Xin cho họ nên một (Ga 17,20-26)

 

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẩn thiết xin Chúa Cha cho các môn đệ được hiệp nhất, nên một trong tình yêu.

Hiệp nhất thì hoàn toàn khác biệt với sự đồng bộ. Đồng bộ là ai cũng giống ai; suy nghĩ, hành động của tôi cũng phải là của anh, chứ anh không được phép nghĩ khác, nói khác và hành động khác với tôi. Một thứ đồng bộ như thế chỉ đưa đến sự độc tài. Mà sự độc tài thì đưa đến hận thù, đố kỵ, đau khổ, và chết chóc. Hơn bao giờ hết, nhân loại ngày nay đã có quá nhiều kinh nghiệm về những tang thương, khốn khổ do bởi những chế độ độc tài gây nên.

Chúa không xin cho các môn đệ được nên đồng bộ với nhau, nhưng Ngài xin cho họ được hiệp nhất với nhau, nghĩa là các môn đệ dù mỗi người mỗi tính mỗi nết, mỗi người mỗi hiểu biết và hành động khác nhau, nhưng họ vẫn có thể đón nhận nhau trong tình yêu và sự hiến mình. Chúa xin Chúa Cha cho các môn đệ được ơn hiệp nhất trong đa dạng, chứ không xin cho họ được hiệp nhất trong sự đồng bộ.

Nhìn vào bối cảnh Giáo Hội Việt Nam hôm nay, nhiều người không khỏi ngao ngán và có những phán xét nặng nề về những phán quyết, hướng dẫn của vị này vị khác đang nắm trọng trách Giáo Hội. Nhưng dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, ta tự hỏi xem ta đã lấy tình yêu làm căn cốt để đưa ra những ý kiến, nhận định của mình hay chưa. Và khi đưa ra ý kiến, nhận định của mình, mình đã thực sự tôn trọng những ý kiến hay phán quyết của người khác hay chưa, hay là mình đang phán xét theo cảm tính, thiên kiến, lập trường riêng của mình và bắt người khác cũng phải có cùng lập trường với mình?

Dĩ nhiên, khi đưa ra những phán quyết hay hướng dẫn nào đó, người giữ trọng trách cộng đoàn đòi buộc phải đứng ở trong cộng đoàn và cùng mang lấy cảm thức của cộng đoàn để đưa ra những phán quyết hay hướng dẫn ấy. Đức Hồng Yves Congar, chuyên viên của Công Đồng Vaticanô II, luôn nhấn mạnh đến nguyên tắc bổ trợ giữa cộng đoàn đức tin và cơ cấu, phẩm trật Giáo Hội. Theo Đức Hồng Y, nếu phẩm trật chỉ biết đến mình là Giáo Hội thôi thì sẽ đi đến chỗ chệch hướng. Nếu một phán quyết hay hướng dẫn của thẩm quyền Giáo Hội không phản ảnh cảm thức đức tin của cộng đoàn tín hữu, thì phán quyết đó bị thiên lệch, không đứng vững. Nói cách khác, cảm thức đức tin của dân Chúa là thước đo mức độ chính xác những phán quyết của thẩm quyền Giáo Hội.

Trong bối cảnh Giáo hội Việt Nam hiện nay, hơn bao giờ hết, ơn hiệp nhất giữa các thành phần dân Chúa là ơn cần thiết nhất mà mỗi người chúng ta phải khẩn khoản cầu xin lên Thiên Chúa , nhờ Đức Kitô, với Đức Kitô, và trong Đức Kitô, Chúa chúng ta.

Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube