Giáo hội Công giáo đi đầu trong nỗ lực cứu trợ lũ lụt ở Pakistan

Các nạn nhân của tình trạng lũ lụt nặng nề do mưa gió mùa tham gia lớp học tại một doanh trại cứu trợ ở Dasht gần Quetta, Pakistan, thứ Sáu, ngày 16 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: Arshad Butt / AP)

Các nạn nhân của tình trạng lũ lụt nặng nề do mưa gió mùa tham gia lớp học tại một doanh trại cứu trợ ở Dasht gần Quetta, Pakistan, thứ Sáu, ngày 16 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: Arshad Butt / AP)

MUMBAI, Ấn Độ – Các nhà lãnh đạo Công giáo ở Pakistan đang nỗ lực giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt kinh hoàng khiến hơn 7 triệu người phải di dời.

“Hyderabad bị ảnh hưởng nặng nề nhất”, Đức Giám mục Samson Shukardin cho biết.

“Người dân ở một số khu vực đã mất tất cả mọi thứ, nhà cửa, gia súc, v.v. Nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường nước là rất lớn. Tôi đã kêu gọi chính quyền địa phương và quốc gia giúp đỡ”, Đức Giám mục Shukardin phát biểu với Crux.

Hyderabad là thành phố lớn thứ hai ở tỉnh Sindh của Pakistan.

Mưa gió mùa và lũ lụt, mà nhiều chuyên gia nói là do vấn đề biến đổi khí hậu, đã ảnh hưởng đến 33 triệu người, khiến ít nhất 1.596 người chết và 2 triệu ngôi nhà trên khắp Pakistan bị hư hại.

Khoảng nửa triệu người sống sót sau trận lũ trở nên vô gia cư, sống trong các túp lều và các công trình tạm bợ.

Trong hai tháng qua, Pakistan đã cử thêm gần 10.000 bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế khác đến phục vụ những người sống sót tại các cơ sở y tế và tại các trại y tế trên khắp tỉnh Sindh.

Khoảng 18.000 bác sĩ và gần 38.000 nhân viên y tế đang điều trị cho những người sống sót trong tỉnh, theo dữ liệu từ Bộ y tế.

Lũ lụt đã làm hư hại hơn 1.000 cơ sở y tế ở Sindh, buộc những người sống sót phải di chuyển đến các khu vực khác để tìm kiếm sự trợ giúp y tế.

Đức Giám mục Shukardin cho biết thành phố của ngài đang nhận được sự giúp đỡ.

“Vatican thông qua Sứ thần Tòa Thánh đã phân phát tiền cho các Giáo phận khác nhau”, Đức Giám mục Địa phận Hyderabad phát biểu với Crux.

“Người dân từ Karachi đã hào phóng đáp lại bằng việc cung cấp thực phẩm, cứu trợ và màn chống muỗi, những thứ cần thiết hiện nay”, Đức Giám mục Shukardin nói.

Amjad Gulzar, Giám đốc điều hành Caritas Pakistan, cho biết trong một tuyên bố rằng Giáo hội Công giáo đã đi đầu trong các nỗ lực nhân đạo kể từ khi lũ lụt bắt đầu, thông qua các Giáo xứ, các tổ chức Công giáo bao gồm Caritas Pakistan, và thông qua công việc của các Dòng tu.

“Nhìn chung, thông qua Caritas Pakistan, Giáo hội Công giáo đã có thể cung cấp hỗ trợ cứu trợ cho khoảng 20.000 gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt bao gồm lương thực, thực phẩm nấu chín, bộ dụng cụ vệ sinh và nước uống an toàn, nhà vệ sinh di động, lều hoặc vật liệu trú ẩn, các dịch vụ y tế thông qua trại y tế miễn phí, các dụng cụ nhà bếp cũng như hỗ trợ tiền mặt khẩn cấp”, ông Gulzar cho biết.

“Caritas Pakistan đã tiếp cận thông qua các chương trình và dự án khác nhau trên khắp đất nước ở tất cả các tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Tại khoảng 30 huyện bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, Caritas Pakistan đã có mặt trước lũ lụt. Do đó, Caritas Pakistan đã có được sự tin tưởng từ lâu của các cộng đồng và hiện đang giúp Caritas Pakistan ứng phó với tình hình lũ lụt”, ông Gulzar tiếp tục.

“Có rất nhiều tình nguyện viên đã đăng ký mở rộng phạm vi tiếp cận của chúng tôi ở những khu vực mà Caritas Pakistan không có các dự án thường xuyên, nhưng sự hiện diện của các tình nguyện viên đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các cộng đồng dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Thứ hai, có các Giáo xứ và nhà thờ, cũng đang giúp tiếp cận các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt của Pakistan”, ông Gulzar chia sẻ.

Ông Gulzar cho biết Giáo hội Công giáo đã lên kế hoạch thông qua Caritas Pakistan để thành lập các trung tâm học tập tạm thời ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nhằm cung cấp cơ hội học tập cho trẻ em, vì hầu hết các trường học ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt đang được sử dụng làm các doanh trại cứu trợ cho những người dân phải di tản.

“Các ngôi làng lều trại sẽ được thành lập ở những khu vực còn đọng nước và hầu hết các gia đình không thể về ở. Các đợt phân phát cứu trợ và các trại y tế miễn phí cũng được lên kế hoạch trên khắp đất nước và hàng nghìn người sẽ nhận được các dịch vụ y tế miễn phí ngay trước cửa nhà họ”, ông Gulzar nói.

“Vì sự tàn phá là hết sức nặng nề và sẽ còn nhiều nhu cầu cần được đáp ứng, Caritas Pakistan đang lên kế hoạch phục hồi lâu dài nhằm khôi phục cuộc sống bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Theo quan điểm của mức độ thiệt hại, sẽ mất nhiều năm để tái xây dựng lại”, ông Gulzar cho biết thêm.

“Caritas Pakistan sẽ đóng góp trong giai đoạn phục hồi của mình thông qua sửa chữa nơi trú ẩn, khôi phục các nhà tắm, chuẩn bị đất đai để phục hồi nông nghiệp, đưa giáo dục trở lại trường học và tăng cơ hội sinh kế cho những người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt”, ông Gulzar chia sẻ.

Sự tàn phá đã khiến Liên hợp quốc xem xét gửi số tiền nhiều hơn số tiền 160 triệu đô la mà họ đã cam kết trong lời kêu gọi nhanh chóng hỗ trợ công tác ứng phó với lũ lụt của Pakistan.

Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif, đang ở New York, sẽ phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào thứ Sáu để tìm kiếm thêm sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif, người đã có mặt tại New York, đã phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ Sáu nhằm tìm kiếm thêm sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế.

Hôm thứ Tư, Julien Harneis, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Pakistan, cho biết: “Tình hình nhân đạo hiện vẫn còn nghiêm trọng ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt của Pakistan, với sự thiệt hại trên diện rộng đối với cơ sở hạ tầng vật chất và thiệt hại liên tục đối với người và gia súc”.

Các đợt bùng phát bệnh tiêu chảy, thương hàn và sốt rét đang gia tăng nhanh chóng khi hàng triệu người phải ngủ trong những nơi trú ẩn tạm thời hoặc ở ngoài trời gần những nơi đọng nước.

Hơn 134.000 trường hợp tiêu chảy và 44.000 trường hợp sốt rét đã được báo cáo tại khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Sindh trong tuần qua.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube