Mở cánh cửa tâm hồn và cuộc đời trẻ khuyết tật

Tôi trở lại Trường giáo dục chuyên biệt Hoàng Mai trong cơn mua đầu mùa của Sài Gòn. Tiếng ê a, những tiếng nói không tròn vành rõ chữ vang khắp một góc trời. Có người bảo, trẻ em khuyết tật là những mảnh ghép tuyệt đẹp của cuộc sống này, bởi chúng có một thế giới tâm hồn vô cùng mênh mông.

Thế nhưng, ở đâu đó, người khuyết tật vẫn bị nhìn nhận bằng một ánh mắt đầy bất lực. Đó là một khoảng không lạnh lẽo, vô tình khiến họ bị gạt ra quỹ đạo bình thường của cuộc sống. May thay, vẫn có những người đang ngày đêm thu hẹp khoảng cách đó bằng lòng hiền từ, tâm huyết và kiên nhẫn của mình. Tôi đang muốn nhắc đến những cô giáo nuôi dạy và chăm sóc trẻ em khuyết tật – những con người rất đáng được trân trọng.

“Mấy sơ ở đây giống như mẹ ở nhà, cũng yêu quý và tận tình giúp đỡ. Ở nhà, mẹ của mình nuôi một đứa đã cực rồi, còn ở trường các bạn còn ấy hơn nữa. Công việc của sơ là cực nhọc lắm”. Những lời nói từ sâu thẳm con tim vừa rồi là của bạn Trần Thị Kim Ngân, đã gắn bó với mái trường chuyên biệt Hoàng Mai (quận Gò Vấp) hơn 10 năm qua. 10 năm với một cô bé 17 tuổi bị bại não là một quãng đường quá đủ để em cảm nhận được vòng tay yêu thương của các cô trong mái nhà chuyên biệt.

Những lời em vừa nói ra không dễ dàng chút nào. Bởi hình hài của một người khuyết tật không cho em một khẩu hình bình thường như bao đứa trẻ khác. Em phải gồng lên hết sức để nói về công ơn của những người đã nuôi dạy và chăm sóc mình suốt 10 năm qua.20160604 Hoàng Mai

Cơn mưa đổ ào xuống, xua đi cái oi bức của Sài Gòn suốt thời gian qua. Cô Nguyễn Thị Ánh Nguyệt chạy vội ra sân tay bồng tay bế học sinh của mình vào phòng học. Có em bị bại não, không tự đi đứng được, các cô phải cùng nhau khiêng vô. Cô Ánh Nguyệt không giấu được nụ cười tuổi 40 của mình khi nhìn thấy đám trẻ la hét chào đón cơn mưa đầu mùa.

Lớn lên ở vùng đất nắng gió Ninh Thuận, 20 năm trước, cô Nguyệt quyết định thi vào ngành Giáo dục đặc biệt của Trường cao đẳng sư phạm Trung ương 2. Dạy bảo những đứa trẻ bình thường đã cực, huống hồ là trẻ khuyết tật, không làm chủ được hành vi và suy nghĩ của mình. Nhưng cô đã vượt qua những đặc thù khắc nghiệt của nghề nghiệp, và cả áp lực cơm áo gạo tiền từ chính bản thân mình để gắn bó với công việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ chậm phát triển, Down và bại não suốt 20 năm qua.

Cô Ánh Nguyệt tâm sự: “Đôi khi mình cũng gặp khó khăn khi dạy học cho các em. Có những lúc mình bị đi vào đường cùng, vì các em không tiến. Nhưng từ từ mình cũng tìm ra cách để mình giúp các em phát triển, dù chậm nhưng các em phát triển thì mình cũng mừng rồi. Thời gian dạy các em phải rất dài, chứ 1-2 năm không tiến bao nhiêu hết. Tiếp xúc với các em thì mình cũng có tình thương dành cho các em. Đó cũng là động lực để mình tiếp tục công việc của mình qua cách phục vụ các em khuyết tật.”

Khi Tạo Hoá ban cho con người dáng vóc, hình hài, cũng là lúc trao cho ta một thách thức là chinh phục một chặng đường dài của cuộc sống. Với những người được sinh ra lằn lặn, hành trình ấy vốn đã khó khăn, huống hồ gì với những người sinh ra không đầy đủ các giác quan.

Trường giáo dục chuyên biệt Hoàng Mai chủ yếu nhận các trẻ bị chậm phát triển, mắc hội chứng Down và bại não, trong độ tuổi từ 3 đến 18. Đặc thù công việc cộng với áp lực mưu sinh đôi lúc khiến các giáo viên ở đây nản lòng. Vì các cô sống chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm và sự đóng góp của phụ huynh học sinh, chứ hầu như không có lương tháng. Thế nhưng, mỗi khi nhìn thấy đứa trẻ khuyết tật nào cải thiện được tình trạng của mình sau khi được học và tập vật lý trị liệu tại trường, cô Nguyệt hạnh phúc hơn bao giờ hết. Đó là niềm vui sống, là động lực lớn lao để cô tiếp tục công việc lặng thầm của mình.

nhat hong (2)“Đối với các em chậm phát triển, đa phần các em Down, trí nhớ các em kém, đi đứng vận động thì tốt, giao tiếp cũng được nhưng phần lớn các em trí nhớ mau quên. Cho nên mình cần phải kiên trì dạy các em mới có thể tiếp thu được. Mỗi ngày qua đi phải nhắc những cái cũ các em mới nhớ. Còn các em bị bại não thì khó khăn về vận động, còn cái trí của các em rất tốt. Cho nên mình phải cố gắng dạy các em theo chương trình để các em hiểu biết, sau này ra xã hội các em làm việc được” – cô Nguyệt tâm sự.

Chia tay cô Nguyệt và các em nhỏ của Trường giáo dục chuyên biệt Hoàng Mai, tôi ngược lên Thủ Đức để tham dự Lễ tổng kết năm học của Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng. Nơi đây đăng nuôi dạy gần 100 học sinh khiếm thị theo nhiều chương trình đào tạo khác nhau.

Ngày diễn ra lễ tổng kết năm học cũng là ngày bạn Nguyễn Thị Lan Anh (20 tuổi) trở về quê nhà Lâm Đồng nghỉ hè. Tạo Hoá đã không cho bạn được nhìn cuộc sống muôn màu xung quanh, nhưng đã cho bạn một nụ cười trong sáng, khi bạn không giấu được niềm vui khi sắp được trở về đoàn viên cùng gia đình.

Trò chuyện với tôi, Lan Anh hăng say chia sẻ về ước mơ trở thành cô giáo của mình. Và bạn không khỏi xúc động khi nhắc đến các giáo viên trong Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng – nơi đã gieo cho bạn niềm tin vào cuộc sống suốt 14 năm qua. “Em ở đây 14 năm thấy là công việc dạy cho trẻ khiếm thị vất vả lắm. Để dạy chữ, dạy kỹ năng sống cho trẻ khiếm thị đã vất vả rồi. Nhưng không chỉ khiếm thị không mà các bạn bị đa tật nữa. Mấy dì vất vả lắm, nhưng thương học sinh khiếm thị lắm.”

Cô Lê Thị Vân Nga, giám đốc Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng mái tóc đã điểm bạc muối tiêu. Suốt 21 năm qua, cô vẫn miệt mài trên hành trình mở cửa tâm hồn cho trẻ em khiếm thị. Người giáo viên hiền từ này đã gieo niềm tin cho biết bao đứa trẻ bị cướp mất cái quyền được nhìn thấy thế giới xung quanh. Rằng, cặp mắt thật khép lại thì cặp mắt tâm hồn sẽ mở ra, các em sẽ nhìn bằng đôi tay và vẽ bằng cả trái tim.

Qua 20 năm, Trung tâm đã có nhiều học sinh ra trường, có nghề nghiệp, lập gia đình, sống tự lập và đóng góp khả năng của mình cho xã hội. Để đạt được những sứ mệnh đó, không gì khác ngoài sức mạnh của tình thương chân thành.

Cô Lê Thị Vân Nga tâm sự: “Dạy trẻ khiếm thị điều quan trọng nhất là mình phải có tấm lòng yêu thương các em, hiểu các em, đặt mình vào tình trạng thể lý của các em để phần nào hiểu được thế giới của các em như thế nào. Cho nên ngoài những kỹ năng sư phạm như dạy trẻ bình thường hay những trẻ khuyết tật khác, những giáo viên dạy trẻ khiếm thị cũng cần phải có trải nghiệm khi mình sống trong bóng tối như thế nào. Trong quá trình huấn luyện, cũng có quá trình phải nhắm mắt lại, bịt mắt lại để đi lại trong nhà, ngoài đường, ăn cơm. Bình thường làm những việc rất dễ dàng nhưng khi bịt mắt lại không dễ dàng. Thì như vậy mình mới hiểu được các em gặp khó khăn như thế nào, và biết được khi hướng dẫn các em mình phải nói như thế nào để các em có kỹ năng và kiến thức cần thiết.”nhat hong

Cô Nga chia sẻ rằng, người khuyết tật hoàn toàn có khả năng tận hưởng một cuộc sống tự lập, đi làm và cống hiến cho xã hội. Trẻ em khuyết tật có khả năng đi học và vui đùa với những đứa trẻ “bình thường”. Nếu chúng ta phớt lờ tiềm năng ấy, chúng ta sẽ chỉ đẩy các em tới một cuộc đời nghèo khó và cô đơn, và toàn thể cộng đồng cũng đã mất đi một lực lượng lao động đáng quý. Các quyền lợi của trẻ em khuyết tật cần được bảo vệ bằng cách xây dựng một xã hội hòa nhập, không rào cản cho tất cả mọi người, dù có hay không có khuyết tât.

Những ngày đầu gầy dựng mái ấm, cô Nga và đồng nghiệp của mình đã trải qua muôn vàn khó khăn về tài lực. Có đôi lúc lại rơi vào bế tắc vì không tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả cho trẻ khiếm thị. Nhưng rồi điều đó đã qua đi bằng sự miệt mài, kiên trì và tâm huyết của cô. Phần thưởng lớn lao nhất đối với người phụ nữ 53 tuổi này là đã gieo vào lòng học sinh của mình hạt mầm tình thương.

Bạn Lan Anh, 17 năm học tập tại trung tâm khiếm thị Nhật Hồng đã nuôi dưỡng một ước mơ, làm vui lòng biết bao người đang thực hiện sứ mệnh chắp đôi cánh cho trẻ em khuyết tật. “Mấy dì cũng truyền lửa cho học sinh tụi em. Tại vì khi thấy mấy dì dạy như vậy, tụi mình cảm thấy thương mấy dì, thương trẻ em khiếm thị, tụi mình muốn sau này kế tục, học hành và nghiên cứu giúp đỡ học sinh khiếm thị, truyền lửa cho học sinh khiếm thị” – Lan Anh bộc bạch.

Trung Kiên

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube