Người nghèo trong cái nhìn của các ngôn sứ thế kỷ VIII tr.CN

Các ngôn sứ thế kỷ VIII, gồm Amos, Hôsê, Mica, Isaia,  đã trở thành những ngôn sứ đầu tiên phát ngôn vì lợi ích của người nghèo. Họ chống lại những bất công lan tràn trong xã hội.

20161123 ngheoSuốt thời kỳ quân chủ, trong cả hai vương quốc Israel và Giuđa, sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn dần, tình trạng đàn áp và bóc lột ngày càng gia tăng, chưa kể đến những khủng hoảng chính trị và xã hội.

Trong dân Do Thái nổi lên một trong những hiện tượng tôn giáo độc nhất trong lịch sử thế giới, đó là hoạt động của các ngôn sứ. Nhân danh Thiên Chúa của Israel, Đấng đã gọi họ và đôi khi dường như ép họ trở nên những phát ngôn viên của Người, các ngôn sứ trực tiếp dùng lời lẽ của họ chống lại xã hội bất công và đàn áp. Sứ điệp của các ngôn sứ không chỉ đơn giản là một bản cáo trạng, nhưng còn là lời kêu gọi hoán cải và lời thách thức những người giàu có.[1]

Và chính các ngôn sứ là những người một lòng trung thành trong việc bảo vệ những người nghèo và những người không có quyền hành.

Các ngôn sứ thế kỷ VIII, gồm Amos, Hôsê, Mica, Isaia,  đã trở thành những ngôn sứ đầu tiên phát ngôn vì lợi ích của người nghèo. Họ chống lại những bất công lan tràn trong xã hội.

Đối với các ngôn sứ này, những hành động bất công trong xã hội của họ đã tàn phá giao ước của Thiên Chúa với Israel. Giao ước này đòi hỏi người ta phải trung thành vâng phục, như được nhấn mạnh trong Torah. Nhưng Israel không trung thành với giao ước, và đối với các ngôn sứ, sự bất trung này đã được chứng tỏ rõ ràng trong sự khinh rẻ và đàn áp những người nghèo.

Có thể nhắc đến rất nhiều lời tố cáo của các ngôn sứ, ví dụ các lời kết án tòa án bất công[2], kết án việc buôn bán lừa dối[3], kết án hệ thống thuế không công bằng[4], kết án việc ăn cướp đất[5], kết án việc dùng bạo lực chống lại người nghèo[6], kết án sự giàu có hoang phí ngay bên cạnh thảm cảnh của người nghèo[7], kết án việc bán những người mắc nợ thành những người nô lệ[8], và thậm chí kết án cả thuế thập phân nặng nề đến nghẹt thở[9], v.v… Dưới đây là một số đoạn tiêu biểu.

Amos chống lại vương quốc phía Bắc, khoảng năm 750:

Đức Chúa phán thế này: Vì tội của Ítraen đã lên tới cực độ, Ta sẽ không rút lại bản án. Vì chúng bán người công chính để lấy tiền, bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi giày. Vì chúng đạp đầu kẻ yếu thế xuống bùn đen và xô người khiêm hạ ra khỏi đường lộ. Vì cả con lẫn cha đi lại với cùng một ả, mà làm ô nhục danh thánh của Ta  (2,6-7).

Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường; hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú. Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu … những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận, chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài. Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi, Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa. Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn  (5,21-24).

Hôsê, một thời gian ngắn sau Amos:

Hãy gieo công chính, rồi sẽ gặt được tình thương. Hãy khai khẩn đất hoang; đây là thời kiếm tìm Đức Chúa cho đến khi Người đến làm mưa công chính trên các ngươi. Các ngươi đã gieo tội ác, gặt sự bất công, ăn hoa quả dối trá. Vì ngươi cậy có chiến xa và nhiều dũng sĩ, thì náo loạn sẽ nổi lên trong dân ngươi  (10,12-13).

Isaia chống lại vương quốc phía Nam, khoảng năm 700:

Khi các ngươi đến trình diện Ta, ai khiến các ngươi phải giẫm lên khuôn viên của Ta? Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương; Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sabát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạt linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ  (1,12-17).

Đức Chúa đứng lên cáo tội, Người đứng đó xét xử chư dân. Đức Chúa đưa ra toà xét xử hàng kỳ mục và những kẻ lãnh đạo dân Người: “Chính các ngươi đã ăn hại vườn nho. Của cải người nghèo các ngươi đã bóc lột còn đang ở trong nhà các ngươi. Cớ sao các ngươi lại chà đạp dân Ta, làm tan nát mặt mày những kẻ nghèo khó?” Sấm ngôn của Chúa Thượng, Đức Chúa các đạo binh!  (3,13-15).

Mica, trẻ hơn ngôn sứ Isaia nhưng sống cùng thời:

Khốn thay những kẻ nằm trên giường toan tính chuyện xấu xa, lập mưu làm điều ác! Vừa tảng sáng đã đem ra thực hiện vì nắm sẵn quyền bính trong tay. Muốn cánh đồng nào là chúng cướp lấy, muốn ngôi nhà nào là chúng chiếm đoạt. Chúng bắt giữ cả chủ lẫn nhà, cả người lẫn gia nghiệp (2,1-2).

Và tôi nói: Vậy hãy nghe đây, hỡi các thủ lãnh nhà Giacóp, hỡi các tướng lãnh nhà Ítraen, nhiệm vụ của các ông há chẳng phải là thi hành công lý? Thế mà các ông lại ghét điều lành, ưa điều ác, các ông lột da khỏi thân người ta và lóc thịt khỏi xương của họ. Chúng ăn thịt dân tôi và lột da khỏi mình họ; xương của họ, chúng đập gãy tan. Chúng chặt ra từng mảnh như thịt trong chảo, trong nồi (3,1-3).

Tóm lại, tất cả các ngôn sứ thế kỷ VIII đều đồng ý rằng: xã hội bất công là biểu lộ sự lạc xa khỏi giao ước Thiên Chúa. Vì vậy, họ nói đến sự phán xét của Thiên Chúa và kêu gọi người ta hối cải.

Các ngôn sứ thế kỷ VIII xác tín chắc chắn: Thiên Chúa luôn ở bên cạnh người nghèo.

Martino Vũ Tùng, C.Ss.R.

Chú thích:

[1] John R. Donahue. To hear the Cry of the Poor: A Prophetic Challenge, A Gospel Summons, 28/10/2006.

[2] X. Am 5,12; Is 10,1-2; Gr 5,28

[3] X. Am 8,4-5

[4] X. Am 5,11-12

[5] X. Mk 2,1-3

[6] X. Ed 16,48

[7] X. Am 4,1; 6,4tt

[8] X. Am 2,6; 8,6

[9] X. Is 3,14-15

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube