ĐTC Phanxicô bắt đầu chuyến viếng thăm Bangladesh với lời kêu gọi hành động đối với cuộc khủng hoảng Rohingya

ĐTC Phanxicô đã đến Bangladesh với những lời ca ngợi đối với sự trợ giúp nhân đạo mà quốc gia này đã dành cho những người tị nạn Hồi giáo Rohingya và đồng thời kêu gọi một hành động lớn hơn nhân danh cộng đồng quốc tế.

Pope_Francis_speaks_to_authorities_in_Dhaka_Bangladesh_after_his_arrival_Nov_30_2017_Credit_Ed_Pentin_CNA

Phát biểu với Tổng thống Bangladesh Abdul Harmid cùng các nhà chức trách và các cơ quan ngoại giao quốc gia, ĐTC Phanxicô cho biết rằng trong những tháng gần đây “tinh thần quảng đại và liên đới” mà quốc gia này đã được biết đến “đã được nhận thấy một cách rõ ràng nhất qua hoạt động tiếp cận nhân đạo của mình đối với dòng người tị nạn khổng lồ đến từ tiểu bang Rakhine”.

ĐTC Phanxicô lưu ý việc Bangladesh đã cung cấp chỗ ở và các nhu yếu phẩm cơ bản cho hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya tại khu vực biên giới của họ.

Với những đôi mắt của thế giới đang theo dõi cuộc khủng hoảng đang diễn ra, không ai có thể “không nhận thức được tính chất nghiêm trọng của tình hình, con số khổng lổ những người dân đau khổ có liên quan, và những điều kiện sống bấp bênh của rất nhiều anh chị em của chúng ta, đa số trong số đó là phụ nữ và trẻ em, đang chen chúc trong các trại tị nạn”. 

Do đó “bắt buộc” cộng đồng quốc tế “phải đưa ra những biện pháp mang tính quyết định để giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này”. 

Giải pháp này, ĐTC Phanxicô nói, không chỉ giúp giải quyết những vấn đề chính trị vốn dẫn tới sự di cư hàng loạt của người dân trong những tháng gần đây, “mà còn cung cấp sự trợ giúp vật chất tức thì cho Bangladesh với nỗ lực nhằm đáp ứng một cách hiệu quả đối với nhu cầu cấp bách của nhân loại”.

ĐTC Phanxicô đã phát biểu như vậy vài giờ sau khi tới Dhaka, Bangladesh, tiếp tục giai đoạn thứ hai trong chuyến Tông du từ ngày 27/11 đến 2/12 đến Châu Á của mình. ĐTC Phanxicô đã viếng thăm Miến Điện từ ngày 27/11 đến 30/11 vừa qua, và Ngài sẽ trú lại Bangladesh trong hai ngày trước khi trở về Rome.

Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô được đưa ra trong bối cảnh của những sự căng thẳng sôi sục đối với cuộc di cư hàng loạt của những người Rohingya, một nhóm sắc tộc thiểu số chủ yếu là Hồi giáo cư trú tại tiểu bang Rakhine của Miến Điện, từ quê hương của họ giữa bối cảnh của tình hình bạo lực do nhà nước bảo trợ ngày càng gia tăng vốn đã khiến Liên Hợp Quốc phải tuyên bố cuộc khủng hoảng này là một  “cuộc thanh trừng sắc tộc”. 

Với sự gia tăng đàn áp ở quê nhà Miến Điện của họ, hơn 600.000 người Rohingya đã chạy trốn qua biên giới sang Bangladesh, nơi mà hàng triệu người đang phải sống trong các trại tị nạn.

Mặc dù Vatican đã nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng không phải là nguyên nhân ban đầu đằng sau chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô tới hai quốc gia này, nó phần lớn đã làm lu mờ đi chuyến viếng thăm này, với việc nhiều người hiện đang theo dõi việc ĐTC Phanxicô sẽ phản ứng thế nào, đặc biệt là khi nói đến việc sử dụng thuật ngữ “Rohingya”.

Bất chấp việc sử dụng rộng rãi thuật ngữ này trong cộng đồng quốc tế, thế nhưng nó hiện vẫn đang gây tranh cãi ở Miến Điện. Chính phủ Miến Điện từ chối sử dụng thuật ngữ này, và đồng thời coi những người Rohingya là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh. Theo như lời đề nghị của các nhà lãnh đạo Giáo hội địa phương ở Miến Điện, ĐTC Phanxicô đã không dùng từ này, và Ngài cũng đã làm như thế ở Bangladesh.

Trong bài phát biểu của mình với các nhà chức trách, ĐTC Phanxicô đã ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên tại Bangladesh, vốn được nhìn thấy qua mạng lưới sông ngòi và đường thuỷ rộng lớn, đồng thời Ngài cũng cho biết rằng tầm nhìn đó tượng trưng cho bản sắc của quốc gia như là một dân tộc với nhiều ngôn ngữ và nguồn gốc khác nhau.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào những nhà lãnh đạo đầu tiên của quốc gia mà ông cho là “đã hình dung ra một xã hội hiện đại, đa nguyên và hòa nhập, mà trong đó tất cả mọi người và mọi cộng đồng đều có thể sống trong tự do, hòa bình và an ninh, với một sự tôn trọng đối phẩm giá cao quý và quyền bình đẳng của tất cả mọi người”.

Bangladesh đã giành được độc lập từ Tây Pakistan vào năm 1971 sau một cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài chín tháng bắt đầu khi quân đội Pakistan tấn công vào một tiểu bang phía đông của họ nhằm loại bỏ những người theo chủ nghĩa dân tộc Bengal khỏi khu vực.

Tương lai của nền dân chủ ở một quốc gia còn đầy non trẻ và sự hồi phục đối với đời sống chính trị, “liên quan chủ yếu” đến việc trung thành với tầm nhìn ban đầu của những người cha sáng lập, ĐTC Phanxicô nói.

“Chỉ thông qua việc đối thoại chân thành và tôn trọng sự đa dạng hợp pháp thì một dân tộc mới có thể hòa giải những sự chia rẽ, vượt qua những quan điểm đơn phương và đồng thời thừa nhận giá trị của các quan điểm khác nhau”, ĐTC Phanxicô nói, đồng thời Ngài cũng cho biết thêm rằng một cuộc đối thoại thực sự hướng về tương lai và xây dựng sự hiệp nhất trong việc phục vụ công ích chung. 

Cuộc đối thoại này, ĐTC Phanxicô nói, cũng bận tâm đến những nhu cầu của “mọi người dân, đặc biệt là những người nghèo, những người kém may mắn và những người không có tiếng nói”.

Những lời này đặc biệt phù hợp với Bangladesh, một trong những quốc gia đông dân nhất trên thế giới, nhưng cũng là một trong những nước nghèo nhất, với gần 30% dân số sống dưới mức nghèo.

ĐTC Phanxicô cho biết rằng trong khi Ngài chủ yếu đến để cổ võ cộng đồng Công giáo nhỏ bé trong nước, Ngài mong muốn được gặp gỡ các nhà lãnh đạo liên tôn, như đã làm ở Miến Điện.

Đối thoại liên tôn đã trở thành một chủ đề chính của chuyến thăm của ĐTC Phanxicô, bởi vì Miến Điện là một quốc gia mà Phật giáo chiếm đa số và Bangladesh chủ yếu là người Hồi giáo. Tại Bangladesh, 86% dân số theo Hồi giáo. 375,000 người Công giáo đại diện cho ít hơn 0,2% tổng dân số.

Trong bài phát biểu của mình, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng Bangladesh được biết đến theo ý nghĩa rằng sự hài hòa vốn tồn tại giữa các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau, đồng thời cho biết rằng bầu khí tôn trọng lẫn nhau và đối thoại liên tôn này “cho phép các tín hữu bày tỏ sự xác tín sâu xa nhất của họ về ý nghĩa và mục đích của cuộc đời”.

Bằng cách này, các tôn giáo có thể phát huy tốt hơn các giá trị tinh thần vốn hình thành nên nền tảng cho một xã hội công bằng và hòa bình. Và trong một thế giới “nơi mà tôn giáo thường bị lạm dụng – một cách đáng hổ thẹn – để gây chia rẽ, thì việc làm chứng như vậy cho sức mạnh hòa giải và thống nhất của nó là điều cần thiết hơn”. 

ĐTC Phanxicô cho biết việc làm chứng này được nhìn thấy một cách “hùng hồn” sau một vụ tấn công khủng bố tàn bạo tại một tiệm bánh ở Dhaka hồi năm ngoái khiến 29 người thiệt mạng, khiến các nhà lãnh đạo nước này đưa ra một tuyên bố chắc chắn rằng việc nhân danh Thiên Chúa “không bao giờ có thể được đưa ra để biện minh cho hận thù và bạo lực chống lại những người đồng loại của chúng ta”.

Phát biểu về vai trò của người Công giáo trong đất nước, ĐTC Phanxicô cho biết họ có một đóng góp quan trọng, đặc biệt thông qua các trường học, trạm y tế và các trung tâm y tế do Giáo hội điều hành.

Giáo hội, ĐTC Phanxicô nói, “đánh giá cao việc tự do thực hành đức tin của mình cũng như việc theo đuổi những công việc từ thiện bác ái, vốn đem lại lợi ích cho toàn dân tộc, không chỉ bằng cách cung cấp cho những người trẻ tuổi, những người đại diện cho tương lai của xã hội”.

ĐTC Phanxicô lưu ý việc có biết bao nhiêu học sinh và giáo viên trong các trường học do Giáo hội điều hành không phải là người Công giáo và đồng thời bày tỏ sự xác tín của mình rằng bằng việc giữ đúng hiến pháp Bangladeshi, Giáo hội “sẽ tiếp tục thừa hưởng quyền tự do để thực hiện những công việc tốt đẹp này như là một biểu hiện của Giáo hội trong việc cam kết với công ích”.

ĐTC Phanxicô kết thúc bài diễn thuyết của mình qua việc hứa sẽ cầu nguyện “để rồi qua những trách nhiệm cao cả của quý vị, quý vị sẽ luôn được tràn đầy cảm hứng bởi những lý tưởng cao đẹp về công lý và việc vụ cho đồng bào của mình”.

Trong lời chào mừng ĐTC Phanxicô, Tổng thống Bangladesh Abdul Harmid đã cảm ơn Đức Thánh Cha vì đã đến thăm đất nước và đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng mà quốc gia đã đặt lên vấn đề tự do và phát triển tôn giáo.

“Người dân chỉ thực sự tự do khi họ có thể thực hành đức tin của mình một cách tự do mà không hề phải sợ hãi”, ông Abdul Harmid nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng ở Bangladesh, họ “trân trọng” vấn đề tự do tôn giáo và do đó họ sẽ sát cánh cùng với Đức Thánh Cha trong việc bảo vệ nó “khi biết rằng người dân ở khắp nơi phải được có thể sống với đức tin của mình, không sợ hãi hay lo sợ bị hăm dọa”.

Ông Harmid cũng đã tập trung vào Thông điệp về lòng thương xót của ĐTC Phanxicô, mà Ngài cho biết là Bangladesh đã đem ra thực hành với việc hoan nghênh của họ đối với những người Hồi giáo Rohingya. 

“Đó là trách nhiệm chung của chúng ta để đảm bảo cho họ một sự trở lại an toàn, bền vững và xứng đáng với phẩm giá con người của họ cũng như việc hội nhập với đời sống xã hội, kinh tế và chính trị của Myanmar”, ông Harmid nói, đồng thời cho biết thêm rằng sự chỉ trích “kịch liệt” của ĐTC Phanxicô đối với sự tàn bạo mà họ phải đối mặt sẽ mang lại hy vọng cho một giải pháp.

“Sự gần gũi của Đức Thánh Cha với những người này, lời kêu gọi của Ngài để giúp đỡ họ và đồng thời đảm bảo quyền lợi đầy đủ của họ mang lại trách nhiệm luân lý cho cộng đồng quốc tế để hành động kịp thời và chân thành”.

Tổng thống Bangladesh cũng đã tập trung vào vấn đề bạo lực khủng bố cực đoan, đồng thời cho biết rằng “không một tôn giáo nào được miễn trừ khỏi các hình thức ảo tưởng cá nhân hoặc chủ nghĩa cực đoan ý thức hệ”.

Chính vì vậy, Tổng thống Bangladesh cho biết, chính phủ nước này đã theo đuổi chính sách “không khoan nhượng” nhằm xóa bỏ những nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

“Chúng ta lên án chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, với tất cả mọi hình thức và biểu hiện của nó”, ông Harmid nói, đồng thời, chẳng hạn như những quốc gia đa số là Hồi giáo khác, Bangladesh cũng quan ngại về “sự nổi dậy của làn sống chống Hồi giáo và các tội ác thù hận ở nhiều xã hội phương Tây, vốn gây ảnh hưởng bất lợi đến cuộc sống của hàng triệu người dân yên ổn của các tín ngưỡng”.

“Chúng ta tin rằng việc đối thoại giữa các tôn giáo, ở tất cả mọi cấp độ của xã hội, là điều quan trọng để chống lại các xu hướng cực đoan như thế”, ông Harmid nói. Ông Harmid đã kết thúc bài diễn văn của mình với lời kêu gọi hưởng ứng bảo vệ môi trường thiên nhiên, đồng thời ông cũng cho biết chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô “đổi mới quyết tâm của chúng ta nhằm hướng tới việc xây dựng một thế giới hòa bình, hài hòa và thịnh vượng”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube