Đức Hồng Y Pizzaballa: ‘Hòa bình tại Thánh Địa được xây dựng trên đối thoại và hành động’

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa giảng trong Thánh lễ nhận Nhà thờ Hiệu tòa của mình, Nhà thờ Thánh Onuphrius, ở Rôma vào ngày 1 tháng 5 năm 2024 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa giảng trong Thánh lễ nhận Nhà thờ Hiệu tòa của mình, Nhà thờ Thánh Onuphrius, ở Rôma vào ngày 1 tháng 5 năm 2024 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hôm thứ Năm, Đức Thượng phụ nghi lễ Latinh của Giêrusalem đã có một bài giảng đầy nhiệt huyết tại Đại học Giáo hoàng Latêranô ở Rôma, trình bày chi tiết về tiến trình hòa bình trong cuộc chiến tranh Israel-Hamas đang diễn ra, đồng thời lưu ý rằng đó là một phần không thể thiếu trong sứ mạng phổ quát của Giáo hội và là một phần không thể bị gộp chung với mục đích chính trị hoặc thế tục một cách công khai.

“Hòa bình cần chứng từ bằng những cử chỉ rõ ràng và mạnh mẽ từ phía tất cả các tín hữu, nhưng nó cũng cần được công bố và bảo vệ bằng những phát ngôn rõ ràng như nhau. Chúng ta không thể im lặng trước những bất công hoặc mời gọi mọi người sống bình thản và rút lui”, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa đã nhận xét trong “lectio magistralis” hôm thứ Năm tại trường Đại học Giáo hoàng.

“Tuy nhiên, sự lựa chọn ưu tiên người nghèo và người yếu thế không khiến chúng ta trở thành một đảng phái chính trị”, Đức Hồng Y Pizzaballa cho biết thêm.

Bài giảng kéo dài một giờ, có tựa đề “Những đặc điểm và tiêu chí cho việc chăm sóc mục vụ hòa bình”, là phần mới nhất trong loạt nghiên cứu đang diễn ra của trường đại học về khoa học hòa bình và sự hợp tác quốc tế do Học viện Mục vụ Giáo hoàng “Redemptor Hominis” của trường phát động.

Đức Hồng Y Pizzaballa nhấn mạnh rằng cuộc xung đột Israel-Hamas không chỉ là vấn đề của Giáo hội địa phương mà còn là vấn đề của Giáo hội hoàn vũ.

“Điều tôi muốn nói là xung đột không phải là vấn đề tạm thời và thứ yếu trong đời sống của Giáo hội chúng ta”, Đức Hồng Y Pizzaballa tiếp tục; đúng hơn, ngài nói, nó “giờ đây là một phần không thể thiếu và cấu thành nên căn tính của chúng ta với tư cách là một Giáo hội”.

Đức Hồng Y Pizzaballa nhấn mạnh rằng “việc nói về hòa bình không phải là nói về một chủ đề trừu tượng mà là về một vết thương sâu trong đời sống người Kitô hữu, vốn gây ra sự đau khổ và mệt mỏi, rất nhiều sự mệt mỏi, và chạm sâu sắc đến đời sống nhân bản và tinh thần của tất cả chúng ta”.

Nhấn mạnh đến tính chất toàn cầu của cuộc xung đột, Đức Hồng Y Pizzaballa nói thêm rằng nó “liên quan đến cuộc sống của tất cả mọi người trong Giáo phận của chúng tôi và do đó là một phần không thể thiếu trong đời sống của Giáo hội, trong việc chăm sóc mục vụ của Giáo hội”.

Một ngày trước bài giảng, Đức Hồng Y Pizzaballa đã nhận Nhà thờ Hiệu tòa của mình ở Rôma, Nhà thờ Thánh Onuphrius, nơi ngài đã chia sẻ về mối liên hệ lịch sử, biểu tượng và thần học giữa Giáo hội ở Thánh địa và Rôma, một lần nữa bày tỏ tầm quan trọng của Thánh địa đối với Giáo Hội hoàn vũ.

“Giáo hội Giêrusalem là Giáo hội Mẹ của Giáo hội, nơi có cội nguồn của toàn bộ Giáo hội hoàn vũ, và đó là nơi vẫn còn giữ được tính chất địa phương và phổ quát cho đến ngày nay”, Đức Hồng Y Pizzaballa nói trong bài giảng vào ngày 1 tháng 5.

Trong bài giảng hôm thứ Năm, Đức Hồng Y Pizzaballa đã đề cập đến nguồn gốc lịch sử của cuộc xung đột nhằm nhấn mạnh bản chất “đa tôn giáo” và “đa văn hóa” của Thánh địa và mở ra một suy tư về tầm quan trọng của câu chuyện tường thuật trong tiến trình hòa bình.

“Những vấn đề thuộc về ký ức này không thể được giải quyết bằng cách đọc lịch sử của chính mình”, Đức Hồng Y Pizzaballa nói. “Những xung đột liên văn hóa sẽ không thể khắc phục được nếu chúng ta không đọc lại những cách giải thích nhau về lịch sử tôn giáo và văn hóa mạnh mẽ”.

Trong khi lập luận rằng “hòa bình không phải là trách nhiệm riêng của Mục tử”, Đức Hồng Y Pizzaballa lưu ý rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo phải nỗ lực “tạo ra những bối cảnh trong đó các cộng đồng có thể thể hiện chính mình”.

“Ngày nay, đặc biệt là ở Thánh Địa, mọi người đều có câu chuyện nhỏ của riêng mình để kể lại”, Đức Hồng Y Pizzaballa nói thêm.

Đức Hồng Y Pizzaballa nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại như một nền tảng quan trọng của tiến trình hòa bình, đồng thời lưu ý rằng thông qua việc thúc đẩy “đối thoại liên tục” và “lắng nghe lẫn nhau” thì “việc chăm sóc mục vụ nghiêm túc trong hòa bình đã được sinh ra và phát triển”.

Đức Hồng Y Pizzaballa cũng lưu ý rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo phải nỗ lực thúc đẩy cả “một nền văn hóa mới về tính hợp pháp” cũng như “trở thành tiếng nói sống động và mang tính tiên tri về công lý, nhân quyền và hòa bình”.

Trong khi thừa nhận rằng luôn có “mối quan hệ chặt chẽ” giữa các nhà lãnh đạo Giáo hội và dân sự, đóng một vai trò tế nhị trong việc “thực hiện chức năng trong đời sống của các cộng đồng quốc gia”, Đức Hồng Y Pizzaballa cảnh báo rằng lời kêu gọi hòa bình của Giáo hội phải tồn tại “mà không đi vào logic của sự cạnh tranh và chia rẽ” nhằm đưa ra “những chứng từ đáng tin cậy”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube