Chuyên gia cho biết việc lạm dụng quyền lực chính là nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục trong Giáo hội

  • Tin tức
  • Thứ Sáu, 27-04-2018 | 12:08:33

ROME – Có lẽ tổ chức có ảnh hưởng nhất về vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo hội đó chính là Trung tâm Bảo vệ Trẻ em tại Đại học Giáo Hoàng Gregorian của Rôma.

Chủ tịch trung tâm, Linh mục Hans Zollner dòng Tên, là một thành viên của Ủy ban Giáo Hoàng của Vatican về bảo vệ trẻ vị thành niên, được thành lập bởi ĐTC Phanxicô vào năm 2014 để cố vấn cho Ngài về các chính sách bảo vệ trẻ em.

Trung tâm này làm việc chặt chẽ với Vatican về việc xây dựng các chính sách để đối phó với vấn nạn lạm dụng tình dục và tổ chức nhiều cuộc hội thảo cho các nhà lãnh đạo Giáo Hội đến từ khắp nơi trên toàn thế giới.

Đó là lý do tại sao ‘Dalla parte dei piccoli’ [“Đứng về phía những người nhỏ bé”] chắc chắn sẽ được bàn cãi khi nó được phát hành vào tháng Năm sắp tới.

Cuốn sách được viết bởi tác giả Angela Rinaldi, một trợ lý nghiên cứu người Ý 28 tuổi tại Trung tâm Bảo vệ Trẻ em, và bà lập luận rằng vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo hội “chính là một vấn đề về việc lạm dụng quyền lực”.

Bà Rinaldi đã làm việc tại Trung tâm Bảo vệ Trẻ em từ năm 2014 và bà cũng chính là một ứng cử viên tiến sĩ tại Đại học Giáo Hoàng Gregorian tập trung vào các chính sách dành cho trẻ vị thành niên không có thân nhân đi cùng bị buộc phải di cư sang Ý.

Sau khi nghiên cứu những vụ bê bối lạm dụng trong vài thập kỷ qua, bà nói rằng việc lạm dụng quyền lực có thể được xác định cả nơi người lạm dụng tình dục, người thao túng và xúc phạm phẩm giá của các nạn nhân, và trong Giáo hội với tư cách là một tổ chức vì việc cố gắng bảo vệ hình ảnh thay vì chăm sóc cho những người đã bị lạm dụng.

Đối với bà Rinaldi, việc áp dụng các quy tắc phổ quát để giải quyết các trường hợp lạm dụng được thực hiện bởi nguyên Giáo hoàng Benedict XVI là một người làm thay đổi cuộc chơi. Bà cũng đã thừa nhận các bước tiến mà ĐTC Phanxicô đã thực hiện, chẳng hạn như việc thành lập Ủy ban Giáo hoàng về bảo vệ trẻ vị thành niên.

Tuy nhiên, cách thức thiếu kiên nhẫn mà lần đầu tiên Ngài phản ứng lại đối với một cuộc khủng hoảng gần đây tại Chile, đối với bà, chính là một bài học cho tương lai.

“Giáo Hội cần phải xây dựng sự tin tưởng, tinh thần trách nhiệm, và trách nhiệm giải trình. ĐTC Phanxicô đã rao giảng một Giáo Hội có tinh thần trách nhiệm vốn thừa nhận những sai lầm của mình”, bà Rinaldi phát biểu với Crux.

Dưới đây là những trích dẫn của cuộc trò chuyện của bà với Filipe Domingues.

20180206T1238-14336-CNS-POPE-BARROS-LETTER_800-690x450

Linh mục Chilê Fernando Karadima tham dự phiên điều trần năm 2015 tại tòa nhà Tòa án tối cao ở Santiago. Linh mục đã bị buộc tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. (Sebastian Silva / EPA qua CNS.)

Ý tưởng của việc viết cuốn sách này nảy sinh thế nào?

Đối với luận án Thạc sĩ của tôi, tôi quyết định viết về tình trạng lạm dụng tính dục trẻ em. Giáo sư thần học của tôi, Cha Rocco D’Ambrosio, rất hài lòng với kết quả này và chúng tôi đã thúc đẩy để tác phẩm này được xuất bản. Nó không phải là một sự thử nghiệm, mà là một nghiên cứu phản chiếu. Ở Ý, các ấn phẩm chủ yếu là về việc vẽ nên các tình tiết, những vụ bê bối nhỏ đã nổi lên trong nước. Tôi đã cộng tác với Trung tâm Bảo vệ Trẻ em kể từ năm 2013 và, do đó, trong một vài năm nay tôi đã đối phó với chủ đề về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em. Giả sử, sau khi tốt nghiệp đại học tại Đại học La Sapienza, nơi tôi tốt nghiệp lình vực Khoa học phát triển và Hợp tác quốc tế, tôi tự thấy mình như đang ở giữa ngã tư đường: Chủ đề bảo vệ và sự an toàn cho trẻ vị thành niên và công việc tại Trung tâm Bảo vệ Trẻ em.

Luận án của bà là một phân tích về luân lý đối với vấn đề?

Sự phản ánh của cuốn sách là về vấn đề luân lý, hơn bất cứ điều gì khác. Chúng ta nói về một hiện tượng xã hội vốn không chỉ liên quan đến Giáo Hội, mà còn ảnh hưởng đến Giáo Hội. Có một số tác giả nghĩ rằng vấn đề lạm dụng trẻ em nên được nghiên cứu về việc lạm dụng quyền lực, thậm chí ngay cả trước khi nó được nhìn từ quan điểm tính dục hoặc thể lý, hoặc thậm chí đơn giản là một vấn đề luân lý.

Đây chính là nền tảng chung cho tất cả các trải nghiệm ở đó. Một vấn đề luân lý khác liên quan đến việc đào tạo các linh mục. Theo thống kê, hầu hết các trường hợp xảy ra trong những năm 1950-1980. Trong những năm 2000, hầu hết các trường hợp được phát hiện đều liên quan đến nhiều năm trước. Hiện tượng này đã đi theo một xu hướng, với số lượng các trường hợp giảm dần. Rõ ràng là sau một loạt những sự che đậy của các nhà chức trách Giáo hội, những người đã cố gắng làm cho nó biến mất, vụ bê bối đã nổ ra ở Boston và, từ đó, vấn đề đã được mở ra trên khắp thế giới.

Bà đã đưa ra một sự phê phán về cách thức Giáo hội xử lý các trường hợp lạm dụng tình dục. Nhưng, đồng thời, bà cũng đã thừa nhận những bước tiến đã được thực hiện gần đây, phải không?

Vâng. Chính bởi vì nó là một vấn đề về luân lý, nó vượt quá bất kỳ sự thiên vị nào. Không thể đánh giá một hiện tượng bắt đầu từ những định kiến. Khi chúng ta nói về bạo lực đối với trẻ vị thành niên, chúng ta nói về những thành phần dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Nhưng linh mục, một người của Thiên Chúa, cũng là một con người. Linh mục cũng có những đặc tính về tính dục, cũng giống như tất cả chúng ta. Có những sự biến thể méo mó trong dư luận: Bởi vì linh mục không nên được lạm dụng, tất cả các linh mục có thể bị xem là có tội hoặc có khả năng là những kẻ lạm dụng. Định kiến tiêu cực này làm vô hiệu hóa phân tích. Tôi muốn nói về vấn đề mà không có quá nhiều sự sai lệch, xa rời các nguyên tắc.

Nhưng phải chăng bà muốn phê phán việc lạm dụng quyền lực của Giáo hội …?

Hiện tượng này đã tồn tại ở đó và nếu như Giáo hội, đặc biệt là cho đến những năm 2000, đã phản ứng một cách thiếu chính xác đối với việc ngăn chặn hoặc giải quyết vấn đề, chúng ta phải chỉ ra điều này. Đồng thời, chúng ta phải ghi nhớ lập trường của các linh mục khác, và của dân Thiên Chúa, bởi vì không phải tất cả đều là những kẻ lạm dụng trong Giáo Hội, không phải tất cả đều là những kẻ ấu dâm, những kẻ dâm dục, và hơn thế nữa. Việc phê bình phải được đưa ra một cách có tính xây dựng, để đảm bảo, ít nhất là, vấn đề sẽ được giải quyết đúng cách.

Kể từ khi nào chúng ta có thể nói rằng Giáo Hội đã thay đổi phản ứng của mình? Đó có phải là vụ bê bối ấu dâm ‘Spotlight’ không?

Tôi không chắc … ngay sau vụ bê bối ấu dâm Spotlight, vụ bê bối của các Tu sĩ Dòng Đạo Binh Chúa Kitô đã xuất hiện. Sau đó một phản ứng bắt đầu, nhưng, theo ý kiến của tôi, sự thay đổi quan trọng nhất được đưa ra bởi nguyên Giáo hoàng Benedict XVI, khi mà, dưới Triều đại Giáo Hoàng của mình, các quy tắc về “delicta graviora” (những tội phạm nghiêm trọng nhất) đã được cập nhật. Chúng đã tồn tại dưới thời của Đức Gioan Phaolô II, nhưng nguyên Giáo Hoàng Benedict đã đưa ra một đường lối vốn không thể đảo ngược được.

Cho đến năm 2010, phản ứng của Giáo Hội nhằm vào việc giải quyết những vấn đề của các quốc gia cụ thể. Kể từ đó, với các quy tắc mới và bức thư của Đức Benedict gửi cho người dân Ireland, nó đã thực sự trở thành một phản ứng phổ quát. Điều này cũng đã trở nên rõ ràng, từ lá thư gửi cho các Hội đồng giám mục mà Bộ Giáo lý Đức tin đã viết, mà không phải tất cả các Hội đồng giám mục đều đáp lại. Người khởi xướng chính sách “không khoan nhượng” đó là Đức Giáo Hoàng Benedict, một điều gì đó thường không phản ánh trong dư luận.

Cuốn sách của bà nói rằng phần lớn vấn đề của Giáo Hội đó chính là bảo vệ hình ảnh của thể chế trước các nạn nhân bị lạm dụng. Đây có phải là lời chỉ trích lớn nhất của bà hay không?

Vâng. Đây chính là điều nền tảng: Tính nhị nguyên giữa thái độ bảo vệ danh thơm tiếng tốt của Giáo Hội và bảo vệ nạn nhân. Thật vậy, tại Trung tâm Bảo vệ Trẻ em, điều này phù hợp với bối cảnh của việc phòng ngừa. Trước hết, nếu chúng ta nói về mặt luận lý, chúng ta phải nói rằng vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo Hội cũng chính là vấn đề lạm dụng quyền lực. Kẻ lạm dụng, trong trường hợp đó, vi phạm việc lạm dụng liên quan đến lĩnh vực tâm linh, mục vụ và thể chế. Và sau đó có một sự lạm dụng gây ra bởi toàn thể giáo hội, bởi vì, nơi con người của linh mục, những người bị lạm dụng nhìn thấy Giáo Hội. Trước khi xảy ra sự lạm dụng về mặt thể lý, có một sự lạm dụng về quyền lực.

Vì vậy, nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, đối với bà, chính là việc lạm dụng quyền lực?

Điều tôi muốn nói đó chính là có một sự lạm dụng xảy ra thậm chí ngay cả trước việc lạm dụng tình dục, đó là việc lạm dụng quyền lực của kẻ lạm dụng và bởi thể chế che đậy hành vi của hắn ta. Kẻ lạm dụng cần phải bị bắt giữ và bị buộc tội không chỉ bởi một tòa án của Giáo hội mà còn bởi tòa án dân sự.

Tại sao vấn đề này lại gây ra một sự tai tiếng? Nếu như Đức Kitô chối bỏ Thánh Giá để được cứu bởi Phongxiô Philatô – người mà, theo một nghĩa nào đó, có quyền làm như vậy – đó là bởi vì Ngài muốn bảo vệ sự thật, Nước Thiên Chúa, tức là chính Ngài. Giáo Hội đại diện cho Chúa Kitô trên toàn thế giới. Nếu như, tại thời điểm khi một hành vi lạm dụng bị tố cáo, Giáo hội che đậy cho kẻ lạm dụng hoặc thậm chí trả tiền cho các nạn nhân để đổi lấy sự im lặng của họ, điều đó có nghĩa là Giáo Hội đã đặt ‘raison d’état’ (lợi ích quốc gia) lên trước việc lạm dụng, trước con người. 

Tôn giáo của chúng ta cao đẹp bởi vì nó là vì con người. Khi chúng ta tước đi con người, chúng loại bỏ Đức Kitô khỏi nó. Đức Kitô biến mất, thông điệp Kitô giáo cũng sẽ biến mất.

Liệu đây có phải là một quan niệm sai về quyền lực?

Chắc chắn rồi. Nếu như chúng ta nhận thức tình trạng của linh mục như là người trao cho chúng ta luật mà chúng ta phải tôn trọng, nhưng lại không hiểu ý nghĩa của nó, thì việc lạm dụng quyền lực chắc chắn sẽ xảy ra. Trong trường hợp lạm dụng tình dục, cũng có sự thao túng của kẻ lạm dụng khi hắn ta nói “chớ lo, hãy bình tĩnh” với nạn nhân.

Nếu như trong văn hóa Công giáo, chúng ta đã quen với việc tôn trọng linh mục giáo xứ của mình chỉ vì ngài là một linh mục giáo xứ, hoặc phục tùng linh mục chỉ vì vị trí của ngài, khi vị linh mục nói với một thanh niên rằng, “hãy làm một điều nào đó, anh sẽ thấy rằng Thiên Chúa cũng chẳng mảy may bận tâm”, thật không thể nói như vậy. Và vị linh mục giáo xứ này cũng quan niệm vị thế của mình một cách sai lầm. Cơ cấu tổ chức chính là một rào cản trong trường hợp này. Về mặt luân lý, việc đào tạo con người là một điều gì đó còn thiếu sót.

Những người bình thường thường kể lại vấn đề lạm dụng với sự độc thân linh mục. Theo cuốn sách của bà, đây không phải là một sự kết hợp hợp lý.

Rất nhiều người đã nói với tôi, “tốt hơn là để cho các linh mục kết hôn bởi vì ít nhất sau đó họ sẽ giải phóng hoạt động tính dục của họ trong mối quan hệ hôn nhân”. Trong thực tế, không phải như vậy. Giáo hội đã nhấn mạnh rằng đời sống độc thân linh mục chính là một món quà. Ở điểm này, nó phải được đề cập như vậy và, do đó, chúng ta phải rèn luyện cho mọi người chấp nhận sự từ bỏ này, đó chính là đời sống độc thân. Chúng ta phải đào tạo những người này cho đến khi họ thành công trong việc chấp nhận nó một cách tích cực. Đời sống của tất cả mọi người đều được hình thành từ những sự từ bỏ. Nếu như được đào tạo tốt, những người độc thân có thể an toàn vượt qua sự từ bỏ đối với việc có quan hệ tính dục với người khác. 

Bà đã viết rằng phần lớn những kẻ lạm dụng không phải là những người độc thân…

Theo John Jay College (tại New York), những trường hợp lạm dụng tình dục nổi bật nhất ở Hoa Kỳ đã xuất hiện từ các nhóm thể thao, các nhà thờ khác, nơi mà các mục sư được phép kết hôn … Giáo hội Công giáo, mặc dù đã bị nhơ nhuốc bởi tội ác và điều tội lỗi này, vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi một trong những môi trường an toàn nhất đối với trẻ vị thành niên. Vì vậy, đó chính là một sự thành kiến khi nói rằng độc thân cản trở sự trưởng thành tính dục theo hình thức tự nhiên nhất của nó. Đó là một điều gì đó bị bóp méo theo quan điểm của công chúng.

Vậy, các linh mục nên được đào tạo như thế nào?

Nền tảng đó chính là việc đào tạo con người. Về cơ bản, điều này có nghĩa là để hình thành toàn bộ con người. Để có được sự đào tạo về mặt tâm lý, tông đồ, học thuật, tinh thần, và hơn thế nữa. Theo một nghĩa nào đó, thực tế là họ tự tái khám phá hình ảnh của Thiên Chúa. Việc đào tạo con người thường xuyên cho phép các linh mục có được tất cả kiến thức và đồng thời trau dồi đời sống nội tâm cần thiết để phản ánh cuộc sống, bản chất và hạnh phúc của chính họ. 

Bằng cách này, người ta sẽ tránh tạo ra những quan niệm về quyền lực vốn sẽ chấm dứt trong các mối quan hệ méo mó. Ngoài ra, các chủng viện, nơi có một chính sách vững chắc đối với việc lựa chọn ứng viên, bắt nguồn từ khía cạnh luân lý, cố gắng xoay sở để tránh ‘những linh mục tương lai’ vốn sẽ không bao giờ trở thành linh mục, hoặc nếu họ trở thành linh mục, họ sẽ gây thiệt hại. Sự đồng hành về mặt tâm lý là nền tảng cho những người có sự nghi ngờ trong ơn gọi của họ, bên cạnh khía cạnh tâm linh.

Bà nghĩ thế nào về thái độ của ĐTC Phanxicô? Ngài đã thành lập Ủy ban Giáo Hoàng về bảo vệ trẻ vị thành niên, thế nhưng, trong trường hợp của Chile, Ngài đã thừa nhận rằng mình đã phạm phải sai lầm trong phản ứng đầu tiên đối với vấn đề này.

 Việc thành lập Ủy ban này chính là một dấu hiệu mạnh mẽ. Từ năm 2014 cho đến nay, họ thực sự đã làm việc rất nhiều. Đó chính là một dấu hiệu mạnh mẽ bởi vì nó củng cố thực tế là phản ứng của Giáo Hội là phổ quát. Và hiện nay Ủy ban ngày càng mang tính phổ quát hơn trước.

Có sự đa dạng hơn giữa các đại diện của nó, và mọi thực tại đều khác nhau. Tuy nhiên, người ta có thể nói rằng ĐTC Phanxicô cũng là một con người, và, như vậy, Ngài cũng có thể mắc những sai lầm. Tạ ơn Chúa vì chúng ta có một vị Giáo Hoàng thừa nhận điều này. Việc nói theo một cách thức trực tiếp như vậy “Tôi đã không được thông báo đầy đủ” [về các trường hợp ở Chile] đã khiến cho mọi thứ trở nên rõ rằng Ngài đã đi một đường lối và nhiều người trong Giáo Hội đi theo một con đường khác. Có thể có một số người đang chống lại Ngài.

Đúng là ĐTC Phanxicô đã chỉ trích gay gắt những kẻ lạm dụng… 

Cứ như thể ĐTC Phanxicô đã tham gia vào phạm vi của cách tiếp cận “không khoan dung” của Đức Benedict và, theo nghĩa này, chúng ta có thể thấy một Giáo Hoàng Phanxicô thể chế. Tuy nhiên, đồng thời, trong trường hợp Chile, việc lạm dụng chức vụ về phía Giáo hội địa phương là điều hiển nhiên. Và ở đó, có lẽ, diện mạo ít trang trọng của ĐTC Phanxicô có vẻ xuất hiện khá nhiều.

 Bà nói rằng, trong trường hợp này, ĐTC Phanxicô ít thể chế hơn trong phản ứng. Đó có phải là một vấn đề không?

Rõ ràng, người ta nhận được một thông điệp khác với những gì mà Ngài thực sự nghĩ, đó là một hướng khác mà Ngài thực sự bước theo. Nếu như ĐTC Phanxicô nói về việc không khoan dung và sau đó Ngài lại nói rằng ‘không có bằng chứng’ về một sự lạm dụng nào đó, mọi người vẫn còn bối rối. Giáo Hội cần phải xây dựng sự tin tưởng, tinh thần trách nhiệm, và trách nhiệm giải trình. Ngài rao giảng về một Giáo Hội có tinh thần trách nhiệm vốn luôn thừa nhận những sai lầm của mình. Tôi có thể nói rằng, nói chung, thái độ của ĐTC Phanxicô là tích cực. Ngoài vấn đề Chile, người ta nhận thấy rằng anh ta cứng rắn và xác quyết về việc ‘không khoan nhượng’. Điều này được hiểu từ bên ngoài rằng Ngài cực kì nghiêm khắc về vấn đề này.

Vậy điều gì còn thiếu sót trong Giáo hội?

Làm việc với các nạn nhân để phục hồi đức tin, để phục hồi mối tương quan của họ với Thiên Chúa, điều đó là chắc chắn. 

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải làm việc với những kẻ lạm dụng, về các khía cạnh tâm lý, con người, tinh thần, để tránh các hành vi lạm dụng trong tương lai. Đó là một nghịch lý, nhưng chắc chắn có những tội nhân trong Giáo Hội. Công việc cần được thực hiện với các nạn nhân khác với những gì chúng ta nên làm với những kẻ lạm dụng. Quả không phải là một giải pháp hữu ích để giam giữ kẻ lạm dụng trong một tu viện hoặc buộc hắn ta ở đó một mình, cho tới chết. Và rồi sau đó thì sao? Giáo Hội cần phải tiếp tục có một sự tự phản ánh về vấn đề này.

 Minh  Tuệ chuyển ngữ 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube