Các Giám mục mong muốn Giáo hội Á châu đối phó với các thực tại xã hội

Đức Hồng y Oswald Gracias Ấn Độ thuộc Địa phận Mumbai, bên trái, trò chuyện với Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Kriengsak Kovitvanit người Thái Lan thuộc Địa phận Bangkok vào ngày 24 tháng 10, trong thời gian diễn ra đại hội đồng Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (Ảnh: FABC)

Đức Hồng y Oswald Gracias Ấn Độ thuộc Địa phận Mumbai, bên trái, trò chuyện với Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Kriengsak Kovitvanit người Thái Lan thuộc Địa phận Bangkok vào ngày 24 tháng 10, trong thời gian diễn ra đại hội đồng Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (Ảnh: FABC)

Các Giám mục Công giáo ở châu Á đang làm việc về một kế hoạch mục vụ cho Giáo hội ở châu Á, có tính đến các thực tại xã hội, kinh tế, tôn giáo và chính trị đang nổi lên ở một lục địa nơi các Kitô hữu chỉ là một nhóm thiểu số.

“Thực tế chính xác là gì? Giáo hội nên phản ứng như thế nào? Chúng ta nên có ưu tiên gì trong vài năm tới? Các Giáo hội tại Châu Á nên làm gì? Chúng ta đang trong quá trình xác định và cố gắng mở lòng để nhận thức được những ưu tiên này và xem đâu là con đường phía trước. Chúng tôi, các Giám mục Á châu, muốn cam kết nỗ lực làm việc vì một châu Á tốt đẹp hơn”, Đức Hồng Y Oswald Gracias nói.

“Chúng tôi sẽ trình bày một thông điệp cho các dân tộc châu Á và cũng bắt đầu các yếu tố của một văn kiện chung kết vốn sẽ giống như một tài liệu hướng dẫn, một kế hoạch mục vụ cho Giáo hội tại Châu Á”, vị Hồng y người Ấn Độ nói.

Đức Hồng Y Gracias nằm trong số ba vị Hồng y người châu Á, bao gồm cả Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), người đã phát biểu trước báo chí vào ngày 24 tháng 10 nhằm tổng kết 12 ngày vừa qua của cuộc họp của các Giám mục. Khoảng 20 Hồng y, 120 Giám mục, 37 Linh mục, 8 Nữ tu, và 41 giáo dân từ 29 quốc gia đã tham dự hội nghị đó.

Đức Hồng Y Gracias cho biết rằng một số cuộc tham vấn đã được tổ chức trước cuộc họp này để chuẩn bị cho sự kiện, nhằm xác định những mối bận tâm, những thách thức, những cơ hội, những điều người dân phải đối mặt, những điều Giáo hội phải đối mặt, và những điều các Giám mục và nhân sự của Giáo hội phải đối mặt.

“Sau khi tập hợp tất cả những điều đó lại với nhau, chúng tôi đã xác định được một số mối bận tâm đã được trình bày với chúng tôi và sau đó toàn thể hội nghị nỗ lực phản hồi và lấy đó làm cơ sở”, Đức Hồng y Gracias nói.

Những vấn đề này bao gồm “nghĩa vụ của Giáo hội là bảo vệ phẩm giá con người, công lý, hòa giải” và “Giáo hội là người xây dựng cầu nối” để giải quyết những vấn đề này ngõ hầu đưa châu Á trở thành nơi phản chiếu các giá trị Phúc Âm”.

“Làm thế nào chúng ta thực sự có thể biến Châu Á trở thành một nơi mà Thiên Chúa muốn nó trở thành. Làm thế nào các giá trị Tin Mừng, công lý, hòa bình, tình yêu, tinh thần hiệp nhất và sự hòa hợp được cổ vũ. Đó là sứ mạng của chúng ta. Đó là nhiệm vụ của chúng ta, đó là lời mời gọi của chúng ta”, Đức Hồng Y Gracias nói.

“Giáo hội ở Châu Á còn non trẻ, đang phát triển và đã đến lúc Giáo hội ở Châu Á cũng phải đóng góp cho Giáo hội Hoàn vũ … Một điểm cụ thể mà phần còn lại của thế giới có thể học hỏi từ Châu Á là về vấn đề đối thoại liên tôn”, Đức Hồng Y Gracias nói.

Có rất nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Châu Âu, đang vật lộn với cách đối phó với các tôn giáo khác. “Tôi nghĩ chúng tôi đã có kinh nghiệm bởi vì đối với chúng tôi, đó không phải là một lựa chọn. Đó là một điều cần thiết và chúng tôi đã thành công trong việc tương trợ lẫn nhau, với các tôn giáo khác”, Đức Hồng Y Gracias nói.

Đức Hồng y Charles Bo người Myanmar thuộc Địa phận Yangon, Chủ tịch FABC, chỉ ra rằng mặc dù người Công giáo chỉ chiếm khoảng 2% dân số ở châu Á, thế nhưng “sự hiện diện của chúng tôi vô cùng sống động”. Đó là bởi vì “các giá trị châu Á có thể được chia sẻ là gia đình, tâm linh, sự kính trọng đối với người lớn tuổi và cha mẹ, hòa bình và thiền định và sự thiêng liêng, vì đại đa số mọi người đều có mối liên hệ nào đó với truyền thống tôn giáo”, Đức Hồng Y Bo nói.

“Chúng tôi đang lên kế hoạch cho một tương lai. Chúng tôi sẽ đi theo một lộ trình, những lộ trình khác nhau, đặc biệt là trong các lĩnh vực hòa bình, đối thoại và hòa giải, như một đường hướng mới của công cuộc Tân Phúc Âm hóa”, Đức Hồng Y Bo cho biết thêm, “chúng tôi không nản lòng vì mặc dù chúng tôi chỉ là một nhóm thiểu số, nhưng sự hiện diện của chúng tôi ở toàn châu Á lại vô cùng sống động … trải qua cuộc hành trình này trong cuộc đối thoại với người nghèo, với văn hóa, các tôn giáo và thiên nhiên”.

Do đó, Đức Hồng Y Bo nói: “Chúng tôi có lý do để vui mừng và chúng tôi biết ơn vì sẽ tiếp tục cuộc hành trình của chúng tôi ở châu Á, đặc biệt là phản chiếu dung mạo của Chúa Giêsu theo phong cách châu Á”.

Đức Hồng y Gracias phát biểu với UCA News rằng việc phản chiếu dung mạo của Chúa Giêsu theo phong cách châu Á là một chủ đề quan trọng đối với việc truyền bá Phúc Âm hóa, và “trọng tâm của chúng tôi lúc này là làm thế nào để mang Tin Mừng của Chúa Giêsu và sự hiện diện của Chúa Giêsu và ngôi vị của Chúa Giêsu vào những thực tại khác nhau và những thách thức khác nhau đã được đề cập”.

Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Kriengsak Kovitvanit người Thái Lan thuộc Địa phận Bangkok cho biết rằng việc tuyên bố sự tín nhiệm đối với đức tin Kitô giáo phụ thuộc chủ yếu vào “đời sống chứng tá và anh chị em giáo dân”. Đời sống chứng tá của người giáo dân hòa mình vào xã hội có thể giúp “làm chứng cho những người thuộc các tôn giáo khác và các tín ngưỡng khác”, Đức Hồng y Kovitvanit nói.

Minh Tuệ (theo Herald Malaysia)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube