Cuộc gặp gỡ của ĐTC Phanxicô với một quan chức Chính thống giáo hàng đầu có thể báo hiệu điều gì về mối quan hệ Nga-Vatican?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp đón Đức Cha Anthony Sevryuk, Tổng Giám Mục Volokolamsk, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Moscow tại Vatican ngày 5 tháng 8 năm 2022 (Ảnh CNS / Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp đón Đức Cha Anthony Sevryuk, Tổng Giám Mục Volokolamsk, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Moscow tại Vatican ngày 5 tháng 8 năm 2022 (Ảnh CNS / Truyền thông Vatican)

Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến một thành viên cấp cao nhất của Giáo hội Chính thống Nga, chỉ đứng sau Đức Thượng phụ Kirill của Moscow. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp đón Đức Cha Anthony Sevryuk, Tổng Giám Mục Volokolamsk, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Moscow, tương đương với một Bộ trưởng ngoại giao.

Cuộc gặp gỡ này có ý nghĩa quan trọng vì một số lý do. Nó được đưa ra theo yêu cầu của Tòa Thượng phụ, theo một nguồn tin của Vatican muốn giấu tên, và trước chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Kazakhstan (từ ngày 13 tháng 9 đến ngày 15 tháng 9) để tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo thế giới và các Tôn giáo truyền thống tại Nur-Sultan (trước đây là Astaná), thủ đô của Kazakhstan. Đức Thượng phụ Kirill của Tòa Thượng phụ Moscow và Toàn nước Nga cũng sẽ tham dự. Có thể mục đích của chuyến viếng thăm là để sắp xếp một cuộc gặp gỡ trực tiếp thứ hai với Đức Thượng phụ Kirill tại Nur-Sultan.

Vatican đã không tiết lộ nội dung cuộc trò chuyện của hai nhà lãnh đạo nhưng chỉ báo cáo trong bản tin hàng ngày của mình rằng cuộc gặp gỡ đã diễn ra. Nhưng bộ phận đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Moscow đã đưa ra một tuyên bố có nội dung:

Vào ngày 5 tháng 8, theo lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Giáo hội của Tòa Thượng phụ Moscow, Đức Tổng Giám mục Anthony của Volokolamsk, đã đến thăm Vatican, tại đây ngài đã gặp gỡ người đứng đầu Giáo hội Công giáo Rôma tại Điện Tông Tòa. Trong cuộc trò chuyện, được tổ chức bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Tổng Giám mục Anthony đã thảo luận về nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự của mối quan hệ Chính thống-Công giáo, bao gồm cả bối cảnh của các tiến trình chính trị đang diễn ra trên thế giới.

 Kết thúc cuộc gặp gỡ kéo dài, hai nhà lãnh đạo đã trao tặng nhau những món quà lưu niệm.

 Cuộc gặp đầu tiên giữa một vị Giáo hoàng và một Thượng phụ Chính thống giáo của Tòa Thượng phụ Moscow và Toàn nước Nga, kể từ sau sự chia rẽ giữa Kitô giáo Đông phương và Tây phương vào năm 1054, đã diễn ra tại Havana, Cuba, vào ngày 12 tháng 2 năm 2016. Hai nhà lãnh đạo tôn giáo đã được lên kế hoạch gặp gỡ nhau lần thứ hai tại Giêrusalem vào ngày 14 tháng 6 năm nay, nhưng Vatican đã hủy cuộc gặp gỡ này vì sự ủng hộ công khai của Đức Thượng phụ Kirill đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Đức Thượng phụ Kirill đã từ chối gọi đó là một cuộc chiến tranh, nhưng ám chỉ đó là “một hoạt động quân sự đặc biệt”. Ông coi cuộc xâm lược này là một cách để bảo vệ Nga và các tín đồ Chính thống chống lại một phương Tây suy đồi.

Mặt khác, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hơn 70 lần lên tiếng phản đối chống lại “cuộc chiến vô nghĩa” này nhưng không bao giờ đổ lỗi trực tiếp cho Tổng thống Vladimir Putin để luôn mở cửa cho một cuộc hòa giải có thể xảy ra. Đức Thánh Cha đã nhiều lần bày tỏ sự gần gũi của mình với “những người dân Ukraine chịu đọa đày khốn khổ”, đồng thời kêu gọi ngừng bắn và đàm phán hòa bình, và cho biết rằng ngài muốn đến thăm Kyiv, một chuyến viếng thăm có thể sớm xảy ra.

Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill cũng đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến kéo dài 40 phút trên Zoom vào ngày 16 tháng 3, trong đó Đức Thượng phụ Kirill tìm cách biện minh cho cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự phản đối bằng cách nhấn mạnh rằng với tư cách là các nhà lãnh đạo tôn giáo, họ được kêu gọi dấn thân cho hòa bình chứ không phải là “những quan chức nhà nước”. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu Đức Thượng phụ Kirill không nên biến mình trở thành “cậu bé giúp lễ của Putin”. Đức Thánh Cha đã đưa ra những phát biểu nhận xét của mình trong một cuộc họp báo, một điều gì đó chẳng mấy tốt đệp đối với Đức Thượng phụ Kirill.

Cuộc gặp gỡ vào tuần trước là chuyến viếng thăm đầu tiên của Đức Tổng Giám Mục Anthony tới Vatican với tư cách là Ngoại trưởng của Giáo hội Chính thống giáo Nga. Tháng 6 năm ngoái, ngài thay thế Đức Tổng Giám Mục Hilarion, người từng giữ vị trí số hai trong Giáo hội Nga từ năm 2009 đến năm 2022 nhưng bất ngờ bị cách chức và được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Budapest, Hungary, được cho là vì ngài không đồng thuận với Đức Thượng phụ Kirill về cuộc chiến ở Ukraine. Ai cũng biết rằng sự ủng hộ của Đức Thượng phụ Kirill đối với cuộc xâm lược và chiến tranh đã tạo ra sự chia rẽ sâu sắc trong thế giới Chính thống giáo, và đặc biệt là ở Ukraine, và nó đã bị chỉ trích mạnh mẽ trong hầu hết thế giới Kitô giáo.

Trước khi hội kiến Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Anthony đã gặp gỡ người đồng cấp tại Vatican, Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher người Anh. Họ được cho là đã gặp gỡ nhau chỉ chưa đầy một giờ, nhưng không có thông tin chi tiết nào về cuộc trò chuyện của họ được Vatican công bố. Đức Tổng Giám mục Gallagher đã đến thăm Điện Kremlin trước khi cuộc chiến bắt đầu, theo lời mời của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Đức Tổng Giám mục Gallagher cũng đã đến thăm Kyiv vào tháng 5 theo lời mời của ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba. Tại đây, ngài mô tả Nga là “kẻ xâm lược” và đồng thời cho biết Tòa Thánh ủng hộ “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine, những lập trường rõ ràng không được Đức Thượng phụ Kirill ủng hộ.

Cuộc gặp gỡ của Đức Tổng Giám Mục Anthony với Đức Thánh Cha Phanxicô cũng có ý nghĩa vì những lý do khác. Nó không thể xảy ra vào thời điểm này nếu không có sự chấp thuận của Tổng thống Putin. Như Linh mục David Nazar S.J., Viện trưởng Giáo hoàng Học viện Đông phương ở Rôma, giải thích trong một cuộc phỏng vấn với America vào ngày 17 tháng 3: “Giáo hội Chính thống Nga…giống như mọi Giáo hội khác ở Nga, đều nằm dưới quyền của chính phủ. Để giải thích điều này một cách đơn giản, tôi đôi khi nói rằng nếu Putin nói điều gì đó vào thứ Ba, thì ngài Thượng phụ Nga cũng phải nói điều tương tự vào thứ Tư nhưng chỉ cần đặt từ ‘Chúa’ vào phát ngôn đó”.

Câu hỏi đặt ra từ cuộc gặp gỡ của Đức Tổng Giám Mục Anthony với Đức Thánh Cha Phanxicô vào tuần trước đó là, nếu Tổng thống Putin muốn Đức Thượng phụ Kirill gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô ở Kazakhstan, tại sao lại vào thời điểm này? Đó có phải là một nỗ lực nhằm vô hiệu hóa hoặc ngăn cản Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng phản đối chiến tranh, hay để cho thế giới thấy rằng Nga vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với Vatican?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố công khai rằng ngài muốn đến thăm Moscow để trò chuyện với Tổng thống Nga, ngay cả trước khi đến thăm Kyiv, trong một nỗ lực nhằm chấm dứt chiến tranh, nhưng cho đến nay Putin vẫn chưa tỏ ý muốn mời ngài.

Reuters đưa tin rằng ông Bulat Sarsenbayev, người đứng đầu tổ chức Kazakhstan đăng cai hội nghị, phát biểu với Astana Times rằng Đức Thượng phụ Kirill đã xác nhận sự hiện diện của mình ở đó. Một nguồn tin cấp cao của Vatican, muốn giấu tên vì không được phép nói công khai về vấn đề này, phát biểu với America rằng hai nhà lãnh đạo tôn giáo có khả năng gặp nhau ở Nur-Sultan vì cả hai đều có mặt tại sự kiện đó. Nhưng liệu họ có gặp nhau trong một cuộc gặp trực tiếp, riêng tư hay không thì vẫn chưa được quyết định.

Cuộc gặp gỡ này cũng rất quan trọng vì nó diễn ra trước cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha Phanxicô với ông Andril Yurash, Đại sứ Ukraine tại Tòa Thánh vào sáng ngày 6 tháng 8, trong đó họ dự kiến sẽ thảo luận về chuyến viếng thăm tiềm năng của Đức Thánh Cha tới Kyiv.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube