Khi Internet về làng

Những hậu quả mà game online để lại đã không còn quá xa lạ. Nhưng việc các em nhỏ, tuổi chưa quá 10 ở các huyện vùng sâu cũng đã tiếp cận được với những trò chơi này thì hậu quả lớn hơn có thể không lường trước được.

Mùa hè đến, những đứa trẻ ở nông thôn không giống như thành thị. Chúng không bị bắt phải đi học thêm tiếng Anh, học hát, học múa. Những tưởng chúng sẽ có một tuổi thơ lành mạnh, được vui chơi trên cánh đồng, được tiếp xúc với thiên nhiên cây cỏ.

Các em chưa quá 10 tuổi đang chơi game Đột kích.

Các em chưa quá 10 tuổi đang chơi game Đột kích.

Thế nhưng, vào thực tế mới biết, mọi chuyện không như vậy. Tại thôn 18, xã EaBar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk chỉ cần trong vòng một km đã có đến ba, bốn quán internet mọc lên san sát nhau.

Các quán internet cứ thế đua nhau ra đời trong sự chào đón của không ít em nhỏ và cả người lớn. Tưởng chừng như được tiếp cận công nghệ hiện đại, thông tin phong phú trên internet sẽ giúp nâng cao đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng, những người tìm đến internet không phải để học hỏi mà lao vào các trò chơi điện tử, game mang tính bạo lực, mà đa phần là các em nhỏ chưa đến 10 tuổi. Ngồi khoảng  10 phút, có thể nghe đủ mọi ngôn từ của các trò chơi online đang hiện hành.

“Bắn đi, bắn chết nó đi tụi bây”, một em nhỏ đeo tai nghe la lên, rồi cả đám cùng hò reo hưởng ứng. Nhìn lên màn hình, là trò chơi Đột kích với hình thức bắn nhau giữa các đội.

FIFA online cũng là game rất được ưa chuộng. “Dám ngăn cản Ronaldo của tao, tụi mày ngon”, hay “mẹ, đá đấm gì mấy thằng nay”, là những câu nói đã ở mức độ nhẹ nhất khi các em đang nhập tâm vào game.

Quân, một cậu bé chỉ mới 11 tuổi, nhưng đã có kinh nghiệm chơi game 2 năm cho biết: “Lúc đi học thì còn bị ba mẹ coi chừng, với sợ thầy cô gọi về nhà. Giờ nghỉ hè, ba mẹ em cũng đi làm rẫy, đâu có thời gian đâu mà canh, em chơi thoải mái”.

Theo lời chị Mai – chủ một tiệm net: “Giờ mình không cho tụi nhỏ chơi, thì mấy quán khác nó cũng cho vào chơi. Với nghỉ hè rồi, tụi nó chơi điện tử thì có sao”.

Chính những quan niệm sai lầm từ người lớn dẫn đến việc ý thức và hành động của các em nhỏ bị lệch lạc ít nhiều. Để có tiền chơi game online, không ít em nhỏ đã lừa dối gia đình, rồi trộm cướp, lao vào những tệ nạn xã hội. Không ít những trường hợp đau lòng đã xảy ra cũng chỉ vì game online, mà đa phần nó xuất hiện ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thực ra, đây là thực trạng chung ở những xã mới phát triển của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Các địa phương cũng có những chương trình xây dựng các thiết chế thể thao cho thanh – thiếu niên như nhà thi đấu, nhà sinh hoạt chung, tạo cho các em có sân chơi lành mạnh. Nhưng do nhiều nguyên nhân, những chương trình đó vẫn chưa được thực hiện tốt.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh, và ngay cả các tổ chức xã hội và tôn giáo, chưa nhận thức đúng vai trò của hoạt động hội đoàn. Chưa kể chính các hội đoàn xã hội và tôn giáo cũng chưa có những hoạt động thật sự thu hút và hữu ích. Vì thế, các em phải tìm đến những chỗ chơi game để giải trí.

Để giải quyết thực trạng trên, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ và thiết thực từ những người lãnh đạo chính quyền và lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, sự xung kích đi đầu của tổ chức hội đoàn đạo – đời và sự phối hợp của gia đình, nhà trường.

Vũ Phong

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube