Các nữ tu Thừa sai Bác ái bị trục xuất khỏi một cơ sở từ thiện ở miền bắc Ấn Độ

Ảnh chụp ngày 21 tháng 8 năm 2007, một nữ tu Thừa sai Bác ái của Mẹ Teresa hôn một trẻ sơ sinh tật nguyền tại Shishu Bhavan, một ngôi nhà dành cho trẻ em mồ côi, ở Kolkata, Ấn Độ. (Nguồn: Sucheta Das / AP.)

Ảnh chụp ngày 21 tháng 8 năm 2007, một nữ tu Thừa sai Bác ái của Mẹ Teresa hôn một trẻ sơ sinh tật nguyền tại Shishu Bhavan, một ngôi nhà dành cho trẻ em mồ côi, ở Kolkata, Ấn Độ. (Nguồn: Sucheta Das / AP.)

Một nhóm nữ tu Thừa sai Bác ái đã bị đuổi khỏi một cơ sở ở bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, động thái mới nhất chống lại Tu hội do Thánh Teresa thành lập.

Các nữ tu điều hành một ngôi nhà dành cho trẻ em ở Quân khu Kanpur đã bị Bộ Quốc phòng Ấn Độ trục xuất vào ngày 3/1.

Các quân khu của Ấn Độ trước đây là nơi đóng quân của Anh, nay thường là các khu đô thị lớn –Kanpur có dân số hơn 100.000 người – nhưng vẫn thuộc quyền quản lý của quân đội Ấn Độ.

Bộ quốc phòng tuyên bố ngôi nhà của những đứa trẻ nằm trên thửa đất với hợp đồng thuê 90 năm đã hết hạn vào năm 2019. Ngoài ra, họ đang đe dọa phạt các nữ tu với khoản tiền phạt hơn 250.000 đô la.

“Các công dân của Kanpur phẫn nộ trước việc trục xuất và tiếp quản này, nhưng vẫn là khán giả câm vì các nữ tu đã quyết định chuyển giao tài sản, có lẽ với hy vọng rằng bằng cách làm như vậy, yêu cầu hiện có về [tiền phạt] sẽ được miễn” – một tuyên bố từ Diễn đàn Công giáo Ấn Độ cho biết.

“Sự kiện này chắc chắn không làm vẻ vang gì cho quân đội hay DEO [văn phòng phụ trách các quân khu]. Phải chăng người ta đã cố tình chọn một mục tiêu mềm yếu khi biết rằng mục tiêu này sẽ không thể đấu lại họ? Nhắm mục tiêu có chọn lọc này dường như cũng vì những sai lệch của thành kiến ​​chung. Đây có phải là cách thức dân tộc này đáp trả những bhakts Desh đích thật, tức là những người phục vụ các kẻ nghèo túng nhất của xã hội mà không mong nhận lại điều gì? Thật là đáng xấu hổ” – tổ chức này nói thêm.

Động thái này chỉ là hành động mới nhất trong một loạt các hành động mà chính phủ Ấn Độ đã thực hiện chống lại Tu hội Thừa sai Bác ái do Mẹ Teresa thành lập năm 1950 ở Calcutta, nay được gọi là Kolkata, để phục vụ những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Mẹ qua đời năm 1997 và được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh vào năm 2016.

Vào dịp lễ Giáng sinh, chính phủ đã ra lệnh cấm nhận bất kỳ khoản tiền nào từ nước ngoài, và lệnh cấm này gây nguy hiểm cho các hoạt động của Tu hội Thừa sai Bác ái trên khắp Ấn Độ. Tu hội đang điều hành nhiều cơ sở trên khắp đất nước, bao gồm các trung tâm y tế, các ngôi nhà cho các bà mẹ chưa sinh con và các trường học.

Trước đó, vào tháng 12, các quan chức bang Gujarat đã đưa ra cáo buộc rằng các nữ tu ép buộc các cô gái theo đạo Hindu thực hiện các hành vi thờ phượng Kitô giáo, nhưng Tu hội này bác bỏ cáo buộc đó.

Năm 2018, Tu hội Thừa sai Bác ái bị vu khống là có dính líu đến một vụ bắt cóc liên quan đến trại trẻ mồ côi của họ.

Những người chỉ trích nói rằng chính quyền trung ương đang nhắm mục tiêu vào các nữ tu Công giáo để xoa dịu các cơ sở dân tộc chủ nghĩa Hindu của họ. Đảng cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi – BJP – liên kết với tổ chức dân tộc chủ nghĩa Hindu lớn nhất của đất nước, và đã bị cáo buộc nhắm mục tiêu vào các nhóm thiểu số tôn giáo, vu khống các nữ tu cố gắng “cưỡng bức cải đạo” những người theo đạo Hindu thuộc đẳng cấp thấp.

Đức Tổng Giám mục Thomas Menamparampil, nguyên Tổng Giám mục của Guwahati, cho biết: “Việc trục xuất các nữ tu Thừa sai Bác ái khỏi Kanpur cho thấy sự vô cảm ngày càng tăng từ phía Chính quyền và sự bất lực đáng buồn của các cộng đồng thiểu số ở Ấn Độ… Dường như đang có một nỗ lực kiên quyết nhằm làm hoen ố hình ảnh của ‘nhóm được ngưỡng mộ nhất’ này trong cộng đồng Kitô giáo.”

Đức Tổng Giám mục cho biết hành vi quấy rối đối với các nhóm thiểu số và yếu thế ở Ấn Độ đã được “bình thường hóa”.

“Các bài phát biểu căm thù chống lại các nhóm yếu hơn vang lên khắp nơi trong quốc gia dưới chế độ chuyên chính.  Nhà chức trách chẳng phản ứng gì khi các băng đảng tấn công những nông dân vô hại, phá rối các buổi tụ họp vào dịp lễ Giáng sinh và làm hư hại các nhà thờ Kitô giáo và đền thờ Hồi giáo” – Đức Cha Menamparampil tiếp tục.

Đức Tổng Giám mục nói thêm rằng những người theo Thiên Chúa giáo ở Ấn Độ – chỉ chiếm 2,3% dân số – hy vọng rằng cuộc gặp vào tháng 10 năm 2021 giữa Đức Giáo hoàng Phanxicô và Thủ tướng Modi tại Vatican là một dấu hiệu cho thấy chính phủ sẽ làm dịu “các quan điểm hung hăng” đối với các nhóm thiểu số tôn giáo ở Ấn Độ. Trong cuộc gặp, Thủ tướng đã mời Đức Giáo hoàng đến thăm Ấn Độ.

“Một ngày nọ, Modi đã nói ở Dehra Dun rằng ông ấy tin vào ‘sự trao quyền cho tất cả mọi người.’ Đó là điều mà các nữ tu của Mẹ Teresa đã làm với những người tủi nhục và bất lực nhất. Ở một nơi khác, ông nói, dân chủ không chỉ dành cho người dân, mà là ‘với’ người dân. Đó là điều mà các nhà thừa sai Kitô giáo luôn hướng tới. Tại Hội nghị thượng đỉnh về dân chủ với Biden, Modi khẳng định niềm tin vững chắc của mình vào ‘sự hòa nhập’ và ‘giải quyết khiếu nại.’ Chúng tôi hy vọng những thông điệp này sẽ được chuyển vào cuộc sống” – Đức Cha Menamparampil nói.

“Khi làn sóng COVID thứ hai ở đỉnh cao, mọi người không mong mỏi gì ngoài lòng trắc ẩn. Chúng tôi cần những người có lòng nhân ái, những người có thể tiếp cận với những người khó khăn nhất. Đó là điều mà Tu hội Thừa sai Bác ái và các nhà thừa sai Kitô giáo luôn thực hiện. Cần công nhận rõ ràng điều đó!”

Hoàng Tâm (theo CRUX)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube