Đại hội giới trẻ thế giới tại Krakow: sẽ lan tỏa sứ điệp hòa bình và Lòng thương xót

  • Tin tức
  • Thứ Bảy, 21-05-2016 | 16:57:11

“Các bạn trẻ tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại quê hương Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sẽ làm lan tỏa sứ điệp hòa bình và Lòng thương xót”

Chúng ta đang sống trong thời đại của chủ nghĩa khủng bố, một số các bạn trẻ (hoặc cha mẹ của họ) có thể sẽ lo ngại khi đến với Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sắp tới.

Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz nói: Đừng sợ!

Krakow là một thành phố có sức ảnh hưởng mạnh mẽ: đó là Giáo Phận của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng đầu tiên tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới với số lượng các bạn trẻ tham gia đông nhất.

Đã từng giữ chức vụ thư ký của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và nay là Tổng Giám Mục của thành phố, Đức Hồng Y Dziwisz cho biết, “Đừng sợ khi đến với đất nước Ba Lan chúng tôi, đó là một đất nước thanh bình, an ninh ở đây được thắt chặt và người dân thì rất thân thiện và cởi mở. Hãy mang trong mình khát khao mạnh mẽ khi đến với thành phố quê hương của Đức Thánh Cha Wojtyla. Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới  chắc chắn sẽ là một dịp tràn đầy niềm vui, đây không chỉ là một sân chơi, nhưng còn là một cuộc gặp gỡ trong đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô”.

Đức Hồng Y nhớ lại rằng Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần đầu tiên được tổ chức cách đây một vài thập kỷ, không có ai ở Tòa Thánh biết cách thức tổ chức thế nào. Đức Hồng Y Eduardo Francisco Pironio chỉ nghĩ đơn giản đây là cuộc gặp gỡ của các nhóm nhỏ các bạn trẻ đến từ các giáo xứ khác nhau, trong khi đó, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tiên đoán sẽ phải có một dải đất thật rộng lớn để đón tiếp hàng triệu các bạn trẻ từ khắp nơi đổ về. Ngày nay, nhiều năm sau những kì Đại hội, mỗi kì Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đều được chuẩn bị và tổ chức ngày càng tốt hơn so với những lần Đại hội trước đó.

Cùng với sự phát triển mà sự kiện tại Krakow lần này có thể có đối với mối quan hệ tốt hơn bao giờ hết với Giáo hội Chính Thống Nga, Đức Hồng Y Dziwisz cho biết, sau cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill của Moscow, “mục tiêu quan trọng nhất đó chính là hòa bình. Không chỉ là nền Hòa bình giữa Nga và Ukraine, không chỉ là nền hòa bình cho châu Âu, nhưng là nền hòa bình cho toàn thế giới”.

“Các bạn trẻ tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sắp tới sẽ đến Krakow và làm lan tỏa sứ điệp hòa bình và Lòng thương xót”, Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh.

Nhớ lại sự kiện 35 năm trước

Khi được hỏi về những gì Đức Hồng Y nhớ về vụ tấn công nhằm vào Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 13/5/1981, Ngài cho biết: “Tôi đứng ngay sau Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Tôi nghe thấy 2 phát súng, có người thì nói rằng 3 phát. Cách Đức Thánh Cha phản ứng cho thấy sự thánh thiện của Ngài”.

“Ngay từ đầu, mặc dù bị thương và đối diện trước tử thần, thế nhưng Ngài đã cầu nguyện cho kẻ đã ra tay mưu sát Ngài. Ngài không biết hắn là ai, nhưng Ngài vẫn cầu nguyện cho anh ta. Khi chúng tôi đi trong xe cứu thương, Ngài vẫn cầu nguyện cho kẻ tấn công Ngài”.

Khi mọi chuyện đã êm xuôi, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đích thân đến thăm và nói chuyện với Ali Agca, người đã rat ay mưu sát Ngài. ” Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói chuyện với anh ta về sự tha thứ, nhưng thanh niên Agca chỉ chú tâm đến bí mật Fatima. Ngài không bao giờ cho rằng anh ta là kẻ có lỗi, trong khi đó Ngài nói rằng ai ai cũng cần được tha thứ và cần được yêu thương để được cứu rỗi”.

“Sau khi vụ tấn công xảy ra, có lần Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dừng lại trước hầm mộ của các  triều đại Giáo hoàng tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Ngài nói rằng suýt nữa Ngài cũng sẽ được chôn cất ở đó”, Đức Hồng Y Dziwisz cho biết. “Cuộc phẫu thuật ở bệnh viện quả thật rất khủng khiếp, nhưng vị Giáo Hoàng Ba Lan đã phó thác tất cả mọi sự cho Mẹ Maria, Ngài đã ơn  Thiên Chúa, Ngài đã đối diện với sự đau đớn cùng cực về thể xác nhưng không hề sợ hãi”.

Khi được hỏi về phản ứng của Giáo Hội tại Ba Lan đối với những người tị nạn và di dân, Đức Hồng Y cho biết ở Ba Lan đã có sự sắp xếp nơi ăn chốn ở cho hơn một triệu người, những người phải chạy trốn khỏi đất nước Ukraine, Byelorussia và những nơi xảy ra các cuộc đụng độ.

“Giáo Hội Ba Lan vẫn luôn sẵn sang mở cửa để giúp đỡ cho những người thiếu thốn, nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về phía chính phủ”, Đức Hồng Y nhấn mạnh. “Ba Lan đã không xây dựng bức tường ngăn cách; trái lại, quốc gia chúng tôi vẫn luôn chào đón những người phải chạy trốn khỏi những nơi xảy ra các cuộc đụng độ quân sự. Trước khi kết thúc và nói lời tạm biệt, Đức Tổng Giám Mục cũng đã lặp đi lặp lại: “Đừng sợ! Hãy mời gọi mọi người đến với Krakow, thành phố quê hương Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II”.

Minh Tuệ (theo Zenit)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube