Nghi thức đón ‘Lửa Thánh’ tại mộ Chúa Giêsu đánh dấu sự khởi đầu của Lễ Phục Sinh của Giáo hội Chính thống giáo

Những người hành hương cầm trên tay những ngọn nến được thắp sáng từ “Lửa Thánh” bên trong Vương cung Thánh đường Mộ Thánh ở Giêrusalem vào ngày 4 tháng 5 năm 2024 (Ảnh: Marinella Bandini/CNA)

Những người hành hương cầm trên tay những ngọn nến được thắp sáng từ “Lửa Thánh” bên trong Vương cung Thánh đường Mộ Thánh ở Giêrusalem vào ngày 4 tháng 5 năm 2024 (Ảnh: Marinella Bandini/CNA)

Hôm thứ Bảy, những người hành hương đã tập trung tại Giêrusalem để tham dự nghi thức đón “Lửa Thánh” hàng năm tại địa điểm chôn cất và phục sinh của Chúa Giêsu được các tín hữu tôn kính, một phong tục cổ xưa được nhiều tín hữu coi là một sự kiện huyền diệu diễn ra một ngày trước Lễ Phục Sinh của Giáo hội Chính thống giáo.

Vì lý do an toàn, số người tham dự sự kiện ngày 4 tháng 5 được giới hạn ở mức 4.200 người bên trong Vương cung Thánh đường Mộ Thánh, mặc dù năm nay đám đông đã dễ quản lý hơn và có phần dịu đi vì thiếu người hành hương đến từ các vùng lãnh thổ Palestine và nước ngoài do cuộc chiến Israel-Hamas đang diễn ra.

Việc tiếp cận Thành phố Cổ nơi tọa lạc của Vương cung Thánh đường Mộ Thánh đã bị hạn chế bắt đầu từ tối thứ Sáu trong bối cảnh có sự hiện diện dày đặc của cảnh sát. Vô số nhân viên y tế và lính cứu hỏa đã có mặt bên trong ngôi Vương cung Thánh đường.

Mặc dù tính xác thực của ngọn lửa bị một số người tranh cãi, nhưng “Lửa Thánh” hay “Ánh sáng Linh thánh” đề cập đến một ngọn lửa có nguồn gốc linh thiêng được cho là bùng lên bên trong ngôi mộ của Chúa Giêsu khi chỉ có duy nhất Đức Thượng phụ Chính thống Hy Lạp hiện diện bên trong.

Sau đó, những người hành hương thắp nến của họ bằng cách đưa chúng qua một lỗ nhỏ trong ngôi mộ, tạo ra một cảnh tượng ấn tượng về những ngọn lửa lung linh và mừng lễ đầy vui tươi.

Nghi lễ của Giáo hội Kitô giáo Chính thống, có sự tham gia của những người Công giáo và các Kitô hữu khác, đã được tổ chức liên tục ít nhất từ năm 1106, mặc dù các tài liệu có niên đại từ thế kỷ thứ IV kể rằng chính Thánh Phêrô Tông đồ đã nhìn thấy ánh sáng thánh thiêng bên trong ngôi mộ.

Các cánh cửa của Mộ Thánh được mở lúc 9 giờ sáng bởi các đại diện của Giáo hội Chính thống Hy Lạp và một lần nữa vào lúc 9:30 sáng bởi các đại diện của Giáo hội Tông Truyền Armenia – hai cộng đồng Chính thống phục vụ với các tu sĩ Dòng Phanxicô của Giáo hội Công giáo với tư cách là những người trông coi địa điểm này. Chỉ khi đó các tín hữu mới bắt đầu bước vào Vương cung Thánh đường.

Khoảng 11 giờ sáng, những người có mặt bắt đầu hát những bài thánh ca truyền thống với giọng lớn nhất có thể. Những bài thánh ca này có từ thời Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng Giêrusalem vào thế kỷ 13 khi các Kitô hữu không được phép hát ở bất cứ đâu ngoài các nhà thờ.

Trọng tâm của nghi lễ diễn ra từ 1 đến 2 giờ chiều. Sau khi các Thượng phụ Chính thống giáo khác của Giêrusalem trang trọng bước vào, Đức Thượng phụ Chính thống giáo Hy Lạp, Theophilos III, tiến vào Vương cung Thánh đường.

Trước đây, các cánh cửa của Edicule (Đền thờ nhỏ chứa mộ của Chúa Giêsu Kitô) đã được niêm phong bằng một con dấu sáp niêm phong lớn – biểu thị rằng ngôi mộ đã được kiểm tra và không có thứ gì có thể dùng để tạo lửa. Không lâu trước khi Đức Thượng phụ Hy Lạp đến, con dấu đã được gỡ bỏ và một ngọn đèn dầu lớn được mang vào ngôi mộ.

Sau khi hoàn thành ba vòng quanh Edicule, dẫn đầu một đoàn rước gồm các Tu sĩ và Linh mục, Đức Thượng phụ Theophilos III bước vào, theo sau là đại diện của Đức Thượng phụ Armenia (người không thể tham dự do tranh chấp nội bộ) và một số Giám mục từ nhiều giáo phái khác nhau.

Chỉ có duy nhất Đức Thượng phụ Chính thống Hy Lạp mới được phép vào nơi chứa mộ Chúa Giêsu, trong khi tất cả những người khác tiếp tục chờ bên trong Nhà nguyện Thiên thần, nơi kỷ niệm sự xuất hiện của vị Thiên sứ đến với những người phụ nữ tại ngôi mộ loan báo về sự Phục sinh của Chúa Giêsu.

Trước khi bước vào ngôi mộ, Đức Thượng phụ Hy Lạp đã được chính quyền Israel khám xét để chứng minh ngài không mang theo bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào có thể tạo ra lửa.

Tất cả đèn đóm bên trong Vương cung Thánh đường đều bị tắt, đặc biệt là bên trong thánh đường, vốn chỉ còn chìm trong bóng tối.

Điều mà các tín hữu chứng thực là một phép lạ xảy ra sau một thời gian ngắn cầu nguyện: Người ta cho rằng một ngọn lửa thánh từ trời xuất hiện và đốt cháy ngọn đèn dầu bên trong ngôi mộ.

Hôm thứ Bảy, sau khi ngọn đèn được thắp sáng, Đức Thượng phụ Chính thống giáo Hy Lạp bước ra khỏi ngôi mộ và thắp những bó gồm 33 ngọn nến (con số tượng trưng cho tuổi của Chúa Kitô vào thời điểm Ngài chịu đóng đinh và phục sinh). Trong khi đó, những người hành hương cũng thắp nến từ các cửa sổ tròn nhỏ ở hai bên Edicule, tạo nên một khung cảnh ấn tượng bên ngoài ngôi mộ. Người ta nói rằng ngọn lửa không đốt cháy bất cứ thứ gì (hoặc không làm bỏng bất cứ ai) trong 33 phút đầu tiên sau khi được đốt lên.

Đối với các tín hữu Chính thống giáo, việc thắp sáng ngọn lửa là một sự kiện kỳ diệu thực sự, mặc dù các tiếng nói trong chính thế giới Chính thống giáo đã nhiều lần đặt vấn đề về tính xác thực của phép lạ, cho rằng việc thắp sáng ngọn đèn tự phát là do thủ thuật hoặc phương pháp hóa học.

Để thể liện sự liên đới với người dân Palestine ở Gaza và các nạn nhân của chiến tranh, các Kitô hữu Chính thống giáo đã chọn một lễ kỷ niệm nhẹ nhàng hơn trong năm nay. Để đạt được mục đích đó, Lửa Thánh không được truyền tay nhau trên các đường phố của Thành cổ Giêrusalem như thông lệ, mà được mang trực tiếp vào nhà của các tín hữu.

Những chiếc đèn lồng đặc biệt chuyển ngọn lửa từ Mộ Thánh đến các nhà thờ Chính thống giáo chính ở Thánh địa cũng như trên khắp thế giới (thông qua các chuyến bay được sắp xếp đặc biệt). Sự xuất hiện của ngọn lửa từ Giêrusalem sẽ đánh dấu sự khởi đầu của Lễ Phục Sinh.

Dưới đây là một số hình ảnh:

security

candles-lit-abovve dsc-9093-lighting-candles-through-door dsc-9104-joyous-candles dsc-9128-monk-bundle lantern-carried photo-47-crush-with-torches two-hoods

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube