Quan chức ngoại giao Vatican: ‘Các tín hữu Công giáo có thể giúp LHQ tuân thủ các nguyên tắc của mình’

Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, được chụp tại Lebanon vào ngày 2 tháng 12 năm 2014. Nhà cung cấp hình ảnh: Kevin Jones)

Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia trong bức ảnh được chụp tại Lebanon vào ngày 2 tháng 12 năm 2014 (Ảnh: Kevin Jones)

Quan sát viên thường trực của Vatican tại Liên Hợp Quốc cho biết rằng các tổ chức dựa trên đức tin cần giúp cộng đồng quốc tế nhận thấy được sự “thiếu nhất quán” của họ trong việc thực hiện các nguyên tắc cơ bản nhất, chẳng hạn như tôn trọng phẩm giá của mỗi con người.

Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, Sứ thần Tòa Thánh tại LHQ, đã phát biểu tại một sự kiện đánh dấu kỷ niệm 75 năm ngày thành lập tổ chức liên chính phủ.

“Làm thế nào chúng ta có thể tuyên bố quyền của những người khuyết tật đồng thời lại cho phép loại bỏ những đứa trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng Down khi còn trong bụng mẹ trước khi chúng được sinh ra? Làm thế nào chúng ta có thể có những diễn đàn tuyệt vời về một nền văn hóa hòa bình và sau đó lại cho phép các quốc gia khác nhau xây dựng chính sách đối ngoại dựa trên mối đe dọa hủy diệt lẫn nhau?”, Đức TGM Caccia phát biểu tại sự kiện “Tầm nhìn dựa trên Đức tin đối với LHQ nhân kỷ niệm 75 năm và xa hơn nữa” tại New York vào ngày 21 tháng 10.

“Làm sao chúng ta có thể nói rằng chúng ta đang đấu tranh cho các nạn nhân của nạn buôn bán tình dục đồng thời cho phép nhu cầu đối với việc hàng hóa hóa phụ nữ được thúc đẩy thông qua hợp pháp hóa mại dâm hoặc quảng cáo nội dung khiêu dâm? Hoặc làm thế nào chúng ta có thể có các nhóm làm việc cởi mở về vấn đề già hóa dân số, tập trung vào phẩm giá của những người cao niên, trong khi nhìn ra xa khi ở nhiều quốc gia khác nhau, người cao niên đang phải chịu đựng vấn đề an tử không tự nguyện?”.

“Những người có đức tin được kêu gọi để an ủi những người đau khổ. Khi những bất công khác nhau đang xảy ra, chúng ta được triệu tập theo một cách đặc biệt để giúp cộng đồng quốc tế thể hiện các nguyên tắc của nó”, Đức TGM Caccia nói.

Quan sát viên thường trực của Vatican đã phát biểu tại hai sự kiện làm nổi bật cả quan điểm dựa trên đức tin, và đặc biệt, lẫn quan điểm của Giáo hội Công giáo về vấn đề ngoại giao quốc tế trước thềm kỷ niệm ngày thành lập Liên Hợp Quốc vào ngày 24 tháng 10 năm 1945.

Tại một cuộc hội thảo trực tuyến, “Liên Hợp Quốc nhân lỷ niệm 75 năm thành lập: Các quan điểm của Giáo hội Công giáo”, Đức TGM Caccia nhấn mạnh sự ăn khớp trong các trụ cột sáng lập của Liên Hợp Quốc và Giáo huấn Xã hội Công giáo trong việc thúc đẩy hòa bình, phẩm giá con người, mức sống tốt hơn và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trong khi mọi Giáo hoàng đến thăm LHQ đều bày tỏ sự quý trọng đối với tổ chức này như một thể chế, “đã có những lời kêu gọi liên tục của các Đức Giáo hoàng về việc tổ chức này phải được cải tổ, để nó sẽ đáp ứng được hy vọng mà các dân tộc trên thế giới đặt vào nó”, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cho biết hôm 22 tháng 10.

“Ví dụ như, Đức Gioan-Phaolô II đã nhấn mạnh rằng LHQ phải trở thành một trung tâm đạo đức thực sự, và ĐTC Phanxicô cho biết rằng tổ chức này phải trở nên hiệu quả hơn trong việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế”, Đức TGM Caccia nói.

Khi Hiến chương Liên Hợp Quốc lần đầu tiên được thông qua, Đức Giáo hoàng Piô XII đã “bày tỏ lo ngại rằng, thay vì là một thể chế bình đẳng giữa tất cả các quốc gia, nó đang tiếp tục liên minh thời chiến giữa các cường quốc chiến thắng và khiến cho năm quốc gia ủy viên thương trực không bình đẳng một cách rõ ràng bằng cách trao cho họ quyền phủ quyết vĩnh viễn đối với Hội đồng Bảo an”, Đức TGM Caccia nói.

“Ngài [Đức Piô XII] cũng lo ngại về thực tế là các thể chế khác của LHQ – đặc biệt là Tòa án Công lý Quốc tế và Đại hội đồng – thiếu bất cứ điều gì khác ngoài sức thuyết phục. Các nghị quyết và quyết định của họ chỉ có thể là những lời hô hào. Như hầu hết các chuyên gia về Liên Hiệp Quốc sẽ nói với bạn, những lo ngại ban đầu của Đức Piô XII đã được chứng thực”.

Mary Ann Glendon, Giáo sư luật thuộc Đại học Harvard và cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh, cũng đã phát biểu tại cuộc hội thảo trực tuyến. Bà chia sẻ rằng mọi Giáo hoàng kể từ thời Đức Gioan XXIII đã gặp gỡ LHQ với “sự kết hợp của những lời khích lệ và khen ngợi với những lời lẽ thận trọng”.

“Ngay cả khi sự ủng hộ đối với nhân quyền có lẽ lên đến đỉnh điểm vào năm 1989, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh báo rằng… Tuyên bố không có cơ sở nhân học và luân lý đối với các quyền con người mà nó bao hàm”, bà Glendon nói.

“Những lời cảnh giác đó tất nhiên đã gia tăng trong những năm 1990 khi các quan chức Tòa Thánh bắt đầu bày tỏ quan ngại trở lại về chính LHQ. Đã có những cuộc hội thảo náo động ở Cairo và Bắc Kinh, và bằng chứng đã được tích lũy về những khiếm khuyết nhất định tại LHQ liên quan đến những khiếm khuyết của tất cả các cơ quan hành chính lớn: tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, dễ bị thiên vị và dễ bám víu vào những lợi ích đặc biệt”.

Đức Tổng Giám mục Caccia cho biết rằng sự kiện kỷ niệm thành lập của LHQ là “một cơ hội để nhìn về quá khứ với lòng biết ơn về những thành tựu đã đạt được và với quyết tâm khiêm tốn để học hỏi từ những sai lầm”.

Đức Tổng Giám mục Caccia đã chỉ ra rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi cải tổ LHQ trong Thông điệp gần đây nhất của Ngài, “Fratelli Tutti”.

ĐTC Phanxicô viết rằng cần phải cải cách để “khái niệm gia đình các quốc gia có thể có được sức mạnh hiệu quả thực sự”.

“Điều này đòi hỏi các giới hạn pháp lý rõ ràng để tránh quyền lực chỉ được thực hiện bởi một số quốc gia và ngăn chặn những sự áp đặt về văn hóa hoặc hạn chế các quyền tự do cơ bản của các quốc gia yếu kém hơn trên cơ sở của những khác biệt ý thức hệ”, ĐTC Phanxicô viết.

Tòa Thánh đã trở thành quốc gia quan sát viên tại LHQ vào năm 1964. Kể từ đó, đã có 5 chuyến viếng thăm của các Giáo hoàng tới LHQ: Đức Phaolô VI vào năm 1965, Đức Gioan Phaolô II vào năm 1979 và 1995, Đức Benedict vào năm 2008, và Đức Phanxicô vào năm 2015.

Các quốc gia quan sát viên có tất cả các quyền và trách nhiệm của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc ngoại trừ quyền bỏ phiếu, ứng cử hoặc tài trợ cho các nghị quyết.

Đức TGM Caccia cho biết rằng những ưu tiên của Phái đoàn Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh hiện nay đó là vận động và dấn thân cho hòa bình, bảo vệ tự do tôn giáo, bảo vệ các quyền cơ bản của con người, chẳng hạn như quyền được sống, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, đảm bảo việc chăm sóc những người di cư và những người tị nạn, và chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Tại LHQ, “Các tín hữu Công giáo giống như nắm men trong khối bột”, bà Glendon nói.

Bà Glendon cũng nhấn mạnh rằng tư tưởng Công giáo đã được đưa vào quảng trường công cộng trong quá khứ bởi “những người đàn ông và phụ nữ có đủ kỹ năng, tận tâm tận lực và can đảm để dấn thân như vậy”.

“Đối với họ, cũng như đối với chính Tòa Thánh, tất nhiên luôn có sự căng thẳng giữa nhân chứng luân lý và những áp lực chính trị thông thường. Nhưng tôi muốn đề khởi rằng sự đóng góp của Giáo hội Công giáo luôn luôn là quan trọng nhất và lâu bền nhất khi sự căng thẳng đó được giải quyết bằng chứng luân lý”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube