Ngày Nhân quyền Quốc tế: LHQ kêu gọi tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người hậu đại dịch Covid-19

  • Tin tức
  • Thứ Sáu, 11-12-2020 | 15:11:44
Ngày Nhân quyền, 10 tháng 12 năm 2020

Ngày Nhân quyền Quốc tế, ngày 10 tháng 12 năm 2020

Các quan chức hàng đầu của Liên Hợp Quốc đang kêu gọi tất cả mọi người cùng nhau hành động trong tinh thần liên đới để phục hồi tốt hơn sau đại dịch Covid-19 bằng cách đảm bảo quyền của tất cả mọi người vì một thế giới kiên cường, bền vững và công bằng hơn.

Rút ra bài học từ đại dịch Covid-19, Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres, và Cao ủy Nhân quyền LHQ, Michelle Bachelet, đang kêu gọi tất cả cùng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Họ đã đưa ra lời kêu gọi trong các thông điệp riêng biệt cho Ngày Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào thứ Năm ngày 10/12. Chủ đề của sự niệm năm nay là, “Phục hồi Tốt hơn: Hãy đứng lên Vì Nhân quyền”.

Một thế giới và tương lai tốt đẹp hơn hậu Covid-19

“Ngày Nhân quyền Quốc tế này chính là lời kêu gọi hành động – một lời kêu gọi tất cả chúng ta nắm bắt cơ hội này và xây dựng thế giới mà chúng ta mong muốn”, bà Bachelet phát biểu trong thông điệp của mình. Bà Bachelet cho biết thảm kịch được theo sau bởi một “cơ hội phi thường để phục hồi tốt hơn”.

Ngày Nhân quyền Quốc tế được tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng 12, ngày Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền vào năm 1948. Một cột mốc quan trọng trong lịch sử nhân quyền, Tuyên ngôn trước hết nêu ra những nhân quyền cơ bản của mọi người được bảo vệ trên toàn cầu.

Những bài học từ đại dịch

Bà Bachelet đã rút ra bốn bài học từ đại dịch Covid-19 vì một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Đầu tiên, bà Bachelet kêu gọi chấm dứt phân biệt đối xử, bà nói: “nếu ai đó gặp rủi ro thì tất cả mọi người cũng đều bị đe dọa”. “Phân biệt đối xử, loại trừ và các hành vi vi phạm nhân quyền khác đều làm tổn hại tất cả chúng ta”, và làm cho tất cả xã hội dễ bị tổn thương hơn.

Một bài học khác có thể rút ra từ Covid-19, bà Bachelet nói, đó là giảm bớt sự bất bình đẳng phổ biến. “Bảo trợ xã hội toàn dân, bảo hiểm y tế toàn dân và các hệ thống cung cấp các quyền cơ bản khác”, bà Bachelet lưu ý, “không phải là những thứ xa xỉ”. “Chúng giữ cho xã hội đứng vững và có thể định hình một tương lai công bằng hơn”.

Thứ ba, bà Bachelet khuyến khích sự tham gia của tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ, vào quá trình hồi phục. Cuối cùng, Bachelet kêu gọi tất cả mọi người tăng cường mọi nỗ lực để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, mà theo bà, là một Chương trình nghị sự cụ thể về nhân quyền phổ quát. Nhân quyền, bà Bachelet nói, “mang lại các xã hội công bằng và kiên cường” và “là câu trả lời cho cuộc khủng hoảng này của toàn thể nhân loại”.

Do đó, bà Bachelet kêu gọi tất cả hành động và cùng nhau cộng tác để có được sự hồi phục tốt hơn. “Với sự đoàn kết mạnh mẽ, chúng ta có thể xây dựng một thế giới kiên cường, bền vững và công bằng hơn”, bà Bachelet cho biết thêm.

Nhân quyền phải là tiền đề và trung tâm của mọi thứ

Trong một thông điệp riêng, ông Antonio Guterres cũng đã lặp lại quan điểm tương tự khi nói rằng, “Con người và quyền của họ phải là tiền đề và trung tâm của quá trình phản ứng và phục hồi”. “Chúng ta cần các khuôn khổ phổ quát, dựa trên nhân quyền, chẳng hạn như bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người, để đánh bại đại dịch này và bảo vệ chúng ta trong tương lai”.

Ông Antonio Guterres đã chỉ ra hai sự thật cơ bản mà đại dịch đã tăng cường. Đầu tiên là sự phá rối của đại dịch Covid đã làm tổn hại tất cả chúng ta. Ông cho biết đại dịch “đã có tác động không cân xứng đến các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm các nhân viên tuyến đầu, những người khuyết tật, những người lớn tuổi, phụ nữ và trẻ em gái, và các nhóm thiểu số”. “Nó đã phát triển một cách hết sức mạnh mẽ vì tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, phân biệt đối xử, sự tàn phá môi trường tự nhiên của chúng ta và những thất bại khác về quyền con người, đã tạo ra những sự mong manh to lớn trong các xã hội của chúng ta”. Cuộc khủng hoảng cũng đã tạo ra “cái cớ cho các phản ứng an ninh nặng tay và các biện pháp áp chế vốn đã hạn chế không gian dân sự và tự do truyền thông”, do đó làm xói mòn nhân quyền.

Sự thật khác, ông Guterres chỉ ra, là nhu cầu cốt yếu của tinh thần liên đới và hợp tác để chống lại đại dịch một cách hiệu quả. “Những cách tiếp cận chia rẽ, chủ nghĩa độc tài và chủ nghĩa dân tộc,” ông nhấn mạnh, “chẳng có ý nghĩa gì đối với một mối đe dọa mang tính chất toàn cầu”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube