ĐTC Phanxicô gọi bạo lực đối với phụ nữ “gần như là một hành động của ma quỷ"

Đức Thánh Cha Phanxicô đến Hội trường Phaolô VI nhân dịp ngài tiếp kiến những trẻ em được hỗ trợ bởi bệnh xá nhi khoa Santa Marta, tại Vatican, Chúa nhật, ngày 19 tháng 12 năm 2021. (Nguồn: Gregorio Borgia / AP.)

Đức Thánh Cha Phanxicô đến Hội trường Phaolô VI nhân dịp ngài tiếp kiến những trẻ em được hỗ trợ bởi bệnh xá nhi khoa Santa Marta, tại Vatican, Chúa nhật, ngày 19 tháng 12 năm 2021 (Ảnh: Gregorio Borgia / AP)

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng bạo lực đối với phụ nữ “gần như là một hành động của ma quỷ”.

Nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra trên một chương trình truyền hình được phát sóng hôm Chúa nhật bởi kênh Canale 5 của Ý.

Chương trình là một cuộc đối thoại giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và “bốn người vô hình”, những người đã bị xã hội lãng quên, bị loại bỏ hoặc hạ thấp phẩm giá.

Một trong số đó là chị Giovanna, người đã kể với Đức Thánh Cha Phanxicô về việc phải rời bỏ mái ấm của mình cùng với 4 đứa con vì tình trạng bạo lực gia đình đang diễn ra.

“Đã là một sự nhục nhã khi một người cha hoặc người mẹ tát một đứa trẻ, tôi luôn nhấn mạnh rằng đừng làm điều đó, bởi vì phẩm giá chính là thể diện của một người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, và sau đó trình bày cho người phụ nữ này như một ví dụ về “phẩm giá” và “việc kháng cự lại những điều ác không mong đợi”.

“Tôi nhận thức được phẩm giá bởi vì nếu như chị không có nó, chị sẽ không hiện diện ở đây. Bởi vì phẩm giá của chị hiện rõ trên khuôn mặt của chị. Một khuôn mặt đau khổ nhưng cũng là khuôn mặt của một người đang tiếp tục cuộc sống, của chính chị và những đứa con của chị. Chị đang trên cuộc hành trình của mình… chị vẫn đang tranh đấu”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Giovanna.

“Số lượng phụ nữ bị chồng hành hung và bạo hành trong gia là rất lớn, đó là vấn đề mà đối với tôi gần như là hành động của ma quỷ bởi vì nó đồng nghĩa với việc lợi dụng sự yếu đuối của những người không thể tự vệ, những người chỉ có thể cố gắng để đỡ những trận đòn roi, quả thực hết sức nhục nhã”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý rằng số lượng phụ nữ bị đánh đập và bị bạo hành trong gia đình của họ, “thậm chí ngay cả bởi những người chồng của họ, là rất, rất cao”.

Trong suốt Triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần lên tiếng chống lại vấn đề bạo lực gia đình, và đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ. Vào năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu tại Peru rằng “bạo lực đối với phụ nữ không thể được coi là ‘điều bình thường’, việc duy trì văn hóa ‘machismo’ (thể hiện nam tính một cách thái quá) mù quáng đối với vai trò quan trọng của phụ nữ trong các cộng đồng của chúng ta”.

“Machismo” là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi ở Mỹ Latinh để chỉ những thái độ có tính chất sô vanh đối với phụ nữ, cũng như sự phủ nhận rộng rãi hơn đối với tiếng nói và kinh nghiệm của phụ nữ.

Các số liệu thống kê về vấn đề bạo lực gia đình chỉ ngày càng trở nên tồi tệ hơn với đại dịch, buộc phụ nữ và trẻ em phải bị giam hãm chung với những kẻ bạo hành của họ trong suốt thời gian giãn cách xã hội. Các con số được công bố vào tháng trước ở Ý cho thấy có khoảng 90 vụ bạo lực đối với phụ nữ mỗi ngày ở nước này và 62% là các vụ bạo lực gia đình.

Con số thậm chí còn tồi tệ hơn ở Mỹ Latinh, nơi có đến hơn 4.000 phụ nữ bị giết hại vào năm ngoái, tức là trung bình cứ hai giờ lại có một phụ nữ bị giết hại. Theo Liên hợp quốc, cứ ba phụ nữ thì có một phụ nữ bị bạo lực gia đình do người phối ngẫu, cha mẹ đẻ, cha mẹ kế hoặc họ hàng gần gũi gây ra.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng có những lời chia sẻ dành cho chị Maria, một phụ nữ vô gia cư hiện đang sống tại Palazzo Migliori, một nơi trú ẩn gần Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican.

“Chị nói về sự tàn nhẫn độc ác, và đây là cú tát nặng nề nhất của xã hội đối với chị, khi mà vấn đề của người khác bị phớt lờ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chị Maria. “Chúng ta đang bước vào nền văn hóa của sự thờ ơ, nơi chúng ta cố gắng né tránh những vấn đề thực tế, những đau khổ do tình trạng vô gia cư và tình trạng thiếu việc làm gây ra”.

Kế đến, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuyển sang một vấn đề phổ biến ở Ý: Những người cho vay nặng lãi, những kẻ thường có liên quan đến tội phạm có tổ chức.

Mặc dù người ta cố gắng quay lưng lại với các vấn đề của người khác, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết, vấn nạn này vẫn “gia tăng cùng với đại dịch này bởi vì những người cho vay tiền đang gõ cửa: Những kẻ cho vay nặng lãi. Một người nghèo, một người túng thiếu, rơi vào tay những kẻ cho vay nặng lại và mất tất cả, bởi vì họ không được dung tha. Đây là sự độc ác trên cả sự tàn nhẫn, tôi nói điều này để thu hút sự chú ý của mọi người chứ không phải là để trở nên ngờ nghệch; cho vay nặng lãi không phải là một cách để thoát khỏi vấn đề, cho vay nặng lãi mang đến cho người ta những vấn đề mới”.

Theo quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô, “cú giáng nặng nề nhất của xã hội đó là phớt lờ vấn đề của người khác, sự thờ ơ”, Đức Thánh Cha nói khi lắng nghe lời khai của chị Maria.

“Chúng ta đang bước vào nền văn hóa của sự thờ ơ, trong đó chúng ta cố gắng né tránh các vấn đề, né tránh tình trạng đói kém, sự đau khổ, tình trạng thiếu việc làm… và với đại dịch này, các vấn đề đã gia tăng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha cũng lắng nghe những câu chuyện của em Maristella, một hướng đạo sinh 18 tuổi, người mà niềm vui tuổi trẻ đã bị mất đi do đại dịch; và Pierdonato, người đã phải ngồi tù 25 năm.

Pierdonato đã hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô rằng liệu có hy vọng cho những người mong muốn sự thay đổi hay không, và Đức Thánh Cha đã nói với anh rằng, như Kinh Thánh nói, “trông cậy sẽ không bao giờ phải thất vọng”.

“Thiên Chúa hiện diện ở đó, không phải trên cung trăng, mà hiện diện ngay bên cạnh con, bởi vì đường lối của Thiên Chúa đó là sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Thiên Chúa hiện diện cùng với từng người phải sống trong cảnh tù tội, với bất kỳ người nào phải trải qua khó khăn thử thách. Con có thể không nói ra, nhưng trong thâm tâm con biết rằng con được tha thứ, và con có được niềm hy vọng sẽ không làm con thất vọng. Đó là lý do tại sao cha có thể nói với con một điều: Thiên Chúa luôn luôn tha thứ”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube