'Cuộc đàn áp tao nhã’ các Kitô hữu đang diễn ra nhanh chóng tại châu Âu

Hình ảnh trong Thánh lễ được cử hành tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi ở Thánh địa Đức Mẹ Lộ Đức ở Lộ Đức, tây nam nước Pháp. (Ảnh: AFP)

Hình ảnh trong Thánh lễ được cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Mân Côi tại Thánh địa Đức Mẹ Lộ Đức ở Lộ Đức, tây nam nước Pháp (Ảnh: AFP)

Cuộc chiến văn hóa nhân danh lòng khoan dung có thể tước đi linh hồn của châu Âu và khiến lục địa này bị chia rẽ khi một cuộc khủng hoảng xuất hiện.

Các cộng đồng châu Âu, với những nhà thờ đồ sộ nguy nga, những thành phố cổ kính, những kỹ năng ẩm thực, khiêu vũ, âm nhạc, v.v., đã từng tự hào về nguồn gốc Kitô giáo của họ. Họ dần trở nên tục hóa trong thế kỷ 20 và sự phát triển tiếp tục di chuyển theo quỹ đạo coi thường đức tin Kitô giáo và các tín hữu.

Khi cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl gợi ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ gia nhập Liên minh châu Âu (EU), thật khó để bác bỏ những lời chỉ trích rằng ông đang phát biểu thay mặt cho tình huynh đệ Kitô giáo của châu Âu và mối bận tâm của ông đối với việc bảo tồn một di sản văn hóa chung.

Khi Công nương Diana qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi ở Paris vào năm 1997, Đại tá Muammar Gaddafi của Libya đã mô tả đây là một âm mưu của Pháp-Anh nhằm ngăn cản công chúa kết hôn với một người Hồi giáo.

Trong quá khứ, bất chấp sự tách biệt dựa trên chính sách giữa Giáo hội và nhà nước, họ đã cùng cộng tác với nhau trong các cuộc khủng hoảng như những bàn tay của cùng một thân thể. Trong một xã hội tục hóa, nhà nước tách biệt khỏi Giáo hội dưới chiêu bài của chủ nghĩa dân tộc và các chính sách thế tục.

Điều này đã khiến các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy ở châu Âu giải thích tôn giáo theo quan điểm chính trị của họ. Câu thần chú “hội nhập” hiện tại của họ loại trừ nguồn gốc và truyền thống Kitô giáo của lục địa.

Theo những người theo chủ nghĩa tự do, sức mạnh của châu Âu nằm ở sự đa dạng của nó và việc nắm bắt những khác biệt trong cách tiếp cận là cần thiết để ngăn chặn một cuộc chiến khác xảy ra giữa các quốc gia châu Âu.

Trong thiên niên kỷ mới, châu Âu, hiện đang tập trung vào thương mại hòa bình, đang nhận thấy thuật ngữ Giáng sinh và Kitô giáo khó lĩnh hội ở những nơi công cộng.

Tại một lục địa nơi mà cả một thế hệ trẻ em lớn lên mà không hề có bất cứ kiến thức gì về Kitô giáo, sự hòa hợp giữa Giáo hội và nhà nước đã trở nên mỏng manh, cho phép một cuộc đàn áp “bọc nhung” đối với các Kitô hữu “được che đậy trong sự tao nhã”, mượn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong một bài giảng vào tháng 4 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích cuộc đàn áp như vậy là các chính sách của nhà nước khiến các Kitô hữu bị gạt ra bên lề xã hội. Những hành vi như vậy chính là những hành vi bạo lực hàng ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Sau khi châu Âu trở nên “hổ thẹn về nguồn gốc Kitô giáo của mình,” những hành động bạo lực tinh vi chống lại Kitô giáo đang diễn ra, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích. Bên cạnh luật pháp, cuộc đàn áp mang tính tao nhã này cũng khiến các thuật ngữ và biểu tượng Kitô giáo bị hạn chế.

Sự gia tăng của các chuẩn mực văn hóa mới khiến các tôn giáo “bị cất giấu vào những những xó xỉnh trầm lặng nơi lương tâm cá nhân hoặc bị đưa vào các khu vực đóng kín trong các nhà thờ, các giáo đường Do Thái hoặc các đền thờ Hồi giáo”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Được bao bọc dưới lớp áo của lòng khoan dung và chủ nghĩa thế tục, cuộc đàn áp mang tính tao nhã cuối cùng phục vụ mục đích xóa bỏ dần dần các tín ngưỡng Kitô giáo khỏi đời sống công cộng châu Âu.

Thomas Heine-Geldern, Chủ tịch điều hành của Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (CAN), một tổ chức từ thiện thuộc Giáo hoàng, ghi nhận sự gia tăng số lượng các hành vi bạo lực tinh vi đang diễn ra ở châu Âu, nơi từng được coi là một di sản văn hóa chung.

“Năm 2021 được đánh dấu bằng lòng biết ơn và sự quan tâm”, ông Heine-Geldern viết trong một tuyên bố vào ngày 27 tháng 12 trong khi phản ứng trước Báo cáo về Tự do tôn giáo Thế giới hàng năm 2021.

Trích dẫn các ví dụ về sự đàn áp mang tính tao nhã đang diễn ra ở nhiều quốc gia phương Tây, báo cáo lưu ý rằng sự phản đối theo lương tâm của các chuyên gia y tế liên quan đến vấn đề phá thai và an tử không còn được luật pháp ở nhiều quốc gia bảo vệ một cách có ý nghĩa. Tương tự như vậy, các trường học thuộc tôn giáo, và các trường học Công giáo nói chung, ngày càng nhận thấy khó tuân giữ các đặc tính tôn giáo của riêng họ.

Các cuộc tranh luận về bản sắc Kitô giáo và việc sử dụng các thuật ngữ như “Giáng sinh” đã lan rộng đến phạm vi công cộng ở phương Tây và Nghị viện châu Âu đã đưa vấn đề này ra thảo luận vào ngày 15 tháng 12.

“Đây là một cuộc tranh luận hư ảo”, Đại biểu nghị viện châu Âu Juan Fernando Lopez Aguilar người Tây Ban Nha nói, lặp lại quan điểm chung phản đối việc chấm dứt các đặc tính Kitô giáo.

Vào ngày 7 tháng 12, EU đã buộc phải rút lại một thông tư gây tranh cãi sau khi Vatican cáo buộc Brussels cố gắng hủy bỏ lễ Giáng sinh bằng cách cấm một số thuật ngữ Kitô giáo.

Tài liệu này mang tính “ngược thời”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết vào ngày 6 tháng 12 trong cuộc họp báo trên chuyến bay của Giáo hoàng sau chuyến viếng thăm kéo dài 4 ngày tới đảo Síp và Hy Lạp. “Trong suốt lịch sử, rất nhiều chế độ độc tài đã nỗ lực làm điều đó”, Đức Thánh Cha cho biết thêm.

Thông tư, dành cho lĩnh vực truyền thông trong các tổ chức EU và có tiêu đề “Liên minh của sự bình đẳng”, khuyến nghị sử dụng cụm từ “kỳ nghỉ lễ” thay cho “kỳ lễ Giáng sinh”. Thông tư cũng không khuyến khích sử dụng các danh xưng Kitô giáo như “Maria” và “Gioan” trong các cuộc trò chuyện công khai.

Thông tư này là một phần trong kế hoạch được Chủ tịch Ủy ban EU, bà Ursula von der Leyen, ủng hộ nhằm đảm bảo rằng “mọi người đều được đánh giá cao và được công nhận” trong toàn khối thương mại bao gồm 27 thành viên.

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, đã chỉ trích nặng nề và tuyên bố rằng tài liệu của EU cho thấy “sự lãng quên đối với thực tế” và “một hành vi xóa bỏ cội nguồn của chúng ta”, đặc biệt là khi nói đến “các dịp lễ hội Kitô giáo”.

Chắc chắn rằng châu Âu phần lớn là thành quả của Kitô giáo nghi lễ Latinh. Nhưng châu lục này đang chứng kiến số lượng những người thực hành đức tin Kitô giáo ngày càng thu hẹp và đối với nhiều người Kitô giáo không còn là một tôn giáo nữa mà trở thành một phần trong bản sắc của họ.

Tuy nhiên, cuộc chiến văn hóa và cuộc đàn áp mang tính tao nhã được thực hiện nhân danh lòng khoan dung có thể xóa bỏ linh hồn của châu Âu và khiến cho lục địa này bị chia rẽ khi một cuộc khủng hoảng khác xuất hiện.

Ben Joseph

Ben Joseph, một nhà báo có hơn hai thập kỷ kinh nghiệm, bắt đầu công việc của mình ở Mumbai. Sau đó, ông chuyển đến New Delhi, Vương quốc Hồi giáo Oman, và các thành phố miền nam Ấn Độ như Chennai và Hyderabad. Ông Ben đã làm việc với các ấn phẩm hàng đầu như New Indian Express, Deccan Chronicle, Business Standard, Times of India và Muscat Daily. Ông viết về chính trị châu Á và các vấn đề nhân quyền.

** Các quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm biên tập chính thức của UCA News.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube