Thần học gia Thượng Hội đồng Giám mục: ‘Giáo dân phải đưa ra quyết định,  chứ không chỉ thực hiện chúng’

Đức Thánh Cha Phanxicô dẫn đầu một phiên họp của Thượng Hội đồng Giám mục về Amazon tại Vatican vào ngày 15 tháng 10 năm 2019, ảnh tập tin. Giáo hoàng đã quyết định rằng đại hội đồng tiếp theo của Thượng Hội đồng Giám mục sẽ nhóm họp vào mùa thu năm 2022. (Nguồn: CNS photo / Paul Haring)

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ trì một phiên họp của Thượng Hội đồng Giám mục về khu vực Amazon tại Vatican vào ngày 15 tháng 10 năm 2019. Đức Thánh Cha đã quyết định rằng đại hội đồng tiếp theo của Thượng Hội đồng Giám mục sẽ nhóm họp vào mùa thu năm 2022 (Ảnh: CNS/ Paul Haring)

Hướng tới Thượng Hội đồng Giám mục về khái niệm “Đồng nghị tính”, một nhà thần học giáo dân người Venezuela cho biết rằng đã đến lúc các Giám mục cần phải nắm bắt một điểm quan trọng: Giáo dân không chỉ được kêu gọi thực hiện các quyết định trong Giáo hội do những người khác đưa ra, nhưng phải tự mình đưa ra quyết định.

Giáo dân Rafael Luciani, người đã chia năm của mình giữa Venezuela và Boston, nơi ông làm việc tại Trường Cao đẳng Boston, là một trong ba nhà thần học Mỹ Latinh đã được chọn làm cố vấn cho Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới về vấn đề “Đồng nghị tính”, mà ông hy vọng sẽ đóng góp “từ một tầm nhìn phi giáo sĩ”.

“Nếu không có sự đồng quản trị, thì sẽ không có được sự hiểu biết về Giáo hội vốn liên quan đến tất cả những người đã được rửa tội”, ông Luciani phát biểu với Crux. “Đồng quản trị không có nghĩa là một người đưa ra quyết định cuối cùng và đặt nó lên bàn, nơi những người khác phải hiểu tại sao tôi lại đưa ra một quyết định. Nó có nghĩa là một sự phân định phải được cùng nhau thực hiện, và các quyết định phải được cùng nhau đưa ra, chứ không phải được giải thích từ trên xuống”.

Crux đã có cuộc trò chuyện với ông Luciani về Thượng Hội đồng Giám mục, cuộc cải cách Giáo hội và vai trò của giáo dân vào ngày 16 tháng 7. Dưới đây là những đoạn trích của cuộc trò chuyện đó.

Ông là một trong ba nhà thần học người Mỹ Latinh sẽ là cố vấn cho Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới ở Rome vào năm 2022, sau tiến trình tham vấn mới vốn đã bắt đầu. Điều đó ý nghĩa gì đối với ông?

Tôi đã làm việc trong công cuộc cải tổ Giáo hội trong nhiều năm và tôi coi đây như là một cơ hội. Giáo hội phải có tính đồng nghị, phải có sự tham gia của tất cả mọi người.

Với tư cách là một giáo dân, đối với tôi, đó là cơ hội để đóng góp từ tầm nhìn phi giáo sĩ và từ tầm nhìn của các cộng đồng vốn nhìn nhận Giáo hội và kinh nghiệm Kitô giáo theo cách thức khác với một Giám mục.

Ý ông là gì khi nói về việc cải tổ Giáo hội?

Một yếu tố nền tảng đối với tôi đó là cấu trúc liên quan đến việc ai sẽ là người tham gia, ai đưa ra quyết định và cách thức đưa ra quyết định, và nếu một quyết định được đưa ra sẽ được đánh giá, với trách nhiệm giải trình sau đó. Theo kinh nghiệm của tôi, ở Mỹ Latinh, quá trình này rất hiếm hoi. Đối với tôi, việc cải tổ Giáo hội có nghĩa là biến những trường hợp đã tồn tại trở thành bắt buộc, chẳng hạn như Hội đồng mục vụ cấp Giáo phận, trên mọi lĩnh vực.

Các Giám mục có một Hội đồng Kinh tế vì nó được ủy nhiệm bởi Bộ Giáo luật, nhưng một Hội đồng mục vụ cấp Giáo phận, là nơi mà anh chị em giáo dân, Tu sĩ và Linh mục có thể cùng nhau đưa ra sự phân định về Giáo phận đó, hầu hết các Giám mục đã không thiết lập Hội đồng này.

Đối với tôi, một cơ cấu Thượng Hội đồng mới cần phải có sự đồng quản trị. Nếu không có sự đồng quản trị, thì sẽ không có sự hiểu biết về Giáo hội vốn liên quan đến tất cả những người đã được rửa tội. Và đồng quản trị không có nghĩa là một người đưa ra quyết định cuối cùng và đặt nó lên bàn nơi mà những người khác phải hiểu lý do tại sao tôi lại đưa ra quyết định. Nó có nghĩa là phải cùng nhau phân định, và các quyết định phải được cùng nhau đưa ra, chứ không phải được giải thích từ trên xuống.

Một câu hỏi cơ bản: “Đồng nghị tính”, có nghĩa là gì?

Đối với tôi, đó là một cách hiểu về các mối tương quan trong Giáo hội, động lực giao tiếp và sự tham gia vào các cơ cấu ở mọi cấp độ. Điều khó khăn là giả định rằng nếu như cấu trúc lại được tái định hình, thì cần phải thay đổi các Chủng viện và các Giáo xứ cũng như mô hình quản trị và hoạt động của Giáo hội.

Đồng nghị tính mang tính chất phức tạp và toàn diện; nó không đủ để sửa đổi một cơ cấu, hoặc đặt một giáo dân vào một vị trí mà trước đó không có giáo dân. Đối với tôi, đó là sự tái định hình của toàn thể Giáo hội trong các mối tương quan của nó, trong động lực làm việc, trong các cơ cấu tham gia của nó, và đó là lý do tại sao lại có sự phản kháng.

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nói rất rõ điều đó trong phiên họp thứ hai của Công đồng Vatican II, khi Ngài yêu cầu các tham dự viên tìm kiếm định nghĩa đầy đủ nhất về Giáo hội. Đức Phaolô VI đã yêu cầu điều này và hiện nó đang trở thành hiện thực mới nổi dưới thời Đức Phanxicô.

Phải chăng điều đó nói rằng Thánh Gioan Phaolô II và Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI không ủng hộ “Đồng nghị tính”?

Không phải vậy, vì các Triều đại Giáo hoàng của hai vị không coi Giáo hội học về dân Chúa như là tiêu chuẩn trung tâm điểm của Công đồng. Và sự đảo ngược xảy ra vào năm 1985 với Thượng hội đồng Ngoại thường nói rằng Giáo hội học về sự hiệp thông trong hàng Giáo phẩm là nền tảng cơ bản và dân Chúa là một mô hình nhưng không phải là kiểu mẫu, đã thay đổi cách diễn giải về ý nghĩa của Giáo hội.

Việc nói rằng Giáo hội phải ‘đảm nhận vai trò của giáo dân’nghĩa gì?

Tôi đã đọc rất nhiều thông tin rằng anh chị em giáo dân tham gia vào việc giảng dạy Giáo lý hoặc trong một Hội đồng kinh tế, bởi vì họ biết rằng Linh mục hoặc Giám mục thì không, nhưng họ chỉ đơn giản là thi hành mọi việc. Tuy nhiên, không có nhận thức nào về việc giáo dân vượt ra khỏi các phong trào của Giáo hội. Với tư cách là một giáo dân, nếu tôi không thuộc một phong trào của Giáo hội, thì tôi phải đến đâu trong Giáo hội? Và nếu tôi không tham gia một phong trào của Giáo hội và tôi đến Giáo xứ, nhưng tôi không phải là giáo lý viên, thì tôi phải đi đâu? Chúng ta hiểu thế nào về việc anh chị em giáo dân phải tham gia vào tất cả các cơ cấu của Giáo Hội, chứ không chỉ những cơ cấu có tính chất mục vụ hoặc xã hội?

Ngày nay giáo dân thi hành mọi việc, nhưng lại không tham gia vào quá trình đưa ra quyết định.

Hiện nay, có những con đường hoặc quy trình đồng nghị tính tại một số Giáo hội địa phương – Đức, Úc, Mỹ Latinh, Ý. Một số người coi tất cả những điều này như một mối đe dọa, một cuộc chia rẽ âm ỉ. Làm thế nào có thể quản lý những kỳ vọng và nỗi lo ngại này?

Đối với tôi, đồng nghị tính là văn hóa của sự đồng thuận mà chúng ta không nhận thức được trong Giáo hội ngày nay, bởi vì chúng ta đã đánh mất việc thực hành sự đồng thuận mà chúng ta đã có được trong thiên niên kỷ đầu tiên. Hình mẫu của thiên niên kỷ đầu tiên đối với tôi đó là Thánh Cyprian, người đã nói rằng có hai chìa khóa cho một Giáo hội đồng nghị tính: nghe theo lời khuyên của các Linh mục (Presbyterate) và sau đó xây dựng sự đồng thuận với dân chúng. Nói cách khác, ngay cả khi bạn có được lời khuyên của các Linh mục, nếu bạn không đạt được sự đồng thuận với những thành phần còn lại trong dân Chúa, bạn sẽ không đưa ra quyết định. Đó là văn hóa mà chúng ta cần có trong Giáo Hội ngày nay, vì vậy tôi nghĩ rằng Giáo hội sẽ trở nên phong phú thêm khi mỗi Giáo Hội địa phương có một quy trình riêng của mình. Bởi vì nó đáp ứng với sự phát triển thần học, mục vụ, xã hội, kinh tế và chính trị của nó.

Không phải tất cả các Giáo hội địa phương đều giống nhau. Trong trường hợp của Giáo hội Đức, họ đang phản ứng với một bối cảnh có nền thần học rất tiên tiến về các Thừa tác viên. Mặt khác, ở Châu Mỹ Latinh, chúng ta có một nền thần học không có các Thừa tác viên, và đây là một món nợ đang chờ xử lý, nhưng với sự nhận thức ngày càng tăng về tính đồng nghị.

Những tiến trình này phải xảy ra ở cấp độ địa phương vì có những vấn đề khác nhau giữa Giáo hội này với Giáo hội khác ở các lãnh vực xã hội, chính trị và thần học. Việc hình thành sự đồng thuận có nghĩa là khi một quyết định được đưa ra ở cấp Giáo hội địa phương thông qua các quy trình của Thượng hội đồng, Giáo hội địa phương đó phải tiếp tục hiệp thông với các Giáo hội khác và đó là nơi cơ hội của một Thượng hội đồng toàn cầu xuất hiện.

Và điều này có thể rất tích cực để đạt được sự đồng thuận chung. Điều đó không có nghĩa là Rôma áp đặt một đường lối, nhưng ở Rôma cần đạt được sự đồng thuận với sự tham gia của các Giáo hội địa phương.

Có những Giáo hội địa phương, do kết quả của dân số, lịch sử và kinh tế, có thẩm quyền hơn những Giáo hội khác. Phải chăng sẽ không xảy ra nguy cơ rằng “sự đồng thuận” này trở thành sự áp đặt bởi những Giáo hội có thẩm quyền nhất?

Giáo hội đồng nghị tính là một Giáo hội trong đó mỗi Giáo hội địa phương có thể phát triển các nghi thức và nền thần học riêng của mình, theo cách thức trở thành Giáo hội của riêng mình. Hiện nay chúng ta không có điều này, nên khi một Giáo hội địa phương đưa ra một đề xuất khác, điều chúng ta nhận thấy đó là Giáo hội này muốn áp đặt điều gì đó lên các Giáo hội khác, trong khi thực tế, Giáo hội địa phương này đang làm điều mà các Giáo hội khác cũng nên làm. Việc một Giáo hội địa phương quyết định một điều gì đó khác biệt nên là một chuyện bình thường.

Sự đồng thuận là để đảm bảo rằng quyết định này không ám chỉ sự rạn nứt với Giáo hội Rôma. Hiệp thông với Rôma không có nghĩa là đồng nhất về mặt Giáo hội và văn hóa, mà là cách chúng ta duy trì ở mức tối thiểu – Giáo lý, kho tàng Đức tin – sự hiệp thông mà tất cả chúng ta tuyên xưng.

Chẳng hạn, đó không phải là những hình thức bảo đảm cho sự hiệp thông vì chúng đáp ứng với từng Giáo hội địa phương, khi liên quan đến các Thừa tác viên.

Xin cho ví dụ?

Có những Giáo hội địa phương mà ngày nay trên thực tế không có Linh mục. Trong những Giáo hội đó, nếu giải pháp duy nhất mà tôi nghĩ ra là đưa các nhà truyền giáo từ những nơi khác đến, thì tôi đang nắm giữ một kế hoạch tiền Công đồng Giáo hội. Khi Công đồng Vatican II thiết lập khả năng của việc thành lập các Thừa tác viên mới, nó ngụ ý tìm kiếm các giải pháp thay thế. Ví dụ, vào những năm 70 ở Đức và Áo, các Thừa tác viên mục vụ đã được thiết lập: họ là anh chị em giáo dân và ngày nay họ lãnh đạo các Giáo xứ. Ở Mỹ Latinh, chúng ta phải đối diện với thực tế việc thiếu Linh mục, nhưng chúng ta đã không đưa ra giải pháp nào nào để giải quyết vấn đề này.

Trong Thượng hội đồng Giám mục về khu vực Amazon, nhiều Giám mục đã bỏ phiếu ủng hộ việc yêu cầu một viri probati [những người đàn ông đã kết hôn với các nhân đức đã được chứng minh để được truyền chức Linh mục] cho Giáo phận của họ. Tuy nhiên, tại sao không ai trong số họ yêu cầu một viri probati cho đến nay?

Thực tế rằng Giáo hội địa phương có thẩm quyền là một điều gì đó mới mẻ đối với các Giám mục, và đó là điều mà Đức Phanxicô tìm kiếm khi nói về sự phân quyền, nơi Giáo hội địa phương có thẩm quyền về Giáo lý và thẩm quyền để thành lập các Thừa tác vụ, luôn trong khuôn khổ của sự hiệp thông của Giáo hội.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube