Những đóa hoa Chao Pong

“Phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi” (Mt 25,29).

Những ngày cuối cùng của năm 2018 đang dần qua, trên con phố nhộn nhịp của Sài Gòn và đang mải mê suy nghĩ về công việc và những biến cố đã qua, tôi bắt đầu cảm thấy nặng trĩu và mệt mỏi. Bất chợt từ đâu những hình ảnh của bản làng và con người Chao Pong chợt kéo về, mang theo tiếng cười đùa la hét của đám trẻ, tiếng cười nói rôm rả trong buổi họp mặt và cả tiếng hát tiếng đàn của người J’rai, tự mỉm cười và thầm tạ ơn Chúa.

Một buổi sáng Chúa nhật trong lành, với hành trang đã được chuẩn bị sẵn: một chai nước, chút bánh kẹo và lời căn dặn của Cha Đặc Trách: đây không phải buổi đi chơi, nhưng Cha mong chúng con hiểu hơn về cuộc sống cũng như văn hoá của người J’rai Chúng tôi, những người trẻ và các Sơ Dòng Con Đức Mẹ Phú Cường, phấn khởi vào làng trên phương tiện di chuyển rất thú vị và hấp dẫn – xe công nông. Khác xa với những ngôi nhà ngoài mặt phố của Gia Lai, những ngôi nhà trong buôn còn thô sơ và lụp sụp hơn rất nhiều, đường xá cũng gồng ghềnh và hẹp hơn. Thế nhưng lại có chút thơ mộng, xanh mát, thoáng gió và bầu trời trải dài hút tầm mắt.

20190101 Gt Thua Sai CSsR (0)

Đoàn chúng tôi phấn khởi lên đường

  Xe công nông dừng lại, điểm dừng chân đầu tiên đó là nhà wa Ksor Dek (wa là tiếng gọi bác của người J’rai) và tôi thật sự bất ngờ về một ngôi nhà khang trang và “rất Kinh” (Cách bố trí và sự tiện nghi trong ngôi nhà không khác gì nhà của người Kinh). Và đặc biệt hơn cả đó là một kệ sách được xếp kín các loại sách tiếng Việt và cả tiếng Anh. Nhìn quanh một hồi, tôi biết trong nhà có người làm cô giáo và đúng như thế chúng tôi đã được gặp một người khá thú vị và cũng đáng nể phục, chị Blao.

Kệ sách chị Blao

Kệ sách chị Blao

Chị Blao – cô giáo bất đắc dĩ, chị tự gọi mình như thế – chính là chủ nhân của kệ sách và kệ sách đó chị dành cho học trò của mình. Khi hỏi chị dạy gì, chị vui vẻ đáp: Chị dạy văn hoá và cả tư vấn tình yêu. Chị rất vui tính, cởi mở với ngôn ngữ rất mới và dí dỏm. Chẳng mấy chốc tôi cảm thấy chị rất thân và gần. Ở lại lâu hơn chút nữa tôi được biết chị Blao cùng 2 người bạn nữa (chị Nay H’Nga và chị Siu H’Vân) là cô giáo dạy tiếng Việt cho các em từ các độ tuổi với một lịch dạy kín mít. Tới đây mới hiểu, chị Blao kêu mình dạy văn hoá cũng đúng, ngôn ngữ luôn phải đi kèm văn hoá. Tôi tự nghĩ, biết bao các bạn trẻ đang đi làm, đi học đang chật vật với ngoại ngữ của mình. Phải chăng việc học đã có gì thiếu xót và không đúng hướng?

Tạm gác câu chuyện nhà chị Blao và cái kệ sách, chúng tôi được wa Dek dẫn vào thăm làng để chào hỏi mọi người. Trên con đường đất đỏ, tôi vẫn nhớ hình ảnh vui đùa và tiếng cười nói rôm rả của đám trẻ kéo theo ngày một đông và những người chúng tôi gặp gỡ.

Thăm hỏi dân làng đã xong, chúng tôi quay trở về nhà wa Dek để cùng ăn cơm trưa và sinh hoạt cùng dân làng. Tại đây chúng tôi được thiết đãi một bữa ăn rất thịnh soạn được chế biến theo kiểu người Kinh: có bàn ngồi, món mặn, món xào, canh và trái cây tráng miệng. Một cảm giác rất khó tả, tôi cảm thấy người Chao Pong sao ấm áp và chu đáo quá, họ thật sự quan tâm và nghĩ cho chúng tôi. Chắc hẳn vài bạn cũng đã có trải nghiệm về những món ăn rất lạ của người J’rai, có thể nói hơi khó ăn. Sau bữa ăn trưa, một phần không thể thiếu những phong tục của người J’rai đó là những chum rượu cần được kéo dài trong những câu chuyện và bài hát rất ý nghĩa: một lời chào trịnh trọng tới khách và lời nhắn nhủ: tất cả chúng ta là người một nhà. Cứ thế chúng tôi và người dân mơ màng trong men rượu cần, tiếng đàn, tiếng hát, những câu chuyện râm ran căn nhà… Tạm biệt Chao Pong trong niềm vui và vấn vương, lâng lâng trong men lá rượu cần, tình cảm bùi ngùi của bà con J’rai…

Hình lưu niệm cùng dân làng Chao Pong

Hình lưu niệm cùng dân làng Chao Pong

 

Đối với tôi, những câu chuyện về buôn làng và những mảnh đời khó khăn còn nhiều thiếu thốn như cậu bé đi bộ 4 tiếng đến trường mỗi ngày, bà cụ già hơn 80 sống lủi thủi một mình hay những đứa trẻ mồ côi tự nuôi sống nhau… đó là một phần của cuộc sống này. Và lần này, tôi lại hoàn toàn bất ngờ và thấy có chút hổ thẹn vì hình ảnh 1 ngôi nhà khang trang nằm giữa bản làng Chao Pong, 1 cái kệ sách, những cô giáo trẻ người J’rai – những người đang làm việc hết mình – và còn nhiều con người khác cũng đang âm thầm làm việc hằng ngày ở đó.

Chuyến đi của nhóm Giới Trẻ Thừa Sai Chúa Cứu Thế trong dịp Giáng Sinh 2018 tại Giáo xứ Pleikly đã khép lại hơn 8 ngày, thế nhưng những dòng suy tư thì cứ trải dài. Từ Sài Gòn chạy lên Gia Lai, Cha Đặc Trách cũng đã chia sẻ những điều rất cơ bản và cũng mới mẻ về việc đọc sách: Điều đáng tiếc của chúng con là thời gian nhiều nhất để tiếp cận và đọc sách của chúng con đã qua, nhưng không có nghĩa là không còn thời gian, và không thể làm được. Cha muốn chúng tôi có một hành động cụ thể! Thêm nữa, thiết nghĩ nếu chị Blao chỉ biết ngồi than trách số phận bởi chị là người khuyết tật và đi lại khá khó khăn, mà không có những hành động và sự kiên trì thì chị đã không thể đóng góp cho dân làng mình và mang lại ý nghĩa cuộc sống cho chính bản thân.

Trước thềm năm mới 2019, với những ơn riêng Chúa đặt để nơi mỗi người, tôi cầu mong chúng ta – những người trẻ – sẽ có những kế hoạch và mau mắn đưa ra những hành động cụ thể để mong rằng có thể gặt hái những hoa trái tốt lành và hữu hiệu. Nhớ đến câu Lời Chúa: “Phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi” (Mt 25,29), để tự biết mình cần phải sinh lợi những ơn mà Thiên Chúa đã ban cho mình, nếu không thì ngay cả ơn ban đó cũng có thể bị mai một và mất đi.

Mến chúc các bạn luôn tươi vui và biết tìm kiếm thánh ý Chúa.

Đào Vũ Hoài Quyên

Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế.

Sài Gòn, 31/12/2018.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube