Khi cầu nguyện là cuộc đấu tranh nội tâm

Cầu nguyện không phải là phương sách cuối cùng. Đó không phải là những gì chúng ta làm sau khi đọc những quyển sách self-help (sách giúp tự phát triển bản thân), sau khi đến gặp chuyên gia hoặc sau khi lướt Internet. Cầu nguyện là con đường đưa chúng ta đến với Chúa. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói, “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mátthêu 6,33). Và vì thế Chúa Giêsu lại nói, “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mátthêu 11,28).

thomas-vitali-OwHTRWWtpkU-unsplash

Vậy tại sao việc cầu nguyện thường rất khó khăn? Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu có thật. Chúng ta tin rằng Người hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta tin rằng tất cả những ai đã chịu Phép Rửa đều là “đền thờ của Thiên Chúa” và Thần Khí của Thiên Chúa sống trong chúng ta? (1 Côrintô 3,16). Chúng ta tin rằng lời cầu nguyện rất quan trọng đối với đời sống Kitô hữu. Vậy tại sao chúng ta cảm thấy khó khăn khi cầu nguyện? Tại sao đôi khi chúng ta bị phân tâm khi cố gắng cầu nguyện? Dưới đây là một số nguyên nhân:

Tôi đã đánh mất tình yêu thuở ban đầu đối với Thiên Chúa rồi sao? Trong Sách Khải Huyền, Chúa Giêsu cảnh báo các tín hữu ở Êphêsô: “Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi … Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu.” (Khải Huyền 2,2-4).

Những lời này cho chúng ta biết rằng có thể chúng ta đang cầu nguyện rất chăm chỉ vì lợi ích nước Trời, nhưng lại đánh mất lòng say mê đối với Đấng mà chúng ta đang nỗ lực. Những người mà Chúa Giêsu đang nói đến là những Kitô hữu gương mẫu của Hội Thánh, nhưng họ đã không nhận thấy điều cốt lõi của đức tin: đó là tình yêu dành cho Chúa Giêsu.

Điều đó sẽ dễ hướng chúng ta sang cách cầu nguyện theo quán tính và theo thói quen đối với đức tin của chúng ta! Điều đó cũng sẽ dễ dàng làm cho lòng yêu mến nồng nàn mà chúng ta từng có đối với Chúa Giêsu bị phai nhạt đi! Giống như một cặp vợ chồng kết hôn được vài năm, đã để mọi trách nhiệm cần thiết về công việc, nuôi dạy con cái và sự tham gia cộng đồng làm lu mờ đi mối tình lãng mạn mà họ đã từng có với nhau.

Những ưu tiên của tôi có bị mất đi tính trật tự của chúng không? Nó có thể là một câu ngạn ngữ cũ, nhưng nó vẫn đúng: Thời gian là một lời tuyên bố về những ưu tiên của chúng ta. Chúa Giêsu kể một dụ ngôn về những người được mời dự tiệc nhưng không xuất hiện (Luca 14,16-24). Một người được mời đã chọn việc kiểm tra những thửa đất của mình. Một người khác chăm sóc cặp bò mới mua. Người thứ ba thì mới kết hôn và quá đắm chìm vào cuộc hôn nhân của mình. Thật đáng buồn! Cả ba đều cho phép những sở thích tự cho mình là trung tâm – ngay cả khi tốt và cần thiết – che lấp sự tuyệt vời của lời mời mà họ nhận được.

Lời mời của Thiên Chúa đứng ở đâu trong danh sách ưu tiên của chúng ta? Chúa Giêsu không muốn sự dư thừa của chúng ta, những lời cầu nguyện qua loa hay chỉ là thời gian rảnh rỗi của chúng ta. Chúa muốn chúng ta chấp nhận lời mời của Ngài và đặt Ngài lên vị trí ưu tiên nhất. Những nhu cầu và trách nhiệm của thế giới này là rất thực tế, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể gạt lời mời của Chúa Giêsu sang một bên.

Chúa Giêsu muốn dành thời gian quí giá cho chúng ta mỗi ngày. Khi chúng ta cho rằng mình quá bận rộn với Chúa, chúng ta đang thực sự nói rằng mối quan hệ của chúng ta với Người không phải là mối ưu tiên hàng đầu.

Tại sao tôi cảm thấy rất khô khan? Lời cầu nguyện khô khan làm chúng ta nản lòng. Nó có thể khiến chúng ta đặt câu hỏi về đức tin của mình, hoặc thậm chí chất vấn chính Thiên Chúa. Có một thời điểm trong lịch sử, có vẻ như dân Israel cũng có thái độ tương tự. Nói qua lời tiên tri, Thiên Chúa phàn nàn về họ: “Ngày lại ngày chúng kiếm tìm Ta, chúng ao ước biết đường lối của Ta,… Chúng xin Ta ban những điều luật công minh, chúng ước ao được đến gần Thiên Chúa. Chúng nói: “Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy, chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?” (Isaia 58,2-3). Giống như dân Israel, chúng ta có thể nói với Chúa Giêsu, “Con cố gắng tránh tội lỗi, con cố gắng làm điều tốt. Con đã trung thành với Ngài. Nhưng Ngài vẫn không trả lời con.”

Vấn đề với những người Israel này — và cũng có thể là hoàn cảnh của chính chúng ta — là mặc dù họ tham gia vào các nghi lễ tôn giáo bên ngoài của dân Israel cổ đại, nhưng họ vẫn tiếp tục làm theo ý họ (Isaia 58,3). Có lẽ, giống như dân Israel, sự khô khan trong lời cầu nguyện của chúng ta xuất phát vì chúng ta không cởi mở với Thiên Chúa như chúng ta vẫn nghĩ. Có lẽ chúng ta quá tự tin vào kế hoạch cuộc đời mình và do đó, chúng ta hoàn toàn không quan tâm đến những gì Chúa có thể đang kêu gọi chúng ta.

Theo thư của thánh Giacôbê: “Anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.” (Giacôbê 4,3). Chúa Giêsu muốn chúng ta đến với Người với tấm lòng trong sạch và khiêm nhường. Ngài muốn chúng ta nói với Ngài, “Chúa ơi, con muốn những gì con muốn; Con sẽ làm theo những gì Chúa phán. Con không muốn cách của con vượt hơn cách của Chúa.”

Mặt khác, thời gian cầu nguyện khô khan có thể là kết quả của việc Thiên Chúa thử thách chúng ta. Có lẽ Chúa đang mong muốn chúng ta tin cậy Ngài sâu sắc hơn. Lý do chính của bài kiểm tra là để xem liệu chúng ta có từ bỏ Chúa hay không. Nhưng giải pháp cho lời cầu nguyện khô khan là không ngừng cầu nguyện. Ngược lại, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là kiên trì, chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy sự thay đổi lớn nếu chúng ta giữ vững hy vọng của mình cho đến cùng.

Hãy tin cậy vào Chúa Giêsu. Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.” (Máccô 11,24). Chúa Giêsu muốn chúng ta biết rằng Ngài sẽ đáp lời cầu nguyện của chúng ta vì Ngài muốn hướng dẫn chúng ta về mọi mặt. Chúa Giêsu là Đấng chung thủy, và Người sẽ làm điều đó!

Chuyển ngữ: Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam

Nguồn: wau.org (When Prayer Is a Struggle)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube