Các Giám mục Colombiavà Venezuela kêu gọi tinh thần liên đới và hòa giải

Một phụ nữ cầm cờ Colombia khi tham dự buổi cầu nguyện buổi trưa của Giáo hoàng Francis Angelus tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican, Chủ nhật, ngày 9 tháng 5 năm 2021 (Ảnh: Gregorio Borgia / AP)

Một phụ nữ cầm quốc kỳ Colombia khi tham dự giờ Kinh Truyền Tin vào buổi trauw của ĐTC Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, Chúa nhật, ngày 9 tháng 5 năm 2021 (Ảnh: Gregorio Borgia/ AP)

Hai Hội đồng Giám mục Nam Mỹ đã nhóm họp trong tuần này nhận dịp đại hội đồng của họ, với các Giám mục đến từ Venezuela thúc giục việc “tái lập” quốc gia, và những người dân ở Colombia kêu gọi tinh thần hòa giải khi vết thương của cuộc nội chiến 60 năm hiện vẫn còn mưng mủ.

Colombia

Các Giám mục Colombia đã nhóm họp trong tuần này nhân dịp Đại hội đồng toàn thể lần thứ 111 của họ.

Đức Tổng Giám mục Luis Jose Rueda Aparicio Địa phận Bogota đã được bầu chọn làm tân Chủ tịch Hội đồng Giám mục Colombia. Vị Giám chức cho biết cả đất nước và Giáo hội cần tiếp tục tiến tới hòa giải, đồng thời đưa ra danh sách ưu tiên gấp ba lần: sự thống nhất vĩnh viễn, sự thật và tôn trọng sự sống.

Mặc dù chính phủ đã ký kết một thỏa thuận hòa bình vào năm 2016 với FARC, nhóm du kích mácxít lớn nhất của đất nước, bóng ma của cuộc nội chiến kéo dài 50 năm vẫn đang ám ảnh đất nước, với nhiều vụ bạo lực xảy ra ở một số khu vực.

Đức Tổng Giám mục Rueda kêu gọi các tín hữu Công giáo tìm kiếm sự thật, nhưng thông qua việc đối thoại và tôn trọng người khác.

Phát biểu với giới trẻ Colombia, vị Giám chức thúc giục họ trở thành “những người xây dựng hòa bình, những người xây dựng một đất nước xứng để người dân được sống một cuộc sống tươi đẹp; các bạn có tất cả các yếu tố để có thể sống trong sự thống nhất, công bằng và tôn trọng”.

Đức Cha Luis Manuel Alí Herrera, Giám mục phụ tá Địa phận Bogota và là thành viên của Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên, đã được bầu làm Tổng thư ký của Hội đồng Giám mục, và đồng thời kêu gọi giới trẻ nắm giữ vai trò tích cực trong Hội đồng Giáo hội Mỹ Latinh được tổ chức từ ngày 21 đến ngày 28 tháng 11 tại Thành phố Mexico, với quá trình tham vấn trên toàn châu lục đang được thực hiện bởi mỗi Hội đồng Giám mục quốc gia.

Ban lãnh đạo mới của Hội đồng Giám mục Colombia đã trò chuyện với giới truyền thông trong một cuộc họp báo trực tuyến vào hồi đầu tuần.

Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Colombia, Đức Tổng Giám mục Omar Sánchez Cubillos Địa phận Popayán, cho biết rằng Giáo hội chưa bao giờ vắng mặt trong nỗ lực xây dựng một nền hòa bình lâu dài của Colombia. Điều này có thể nhìn thấy được thông qua các hành động khác nhau mà các Giám mục, các Linh mục quản xứ, các Tu sĩ và anh chị em giáo dân trên khắp đất nước thực hiện, bởi vì “ở mỗi Giáo xứ ở Colombia đều có những người làm công tác dấn thân cho hòa bình”, Đức Tổng Giám mục Cubillos nói.

“Một trong những nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta ngày nay đó là suy nghĩ về đất nước và giúp đất nước thoát ra khỏi cuộc xung đột vốn đang ảnh hưởng đến hòa bình”, Đức Tổng Giám mục Cubillos nói. “Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề hòa bình, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong rất nhiều nỗi đau, với rất nhiều sự rạn nứt và cuối cùng, chúng ta sẽ không nhìn thấy đất nước mà chúng ta xứng đáng được hưởng”.

Venezuela

Hội đồng Giám mục Venezuela (CEV) đã họp trực tuyến từ thứ Tư đến thứ Sáu nhân kỳ họp thứ 116 của họ, trong đó các Giám mục đã phản ánh về cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại của đất nước, bao gồm các cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát ở Caracas, nơi 90% dân số sống trong cảnh nghèo đói. Các Giám mục cũng tranh luận về sự cần thiết của một kế hoạch tiêm chủng phi chính trị trên toàn quốc nhằm chống lại đại dịch COVID-19, một đề xuất mà Đức Hồng y Baltazar Porras đã đệ trình Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng trước.

Mặc dù cuộc họp của Hội đồng Giám mục Venezuela được tổ chức sau những cánh cửa đóng kín, trang web của các Giám mục đã chia sẻ bản tóm tắt của một số bài phát biểu của các Giám mục.

Đức Tổng Giám mục José Luis Azuaje Địa phận Maracaibo và là Chủ tịch của Hội đồng Giám mục Venezuela, đã bắt đầu bài phát biểu khai mạc bằng cách gửi một thông điệp về tinh thần liên đới đến những người đang đau khổ vì đại dịch, hoặc vì họ bị nhiễm bệnh hoặc vì họ đã mất đi một người thân yêu do vi-rút.

Đức Tổng Giám mục Azuaje cũng cảm ơn các chuyên gia y tế “những người đã cống hiến hết mình với trái tim cháy bỏng” để chăm sóc cho những người bị nhiễm bệnh. “Chúng tôi cùng chung lời kêu gọi người dân trong việc yêu cầu tiêm chủng hàng loạt chống lại COVID-19, với các loại vắc xin đã được các cơ quan y tế, WHO, PAHO công nhận, chứ không chỉ là bất kỳ thử nghiệm vắc xin nào”, vị Giám chức cho biết.

Mặc dù không được Đức Tổng Giám mục Azuaje đề cập trực tiếp nhưng Tổng thống Nicolas Maduro gần đây đã công bố thỏa thuận mua vắc xin Abdala mà Cuba đang phát triển.

Đức Tổng Giám mục Azuaje cũng kêu gọi các Giám mục đồng hành cùng nhau “trong tinh thần đồng nghị”, mặc dù việc công nhận rằng “sự hợp tác này không làm giảm bớt trách nhiệm, nhưng củng cố ‘thừa tác vụ tính’ (ministeriality) của Giáo hội và ý thức thuộc về dân Chúa và trách nhiệm của họ trong thời hiện tại”.

Đức Tổng Giám mục Azuaje lập luận rằng thực tế đồng nghị của Giáo hội, “cũng có thể dùng để phân tích thực tế của Venezuela, bởi vì việc cùng đồng hành với nhau thể hiện mong muốn bước ra bên ngoài để gặp gỡ người khác và nỗ lực xây dựng một ‘chúng ta’”.

Đề cập đến lễ kỷ niệm 200 năm Trận chiến Carabobo bảo đảm nền độc lập của Venezuela khỏi Tây Ban Nha, Đức Tổng Giám mục Azuaje cho biết rằng sự kiện lịch sử này nên khuyến khích “một sự thay đổi triệt để, chứ không chỉ là sự thay đổi của chính quyền hoặc các nhà lãnh đạo quốc gia, mà còn bao hàm sự chuyển đổi theo cách thức xem xét và hành động trong các thực tế chính trị – xã hội”, đề cập đến “nhu cầu cấp thiết để tái lập quốc gia, được hiểu như một thực thể biểu tượng liên kết lãnh thổ nhà nước với công dân về mặt văn hóa, tạo ra sự trung thành và gắn kết cần thiết cho mối liên kết giữa nhà nước và người dân trường tồn và ổn định theo thời gian”.

“Để tái lập quốc gia, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà người dân Venezuela chúng ta đang chờ đợi đó là giành lại sức mạnh để trở thành ‘những chủ thể’, giành lại quyền tự chủ và tự do với tư cách là những công dân và là một quốc gia khi đối mặt với cuộc xâm lược chính trị-văn hóa ngoại lai mà chúng ta đang chứng kiến”, Đức Tổng Giám mục Azuaje nói. “Không thể có tự do nếu không có ‘những chủ thể’ đảm nhận giá trị đó. Vấn đề rất nghiêm trọng ở nước ta hiện nay đó là tất cả mọi người đều muốn bước đi một cách riêng biệt. Cùng nhau bước đi là con đường cấu thành của Giáo hội và, có thể nói là của tất cả mọi người”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube