Giao Ước của Thiên Chúa

“Mọi giao ước đều giống như sự khai thông cho hai con sông từ nay chỉ còn một… Như thế, giao ước không phải là một ý tưởng, một nghi lễ rỗng tuếch mà là một biến cố lịch sử có tầm vóc lớn, làm thay đổi cuộc đời của những người liên hệ” (Théodule Réy–Mermet).

Giao uocBerith” (giao ước) trong tiếng Hipri có nhiều ý nghĩa ; tuy nhiên, theo ý nghĩa Kinh Thánh và phong tục của vùng Cận Đông thời cổ, giao ước (berith) là một thoả ước (thoả thuận, hiệp ước) giữa hai bên, được thiết lập và đóng ấn bằng một nghi lễ công khai. Đó là một cam kết bảo đảm tính duy nhất về mối tương thân tương trợ. Trong giao ước, mỗi bên được hưởng một số quyền lợi và phải thi hành một số điều kiện. Chính vì thế, giao ước đòi hỏi những người tham gia kết ước phải tuyệt đối giữ lời hứa và trung thành với nhau.

Trong Kinh Thánh, “giao ước” là một thuật ngữ, chính yếu, dùng để chỉ mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân của Người. Tuy nhiên, giao ước hiểu theo đúng nghĩa, chỉ được thiết lập giữa hai bên ngang hàng với nhau. Vì thế, không thể có giao ước đúng nghĩa giữa Thiên Chúa và con người được… Tuy nhiên, vì yêu thương, Thiên Chúa đã hạ mình xuống ngang hàng với con người để thiết lập giao ước với con người. Nói chính xác hơn, giao ước giữa Thiên Chúa và con người chỉ đơn thuần là lời hứa đơn phương mà Thiên Chúa ban cho con người, hay nói cách khác, Thiên Chúa tự trói mình với con người.

Chính vì thế, giao ước mang đặc tính là một thoả ước hoàn toàn tự do trong tình yêu. Khi đề nghị thiết lập giao ước với Israel, Thiên Chúa không áp đặt hay cưỡng chế họ, nhưng Người chỉ nhắc nhở họ về những kỳ công Người đã thực hiện trong lịch sử, hứa hẹn sẽ làm những điều mới lạ và mời gọi họ cộng tác trong tinh thần tự do. “Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất. Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em mà Đức Chúa ra tay uy quyền giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pha–ra–ô, vua Ai–Cập” (Đnl 7,7 – 8).

Giao ước là dấu ấn – dấu chứng biểu lộ tình yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa. Đồng thời, giao ước còn là lời cam kết biểu lộ lòng trung tín và dạ xót thương của Người. “Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ” (Xh 34,6 – 7). Bởi tình yêu, Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài và cho họ tham dự vào sự sống thần linh của Ngài. Và cũng bởi tình yêu ấy, bởi sự trung tín của Người, Thiên Chúa đã không chấp nhận để con người bị khuất phục bởi sức mạnh của tội lỗi. Nhưng Người quyết ý cứu độ và đưa con người trở về với Người. Tuy con người luôn phản bội giao ước đã ký kết, nhưng Thiên Chúa vẫn một mực trung thành ; bởi nếu không trung tín, Thiên Chúa sẽ chẳng còn là Thiên Chúa nữa (x. 2Tm 2,13). Chính vì thế, một cách nào đó, có thể nói giao ước là sự dấn thân đơn phương của Thiên Chúa với Israel và nhân loại.

Đối với một dân tộc như Israel, giao ước với Thiên Chúa là tinh hoa của ơn cứu độ và chính trong giao ước với Thiên Chúa mà dân này gặp thấy căn tính của mình.

Vũ Minh

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube