Tình yêu Ba Ngôi

“Thiên Chúa là Cha, Ngài đản sinh Thánh Tử cho thế gian và như vậy chứng tỏ rằng Ngài là tình yêu… Nếu Thiên Chúa được nhận biết là tình yêu nhờ sự tuôn tràn của mầu nhiệm, thì Ngài là tình yêu trong chính mầu nhiệm ấy” (F. X. Durrwell).

Khi nói về Thiên Chúa, thánh Gioan đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Và tình yêu ấy được tỏ lộ ra cho con người thông qua việc Thiên Chúa trao ban Con Một Chí Ái của Người cho thế gian: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian…” (1Ga 4,9).

Mầu nhiệm của Thiên Chúa là chính mầu nhiệm của tình yêu.

images (1)Tình yêu chính là sức sống, là sức năng động nên tình yêu không chấp nhận “ngồi yên một chỗ” mà luôn trào tràn ra khỏi chính mình. Chính sự tuôn trào tình yêu từ trong viên mãn, Chúa Cha đã sinh ra Chúa Con và trao ban trọn vẹn chính mình cho Chúa Con: “Tình yêu đích thực sẵn sàng sát tế, hiến thân, trao ban có thể đi đến cạn kiệt chính mình… Là Thiên Chúa nhờ phụ tính và là Cha nhờ tình yêu, Thiên Chúa sát tế, tiêu huỷ như ngọn lửa toàn thiêu, nhờ Thần Khí, Đấng là tình yêu và nhờ Người Thiên Chúa là Cha” (F. X. Durrwell).

Chính tình yêu làm cho Thiên Chúa, tuy là ba Ngôi vị Cha – Con – Thánh Thần, nhưng lại là một Thiên Chúa duy nhất, “sự duy nhất nơi Thiên Chúa được hiểu như là sự duy nhất trong tình yêu tự trao hiến cách tự do” (Franz Courth). Nơi Thiên Chúa, tình yêu chính là sự sống, là hạnh phúc của cả Ba Ngôi và của từng Ngôi vị. Thông điệp Sacramentum Caritatis của Đức Bênêdictô XIV cũng khẳng định: “Thiên Chúa là sự hiệp thông tình yêu trọn hảo giữa Cha, Con và Thánh Thần” (số 8). Đó chính là động lực nguyên uỷ, là nền tảng của tất cả mọi công trình Thiên Chúa thực hiện trong thời gian.

Nơi Thiên Chúa, tình yêu không tìm cách thoả mãn và qui về chính mình nhưng luôn hướng đến đối tượng, hướng đến Đấng Khác để trao ban và dâng hiến một cách trọn vẹn. Chính vì thế, sự hiện diện của Ba Ngôi “như là không gian vô tận của một tình yêu tự do” (Franz Courth). Trong tình yêu đó, Chúa Cha là cội nguồn vĩnh cửu bởi Cha đã trút cạn và trao ban chính mình cho Con. Khi hạ sinh Con, “Chúa Cha từ khước một cách không thể đảo ngược chính thần tính của mình, khi chuyển thông chính mình trong Chúa Con: Ngài không chia sẻ thần tính với Chúa Con, nhưng thông truyền trọn vẹn cho Chúa Con những gì thuộc về mình” (Hans Urs von Balthasar). Chúa Con đón nhận tất cả mọi sự từ nơi Cha, nhưng Ngài không giữ lại để “làm giàu” cho chính mình mà trong sự trào tràn của tình yêu, đến lượt mình, Chúa Con lại trao dâng tất cả và trút cạn chính mình cho Cha, “sự đáp trả của Chúa Con cho hồng ân của sự tham dự vào thần tính của Chúa Cha, trong cùng một bản thể, chỉ có thể là một lời chúc tụng vĩnh cửu (eucharistia) hướng về cội nguồn của Cha, là hồng ân của Cha vừa hoàn toàn vô tư cũng như không có chút tính toán nào” (Hans Urs von Balthasar). Và Thánh Thần chính là tình yêu trao hiến giữa Cha và Con, là dấu ấn bảo tồn sự khác biệt vô tận (như yếu tính của tình yêu), đồng thời cũng vượt qua nó xét như là Thánh Thần duy nhất của hai Ngôi vị của Cha và Con.

download (10)Nơi Thiên Chúa, tình yêu không chỉ là sự trao ban nhưng không và tuyệt đối mà tình yêu còn tạo nên sự hiệp nhất các Ngôi vị. Sự hiệp nhất nên một nhưng vẫn là khác biệt ; sự hiệp nhất không hoà tan các Ngôi vị nhưng bảo tồn sự khác biệt và đưa sự khác biệt đó tới mức hoàn hảo. Với sự trào tràn của tình yêu, ba Ngôi vị Thiên Chúa tuy phân biệt mà không tách biệt, không chia rẻ, tương quan đối lập… mà không đối kháng, không mâu thuẫn, hợp nhất thành một mà không phải hỗn hợp, không phải một thứ trộn lẫn, không phải một thứ hợp chất, vì mỗi ngôi vị là mỗi cá thể bền vững tuyệt đối và “không có Ngôi nào trước, Ngôi nào sau, Ngôi nào hơn, Ngôi nào kém.” Ba Ngôi bằng nhau hoàn toàn về mọi mặt, về mọi phương diện. Chỉ có tình yêu hoàn toàn vô vị lợi… tạo ra những Ngôi Vị, những tương quan đối lập như thế để đi tới sự hiệp nhất, thành một, duy nhất và thuần nhất.

Sự nên một trong tình yêu không làm cho Ba Ngôi phụ thuộc nhau, nhưng làm cho Ba Ngôi hoàn toàn độc lập và tự do qui hướng về nhau. Tuy các Ngôi vị là khác biệt – Cha không thể là Con, Con không thể là Cha, và Cha/Con không phải là Thánh Thần – nhưng là sự khác biệt đưa đến hiệp nhất bởi các Ngôi vị luôn qui hướng về nhau, “Cha là Cha chỉ khi qui chiếu về Con, và Con là Con chỉ khi qui chiếu về Cha… Thánh Thần là ân sủng giữa Cha và Con, là mối dây tình hiệp nhất Cha và Con” (Franz Courth).

Tình yêu dạt dào giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, từ trong nội tại, được chuyển thông ra bên ngoài, trở nên nguồn gốc của tạo thành với đỉnh cao là con người, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa.

Trong công trình tạo dựng, con người đã được chia sẻ một phần nào đó vào “hơi thở sự sống” của Thiên Chúa khi Thiên Chúa thổi hơi và con người được sống (x. St 2, 7). “Hễ đã là loài người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, thì đều được ngụp lặn và tắm gội trong tình thương của Thiên Chúa và được sống bằng chính sự sống của Ngài” (Théodule Réy–Mermet).

Tuy nhiên, sự chen vào của tội lỗi đã làm cho mạch chuyển thông ấy bị ngưng trệ. Chính vì lẽ đó, con người luôn khắc khoải kiếm tìm Thiên Chúa như lời thánh Augustine: “Lạy Chúa…vì Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa, và lòng chúng con khắc khoải bao lâu chưa được nghỉ ngơi trong Chúa” (Thánh Augustinô).

Đứng trước tình cảnh đó cùng sự bất lực của con người,  Thiên Chúa đã chủ động tìm đến với con người và “tỏ tình” với con người. Chính Thiên Chúa đã đơn phương đưa ra lời hứa, đã chủ động ký giao ước (dù con người không xứng đáng), đã cam kết và thiết lập một khế ước với con người để từ nay, con người và Thiên Chúa không còn là “những kẻ xa lạ” mà trở thành “người một nhà”.

Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người đạt đến tột đỉnh qua việc Thiên Chúa trao ban Con của Ngài cho con người để cứu con người khỏi hư mất và được sống mãi (Ga 3,16).

Giacôbê Vũ Minh, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube