Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ Lebanon

Đức Thượng phụ Moran Mor Ignatius Aphrem II của Giáo hội Chính thống Syriac, thứ hai từ trái sang, Đức Thượng phụ Aram I thuộc Giáo hội Armenia ở Cicilia, thứ ba từ trái sang, Đức Hồng y Bechara Boutros al-Rahi, thứ tư từ trái sang, và Đức Thánh Cha Phanxicô đang tiến vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Peter để tham dự buổi cầu nguyện tại Vatican, Thứ Năm, ngày 1 tháng 7 năm 2021. Giáo hoàng Francis đã chào mừng các nhà lãnh đạo tôn giáo Cơ đốc của Liban đến Vatican vào thứ Năm trong một ngày cầu nguyện trong bối cảnh lo ngại rằng người dân của đất nước đi vào hỗn loạn tài chính và kinh tế đang tiếp tục thúc đẩy sự hiện diện của Cơ đốc giáo trong nước, một bức tường thành cho nhà thờ ở Trung Đông. (Nguồn: Gregorio Borgia / AP.)

Đức Thượng phụ Moran Mor Ignatius Aphrem II của Giáo hội Chính thống Syriac, thứ hai từ trái sang, Đức Thượng phụ Aram I thuộc Giáo hội Armenia ở Cicilia, thứ ba từ trái sang, Đức Hồng y Bechara Boutros al-Rahi, thứ tư từ trái sang, và Đức Thánh Cha Phanxicô đang tiến vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô để tham dự buổi cầu nguyện đại kết tại Vatican, thứ Năm, ngày 1 tháng 7 năm 2021. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào mừng các nhà lãnh đạo tôn giáo Kitô giáo của Lebanon đến Vatican hôm thứ Năm để tham dự Ngày Suy tư và Cầu nguyện trong bối cảnh của sự lo ngại rằng người dân của đất nước đang rơi vào sự hỗn loạn tài chính và kinh tế đang tiếp tục đe dọa sự hiện diện của Kitô giáo trong nước, một thành lũy đối với Giáo hội tại Trung Đông (Ảnh: Gregorio Borgia / AP)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc Ngày Suy tư và Cầu nguyện cho Lebanon bằng cách kêu gọi người dân Lebanon và cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau để đất nước này có thể tiếp tục là “một dự án hòa bình” chứ không phải là mảnh đất cho “những lợi ích và lợi nhuận bên ngoài”.

“Chớ gì bóng đêm của các cuộc xung đột sẽ lùi lại trước một bình minh hy vọng mới”, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu hôm thứ Năm. “Chớ gì sự thù địch sẽ chấm dứt, những bất đồng sẽ tan biến, và Lebanon một lần nữa tỏa ra ánh sáng hòa bình”.

Điều cần thiết là, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, những người nắm quyền – cả trong và ngoài Lebanon – chọn “làm việc vì hòa bình thực sự chứ không phải vì lợi ích của riêng họ. Hãy chấm dứt tình trạng một bộ phận thiểu số trục lợi từ những sự đau khổ của nhiều người! Đừng để những sự thật nửa vời tiếp tục làm nản lòng khát vọng của người dân!”.

“Hãy ngừng lợi dụng Lebanon và Trung Đông cho các lợi ích và lợi nhuận bên ngoài!”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Người dân Lebanon phải được trao cơ hội trở thành những nhà kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn trên đất nước của họ, mà không có sự can thiệp quá mức”.

Những lời trên của Đức Thánh Cha được đưa ra trong buổi cầu nguyện đại kết được tổ chức tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vào chiều thứ Năm, sau khi trải qua cả ngày cùng với 9 nhà lãnh đạo Kitô giáo quan trọng nhất của Lebanon, nơi họ cầu nguyện cho đất nước và suy tư về cách thức giúp giảm bớt cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

Theo một báo cáo do Ngân hàng Thế giới công bố hôm thứ Ba, sự sụp đổ kinh tế của Lebanon có khả năng được xếp vào hàng những cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất thế giới kể từ giữa thế kỷ 19. Lebanon vỡ nợ vào năm ngoái, đồng tiền nước này mất khoảng 90% giá trị và nghèo đói đang tàn phá một quốc gia từng được coi là ngọn hải đăng của sự thịnh vượng trong khu vực.

Sự suy thoái hoàn toàn của nền kinh tế Lebanon trong 18 tháng qua được giới tinh hoa chính trị của đất nước đổ lỗi cho tình trạng tham nhũng và sự quản lý yếu kém. Nước này đã không thể thành lập chính phủ sau khi chính phủ trước đó từ chức sau vụ nổ ngày 4 tháng 8 năm 2020 ở cảng Beirut khiến ít nhất 220 người thiệt mạng.

Tổng thống Lebanon Michel Aoun và Thủ tướng Saad Hariri từng đổ lỗi cho nhau về sự bế tắc chính trị.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới cho thấy “không có bước ngoặt rõ ràng nào ở phía trước” và số liệu thống kê mà tổ chức này chia sẻ, cùng với số liệu của UNICEF, cũng được công bố trong tuần này, thật tồi tệ: 30% trẻ em đi ngủ trong tình trạng đói và không nhận được sự chăm sóc sức khỏe ban đầu mà họ cần; hầu hết người dân trong nước chỉ được sử dụng điện 3 giờ mỗi ngày; 10% trẻ em phải lao động để giúp đỡ gia đình; và 40% trẻ em đang sống trong các gia đình không có ai có việc làm. Ngoài ra, Lebanon là nơi sinh sống của khoảng 1,5 triệu người tị nạn Syria và 99% các gia đình này không có đủ tiền để mua thực phẩm.

Theo lời của Marwan Sehnaoui, Chủ tịch Tổ chức Hiệp sĩ Malta ở Lebanon, đất nước hiện đang “được chăm sóc đặc biệt” và mặc dù đã trải qua chiến tranh, xung đột và khủng hoảng chính trị trước đây, “chưa bao giờ tình hình lại bi đát đến thế.

Lebanon, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết trong bài phát biểu của mình, được gọi là vùng đất của “tinh thần khoan dung và sự đa nguyên, một ốc đảo màu mỡ của tình huynh đệ, nơi các tôn giáo và các tín ngưỡng khác nhau gặp gỡ, nơi các cộng đồng khác nhau cùng nhau chung sống, đặt lợi ích chung lên trước những lợi ích cá nhân của họ”.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo tề tựu về Rôma gồm có Đức Hồng y Bechara Rai, Thượng phụ Maronite của Liban; Đức Thượng phụ Công giáo Syriac Ignace Joseph III Younan; Đức Thượng phụ Chính thống giáo Hy Lạp John X của Antioch; Đức Thượng phụ Aram I thuộc Giáo hội Armenia ở Cicilia; và Mục sư Joseph Kassab, Chủ tịch Hội đồng tối cao của các cộng đồng Tin lành tại Syria và Lebanon.

“Với tư cách là những người Kitô hữu, ngày nay chúng ta mong muốn đổi mới cam kết cùng nhau xây dựng tương lai”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng mối tương quan giữa con người với nhau không thể bắt nguồn từ việc theo đuổi “lợi ích đảng phái, đặc quyền và lợi thế”.

“Các Kitô hữu được mời gọi trở thành những người gieo rắc hòa bình và xây dựng tinh thần huynh đệ, không nuôi dưỡng những mối hận thù và hối tiếc trong quá khứ, không trốn tránh trách nhiệm của hiện tại, nhưng thay vào đó, nhìn về tương lai với hy vọng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Do đó, chúng ta hãy đảm bảo với những anh chị em Hồi giáo và những người thuộc các tôn giáo khác, về sự cởi mở và tinh thần sẵn sàng cùng nhau hợp tác trong việc xây dựng tình huynh đệ và cổ võ hòa bình”.

Ở cuối bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh vai trò của giới trẻ và phụ nữ trong sự tái sinh của Lebanon, yêu cầu tiếng nói của những người trước hết phải được chú ý và phụ nữ phải được tham gia vào các quá trình đưa ra quyết định.

“Chúng ta đừng ngừng nghỉ, chúng ta đừng mệt mỏi khi tha thiết khẩn cầu nền hòa bình mà nhiều người nam và nữ nhận thấy rất khó xây dựng trên trái đất”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Lebanon không thể trở thành con mồi cho diễn biến của các sự kiện hoặc những kẻ theo đuổi những lợi ích vô đạo đức của mình. Đó là một đất nước tuy nhỏ bé nhưng vĩ đại, nhưng hơn thế nữa, nó còn là một thông điệp phổ quát về hòa bình và tình huynh đệ phát sinh từ Trung Đông”.

Vatican từ lâu đã coi Lebanon là một bên đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự tồn tại của Kitô giáo ở Trung Đông, vì một phần ba dân số ở quốc gia này là Kitô hữu. Kể từ khi cuộc nội chiến kết thúc vào năm 1990, các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo hầu như đã cùng chung sống hòa bình, một điều hiếm thấy trong khu vực.

Trước đó trong ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị khách của ngài đã cùng nhau đọc Kinh Lạy Cha bằng tiếng Ả Rập tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, trước khi tiến đến Hội trường Clementine bên trong Điện Tông Tòa của Vatican để tham dự một loạt các cuộc họp kín.

Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Bộ Giáo hội Đông phương, phát biểu với các phóng viên rằng đối với các tín hữu Kitô giáo, yếu tố quan trọng nhất trong ngày suy tư đối với Lebanon đó là “bắt đầu bằng đức tin. Ở Lebanon có rất nhiều vấn đề, có rất nhiều khó khăn, có rất nhiều đau khổ. Tôi không cần thiết phải đi vào chi tiết về điều này”.

“Ai có thể can thiệp? Chính Thiên Chúa, Cha của chúng ta”, Đức Hồng y Leonardo Sandri nói, đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời các nhà lãnh đạo tham gia ngày cầu nguyện và suy tư “dưới ánh sáng của ân sủng của Thiên Chúa”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube