Về chuyến viếng thăm Armenia của Đức Phanxicô

Tổng Trưởng Thánh Bộ các Giáo Hội Đông Phương: “Chuyến tông du sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô đến đất nước này sẽ là một cuộc hành hương nhân danh Lòng thương xót và hòa bình”

sandri

Trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Armenia từ ngày 24 đến 26/6 sắp tới, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Đức Hồng y Leonardo Sandri – Tổng trưởng Thánh Bộ các Giáo Hội Đông Phương. Ngài là người rất am hiểu về quốc gia này và đồng thời cũng là người sẽ tháp tùng Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du này.

Thưa Đức Hồng y, thực chất mục đích chuyến tông du lần này của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Armenia là gì?

“Tôi thiết nghĩ đây là chuyến tông du đầu tiên tới quốc gia này và trước hết đây là một chuyến hành hương: cử chỉ của Đức Thánh Cha là một trong những tình cảm và sự ngưỡng mộ đối với một Giáo Hội có truyền thống Kitô giáo lâu đời, cách nay nhiều thế kỉ; đây cũng là cử chỉ của lòng mến mộ đối với đất nước này. Đây là quốc gia đầu tiên trong vùng được đón nhận Tin Mừng của Thiên Chúa: vào năm 301 khi Thánh Gregory Illuminator hướng dẫn cả quốc gia này đến với Phép Thanh Tẩy. Đức Thánh Cha tỏ lòng biết ơn và yêu mến đối với những người đã được khuôn đúc theo tinh thần Kitô giáo và đã giày công để bảo vệ kho tàng quí báu của đức tin và bản sắc riêng của họ trong nhiều thế kỷ qua. Đây chính là sức mạnh tinh thần đối với cả dân tộc Armenia, qua đó, họ có thể xây dựng một tương lai hòa bình và hy vọng. Tôi cũng tin rằng chuyến tông du này sẽ rất quan trọng đối với toàn bộ cộng đồng người Armenia, tất cả những người hiện đang sinh sống ở châu Âu, Hoa Kỳ, Nam Mỹ và nhiều quốc gia khác. Họ đang là những tấm gương chiếu tỏa các giá trị Kitô giáo đối với quốc gia này. Những giáo huấn và phép lành của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là một an ủi lớn lao và đồng thời cũng là một sự khích lệ cho quốc gia này.

Ngài đã từng đến quốc gia này nhiều lần, gần đây nhất là vào năm 2015 nhân dịp Lễ tuyên Thánh các Thánh Tử Đạo Giáo Hội Công Giáo Armenia tại Gyumri: vậy điều gì làm cho Đức Hồng y ấn tượng nhất về dân tộc Armenia này?

“Điều đánh động tôi về dân tộc này, đã làm khơi dậy trong tôi lòng ngưỡng mộ sâu sắc đó chính là tinh thần hy sinh cũng như khả năng dám can đảm đối mặt với mỗi sự kiện lịch sử – cả trong thời gian tự do lẫn trong thời gian bị bách hại và đau khổ – với một tinh thần Kitô giáo đích thực, noi gương cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Khachkars – những bia đá được điêu khắc rất công phu và tinh xảo với hình Thánh giá – chính là biểu tượng của truyền thống Công giáo lâu đời ở Armenia; những biểu tượng này có mặt trên khắp đất nước. Sự kiên trung trong đức tin, tính thần khiêm tốn và phục vụ là những điểm mạnh của Giáo hội Armenia và đó cũng là điều giúp cho cộng đồng Kitô giáo lớn mạnh này có thể vượt qua những khó khăn khủng khiếp vào thế kỷ 20 vốn gây ảnh hưởng lớn đến hơn 1.5 triệu Kitô hữu Armenia”.

 Những tác động nào tạo nên những thách đố trong đời sống tâm linh của Giáo Hội Armenia ?

 “Những sự kiện vô cùng đau đớn này đã để lại những dấu vết không thể xóa nhòa đối với họ. Tôi đang nghĩ đến việc cử hành phụng vụ của Giáo Hội Armenia: điều mà tôi thấy ấn tượng nhất đó chính là những bài thánh ca được cất vang trong các nghi lễ phụng vụ: họ hát bằng cả tâm hồn, dường như đó là những lời ca tụng xuất phát từ đâu đó thẳm sâu trong tâm hồn họ. Họ thể hiện một đức tin mãnh liệt vào Thiên Chúa, đó là một đức tin chưa bao giờ bị từ khước nhưng đức tin ấy được bảo tồn bằng cái giá rất cao bằng chính những đau khổ trong những cuộc bách hại khốc liệt. Đó là một Giáo Hội vốn đã quen với những đau khổ. Tôi thầm ước rằng chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Armenia sẽ chạm đến Giáo Hội này như hành động xức dầu ủi an và thể hiện lòng thương xót để xoa dịu những nỗi đau và sẽ làm nảy sinh niềm hy vọng và tình yêu”.

Đức Hồng y có thể đánh giá như thế nào về mối quan hệ hiện nay giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Tông Truyền Armenia?

“Tôi nhận thấy các tín hữu chung sống với nhau trong tình huynh đệ và đặc biệt họ rất thân thiện với nhau. Cộng đồng các tín hữu Công Giáo ở đây chỉ là những cộng đoàn nhỏ bé về số lượng và chúng ta phải tạ ơn Chúa vì một thực tế là Giáo Hội Tông Truyền Armenia – nhờ sự giúp đỡ quảng đại của Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II và vị tiền nhiệm của Ngài là Đức Karekin I – đã cho phép Giáo hội Công giáo nơi đây tồn tại và sống đức tin cách trọn vẹn, cũng như đã cho phép các tổ chức từ thiện ở đây được hoạt động để phục vụ cộng đồng. Đơn cử như công tác bác ái được thực hiện bởi các Tu sĩ thuộc Dòng Thừa Sai Bác Ái tại Spitak, Yerevan và tại bệnh viện Ashotks – mà cho đến nay công tác bác ái này vẫn tiếp tục được duy trì bởi các Tu sĩ Dòng Camêlô và các nữ tu Dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu. Bệnh viện Ashotks do tổ chức Caritas của Ý tài trợ theo yêu cầu của Đức Gioan Phaolô II, sau một trận động đất khủng khiếp tàn phá khu vực vào năm 1988. Tôi chắc chắn rằng chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai Giáo hội, cổ võ các mối quan hệ mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn của tình anh em, tình hữu nghị và hỗ trợ lẫn nhau, dẫn đến một sự hợp tác lâu dài trong nhiều lĩnh vực “.

Đức Hồng y có nhận thấy khả năng Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Karekin II – Tổng Thượng Phụ Giáo Hội Tông Truyền Armenia sẽ soạn thảo một “Tuyên bố chung”, như Thánh Gioan Phaolô II và Đức Karekin II đã thực hiện vào năm 2001?

 “Tôi cho rằng một Tuyên bố chung sẽ được soạn thảo nhân dịp này nhằm nhấn mạnh đức tin vào cùng một Đức Kitô, Chúa chúng ta và bày tỏ ý định một sự sẵn sàng để xây dựng mối quan hệ huynh đệ giữa chúng ta nhờ ân sủng của Thiên Chúa”.

Đức Hồng y có nghĩ rằng chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tổ chức OSCE Minsk – một nhóm những nhà làm trung gian hòa giải đã tìm kiếm một giải pháp – cho đến nay vẫn không thành công – cho cuộc xung đột giữa Giáo hội Armenia và Azerbaijan về việc ai có quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh?

“Tôi chắc chắn rằng chuyến viếng thăm này sẽ là một cơ hội để thu hút sự quan tâm và khuyến khích những giá trị vốn là cột trụ của mọi cộng đồng nhân loại, đó là: từ chối bạo lực, từ chối sử dụng các loại vũ khí gây ra bao nhiêu tang thương và đau khổ cho nhân loại, không ngừng kiếm tìm hòa bình thông qua các phương tiện ngoại giao, các cuộc đối thoại, sự cảm thông và các cuộc đàm phán. Tôi nghĩ rằng trong chuyến tông du đến Armenia của Đức Thánh Cha lần này, chặng đầu tiên của cuộc hành trình Ngài sẽ tới khu vực Kavkaz (vào tháng Chín, Ngài sẽ đến thăm Georgia và Azerbaijan), Đức Thánh Cha sẽ gửi ra một thông điệp hòa bình và một lời mời gọi chân thành để hướng tới việc biến Caucasus trở thành một cầu nối giữa 2 miền Đông và Tây”.

Cristina Uguccioni

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube