Tòa Thánh tiếp tục thúc giục chấm dứt việc thử nghiệm hạt nhân

Phát biểu của Đức TGM Gallagher tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 62 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA)

Dưới đây là bài phát biểu mà Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh, đã đưa ra hôm 17 tháng 9 năm 2018 tại Vienna tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 62 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA):

2000px-Flag_of_IAEA.svg_

***

Thưa ngài Chủ tịch,

Tôi rất vinh dự được chuyển tải tới ngài cùng với tất cả các tham dự viên tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 62 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, những lời chúc tốt đẹp nhất và lời chào thân mật của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thưa ngài Chủ tịch, thay mặt cho Phái đoàn Tòa Thánh, tôi xin gửi lời chúc mừng toàn thể quý vị và các thành viên của Hội đồng trong cuộc bầu cử của quý vị bởi Hội nghị nổi tiếng này. Tôi cũng muốn nhân cơ hội này để bày tỏ sự cảm kích và lòng biết ơn của chúng tôi đến Tổng giám đốc Yukiya Amano và Ban thư ký vì công việc chuyên môn của họ vì lợi ích của toàn thể gia đình IAEA.

Nhân dịp này, Tòa Thánh, cùng với các quốc gia khác nhau, chào mừng và chúc mừng Grenada đã trở thành thành viên của IAEA.

Thưa ngài Chủ tịch,

Tòa Thánh khen ngợi và ủng hộ nhiều hoạt động của IAEA vốn đã tăng cường sự hợp tác quốc tế cũng như đóng góp một cách đáng kể nhằm ngăn chặn sự phổ biến các loại vũ khí hạt nhân và đồng thời thúc đẩy việc giải trừ hạt nhân. Các hoạt động như vậy, trên thực tế, cũng giúp thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện, bằng cách thúc đẩy sự hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực khoa học hạt nhân và các ứng dụng của  chúng, và bằng cách thúc đẩy việc sử dụng bình ổn các công nghệ hạt nhân.

Giờ đây tôi muốn đề cập đến một vài khía cạnh liên quan đến công việc cơ bản của IAEA.

Chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân được ủng hộ mạnh mẽ bởi các biện pháp bảo vệ của IAEA, vốn tập trung vào việc tăng cường hiệu quả và cải thiện năng lực của nó. Chẳng hạn như, sự tham gia của IAEA trong việc xác minh và giám sát các cam kết của Iran theo Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPoA) cung cấp một thành phần không thể thiếu cho việc đánh giá việc liệu rằng tất cả vật liệu hạt nhân có được sử dụng cho mục đích hòa bình hay không, và do đó góp phần vào vấn đề hòa bình và an ninh lớn hơn ở Trung Đông.

Hơn nữa, Tòa Thánh ủng hộ các nỗ lực liên tục và kiên nhẫn của cộng đồng quốc tế nhằm hồi sinh các cuộc đàm phán xung quanh chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, vốn đe dọa tính toàn vẹn của chế độ không phổ biến các loại vũ khí hạt nhân. Không có bất kì giải pháp quân sự nào cho mối đe dọa này. Các biện pháp bảo vệ của IAEA, phản ánh vai trò quan trọng của Cơ quan trong việc kiểm tra hạt nhân trong khu vực, đại diện cho một đóng góp thiết yếu cho việc thúc đẩy hòa bình và an ninh và đồng thời giúp xây dựng một bầu khí tín nhiệm thay cho việc buộc tội lẫn nhau. Việc sử dụng các biện pháp bảo vệ của IAEA tạo thành một công cụ quan trọng trong việc tiến tới mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân.

Chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân phải hoạt động không ngừng nghỉ hướng tới việc cấm hoàn toàn việc thử nghiệm hạt nhân như nó đã thực hiện đối với việc giải trừ hạt nhân. Vì lý do đó, Toà Thánh đã ký kết và phê chuẩn Hiệp ước về việc Cấm vũ khí hạt nhân với mục tiêu vượt ra khỏi việc ngăn chặn hạt nhân hướng đến một thế giới hoàn toàn không có vũ khí hạt nhân (1).

Các vụ thử nghiệm hạt nhân liên quan đến việc phát thải đáng kể và không kiểm soát các loại chất phóng xạ trực tiếp vào môi trường. Chúng đã dẫn đến liều lượng tích lũy lớn nhất của các loại bức xạ nhân tạo được giải phóng vượt quá dân số và môi trường toàn cầu (2). Như ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh “Môi trường là điều thiện hảo chung, gia tài của toàn thể nhân loại và một trách nhiệm chung cho mọi người. Nếu một người chiếm hữu một điều gì đó, thì phải quản lý vì ích lợi cho mọi người. Nếu không làm như thế, chúng ta sẽ làm khổ lương tâm của chúng ta vì phủ nhận sự hiện sinh của những người khác” (3). Vì vậy, chúng tôi khẳng định rằng các loại vũ khí hạt nhân chính là các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và hủy hoại môi trường.

ĐTC Phanxicô cũng lưu ý rằng “sự leo thang của cuộc chạy đua vũ khí tiếp tục không hề suy giảm và cái giá của việc hiện đại hóa và phát triển vũ khí, không chỉ các loại vũ khí hạt nhân, tượng trưng cho một sự phí tổn đáng kể đối với các quốc gia. Do đó, những ưu tiên thực sự mà đại gia đình nhân loại của chúng ta hiện đang phải đối mặt, chẳng hạn như cuộc chiến chống đói nghèo, việc thúc đẩy hòa bình, việc thực hiện các dự án giáo dục, sinh thái và chăm sóc sức khỏe, và phát triển nhân quyền, bị tụt xuống vị trí thứ hai” (4).

Tòa Thánh thừa nhận sự đóng góp quan trọng của IAEA trong việc tạo ra một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Vai trò này được đặc trưng bởi sự kết hợp hiệu quả của các biện pháp có sẵn theo các thỏa thuận bảo vệ toàn diện (CSA) cùng với các quyết nghị bổ sung khác nhau (AP). Hơn nữa, những nỗ lực nhằm đảm bảo vấn đề an toàn và an ninh hạt nhân, cũng như việc thúc đẩy một nền văn hóa của vấn đề an ninh đã được cải thiện đáng kể do những chiến lược của IAEA đối với việc tăng cường các mạng lưới và diễn đàn toàn cầu, khu vực và quốc gia, và bằng cách mở rộng năng lực và năng suất hạt nhân, sự phóng xạ xạ, sự vận chuyển và an toàn chất thải, cũng như việc chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp. Các mục tiêu rộng lớn hơn của việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, giải trừ hạt nhân và việc sử dụng bình ổn các công nghệ hạt nhân, mỗi mục tiêu đều phụ thuộc vào các chiến lược quan trọng này của IAEA.

Toà Thánh hoan nghênh và khen ngợi những nỗ lực của Cơ quan trong việc thiết lập “Lực lượng đặc nhiệm liên ngành về biến đổi khí hậu” và trong việc tổ chức Diễn đàn khoa học IAEA năm nay tập trung vào “Công nghệ hạt nhân đối với Khí hậu: Giảm nhẹ, giám sát và thích ứng”. Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới trong khuôn khổ của Các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) có thể được hỗ trợ bởi nhiều công nghệ hạt nhân và các ứng dụng của chúng như đã được nêu trong các quyết nghị phát triển của IAEA, và do đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện, tăng cường sự quản lý của chúng ta đối với công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Thật vậy, các dự án hợp tác kỹ thuật của IAEA trong lĩnh vực sức khỏe con người, nước và môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và nông nghiệp thông minh, trong số những lĩnh vực khác, đã góp phần đáng kể vào việc xóa đói giảm nghèo và khả năng của các quốc gia nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển của họ với giải pháp bền vững.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đóng một vai trò chủ động ở tất cả các cấp trong việc xây dựng các chiến lược cho Chương trình hành động đối với việc Điều trị ung thư (PACT), và trong việc thiết lập và tăng cường các chương trình xạ trị. Về vấn đề này, Tòa Thánh bày tỏ lòng biết ơn và sự cảm kích của mình đối với Cơ quan vì đã giúp đỡ các quốc gia thành viên có thu nhập thấp và trung bình cải thiện hiệu quả của các dịch vụ y học bức xạ của họ như một phần của chiến lược kiểm soát ung thư toàn diện, vì việc hỗ trợ đào tạo các chuyên gia y tế và tham gia gây quỹ nhằm tăng cường các chương trình và các hoạt động kiểm soát ung thư.

Nhân dịp này, Tòa Thánh nhắc lại nhu cầu cấp bách đối với một nền luân lý toàn cầu hiện đại về tinh thần trách nhiệm, liên đới và an ninh hợp tác, vốn phải thay thế những lối tư duy cũ kĩ đã thường xuyên bị thúc đẩy bởi việc tư lợi bản thân và sự ngờ vực. Chúng ta phải nhận ra rằng hòa bình và vấn đề an ninh của chính chúng ta chung quy cũng phụ thuộc vào hòa bình và tình trạng an ninh của người khác.

Do đó, Tòa Thánh kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo và các quốc gia nỗ lực làm việc hướng tới mục tiêu chung của việc thúc đẩy việc hạn chế và giải trừ các loại vũ khí hạt nhân, việc phát triển và sử dụng bình ổn các công nghệ hạt nhân, và sự phát triển con người bền vững, đặc biệt là đối với các quốc gia nghèo nhất. Việc theo đuổi các mục tiêu đó sẽ góp phần không nhỏ cho một nền hòa bình toàn cầu thực sự và lâu dài.

Thưa ngài chủ tịch,

Tóm lại, Toà Thánh nhắc lại lòng biết ơn chân thành của mình và đồng thời khẳng định sự ủng hộ kiên định của mình đối với nhiều đóng góp của IAEA đối với việc hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân, cũng như việc triển khai và vận hành các công nghệ hạt nhân an toàn và bình ổn.

Xin cám ơn!

Minh Tuệ chuyển ngữ

 _____________________***_____________________

(1)       ĐTC Phanxicô, Thông điệp gửi Hội nghị Liên Hợp Quốc về việc Đàm phán một công cụ ràng buộc về mặt pháp lý nhằm cấm các loại vũ khí hạt nhân, hướng đến việc loại bỏ hoàn toàn các loại vũ khĩ này, ngày 23 tháng 3 năm 2017.

(2)        Báo cáo năm 2000 của UNSCEAR gửi Đại hội đồng, Tập I, Phụ lục C, các trang 158-180. Liên Hợp Quốc, New York, 2000.

(3)       ĐTC Phanxicô, Thông điệp Laudato si’, Số 95, ngày 24 tháng 5 năm 2015.

(4)       ĐTC Phanxicô, Thông điệp gửi Hội nghị Quốc tế về Triển vọng về một Thế giới không có Vũ khí Hạt nhân và việc Giải giáp vũ khí hoàn toàn, ngày 10 tháng 11 năm 2017.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube