấu hổ và nhục nhã. Chẳng hạn như người quản lý trong dụ ngôn nói: “Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi” (Lc 16,3).

Người nghèo về kinh tế phải hoàn toàn lệ thuộc vào lòng “từ thiện” của người khác. Ðây là điều rất nhục nhã đối với người Phương Ðông. Ở Trung Ðông, uy tín và danh dự còn quan trọng hơn thức ăn hay mạng sống.[4] Tiền bạc, quyền hành và học thức đem lại cho con người uy tín và địa vị, bởi vì nhờ đó con người ta tương đối độc lập và có khả năng giúp đỡ người khác.[5] Những người thật sự nghèo thì sống nhờ vào người khác nhưng không có ai sống nhờ vào họ. Họ là những người ở hạng bét nhất trong các giai cấp xã hội. Họ không có uy tín và danh dự. Họ không xứng đáng làm người. Ðời sống của họ bị coi là vô nghĩa.

Những người bị đàn áp

Vì thế, hạn từ “người nghèo” có thể được mở rộng để chỉ cả những người bị đàn áp, những người sống nhờ lòng thương xót của người khác. Và như vậy, hạn từ này cũng có thể hiểu rộng để nói về tất cả những ai hoàn toàn lệ thuộc vào lòng thương xót của Thiên Chúa – những người nghèo về tinh thần (Mt 5,3).[6]

Người “tội lỗi”

Người “tội lỗi” là người bị xã hội ruồng bỏ. Bất cứ ai sống sai luật và vi phạm các phong tục cổ truyền của những người trí thức, những người đạo đức, những kinh sư và Pharisêu, thì đều bị xem như thấp kém, thuộc tầng lớp hạ lưu.

Những người tội lỗi là một giai cấp có ranh giới rõ rệt. Họ cũng giống như giai cấp nghèo hiểu theo nghĩa rộng. Họ gồm những người làm những nghề tội lỗi hay nhơ bẩn như đĩ điếm, thu thuế, cướp bóc, chăn gia súc, cho vay nặng lãi và cờ bạc. Những người thu thuế bị xem là lường gạt và cướp bóc vì nghề nghiệp cho phép họ định đoạt thuế má và tiền huê hồng. Chắc chắn là nhiều người trong bọn họ không liêm chính lắm. Cũng vậy, những người chăn gia súc bị nghi là vào đất kẻ khác mà trộm sản phẩm của súc vật. Những nghề nghiệp này và một số nghề nghiệp khác bị xem là ô nhục.

Người tội lỗi cũng là người không đóng thuế thập phân (một phần mười lợi tức) cho các tư tế, và cũng là người xao lãng ngày Sabbath hay không kiêng giữ nghi thức tẩy uế. Những luật lệ và phong tục về các vấn đề này thật rất phức tạp, nên người thất học khó mà hiểu họ phải làm gì. Được giáo dục có nghĩa là thông hiểu lề luật và các chi tiết của nó. Những người dốt nát và thất học luôn bị coi là phạm luật và vô luân. Những người nông dân quê mùa thất học là “lớp người thấp hèn không biết lề luật”, bị người Pharisêu xem là loại người không có khả năng sống đức hạnh và đạo đức.

Bị khinh thường và loại trừ

Người nghèo và người bị đàn áp phải tuỳ thuộc những kinh sư là những người chỉ đưa ra những gánh nặng lề luật cho người khác chứ không bao giờ nhấc ngón tay để sờ vào (Lc 11,46). Họ không được hưởng quyền lợi công dân. “Họ không được làm chức cao hay làm chứng trước toà”.[7] “Tất cả những chức vị cao, những công việc có uy tín, và công chức, chỉ dành cho người Israel chính tông”,[8] nghĩa là cho những người không tội lỗi và những người chứng minh rằng tổ tiên của họ không nhơ bẩn và không bất hợp pháp. Những người tội lỗi bị loại trừ khỏi hội đường.

Ðó là số phận của những “người bị áp bức”, những “người bị bách hại” và “tù nhân” (Lc 4,18; Mt 5,10), những người “bị áp bức”, “sống bên lề xã hội” hay “loại mạt kiếp”. Họ là những người bị coi là không đáng được đếm xỉa. Nhưng họ là đại đa số dân chúng ở xứ Palestin. Họ chính là đám đông được nói đến trong Tin Mừng.

Martino Vũ Tùng, C.Ss.R.

Chú thích:

[1] Joachim Jeremias. New Testament Theology, Vol 1: The Proclamation of Jesus. Eng. Trans. New York: Macmillan, 1971, 109-113; Arnel F. Lagarejos. The Church of The Poor: A New Perspective on The Church, The State, and The Poor. Pasig: Education Resources Development Center, 1999, 45-46.

[2] X. Mc 1,23.32-34.40; 2,3.15.17; 3,1; 9,17-18.42; 12,40.42; Lc 4,18; 5,27; 6,20-21; 7,34.37.39; 10,21; 11,46; 14,13.21; 15,1-2; 18,10.13.22; Mt 5,10-12; 8,28; 9,10.14; 10,3.15.42; 11,28; 15,24; 19,30; 20,16; 21,31-32; 25,40.45

[3] Joachim Jeremias. New Testament Theology, 112.

[4] J. Duncan M. Derrett. Jesus’s Audience: The Social and Psychological Environment in Which He Worked. New York: Seabury Press, 1974, 40-42.

[5] J. Duncan M. Derrett. Sđd, 53-55.

[6] Joachim Jeremias. New Testament Theology, 112-113.

[7] Joachim Jeremias. New Testament Theology, 110.

[8] Joachim Jeremias. Jerusalem in The Time of Jesus. Eng. trans. Minneapolis: Augsburg Fortress, 1975, 297.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube