Thánh Gioakim và Anna có thể dạy chúng ta cách để giúp con cháu lớn lên trong đức tin

Sống trong một thế giới toàn điều bất ngờ, Thánh Gioakim và Anna nằm trong số những người đủ tiêu chuẩn nhất để nói: “Ồ, bạn nghĩ đó là một điều bất ngờ? Nghe này . . . ” Trên thực tế, họ có thể chỉ ra ít nhất bốn bất ngờ lớn. Nhưng trước tiên, chúng ta hãy bắt đầu một chút với bối cảnh của câu chuyện.

st-joachim-and-st-anne-parents-of-the-blessed-virgin-mary-abraham-willemsen

Câu chuyện của Thánh Gioakim và Anna, cha mẹ của Đức trinh nữ Maria và là ông bà của Chúa Giêsu, không xuất hiện trong Kinh Thánh. Lần đầu tiên chúng ta ‘gặp’ họ là trong một tài liệu được viết vào khoảng năm 150 sau Công Nguyên, tài liệu có tên là Phúc âm của thánh Giacôbê. Trong khi hầu hết các học giả, bao gồm cả Thánh Giêrônimô và Thánh Tôma Aquinô, nghi ngờ tính xác thực lịch sử của cuốn sách này, thì mô tả của cuốn sách về Gioakim và Anna vẫn nhanh chóng thu hút trí tưởng tượng của các tín hữu khắp nơi. Trên thực tế, tài liệu này được yêu thích đến nỗi nó đã được dịch rất nhanh sang tất cả các ngôn ngữ chính của khu vực ven Địa Trung Hải. Theo thời gian, câu chuyện của Thánh Gioakim và Anna được truyền bá rộng rãi khắp nơi.

Bốn điều ngạc nhiên.

Theo câu chuyện, Gioakim là một người đàn ông giàu có và được kính trọng ở Israel, nhưng ông ta và vợ mình, Anna, bị coi là ‘bị nguyền rủa’ vì họ không thể mang thai. Cảm giác xấu hổ và bị loại trừ của Gioakim cuối cùng đã đẩy ông vào sa mạc, ăn chay và cầu nguyện trong bốn mươi ngày. Anna, bị bỏ lại một mình, khóc lóc và kêu cầu Chúa.

Điều bất ngờ đầu tiên đã xảy ra. Một thiên thần hiện ra với Anna. Vẻ ngoài của một thiên thần luôn gây ấn tượng mạnh, nhưng thông điệp của thiên thần còn gây ấn tượng hơn: “Anna sẽ sinh một đứa trẻ, người này sẽ được nói đến trên khắp thế giới.” Trong khi đó, ở sa mạc, Gioakim cũng được một thiên thần đến thăm với lời nhắn tương tự. Lòng tràn đầy niềm vui, ông trở về nhà để dâng lễ tạ ơn. Khi Anna nghe tin ông sẽ đến, cô ra đón ông ở cổng thành. Cô chạy đến, ôm lấy ông và nói: “Bây giờ em biết rằng Đức Chúa đã nghe lời cầu nguyện của em.”

Sau đó đến bất ngờ thứ hai. Thiên thần đã nói với họ rằng hãy mong đợi một đứa trẻ phi thường, và không mất nhiều thời gian để họ thấy rằng con gái của họ, Maria, thật đặc biệt. Trái tim của cô trong sáng và những hành động của cô vô vị lợi đến mức, rõ ràng rằng, cô được sinh ra không có tội nguyên tổ. Ý nghĩ đó hẳn là thật phi lý.

Điều bất ngờ thứ ba? Rằng con gái của họ đã sinh ra, với tư cách là một trinh nữ, cho Đấng Mêsia được mong đợi từ lâu của Israel — cháu trai của họ!

Điều ngạc nhiên thứ tư, có lẽ là lớn nhất cho đến nay: họ phát hiện ra rằng, họ là cha mẹ của Mẹ Thiên Chúa và ông bà của Con Thiên Chúa. Đó hẳn là một cú sốc tầm cỡ thế giới. Bạn gần như có thể nghe thấy họ hỏi, “Tại sao lại là chúng tôi?”… lặp đi lặp lại.

Chính vì điều ngạc nhiên thứ tư này mà Giáo hội cử hành hàng năm vào ngày 26 tháng 7, khi chúng ta tôn vinh Thánh Gioakim và Anna là những vị thánh bảo trợ của tất cả các ông bà.

Được Chúa ủy thác.

Vậy, Gioakim và Anna có gì để nói với chúng ta về thiên chức làm ông bà? Một bài học rất quan trọng là mỗi ông bà đều được Chúa ủy nhiệm để truyền lại đức tin cho cháu của họ. Giống như mọi người Dothái sùng đạo vào thời điểm đó, cặp vợ chồng thánh thiện này biết lời răn dạy này từ ông Môsê:

“Nhưng anh em hãy ý tứ và cẩn thận giữ mình đừng quên những điều mắt anh em đã thấy, và suốt đời, đừng để cho những điều ấy ra khỏi lòng anh em; trái lại, anh em hãy dạy cho con cháu anh em biết.” (Đnl 4: 9)

Gioakim và Anna khởi đầu sự ảnh hưởng của họ lên Chúa Giêsu trong tư cách là ông bà, bằng việc trở thành cha mẹ của Maria. Chắc hẳn họ đã kể cho cô nghe câu chuyện về sự ra đời của cô, đặc biệt là phần về các thiên thần. Đó có thể là lý do tại sao Maria rất sẵn lòng chấp nhận những lời nói của một thiên thần trong biến cố truyền tin.

Vì vậy, phần lớn những gì họ đã làm đã truyền tải cho Maria một ý thức thường xuyên về ý nghĩa của việc trở thành một thành viên của dân tộc Israel. Họ mặc gì, cắt tóc như thế nào, khi rửa tay, những lời chúc phúc họ nói suốt cả ngày — tất cả những điều này đều gắn trực tiếp với mối quan hệ của họ với Thiên Chúa.

Truyền thống và niềm tin cá nhân.

Hãy tưởng tượng truyền thống đức tin mà Đức Maria được sinh ra trong đó – một truyền thống gia đình đã hình thành nên Mẹ và chuẩn bị cho Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa.

Đầu tiên, có ngày Sabát hàng tuần, nền tảng để tôn vinh Chúa và yêu thương nhau. Nó bắt đầu vào buổi tối. Trong một thế giới không có điện, bóng tối bị khuất phục bởi ánh sáng lung linh của nến và đèn dầu. Họ đã dành thời gian chia sẻ về Kinh Thánh và lối sống theo Kinh Thánh. Trong thời thơ ấu của Maria, có rất nhiều lời bàn tán về sự xuất hiện của Đấng Mêsia. Nó sẽ thế nào? Người sẽ là một thầy tư tế vĩ đại hơn Aharon, một nhà tiên tri vĩ đại hơn Môsê, hay một vị vua vĩ đại hơn Đavít?

Thêm nữa, ngoài ngày Sabát, bảy lễ lớn trong lịch của Israel, không lễ nào quan trọng hơn Lễ Vượt Qua. Buổi ăn mừng đó cũng được bắt đầu vào buổi tối. Câu chuyện Xuất Hành được kể lại một cách chi tiết trước những nụ cười lung linh và ánh mắt lấp lánh, khiến họ nhớ đến cột lửa luôn dõi theo họ và việc vượt qua Biển Đỏ của họ. Họ ca hát, nhảy múa và cười đùa. Họ dâng những lời cầu nguyện giống như tổ tiên của họ đã cầu nguyện trong hơn một nghìn năm.

Thấm nhuần truyền thống này, Maria đã học được đức tin mà cô sẽ truyền lại cho con trai mình. Cô ấy được sinh ra không phải để biết ngay câu chuyện của Étte hay Giuđitha. Cô phải học những lời cầu nguyện của mình. Cô phải học thuộc các điều răn, gia phả, các câu chuyện và thánh vịnh. Cô đã học cách dọn sạch men trong nhà cho bữa tiệc bánh không men và ý nghĩa đặc biệt của từng loại thực phẩm trong bữa ăn Lễ Vượt Qua.

Nhưng Gioakim và Anna biết rằng truyền thống đức tin (của dân tộc Israel) là không đủ. Họ cũng cần truyền lại đức tin cá nhân của mình vào Thiên Chúa — và họ đã làm điều này qua gương sáng cũng như lời nói của họ.

Khi Gioakim cần sự giúp đỡ, ông đã noi gương Môsê và Êlia bằng cách ăn chay và cầu nguyện. Khi Anna cầu nguyện, cô ấy nhìn Sara như hình mẫu đức tin của mình: “Lạy Chúa của tổ phụ chúng con, xin ban phước cho con và nghe lời cầu nguyện của con, như Ngài đã ban phước cho tử cung của Sara.” Họ dạy cho Maria có sự tự tin để nói chuyện với một vị Thiên Chúa tốt lành, một Thiên Chúa quyền năng và một Thiên Chúa yêu thương — đặc biệt là khi khó khăn ập đến. Họ đã cho cô ấy thấy rằng Chúa không ở xa. Ngài đang ở gần và nghe thấy những lời cầu nguyện. Và Ngài đáp lời!

Cách thức nuôi dạy con cháu.

Tất cả những gì Gioakim và Anna làm cho Maria đều có thể tác động đến Chúa Giêsu. Maria trao lại những gì cô đã nhận được: đức tin, những câu chuyện, thậm chí cả cách cư xử. Là ông bà, họ có vai trò do Thiên Chúa ban cho — có thể không trực tiếp và tức thì như của Maria — nhưng họ đã giúp thiết lập một truyền thống đức tin trong gia đình và làm chứng cho cháu họ về đức tin cá nhân của họ.

Điều này cũng đúng đối với chúng ta. Thiên Chúa luôn có cách thức trong các lý tưởng của Ngài, và điều đó bao gồm cả những đứa cháu mà Ngài đã trao – hoặc sẽ ban – cho các cha mẹ. Ngài đã đặt các ông bà, ở đây, bây giờ, vào một vị trí nào đó để truyền lại đức tin của họ cho con cháu của họ. Đó chắc chắn là một trong những điều quan trọng nhất mà họ sẽ làm trong phần đời còn lại của mình. Thật vậy, nó thậm chí có thể là điều quan trọng nhất mà họ từng làm.

Các ông bà ơi! Hành động đầu tiên của ông bà là phải nghĩ khác đi. Người ta dễ bị cám dỗ nhìn vào cuộc sống với sự thất vọng thay vì hy vọng. Nhưng Thiên Chúa đã cho con cháu của ông bà lớn lên chính xác vào thời điểm này. Ngài muốn chúng tạo ra sự khác biệt trong thế hệ của chúng. Vì vậy, khi ông bà nhìn vào cuộc sống, đừng tuyệt vọng. Thay vào đó, hãy nhìn lên bầu trời và tìm thấy hy vọng của ông bà ở đó. Thiên Chúa đã sai các cháu trai và cháu gái của ông bà trở thành những ngọn đèn chiếu sáng trong bóng tối. Ông bà có thể giúp chúng thắp sáng và khơi dậy ngọn lửa niềm tin cho một thế giới đang rất cần nó.

Một khi ông bà bắt đầu suy nghĩ khác, ông bà có thể bắt đầu cầu nguyện khác đi. Khi tôi hỏi ông bà liệu họ có cầu nguyện cho cháu của họ không, câu trả lời gần như phổ biến là: Có! Khi tôi hỏi, “vậy, nên làm thế nào?” Tôi thường nhận được một cái nhìn bối rối. Tôi biết được rằng ông bà dành nhiều thời gian lo lắng cho cháu hơn là cầu nguyện cho chúng. Ông bà có thể cần học một vài cách đơn giản để cầu nguyện để tạo ra sự khác biệt. Ví dụ như sau: chọn một đức tính cho mỗi đứa cháu của ông bà, nói tên của cháu đó và đức tính đó, rồi cầu nguyện bằng cách đọc Kinh Lạy Cha. Nó đơn giản mà. Ông bà vừa mới bắt đầu cầu nguyện một cách sốt sắng đó!

Cuối cùng, ông bà có thể hành động một cách chiến lược trong việc chia sẻ đức tin của mình. Làm sao? Hãy cùng một đứa cháu trong số các con cháu, đi câu cá hoặc đi mua sắm, và sau đó ăn kem. Hãy kể câu chuyện về thời điểm đức tin của ông bà đã trở nên sống động lần đầu tiên hoặc nó đã sâu sắc như thế nào. Câu chuyện của ông bà là một phần trong câu chuyện của chúng, cũng như Gioakim và Anna là một phần trong câu chuyện của Chúa Giêsu. Đừng quên những điều mắt ông bà đã thấy nhưng hãy nhớ: “anh em hãy dạy cho con cái của anh em biết” (Đnl 4:9).

Thế giới đầy những điều bất ngờ, và không phải tất cả chúng đều tốt. Nhưng cũng giống như Thánh Gioakim và Anna, ông bà đã được Thiên Chúa chọn để trở thành những ông bà có ảnh hưởng và vui tươi, những người giúp những người cháu khám phá một vị Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng.

Chuyển ngữ: Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam

Nguồn: wau.org (Michael Shaughnessy – They Can Teach Us How to Help Our Grandchildren Grow in Faith)

 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube