Người nghèo trong các truyền thống pháp lý Cựu Ước

Chủ đề căn bản xuyên suốt các truyền thống pháp lý Cựu Ước: Đức Chúa bảo vệ người nghèo. Người tỏ bày lòng thương xót đối với người nghèo, người ngụ cư, những kẻ mồ côi và những người góa bụa, vì lợi ích của họ.

 

20161123 anawim

 

Bộ Luật giao ước (Xh 20,22 – 23,33)

Đây là một trong những sưu tập pháp lý sớm nhất, được nối kết với việc ban Mười Điều Răn được kể trong sách Xuất Hành.

Trong tài liệu này, chính Đức Chúa nói với Môsê và cung cấp những chỉ thị chi tiết để con người đi đúng đường lối, cũng như đưa ra những cách xử lý khi con người vi phạm những giới luật của Người.

Một trong những giả định nền tảng của sưu tập pháp lý này, là tất cả những người nghèo khổ và tuyệt vọng đều phải được giải thoát khỏi tình trạng bi đát của họ.

Để thực hiện sự giải thoát này, Đức Chúa truyền: “Ngươi không được làm thiệt hại đến quyền lợi của người nghèo cậy nhờ ngươi, khi họ có việc kiện tụng. Ngươi phải lánh xa điều gian dối. Ngươi không được giết kẻ vô tội và công chính, vì Ta không cho kẻ có tội được trắng án” (Xh 23,6-7).

Vào mỗi năm thứ bảy, người nô lệ được giải thoát, đất sẽ hưu canh, hoa lợi của ruộng đất và của những vườn nho và những cây ôliu sẽ không được thu lượm, nhưng sẽ để cho người nghèo. Tất cả những điều ấy được thực hiện vì lợi ích của người nghèo và của cả những thú vật hoang dã (xem Xh 21,34; 23,10-11).

Ngoài ra, những người ngoại kiều, góa bụa, mồ côi và người nghèo là những thành phần được nói đến một cách đặc biệt như là những đối tượng được Đức Chúa bảo vệ, chở che (xem Xh 22,21-27). Lý do Đức Chúa bảo vệ người nghèo được nêu lên một cách rõ ràng: chính Người đã cứu dân Người khi họ còn là những người ngoại kiều và nô lệ trong đất Ai Cập (xem Xh 22,20; 23,9); hơn nữa, bằng chứng cho thấy lòng thương xót của Đức Chúa (được tỏ lộ nơi việc quan tâm, chăm sóc đến người nghèo và kẻ ưu phiền) là Người nghe những tiếng sầu khổ, kêu oán của họ và Người sẽ hành động (xem Xh 22,22-27).

Sách Đệ Nhị Luật

Bộ luật của Đnl lặp lại nhiều điều đã được đề cập trong Xh, ví dụ: không được làm xiêu vẹo án xử, không đựơc tự ý lấy vật cầm cố từ người nghèo, những người nô lệ phải được giải thoát, những tá điền không được gian lận (xem Đnl 24,10-18).

Mệnh lệnh về việc không thu lượm lúa, ôliu và nho nhưng phải dành để cho người nghèo thu lượm, cũng được nêu lên. Điều đáng chú ý: mệnh lệnh này được mở rộng, theo hướng là nó không chỉ được thực hiện trong năm thứ bảy, mà còn phải được thực hiện vào mỗi mùa thu hoạch hàng năm, và việc thực hiện nó được coi là một nguồn phúc lạc quan trọng trong Israel (xem Đnl 24,19-22).

Luật thuế thập phân được giải thích rõ ràng, cộng với lời nhắc nhở về việc quan tâm đến các thầy Lêvi và những người bị áp bức không có cơ nghiệp (xem Đnl 14,22-29). Vào dịp Lễ Vượt Qua và Lễ Lều, phải lo sao cho các tôi tớ, các thầy Lêvi, khách ngụ cư, kẻ mồ côi và góa bụa cũng được mừng lễ. Một lần nữa, thật đáng chú ý việc nhắc đến khách ngụ cư, những kẻ mồ côi và những người góa bụa (xem Đnl 24,14.17.19.21).

Như trong bộ luật giao ước, nền tảng thần học của việc lo lắng cho người nghèo là điệp khúc: “Anh (em) hãy nhớ mình đã làm nô lệ bên Ai-cập, và ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã giải thoát anh (em) ra khỏi đó. Vì vậy tôi truyền cho anh (em) thực hành điều đó” (Đnl 24,18.22). Với những lời đó, Đức Chúa khẳng định lời hứa trợ giúp người nghèo; Thiên Chúa sẽ lắng nghe tiếng gào của họ và sẽ trừng phạt những kẻ làm điều gian ác đối với họ.

Mặt khác, trong sách Đệ Nhị Luật, chúng ta còn bắt gặp ý niệm năm Sabbath, một thực tại nổi bật trong việc bảo vệ những người Israel nghèo khó. Mỗi bảy năm một lần, năm Sabbath đòi hỏi người ta thực thi ba điều: đất để hưu canh (xem Xh 23,10-11), tất cả mọi món nợ sẽ được tha (xem Đnl 15,1-2) và những người nô lệ được phóng thích (xem Đnl 15,1-6. 12-18).

Mục đích của năm Sabbath là để ngăn ngừa sự bất công thô bạo và áp bức kéo dài trong xã hội. Điều Đức Chúa mong muốn là: “Tuyệt nhiên giữa anh (em) sẽ không có người nghèo” (Đnl 15,4). Theo Leslie Hoppe, “Torah nhấn mạnh cách rõ ràng rằng những người giàu có bổn phận đối với những người nghèo và những người bị tổn hại về mặt kinh tế trong xã hội Israel (Leslie Hoppe, “There Shall Be No Poor Among You: Poverty in the Bible. Nashville: Abingdon Press, 2004, tr.40).

Các nhà chuyên môn vẫn tranh luận xem dân Israel thực hiện được đến đâu những quy định về năm Sabbath. Điểm đáng chú ý: đối với Israel, năm Sabbath là một biểu tượng đầy quyền năng, nói cho con người biết lòng dạ của Thiên Chúa đối với người nghèo.

Bộ Luật về sự thánh thiện (Lv 17-26)

Ở đây, chúng ta cũng thấy có nhiều điều lập lại hai bộ luật trên kia, như mệnh lệnh không được mót lúa gặt sót trên cánh đồng hay những trái rụng trong vườn nho, để cho người nghèo và người ngụ cư còn có thể thu mót (xem Lv 19,1-10; 23,22), hay lệnh truyền không được bóc lột người thân cận trong bất cứ hình thức nào, thậm chí không được rủa người điếc (xem Lv 19,13-14).

Trong bộ luật này, chúng ta cũng bắt gặp ý niệm Năm Toàn Xá, một yếu tố đặc biệt quan trọng.

Năm Toàn Xá cũng gần giống với Năm Sabbath. Nhưng nó có một điều khoản đi xa hơn Năm Sabbath. Đó là vào mỗi năm thứ 49, đất phải để hoang, những người nô lệ được tự do, những món nợ được tha.

Một điều luật mới của Năm Toàn Xá là đất của cha ông sẽ được trả lại cho con cháu, vì tất cả đất được quan niệm là thuộc về Đức Chúa và Người ban tặng nó cho dân Người như một món quà. Mỗi người đều được nhận phần thừa hưởng của mình, và không một ai được bán đứt phần đất mình được thừa hưởng, cũng như không một ai được giữ đất của người khác mãi mãi (xem Lv 25,23-24).

Vì vậy, Năm Toàn Xá đã tiếp tục tồn tại trong ký ức của Israel như một sự nhắc nhở cộng đồng tôn giáo của Đức Chúa về mong muốn thực thi sự công bằng và sự quan tâm chăm sóc người nghèo. Và kể từ thời các ngôn sứ thế kỷ VII, đặc biệt với ngôn sứ Isaia II, Năm Toàn Xá  trở thành biểu tượng của thời đại cánh chung. Martin Hengel gọi nó là “ biểu tượng của cánh chung giải phóng Israel” (Xem Martin Hengel. Property and Riches in the Early Church. Trans. by J. Bowden. Philadelphia: Fortress, 1974, tr.9).

Tóm lại, chủ đề căn bản xuyên suốt các truyền thống pháp lý nói trên, là: Đức Chúa bảo vệ người nghèo. Người tỏ bày lòng thương xót đối với người nghèo, người ngụ cư, những kẻ mồ côi và những người góa bụa, vì lợi ích của họ. Lời của Người là một lời mời gọi để nhắc nhớ: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Đấng đã đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, để ban cho các ngươi đất Canaan và để làm Thiên Chúa của các ngươi” (Lv 25,38).

Martino Vũ Tùng, C.Ss.R.

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube