Sự tiến triển trong quan điểm về phát triển của Giáo hội Công giáo

 Các thông điệp xã hội không phải là những công thức toán học cố định cứng nhắc, nhưng là những “tiêu chuẩn phán đoán”, cần được đem ra hành động. 

***

Progressio_project_zimbabwe

I. Sự tiến triển về quan điểm phát triển trong các văn kiện Tòa Thánh 

Trong phần thứ nhất, chúng ta sẽ điểm qua sự tiến triển trong các văn kiện của Tòa Thánh liên quan đến đề tài phát triển, từ thông điệp Populorum progressio đến các văn kiện mới đây của Đức Thánh Cha Phanxicô.

A. Thông điệp Populorum progressio

1/ Bối cảnh. Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, đã có nhiều học thuyết về phát triển (hiểu là phát triển kinh tế). Trên thế giới, có những quốc gia “tiền tiến” và “chậm tiến”. Tại sao? Làm cách nào để giúp các nước chậm tiến theo kịp các nước tiền tiến? Có hai chủ thuyết chính: a) Thuyết tư bản: cần phải đầu tư thêm vào các nước nghèo, để giúp cho phát triển. b) Thuyết cơ cấu: nguyên nhân của tình trạng nghèo đói là vì họ bị các nước thực dân khai thác. Cần có sự can thiệp của Nhà Nước vào bộ máy sản xuất.

2/ Giáo hội bắt đầu đề cập đến phát triển kể từ ĐGH Gioan XXIII (Mater et Magistra, Pacem in Terris) và Công đồng Vaticanô II (Gaudium et spes). Những tư tưởng ấy được quảng diễn thêm nhờ triết học về humanisme intégral của ông Jacques Maritain.

3/ Thông điệp Populorum progressio gồm hai phần chính, dựa theo công thức căn bản là: “Phát triển toàn thể con người và toàn thể mọi người” .

[I] Sự phát triển là một ơn gọi của con người (số 15), tiến từ chỗ “kém nhân bản” đến chỗ “nhân bản hơn” (số 20). Sự phát triển cá nhân có thể nhìn từ ba góc độ: a) vật chất (những nhu cầu thiết yếu cho sự sống: lương thực, sức khỏe, nhà ở); b) tinh thần (văn hóa, giáo dục, đạo đức); c) siêu việt: con người có khả năng vươn lên chính mình, lên đến Đấng Tuyệt đối. 

[II] Con người sống trong xã hội. Vì thế con người không thể phát triển toàn diện nếu thiếu sự liên kết với nhân loại (số 43). Các nước giàu có nghĩa vụ nâng đỡ các nước yếu kém, tôn trọng công bình trong các giao dịch thương mại, cổ vũ tình bác ái đại đồng.

4/ Thông điệp đưa ra nhiều đề nghị thực hành, nhưng chúng tôi không đi sâu thêm, và chỉ thêm vài câu nói ấn tượng: “Con người được phát triển khi được tự do hơn, kể cả tự do khỏi làm nô lệ cho tham lam vật chất” (số 19). “Thế giới bất ổn vì thiếu suy tư” (số 85). “Phát triển là tên gọi mới của hòa bình” (số 76; 87).

B. Thông điệp Sollicitudo rei socialis (30/12/1987)

Được Đức Gioan Phaolô II ban hành để kỷ niệm 20 năm thông điệp PP (gồm 7 chương và 49 số), và nhấn mạnh nhiều hơn đến khía cạnh luân lý của vấn đề. Nên biết là thông điệp đã xác định Giáo huấn xã hội là một ngành của thần học luân lý (số 41). Những điểm mới:

1/ Sự phát triển đòi hỏi sự tôn trọng tự do, nhân quyền, trách nhiệm. Không thể nào áp đặt một chính sách đi ngược lại với quyền lợi con người, xét theo cá nhân cũng như dân tộc. Sự phát triển đòi hỏi một khung cảnh tự do, xét về cá nhân cũng như xã hội. Ta cũng có nói ngược lại, sự phát triển giúp cho con người đạt đến tự do: kể cả người giàu cũng đừng nên quên điều ấy, khi mà họ trở thành nô lệ cho lòng tham lam, vơ vét tài sản cho mình. Những ý niệm “tự do” – “giải phóng” – “phát triển” gắn chặt với nhau (số 46).

2/ Cái gì làm ngăn cản sự phát triển ? Thưa tại vì tội lỗi của con người : tội cá nhân đã vậy, lại còn thêm “cấu trúc tội lỗi” nữa, điển hình là  khao khát quyền lực và trục lợi bằng bất cứ mọi giá (số 37). Đàng sau những quyết định xem ra mang tính chính trị hoặc kinh tế, là những hình thức ngẫu tượng: suy tôn tiền bạc, ý thức hệ, giai cấp, công nghệ. Cũng phải kể là cấu trúc tội lỗi những người đồng lõa với sự bất công mà không có can đảm tố giác hoặc cải thiện (số 47). Dĩ nhiên, đây là một câu chuyện mà duy chỉ những người tin vào Thiên Chúa mới chấp nhận. Nói khác đi, Giáo hội không thể nào chỉ bàn đến sự phát triển dưới khía cạnh kinh tế, kỹ thuật, triết học mà thôi, nhưng còn cần xét đến khía cạnh luân lý nữa.

3/ Để thay đổi “cơ cấu tội lỗi”, thông điệp đề ra con đường của nhân đức liên đới, được bàn trong phần thứ hai của chương Năm. Tình liên đới đặt nền tảng tự nhiên trên mối dây huynh đệ đại đồng giữa tất cả các phần tử của nhân loại. Nhưng cao hơn nữa, tình liên đới là một nhân đức bền vững, được xây dựng trên đức bác ái, với gương mẫu là mầu nhiệm Ba ngôi Thiên Chúa. Nhờ nhân đức liên đới này, ta biết quan tâm đến những đồng bào, cách riêng những người nghèo khổ, và giúp đỡ họ không như kiểu bố thí, nhưng với tâm trạng kính trọng những quyền lợi của họ (số 39).

C. Thông điệp Caritas in veritate (29/6/2009)

Được Đức thánh cha Bêneđictô XVI ban hành để kỷ niệm 40 năm thông điệp PP. Nêu bật ba giá trị của thông điệp này: 1/ Phát triển là một ơn gọi. 2/ Sự phát triển xứng đáng đòi hỏi tình huynh đệ. 3/ Sự phát triển đòi hỏi sự hợp tác liên ngành. Thông điệp Caritas in veritate (gồm 6 chương và 79 số) muốn khai triển và bổ túc cho ba điểm vừa kể.

1/ Sự phát triển là một ơn gọi. Nói đến ơn gọi là nói đến chiều kích siêu việt của con người, tức là tương quan với Thiên Chúa. Nếu loại trừ Thiên Chúa thì hoặc là sẽ loại trừ sự phát triển, hoặc là con người tự nghĩ ra một kế hoạch phát triển vừa tầm của mình, với hiệu quả là chỉ sùng thượng bản ngã mà không đếm xỉa gì đến tha nhân (x. Số 11). Sự phát triển loại trừ Thiên Chúa sẽ có nguy cơ trở thành phi nhân bản (x. Số 75). Thật vậy, sự phát triển cá nhân cũng như cộng đồng cần nhận biết một nguồn gốc và  một hướng đi: cần nhìn nhận rằng con người bắt nguồn từ Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa; từ đó nảy sinh những tương quan đích thực dành cho những con người khác. Sự phát triển nhân bản, xét như là ơn gọi, giả thiết sư tôn trọng tự do của cá nhân và dân tộc: các cá nhân và dân tộc phải là những tác nhân chính của sự phát triển (số 17). Tự do cần được hiểu như là trách nhiệm để thực hành điều tốt, thực hành yêu thương với tha nhân, chứ không nên hiểu như là mặc sức tung hoành. Mối liên hệ giữa “tự do – yêu thương và chân lý”  được giải thích trong chương Sáu khi nêu bật tính cách luân lý của kinh tế, thông tin, cũng như y khoa, sinh học. Dĩ nhiên, việc nhìn nhận chiều kích siêu việt của con người cũng mang theo một hệ luận là nhìn nhận quyền tự do tín ngưỡng (số 29).

2/  Phát triển và tình huynh đệ. Đề tài này được khai triển cách riêng trong chương Ba mang tựa đề “Tình huynh đệ, Phát triển kinh tế và Xã hội dân sự”. Cần khám phá ý nghĩa “trao tặng” (gift) trong đời sống, thay thế cho não trạng tiêu thụ và hưởng dụng. Sự sống là một quà tặng. Không ai tự mình có sự sống; sự sống là một món quà lãnh nhận từ Thiên Chúa. Ý tưởng “trao tặng”  nhắc nhở chiều kích siêu việt của con người, đồng thời cũng phát sinh nguyên tắc “bất vụ lợi” (gratuitousness), một nền tảng quan trọng cho sự xây dựng cộng đồng huynh đệ (số 34). Dĩ nhiên, các tương quan xã hội được xây dựng trên công bình, nhưng không thể nào bỏ qua nguyên tắc bất vụ lợi và trao tặng, nếu muốn cho sự phát triển trở nên nhân bản. Nguyên tắc bất vụ lợi cũng cần được áp dụng trong mối tương quan giữa thị trường, nhà nước và xã hội dân sự, nhằm tránh vị trí độc tôn của thị trường (số 38). Sau cùng, nguyên tắc trao tặng cũng cần được áp dụng khi bước sang phạm vi bảo vệ môi trường (số 48). Tóm lại, chiều kích trao tặng cần thấm nhuần các lãnh vực liên quan đến sự sống, tương quan xã hội, tôn trọng môi sinh (số 51): sự phát triển chân chính đòi hỏi phải đi theo con đường của chân lý trong yêu thương (số 52): công bình cần được kết hợp với trao tặng; những quy tắc của thị trường cần được kết hợp với tình liên đới.

3/  Phát triển và cải cách xã hội. Việc phát triển đòi hỏi sự hợp tác liên ngành. Giáo hội chỉ cung cấp những hướng dẫn đạo lý, chứ không đi vào những khía cạnh cụ thể. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bàn đến sự phát triển không diễn ra như lý tưởng mong ước; còn rất nhiều rào cản trên đường phát triển. Phải làm thế nào? Thông điệp nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi não trạng, lương tâm luân lý, trách nhiệm cá nhân và xã hội (số 36). Tuy nhiên, thông điệp cũng không bỏ qua việc thay đổi những cơ cấu tài chính (cũng ở số 36), thậm chí đề nghị cải tổ tổ chức Liên Hợp quốc (số 67), sự thay đổi chính sách di dân và nhập cư, vai trò của các doanh nhân. Lý do là vì nhiều vấn đề xã hội tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức, thí dụ khi đề cập đến nạn đói, thông điệp nhận xét rằng đây không phải là chuyện thiếu nguồn lực tự nhiên, nhưng vấn đề cơ cấu (số 27).

II. Phát triển và Giáo huấn xã hội

Phát triển không chỉ là một chương của GHXH, mà trở thành tâm điểm của nó. Vào lúc đầu, các thông điệp xã hội nhằm trả lời cho vài vấn đề cụ thể, chẳng hạn như: quyền tư hữu, lao động, vai trò của chính quyền, hòa bình. Với thông điệp Populorum progressio Tòa Thánh đã tìm thấy một chìa khóa để giải thích lý do của việc Giáo huấn can thiệp vào các vấn đề xã hội, đó là để bảo vệ con người: con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, con người đã sa ngã phạm tội, con người được Đức Kitô cứu chuộc. Mặt khác, ơn gọi con người là kết hiệp với Thiên Chúa, không chỉ như những nhân vị lẻ loi mà còn như cộng đoàn xã hội. Đó là nền tảng thần học của giáo huấn xã hội của Giáo hội, tức là “nhân học Kitô giáo”. Phát triển là một khía cạnh của giáo huấn đó.

Đạo lý về phát triển được hình thành nhờ việc nghiền ngẫm Lời Chúa, khi đối diện với những bối cảnh xã hội luôn thay đổi, cũng như nhờ sự đóng góp của các khoa học nhân văn. Trong vòng 50 năm qua, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội đã thay đổi rất nhiều. Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, thế giới sống trong tình trạng căng thẳng giữa hai khối Tư bản và Cộng sản. Một số quốc gia tuyên bố thành lập khối thứ ba, không liên kết. Đến thập niên cuối của thế kỷ XX, với sự sụp đổ của bức tường Bá-linh, bản đồ thế giới đã thay đổi. Nhưng điều này không có nghĩa là không còn chiến tranh nữa. Trong lãnh vực kinh tế, hiện tượng nghèo đói vẫn còn đó, thậm chí lan sang các nước giàu do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng kinh tế. Trước đây, Giáo hội phải lo bảo vệ quyền các công nhân được hưởng những điều kiện xứng hợp với nhân phẩm; ngày nay, một vấn đề được đặt ra là số người thất nghiệp càng ngày càng tăng. Một cách tương tự như vậy, cách đây 50 năm, các danh từ “ô nhiễm môi trường, công nghệ sinh học” còn xa lạ.

Huấn quyền Giáo hội tìm cách suy nghĩ những vấn đề đó dưới ánh sáng của Lời Chúa, và kiện toàn đạo lý của mình cho hợp với tình thế mới, nhờ sự đóng góp của các khoa học nhân văn.  Điều này muốn nói rằng các thông điệp xã hội không phải là những công thức toán học cố định cứng nhắc, nhưng là những “tiêu chuẩn phán đoán”, cần được đem ra hành động. 

Đừng kể nội dung, sự tiến triển của GHXH được thấy ngay cả trong việc sử dụng từ ngữ, tựa như “phát triển toàn thể con người và toàn thể loài người”, “phát triển chân chính”, “phát triển liên đới”, “phát triển nhân bản”, “phát triển bền vững”, vv. Tuy rằng mỗi từ ngữ hàm ngụ một ý nghĩa riêng, nhưng tựu trung, ta có thể tóm tắt những nét chung ở chỗ nêu bật hai khía cạnh của sự phát triển, đã được mở đầu từ thông điệp PP: “phát triển toàn thể con người và phát triển toàn thể nhân loại”.

  1. Phát triển toàn diện con người: chú ý đến toàn thể con người, chứ không chỉ giới hạn vào các nhu cầu vật chất. Điều này giả thiết một “nhân học toàn diện”, lưu ý đến phẩm giá con người, với những quyền lợi căn bản cũng như những nghĩa vụ. Sự phát triển nằm trong bản chất con người, là một hữu thể có tự do và trách nhiệm, mở rộng đến siêu việt.
  2. Phát triển toàn thể nhân loại: con người sống trong xã hội.  Chiều kích xã hội không chỉ giới hạn vào những người láng giềng trong xóm làng, mà còn mở rộng đến các dân tộc.

Hai chiều kích phát triển thường đưa đến công thức như là “phát triển nhân bản và xã hội” hoặc “phát triển toàn diện và liên đới”. Học thuyết về phát triển đi đôi với các nguyên tắc “phẩm giá con người”, “bổ trợ”, “liên đới”. Nhất là sự phát triển con người không thể nói được là “toàn diện” khi thiếu chiều kích siêu việt. Giáo hội cũng lưu ý rằng các sự “siêu phát triển” có thể trở thành “phi nhân bản” nếu không tôn trọng các chiều kích của con người (Caritas in veritate số 11; 22).

III. Kết luận

Chúng tôi chỉ theo dõi sự tiến triển của quan điểm Giáo hội về sự phát triển. Dĩ nhiên, cần phải đối chiếu với những quan điểm khác nữa, cách riêng của các tổ chức quốc tế Liên Hợp quốc. Chúng tôi xin kết thúc với tư tưởng của Đức thánh cha Phanxicô. Ngài đã đề cập đến sự phát triển trong tông huấn Evangelii gaudium và thông điệp Laudato si. Năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm thông điệp Populorum progressio, ngài đã thiết lập một cơ quan mới trong giáo triều mang tên là “Bộ phục vụ sự phát triển toàn diện con người” (Dicastero per il servizio dello sviluppo umano integrale). Trong cuộc hội thảo tổ chức ở Vatican ngày 4/4/2017, ngài đã giải thích tính từ “integrale” (nguyên vẹn, trọn vẹn, toàn bộ) bằng cách phân tích động từ “integrare” (kết hợp, hòa nhập, hội nhập, hợp nhất, sáp nhập):

  • Kết hợp các dân tộc (nguyên tắc liên đới)
  • Kết hợp mọi phần tử vào cộng đồng (nguyên tắc bổ trợ)
  • Kết hợp tất cả yếu tố của phát triển: kinh tế, tài chính, lao động, văn hóa, gia đình, tôn giáo
  • Kết hợp chiều kích cá nhân với chiều kích cộng đồng
  • Kết hợp linh hồn với thân xác.

Giuse Phan Tấn Thành 

( Trích bài phát biểu trong TỌA ĐÀM VỀ PHÁT TRIỂN  

                                                                                                                                                    Tu viện Mân côi, Gò vấp ngày 24-6-2017)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube