Formosa là thủ phạm thảm họa biển miền Trung

Trong buổi họp báo chiều nay (30/6), ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ đã công bố bản kết luận điều tra, trong đó khẳng định Công ty trách nhiệm hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân trực tiếp gây nên thảm họa biển Miền Trung thời gian qua.

họp báo“Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền Trung chết bất thường” – ông Bộ trưởng cho biết.

Chất độc là nguyên nhân trực tiếp khiến cá chết hàng loạt được xác định là phenol và xyanua, hiđroxit sắt vượt quá mức cho phép thải ra từ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh. Phenol và Xyanua là 2 chất cực độc, chỉ cần một lượng nhỏ đi vào cơ thể người và động vật cũng gây ngộ độc cực kỳ nghiêm trọng.

Ngay sau khi ông Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ công bố nguyên nhân gây ra thảm họa, một video clip được trình chiếu, trong đó, ông Trần Nguyên Thành – Chủ tịch HĐQT công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, thay mặt ban lãnh đạo công ty ngỏ lời xin lỗi chính phủ cùng toàn thể nhân dân Việt Nam về sự cố môi trường biển Miền Trung thời gian qua, đồng thời cam kết:

1. Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;

2. Bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD.

3. Cam kết hoàn thiện công nghệ sản xuất để xử lý triệt để chất thải trước khi thải ra môi trường, không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua.

4. Phối hợp bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng giải pháp đồng bộ để phòng chống ô nhiễm, không xảy ra sự cố môi trường để tạo niềm tin với người dân VN và bạn bè quốc tế.

5. Thực hiện đúng cam kết nêu trên, không tái diễn vi phạm, nếu vi phạm sẽ chịu chế tài theo quy định pháp luật VN.

Lãnh đạo Formosa cúi đầu xin lỗi. Ảnh: Internet

Lãnh đạo Formosa cúi đầu xin lỗi. Ảnh: Internet

Trong một diễn biến khác, sáng nay, ông Chủ tịch HĐQT công ty Hưng Nghiệp Formosa cũng đã gửi một lá thư đến toàn thể cán bộ công nhân viên công ty bày tỏ sự nuối tiếc về sự cố thảm họa, nhưng lại đổ trách nhiệm cho “các nhà thầu phụ” và khẳng định: “Trong bất kì tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu nỗ lực để phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam.”

Ngay sau khi chính quyền Việt Nam công bố nguyên nhân gây nên thảm họa môi trường biển Miền Trung, người dân khắp nơi đều tỏ rõ sự bất bình, không chỉ vì mức bồi thường thiệt hại rẻ mạt của công ty Formosa mà là bất bình về cách thức giải quyết thảm họa của nhà cầm quyền Việt Nam.

“Biển ô nhiễm gây chết cá hàng loạt. Người dân biểu tình yêu cầu nhà cầm quyền điều tra làm rõ nguyên nhân thì dùng công an, an ninh, dân phòng đàn áp. Hệ thống truyền hình không cử phóng viên đi đến vùng chịu ảnh hưởng để phản ánh những khó khăn của những người dân nhưng sẵn sàng tổ chức cả một buổi đấu tố đồng nghiệp trên truyền hình vì chia sẻ thông tin nguyên nhân cá chết. Dùng những phóng viên kỳ cựu( Tạ Bích Loan, Thanh Quang và các tiến sĩ giấy) nhưng ngu si không có não để đấu tố đồng nghiệp. Họ tái diễn lại cảch đấu tố thời cải cách ruộng đất trên truyền hình.
Cuối cùng dù đã tìm mọi cách nhưng không giấu được sự thật và ngày 30/6/2016 họ buộc phải họp báo công nhận biển ô nhiễm là do công ty Fomosa gây ra. Giờ Fomosa đã nhận lỗi. Còn chính quyền thì ai sẽ là người đứng ra nhận lỗi đây, hay lại là lỗi tập thể, nếu là lỗi tập thể thì chỉ có thể là tập thể đảng cộng sản Việt Nam?” – Facebooker Nguyễn Kim  bức xúc.

Căn cứ vào các quy định của Pháp luật, FB. Hoang Huy  đề nghị: “Cần phải khởi tố vụ án cá chết. Căn cứ vào các điều luật hiện tại ,quá đủ cơ sở để khởi tố điều tra . Nhưng tại sao các cơ quan của VN chưa khởi tố ,trong khi vụ nhỏ cũng khởi tố trong thời gian ngắn để điều tra ? Điều 53, Hiến Pháp 2013 khẳng định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, NGUỒN LỢI Ở VÙNG BIỂN, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Như vậy, nhà nước VN cần phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình trước nhân dân, đó là ra quyết định khởi tố “.

Hậu quả thảm họa môi trường biển Miền Trung, theo các nhà khoa học, sẽ còn kéo dài có khi cả trăm năm. Vì thế, việc nhà cầm quyền chính thức công bố nguyên nhân của thảm họa, mới chỉ là giai đoạn bắt đầu của những hệ lụy đòi nhà cầm quyền phải giải quyết một cách minh bạch, tránh tình trạng cố tình che dấu như cách hành xử suốt thời gian qua, bởi nếu không, câu chuyện cá chết tại Miền trung cũng là điểm chết của cả hệ thống chính trị hiện nay.

30/6/2016

Hà Thạch

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube