Đức Hồng Y Gracias: ‘FABC sẽ tạo ra sự khác biệt trong công việc mục vụ’

Khi các Giám mục Châu Á kết thúc Đại hội đồng của họ tại Bangkok, Đức Hồng y Oswald Gracias gốc Ấn Độ chia sẻ rằng các đại biểu của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) đã “hăng hái nỗ lực lắng nghe mọi lời thầm thì của Chúa Thánh Thần”.

Đức Tổng giám mục Địa phận Bombay, Đức Hồng y Oswald Gracias, đã trò chuyện với Vatican News bên lề Đại hội đồng của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC), diễn ra tại Bangkok. Vị Giám chức đã suy tư về câu hỏi của Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các đại biểu tham gia hội nghị: “Chúa Thánh Thần đang nói gì với các Giáo hội tại Châu Á”, và đồng thời chia sẻ về hy vọng của mình đối với Giáo hội tại Châu Á trong tương lai.

Mơ ước và lắng nghe

“Chúng tôi vẫn đang mơ ước; chúng tôi vẫn đang lắng nghe Chúa Thánh Thần”, Đức Hồng Y Gracias bắt đầu. “Chúng tôi vẫn đang lắng nghe lẫn nhau. Và Thiên Chúa ngỏ lời với chúng tôi qua những biến cố của lịch sử, qua những người lân cận, qua bạn bè của chúng tôi, qua những người mà chúng tôi phục vụ, và qua các anh em Giám mục của chúng tôi”.

Điều khiến Đức Hồng Y Gracias ngạc nhiên là “không ai nói về đại dịch … Điều đó có nghĩa là chúng ta đã trở lại trạng thái bình thường”, Đức Hồng Y Gracias lưu ý. “Chúng tôi là một cộng đồng kiên cường”.

“Biến đổi khí hậu đã tác động rất nhiều đến chúng tôi”, Đức Hồng Y Gracias tiếp tục. “Cuộc khủng hoảng di cư diễn ra mạnh mẽ. Tôi nghĩ rằng giới trẻ, tiếng nói của những người trẻ, đòi hỏi trách nhiệm và những vai trò quan trọng trong Giáo hội đã xuất hiện rất nhiều. Chúng tôi cũng nghe thấy những lời kêu gọi hồi sinh đời sống Công giáo”.

Lắng nghe Chúa Thánh Thần đang thì thầm

“Ở đây, tại một lục địa mà chúng tôi không chiếm đa số, nơi chúng tôi có rất nhiều người để phục vụ, tôi lại nhận thấy lời kêu gọi hãy ra ngoài và phục vụ tất cả mọi người, nỗ lực đối thoại, nỗ lực hòa giải, nỗ lực xây dựng hòa bình, trở thành cầu nối giữa các cộng đồng và các dân tộc xung đột”.

Đức Hồng Y Gracias lưu ý rằng ngài nhận thấy rằng các đại biểu của FABC “hăng hái nỗ lực lắng nghe mọi lời thầm thì của Chúa Thánh Thần”.

Khi được hỏi về hy vọng sẽ tiếp tục từ Đại hội đồng FABC lần đầu tiên, Đức Hồng Y Gracias đã bối cảnh hóa hội nghị, ngài chia sẻ rằng “hội nghị này được đặc biệt triệu tập để xác định xem điều gì nên là các ưu tiên mục vụ, để đánh giá lại, xem xét đường hướng chúng ta đã thực hiện cho đến nay – các ưu tiên mục vụ, các trụ sở truyền giáo ở các khu vực khác nhau – và để xem xét việc chúng ta nên làm điều gì khác … tốt hơn… hoặc với sự nhiệt huyết mới. Và tôi hy vọng rằng sau khi đã lắng nghe tiếng nói của rất nhiều chuyên gia… tiếng nói của nhiều người… trong các bài phát biểu đóng góp, tôi nghĩ rằng Chúa Thánh Thần đang ngỏ lời qua họ và cho chúng ta biết chúng ta nên làm như thế nào. Chúng tôi đã nghe rất nhiều tiếng nói, rất nhiều mối bận tâm”.

Sự khác biệt mà hội nghị có thể tạo ra

Liên quan đến toàn thể Châu Á, Đức Hồng Y Gracias hy vọng rằng “tất cả chúng ta, tất cả các Hội đồng Giám mục của Châu Á, tất cả các Giáo hội tại Châu Á sẽ được đổi mới về tinh thần nhiệt huyết… lòng can đảm… sự quyết tâm… sự quảng đại… tầm nhìn đi ra, dấn thân và tiến vào thế giới. Điều đó đã mang lại cho chúng tôi sự liên đới và niềm vui khi dấn thân làm việc tại các điểm truyền giáo”.

Trên một lưu ý chú cá nhân, Đức Hồng Y Gracias đã chia sẻ việc ngài “tận hưởng ba ngày đầu tiên chúng tôi đến thăm các quốc gia khác nhau ở Châu Á. Đối với tôi, khoảnh khắc xúc động nhất của toàn hội nghị là khi các quốc gia nhỏ hơn giải thích những khó khăn và lo lắng của họ trong ba ngày đầu tiên. Và sau đó chúng tôi nói, hãy thinh lặng, noi gương Đức Thánh Cha Phanxicô. Và tôi nhận thấy trên khuôn mặt của tất cả các Giám mục đang nhắm mắt cầu nguyện cho Giáo hội đó. Vì vậy, mọi người có thể thấy cường độ của cảm xúc mà chúng tôi cảm nhận”.

Trong phần kết luận, Đức Hồng Y Gracias tuyên bố:

“Tôi thiết nghĩ nó sẽ tạo ra sự khác biệt. Hội nghị này sẽ tạo ra sự khác biệt cho công việc mục vụ của chúng tôi”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube