Mầu nhiệm Vui thứ nhất - Thiên thần truyền tin cho Đức Bà Maria

Chương đầu Phúc Âm Luca thuật lại biến cố Ðức Maria   được truyền tin về sứ mạng của mình. Từ bản văn Tân Ước này người Kitô hữu đã rút ra một kinh cổ kính nhưng diễm lệ mà chúng ta quen gọi là “Kinh Truyền Tin”.

truyentin1“Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gábriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria  ” (c. 26-27).

Sứ thần được Thiên Chúa sai đi và xuất hiện đúng lúc mà Ngài muốn thực hiện kế hoạch của Ngài. Sứ thần mang lời của Thiên Chúa để nói với Ðức Maria  .

Lời chào của sứ thần

“Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: ‘Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà’. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (c. 28-29).

Maria  được sứ thần gọi bằng một tên mới. Ðây là điều Chúa thường làm với những ai Ngài gọi để lĩnh sứ mạng trọng yếu trong Chương Trình của Ngài (x. St 17, 5. 15; 32, 29; Mt 16, 18). Tên mới này của Maria là “Ðấng đầy ân sủng”, chứng tỏ Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn để lĩnh sứ vụ trọng yếu và được ban ân sủng để hoàn thành sứ vụ.

“Ðức Chúa ở cùng bà” như vẳng lại lời chào của sứ thần cho Ghít-ôn khi ông được Chúa gọi trở thành vị thủ lãnh giải phóng dân Israel khỏi ách thống trị của quân Mađian (Tl 6, 11-18). Không chỉ là lời chào, “Ðức Chúa ở cùng bà” còn là lời khẳng định một sự kiện liên quan mật thiết với mầu nhiệm Nhập Thể. Thánh Âu-tinh bình luận lời chào đó bằng cách đặt vào miệng sứ thần câu sau đây: “Ngài ở với bà còn nhiều hơn ở với tôi: Ngài ở trong tâm hồn bà, định hình và trở thành nhục thể trong người bà, Ngài tràn ngập linh hồn bà, Ngài ngự trong cung lòng bà” (Sermo de Nativitate Domini, 4).

Tin Mừng 

Rồi sứ thần bèn nói cùng Maria: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (c. 30-33).

Tổng lãnh thiên thần Gabriel loan báo cho Maria  rằng trinh nữ sẽ trở nên Mẹ Thiên Chúa bằng cách lặp lại lời ngôn sứ Isaia loan báo từ xa xưa rằng Ðấng Mêsia sẽ sinh bởi một người trinh nữ, lời tiên tri ấy nay được hoàn thành nơi Ðức Maria  (x. Mt. 1,22-23; Is 7,14). Isaia mô tả việc hoàn thành lời hứa ấy trong một đoạn văn thuộc loại diễm lệ nhất trong Kinh Thánh, mà chúng ta nghe đọc trong đêm Giáng Sinh:

“Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm. Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Mađian. Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa.

Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Ðavít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời.

Vì yêu thương nồng nhiệt, ÐỨC CHÚA các đạo binh sẽ thực hiện điều đó” (Is 9,1-6).

Ðức Giêsu tuyên bố Ngài hoàn thành lời hứa ấy khi ban cho các môn đồ sứ vụ lớn lao: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18-20).

Quyền năng của Thiên Chúa

Bà Maria  thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Ðấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (c. 34-37).

Với Chúa chẳng có gì mà không thể thực hiện được! Ngài tạo dựng trời đất và mọi cư dân, muông thú (St 1). Nếu Ngài đem sự sống vào trong cung lòng người nữ lớn tuổi, có tiếng là son sẻ thì Ngài cũng có thể gieo sự sống vào trong một cung lòng trinh trong. Ngài biến nước thành rượu (Ga 2,1-11). Ngài lấy khẩu phần của một em nhỏ mà nuôi những cả một đám đông quần chúng (Mt 14,15-21; 15,32-39; Mc 6,34-44; 8,1-10; Lc 9,10-17; Ga 6,1-15). Ngài chữa kẻ què đi được, người mù sáng mắt. Ngài biến đổi bánh và rượu trở thành mình và máu Ngài (Mt 16,16-28; Mc 14,22-23; Lc 22,17-20) để cung cấp cho chúng ta của ăn đem lại sự sống đời đời (Ga 6,35;48-58).

Tiếng Xin Vâng của Maria

 

Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi (c. 38).

Bình luận về câu trên, Ðức Gioan Phaolô II quảng diễn: “Virgo fidelis, đức nữ trung tín thật thà. Ðức trung tín của Maria nghĩa là gì? Trung tín bao gồm các chiều kích gì? Chiều kích thứ nhất gọi là tìm kiếm. Trước tiên, Maria tỏ ra trung tín khi bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa sâu xa của chương trình Thiên Chúa nơi mình và cho thế giới. Quomodo fiet? Sự việc xảy ra như thế nào? Ngài hỏi Sứ Thần Truyền Tin […].

Gabriel Visits Mary Luke 1:26-38Chiều kích thứ hai của trung tín là tiếp nhận, chấp nhận. Lời Quomodo fiet? trên môi Maria  chuyển thành một lời fiat: Xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền, tôi sẵn sàng, tôi chấp nhận. Ðây là giờ phút hệ trọng của đức trung tín, giờ phút mà con người cảm thấy mình sẽ không bao giờ hiểu thấu được từ “như thế nào”; trong kế hoạch của Thiên Chúa có các khu vực mang tính nhiệm mầu nhiều hơn là tính sáng sủa, rõ ràng; cho dù có gắng sức đến đâu chăng nữa thì cũng chẳng tài nào lĩnh hội đầy đủ sự việc […].

Chiều kích thứ ba của đức trung tín là sự kiên định, kiên trì sống theo những điều mình tin tưởng, sẵn sàng điều chỉnh cuộc đời mình cho phù hợp với các mục tiêu mà mình nhắm tới. Sẵn sàng chấp nhận bị hiểu lầm, bắt bớ còn hơn ngôn hành bất nhất, tin một đàng mà làm một nẻo; điều này gọi là tính kiên định […].

Tuy nhiên, mọi trung tín đều phải trải qua cuộc thử nghiệm khốc liệt nhất: sự thử thách của thời gian. Do đó, chiều kích thứ tư là tính thuỷ chung như nhất. Kiên trì ngày một ngày hai thì dễ. Kiên trì suốt cả cuộc đời thì khó và đây mới là điều quan trọng. Kiên trì đang khi hào hứng, hồ hởi phấn khởi thì dễ, còn vẫn giữ được sự kiên trì trong cơn thử thách khốn quẫn mới khó. Và chỉ có sự kiên trì kéo dài cho đến suốt đời mới là tín trung. Lời thưa ‘fiat’ xin vâng của Ðức Maria  trong buổi Truyền Tin trở nên viên mãn trong tiếng ‘fiat’ xin vâng âm thầm mà Mẹ lập lại dưới chân Thập Giá” (Ðức Gioan Phaolô II, Bài giảng tại Vương Cung Thánh Ðường Mexico City, 26 tháng 1 năm 1979).

Mẹ đầy ơn phúc 

Chúng ta vừa cung chiêm Ðức Maria  “tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc mới được thụ thai, Ðức Trinh Nữ thành Nazaret được sứ thần vâng lệnh Thiên Chúa đến truyền tin và cất tiếng chào “Ðấng đầy ân phúc” (x. Lc 1,28). Và Trinh Nữ đã đáp lời sứ thần: “Này tôi là Tôi Tá Chúa, xin hãy xảy ra cho tôi theo lời ngài” (Lc 1,38). Như thế, Ðức Maria, con cháu Ađam, vì chấp nhận lời cứu độ của Thiên Chúa, đã trở nên mẹ Chúa Giêsu. Hết lòng đón lấy ý định cứu rỗi của Thiên Chúa, vì không một tội nào ngăn trở ngài. Ðức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho thân thế và sự nghiệp của Con ngài, và nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc dưới quyền và cùng với Con ngài. Bởi vậy, các Thánh Giáo Phụ đã nghĩ rất đúng rằng Thiên Chúa đã không thu dụng Ðức Maria  một cách thụ động, nhưng đã để ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và sự vâng phục của ngài. Thực vậy, Thánh Irencô nói: “Chính ngài, nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại”. Và cùng với Thánh Irencô còn có rất nhiều Thánh Giáo Phụ thời xưa cũng không ngần ngại giảng dạy rằng: “Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Ðức Maria; điều mà Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Ðức Maria  đã tháo ra nhờ lòng tin; và so sánh với Evà, các ngài gọi Ðức Maria là “Mẹ kẻ sống”, và thường quả quyết rằng: “Bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống” (Vatican II, Lumen gentium, 56).

Truyền Tin cho Ðức Maria và Nhập Thể của Ngôi Lời là mầu nhiệm thâm sâu nhất về mối quan hệ giữa Thiên Chúa và loài người và là biến cố quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại: Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta mãi mãi. Ấy vậy mà khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống làm người, nhập thể trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria, thì biến cố lẽ ra phải long trời lở đất lại diễn ra trong âm thầm, không kèn không trống.

“Hỡi Mẹ đầy ơn phúc, đời đời diễm phúc xin cứu giúp con”.

Ðan Quang Tâm 

Tài liệu tham khảo: The Navarre Bible St Luke, Four Courts Press, Kill Lane, Blackrock, Co. Dublin, Ireland, 1997

Nguồn:  http://www.nguoitinhuu.org/chiase/linhtinh/MuaVuiI.html

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube