Các Giám mục Mỹ Latinh bày tỏ sự gần gũi với Giáo hội tại Nicaragua

Cảnh sát chặn Đức Giám mục Rolando Alvarez Địa phận Matagalpa đi bộ đến Nhà thờ Chính Tòa (Ảnh: Vatican News)

Cảnh sát ngăn cản Đức Giám mục Rolando Alvarez Địa phận Matagalpa đi bộ đến Nhà thờ Chính Tòa (Ảnh: Vatican News)

Cơ quan Giáo hội đại diện cho các Giáo hội Châu Mỹ Latinh và Caribbean (CELAM) đã bày tỏ tinh thần liên đới với Giáo hội tại Nicaragua, khi Giáo hội nơi đây phải đối mặt với sự quấy rối ngày càng gia tăng của chế độ Sandinista.

Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh (CELAM) đã bày tỏ tỏ tinh thần liên đới và sự gần gũi với Giáo hội Nicaragua, khi căng thẳng với Chính phủ Sandinista của Tổng thống Daniel Ortega lên đến mức cao trào mới vào tuần trước khi một vị Giám mục bị cảnh sát ngăn cản không cho cử hành Thánh lễ.

Vụ việc xảy ra vào ngày 4 tháng 8, lễ Thánh Gioan Vianney, bổn mạng của các Cha Sở, khi Đức Cha Rolando Alvarez Địa phận Matagalpa, cùng với sáu Linh mục và sáu giáo dân, không được phép rời khỏi các văn phòng của Giáo phận để chủ sự giờ Chầu Thánh Thể tại Nhà thờ Chính Tòa địa phương.

Cảnh tượng này được ghi lại trong một đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, trong đó vị Giám chức được nhìn thấy quỳ xuống chắp tay và giải thích rằng chính quyền đã không cho phép ngài đến Nhà thờ Chính Tòa.

Đoạn video thứ hai cho thấy Đức Giám mục Alvarez đang cầm Mặt Nhật với Thánh Thể trên đường phố và một viên cảnh sát chặn ngài lại.

Năm đài phát thanh Công giáo bị chấm dứt hoạt động trong tuần này

Đức Giám mục Alvarez đã điều phối một mạng lưới gồm năm đài phát thanh Công giáo mà chính phủ Nicaragua đã chấm dứt hoạt động vào đầu tuần trước, vì những quan điểm được cho là chỉ trích chính quyền của Tổng thống Ortega và phu nhân của ông, Phó Tổng thống Rosario Murillo, người đã gián tiếp công kích Đức Giám mục Alvarez là “kẻ thao túng các biểu tượng tôn giáo”.

Theo Viện Viễn thông y Correos Nicaragua (TELCOR), các cơ quan truyền thông, bao gồm cả Đài Hermanos ở Matagalpa, thiếu giấy phép cần thiết, mặc dù Giáo phận Matagalpa tuyên bố rằng giấy tờ cần thiết để cấp phép đã được nộp cho các cơ quan có thẩm quyền vào năm 2016 bởi chính Đức Giám mục Alvarez.

Sự phản đối quốc tế

Việc đóng cửa cácđài phát thanh đã bị Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ và Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ (CIDH) lên án mạnh mẽ.

Trong khi đó, CELAM đã đưa ra một tuyên bố hôm thứ Sáu tuần trước nhằm bày tỏ tinh thần liên đới với Giáo hội và người dân Nicaragua đau khổ, đồng thời cũng cho biết rằng họ “vô cùng đau buồn” trước những sự kiện gần đây nhất, bao gồm “việc quấy rối các Linh mục và Giám mục, trục xuất các Dòng tu, xúc phạm các nhà thờ và đóng cửa các đài phát thanh”.

Sự gần gũi của CELAM

“Chúng tôi đồng hành cùng với những người anh em của mình, những người theo nhiều cách thức khác nhau đã tìm cách lên tiếng cho những người không có tiếng nói nhằm xây dựng một cuộc đối thoại vì sự thống nhất và hòa bình”, tuyên bố cho biết.

“Không có gì thực sự nhân văn lại không gây được tiếng vang trong trái tim của Giáo hội, một Giáo hội thực sự được liên kết với nhân loại và lịch sử của nó bằng những liên kết sâu sắc nhất”.

Do đó, các Giám mục Châu Mỹ Latinh và Carribean kêu gọi tất cả các tín hữu “hiệp ý cầu nguyện cho người dân Nicaragua, cho các nhà lãnh đạo, chính quyền và Giáo hội”, bởi vì, các Giám mục nói, “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau” (1 Cr 12, 26).

Mối quan hệ căng thẳng giữa Giáo hội và Chính phủ

Mối quan hệ giữa Chính phủ Sandinista và Giáo hội địa phương đã trở nên căng thẳng kể từ năm 2018, khi chính quyền Nicaragua đàn áp các cuộc biểu tình phản đối một loạt các cải cách gây tranh cãi đối với hệ thống an sinh xã hội.

Bất chấp nỗ lực hòa giải trong cuộc khủng hoảng, các Giám mục cuối cùng đã bị cấm tham gia đối thoại và mối quan hệ ngày càng xấu đi sau cuộc bầu cử gây tranh cãi vào năm 2021 vốn phê chuẩn Tổng thống Ortega, trong bối cảnh bị cáo buộc gian lận và cuộc đàn áp chính trị đối với ứng cử viên Tổng thống đối thủ.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng nổ, Giáo hội đã trở thành mục tiêu của gần 200 vụ tấn công và phạm thánh, cũng như các hành vi quấy rối và đe dọa các Giám mục và Linh mục. Năm 2019, Đức Giám mục Phụ tá Silvio José Báez đã bị buộc phải rời Giáo phận Managua theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi nhận được nhiều lời đe dọa đến tính mạng.

Trục xuất Dòng Thừa sai Bác ái và Sứ thần Tòa Thánh

Đầu tháng 7, Chính phủ đã trục xuất Dòng Thừa sai Bác ái (MC), sau khi đóng cửa một tổ chức từ thiện do các Nữ tu điều hành, cùng với 100 tổ chức phi chính phủ khác, bao gồm một số tổ chức Công giáo, với lý do họ không tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý.

Vào tháng 3 năm nay, Managua đã tuyên bố Sứ thần Tòa Thánh tại Nicaragua, Đức Tổng Giám mục Waldemar Stanislaw Sommertag người Ba Lan, là “persona non grata” (nhân vật không được chào đón) và trục xuất ngài.

Tòa Thánh đã bày tỏ sự ngạc nhiên và lấy làm tiếc trước thông báo, đồng thời cho biết rằng biện pháp này là “không thể hiểu nổi vì trong quá trình thi hành sứ mạng của mình, Đức Tổng Giám mục Sommertag đã làm việc với sự cống hiến hết mình vì lợi ích của Giáo hội và người dân Nicaragua, luôn tìm cách thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và các nhà chức trách của Nicaragua”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube