Bức ảnh, những phát súng và cánh cửa hẹp

Bức ảnh lịch sử nổi tiếng của phóng viên Hà Lan Hubert Van Es chụp dòng người di tản bằng trực thăng tại Sài Gòn ngày 29/4/1975, được “chế” lại bằng photoshop bởi họa sĩ thiết kế Trương Huyền Đức và đăng trên trang Facebook cá nhân, đã nghiễm nhiên trở thành “bức ảnh lịch sử” trong sách ảnh “150 năm hình bóng Sài Gòn” của nhiếp ảnh gia Tam Thái vừa phát hành đầu tháng 8/ 2016.

Ở đây không nói về bản quyền bức ảnh, việc xâm phạm nội dung hay sự vô tư xử dụng hình ảnh “trên internet”. Nhưng có một chi tiết đáng chú ý. Tấm ảnh có hình một người đàn ông giơ chân đạp cầu thang khẩn cấp lên chiếc trực thăng làm nhiều người đang leo lên rơi xuống với dòng chú thích “Nhưng khi quá đầy, cái cầu thang dã chiến bị đạp văng ra… “.

Những ai đã sống trước năm 1975 ở Miền nam Việt Nam, những ai đã trải qua những ngày tháng khủng khiếp của “cuộc tháo chạy kinh hoàng”, những ai lên được chiếc máy bay trực thăng cuối cùng để rời Việt Nam trước hiểm hoạ cộng sản và những ai bị bỏ lại, dù đang “đứng hàng đầu”, dù đã “có vé” để lên, mới cảm nghiệm được sự mong manh của cuộc đời trước những thăng trầm của thế sự, của những giá trị sống, những yếu tố đích thật của cuộc sống.

Bình thường, khi chưa có gì chạm đến sự sống chết của bản thân, sự an nguy của gia đình, hay sự tồn vong của dân tộc, người ta có thể xếp những bậc thang giá trị theo sự chọn lựa của mỗi người, theo xu thế của xã hội, nhưng khi họ bị đẩy vào chân tường, hoặc ý thức được chân tường mình bị đẩy vào, họ sẽ có thái độ khác với “dòng chảy” bình thường của nghĩ suy. Mọi sự trở nên vô nghĩa, sẽ chẳng là gì nếu không “chiến đấu” để qua được “cánh cửa hẹp”.

Không cần phải ở trong những hoàn cảnh cực kỳ khốc liệt ấy mới có ý thức này,  cuộc đời luôn là “những cách cửa hẹp” buộc người ta phải “chiến đấu” để vào.

“Những cánh cửa hẹp” ấy là những sự rèn luyện, trao dồi học tập đối với học sinh sinh viên; là sự chăm chỉ, mẫn cán của anh công nhân; là uy tín và trung thực, công tâm và thành thật, liêm chính và lương tâm… của người đi chợ “cóc” lẫn thương gia, của người lính đến vị tướng lĩnh, của anh đánh máy “quèn” đến các chính khách…

Cuộc sống là vậy, là phải “chiến đấu” liên lỷ qua nhiều cửa hẹp để vào, phải tự trang bị nhiều tố chất cho bản thân, từ tài năng đến đạo đức, để “lọt” vào cửa hẹp. Như thế chiến đấu ở đây là cuộc chiến trường kỳ với chính mình để làm chủ mình, dựa trên những tiêu chuẩn chung nhất, căn bản nhất cho việc hình thành nên giá trị làm người, thắng được những yếu tố sai trái, xấu xa trong chính mình, không chạy theo cái sai, cái xấu của xã hội, không im tiếng trước những bất công xã hội đang đày đoạ con người, không vô cảm trước những gì đang huỷ hoại những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Còn “cửa hẹp” là gì?. Đó là sự hoàn thành nhân cách, vượt trên những nhỏ nhen, ích kỷ, vụ lợi, ham muốn, sợ hãi và hèn nhát; đó là thoát ra khỏi đời sống “sinh vật” để trở thành người với tất cả những giá trị làm người, để đối đãi với nhau có tình có nghĩa; đó là việc theo đuổi công lý, thực thi đức công bằng, hăng say làm việc thiện hảo để nhận được hạnh phúc và sự bình an cho cuộc sống.

Vì cửa hẹp, nên người ta phải can đảm vứt bỏ những gì cồng kềnh, ngáng trở, không thích hợp để đạt mục đích.

Cửa hẹp là gì? Cuộc chiến khốc liệt để bước qua cửa hẹp là gì? Hãy hỏi những ai đã từng trải sau ngày 30/4/1975; hãy hỏi những người nặng lòng với đất nước, quê hương, chấp nhận mất đi những phần thân thể để gìn giữ độc lập cho dân tộc, tự do cho tổ quốc; hãy hỏi những ai đang lưu vong trên đất khách, quê người, đã vào cửa nào, đã chiến đấu ra sao để sống còn và tồn tại trên đất nước đã cưu mang họ, mà lòng vẫn đau đáu hướng về quê cha đất tổ; hãy hỏi những người đang dấn thân đấu tranh cho quyền con người, cho công lý và hoà bình, cho sự tồn vong của dân tộc, cho tương lai giống nòi sẽ rõ vì sao họ lao mình vào “cửa hẹp”, chiến đấu miệt mài trong cuộc chiến không cân sức, thà đánh mất mọi thứ, chứ không cam tâm làm kẻ vô cảm, vô tâm với những nỗi đau bất công, áp bức luôn dày xé, đoạ đày đồng bào mình; hãy hỏi những người chấp nhận cảnh lưu vong ngay trên quê hương mình, trở nên tội đồ của chế độ, vì lương tâm mà thành tù nhân.

Nhưng vẫn có một thứ “cửa hẹp” khác mà người ta phải “chiến đấu” để vào, thậm chí rất tàn nhẫn, đến độ sẵn sàng huỷ bỏ cả đạo lý làm người, cả nhân cách và đạo đức, cả lương tâm lẫn lòng tự trọng, cả sự thật lẫn sự thiện, cả quê hương lẫn dân tộc, để đạt cho bằng được. Đó là những cuộc tranh đoạt về địa vị, mua chuộc chức tước bằng bất cứ giá nào, hoặc lạnh lùng thanh trừng nhau bằng những biện pháp tàn nhẫn để có được những dự án, những cơ hội làm ăn, những thời vận kiếm chác.

Nếu nhiếp ảnh gia Tam Thái với “bức ảnh lịch sử ngày 29/ 4/ 1975” trong sách ảnh “150 năm hình bóng Sài Gòn” của ông, làm cho ông trở nên kẻ thua cuộc trên con đường sự nghiệp, trên con đường hẹp của tự lực, tự cường, thì ít ra ông vẫn còn cơ hội để phục thiện, để khởi nghiệp bằng con đường hẹp.

Những phát súng ở Yên Bái không phải là lần đầu tiên, nhưng là “tiếng vang” của cuộc chiến tàn nhẫn, độc ác của những người lao mình vào thứ cửa hẹp này và điên cuồng chiến đấu. Vì mục đích họ nhắm đến, họ sẵn sàng vứt bỏ tất cả, cả mạng sống mình, cả mạng sống những người ngáng trở mình, lừa lọc mình, phản bội mình, để rồi chợt nhận ra rằng, mục đích ấy chỉ bằng “không”. Các cụ bảo: “được ăn cả, ngả về không”, ở đây, được ăn hay mất ăn cũng bằng “không”.

Dư âm của “cuộc chiến” này sẽ còn âm vang mãi trong lòng những kẻ đang lao mình vào thứ “cửa hẹp” dẫn đến sự chết chóc này, làm rúng động những tâm hồn hèn nhát và ham hố, vốn đầy lo sợ và nghi kỵ, ẩn nấp trong những tháp ngà kiên cố, mong tìm sự an toàn, bình an và hạnh phúc. Nhưng họ sẽ chẳng bao giờ có được những giá trị ấy, thay vào đó, là tâm trạng hoang mang, sợ hãi, như tử tù không biết án tử đến với mình khi nào, và trong suốt thời gian chờ đợi đó, là một sự đày ải khủng khiếp.

Còn có những người “anh em” tự hào vì “từng được ăn uống trước mặt Chúa và được Người giảng dạy trên các đường phố” chắc mẩm sẽ được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa, lại bị thẳng thừng tống ra ngoài, vì đã làm điều bất chính. Điều bất chính ở đây là gì? Đó là làm trái với đạo đức và luật Chúa, không ngay thẳng, không minh bạch, gian tà; đó là những người không chịu bước qua cửa hẹp, không chiến đấu quyết liệt với những sự xấu trong chính bản thân, vô tâm hoặc thoả hiệp với sự gian ác, bất công, làm ngơ trước những nỗi đau của đồng loại hoặc hèn nhát không làm sáng tỏ chân lý.

Nếu với “bức ảnh lịch sử” làm cho nhiếp ảnh gia Tam Thái tưởng mình sẽ đứng hàng đầu, lại đứng hàng chót, thì “những tiếng súng” ở Yên Bái làm cho những kẻ đứng chót rơi “vào chốn tối tăm”, còn “anh em” thì “khóc lóc, nghiến răng” vì bị đuổi ra ngoài bàn tiệc của Thiên Chúa.

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube