Ngày 26 tháng 9: Lễ nhớ Chân Phước Kaspar Stanggassinger

Orange-Playful-Friendship-Quote-Poster-696x492

Chúng ta, gia đình Dòng Chúa Cứu Thế trên toàn thế giới, sẽ cùng nhau mừng kính một con người đầy thánh thiện đó là Chân Phước Kaspar Stanggassinger vào ngày 26 tháng 9. Chân Phước Kaspar sinh ngày 12 tháng 1 năm 1871, tại Berchtesgaden, miền nam nước Đức. Ngài là con trai thứ hai trong số 16 người con trong gia đình. Cha ngài là một nông dân và sở hữu một mỏ đá.

Từ những ngày thơ ấu, Kaspa đã có ước muốn ngày càng mãnh liệt được trở thành một Linh mục. Khi còn nhỏ, Kaspar sắm vai là một Linh mục và “thuyết giảng” những bài giảng ngắn cho anh chị em của mình và thường dẫn đầu cuộc rước cùng với họ đến một nhà nguyện giữa những ngọn núi gần nhà. Năm 1890, Kaspar gia nhập Chủng viện Giáo phận Munich và Freising nhưng việc học và sự phân định cá nhân đã khiến ngài chọn ơn gọi trở thành một Tu sĩ.

Với tư cách là một Tu sĩ, Chân Phước Kaspar đã dành phần lớn thời gian của mình để giảng dạy cho các sinh viên và các chú đệ tử lúc nào cũng có thể gặp gỡ ngài. Vào ngày Chúa Nhật, ngài không bao giờ quên đến giúp các nhà thờ ở các ngôi làng lân cận, đặc biệt là công việc giáo huấn. Ngay cả với lịch trình làm việc như vậy, ngài vẫn luôn kiên nhẫn và thấu hiểu mọi nhu cầu của tha nhân, đặc biệt là các sinh viên, những người coi ngài như là một người bạn hơn là một người bề trên.

EN-1024x724

Chân Phước Kaspar đặc biệt yêu mến Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, vì thế Ngài luôn mời gọi các chú đệ tử và các tín hữu đến với Chúa Giêsu Thánh Thể trong những lúc túng thiếu và lo âu phiền muộn. Ngài khuyến khích họ đến với Chúa Giêsu để dành thời gian tôn thờ hoặc trò chuyện với Ngài như một người bạn. Lời rao giảng của Chân Phước Kaspar là một lời nhắc nhở thường xuyên đối với các tín hữu hãy lưu tâm đến đời sống Kitô hữu, trưởng thành trong đức tin qua việc cầu nguyện và liên tục hoán cải. Phong cách của Chân Phước Kaspar đó là trực tiếp và lôi cuốn, không đe dọa trừng phạt, khác với cách giáo huấn thông thường thời bấy giờ.

Chân Phước Kaspar đã mở một Học viện mới ở Gars vào năm 1899 và ở đó với tư cách là Giám đốc Học viện. Ở tuổi đời còn rất trẻ, Ngài qua đời do viêm phúc mạc. Vào ngày 24 tháng 4 năm 1988, Ngài được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong lên bậc ‘Chân Phước’.

Cho đến tận ngày nay, Chân Phước Kaspar vẫn luôn là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho tất cả các nhà đào tạo, những người tiếp tục cống hiến thời gian quý báu của họ trong các giai đoạn đào tạo khác nhau. Chân Phước Kaspar cũng là gương mẫu và nguồn cảm hứng của chúng ta, những người tiếp tục trong sứ vụ mục vụ giới trẻ. Chớ gì cuộc đời và mẫu gương của Chân Phước Kasper mang lại Ơn Cứu Chuộc Dồi Dào cho tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ.

Minh Tuệ (theo Scala News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube