Ba Lan sẽ nồng hậu đón Đức Phanxicô chứ không như có người e ngại!

Giáo hội Ba Lan với Đại hội Giới trẻ Thế giới, Tông huấn “Amoris Laetitia”, vấn đề di dân và thái độ đối với Đức Phanxicô

nycz

Đức Hồng y Kazimierz Nycz, năm nay 66 tuổi, Tổng Giám Mục Địa phận Warsaw từ năm 2007, đã trả lời phỏng vấn của Vatican Insider về nhiều vấn đề. Ngài đã thẳng thắn trình bày quan điểm của mình về cách giải quyết đối với những nạn nhân đang phải trốn chạy khỏi những làn bom đạn và sự tàn phá khốc liệt đang xảy ra ở Trung Đông, về những phản ứng tại Ba Lan đối với Tông huấn “Amoris Laetitia”, đồng thời ngài mời gọi các bạn trẻ không nên sợ hãi nhưng hãy mạnh dạn đăng kí tham dự Đại Hội Giới Trẻ sắp tới tại Kraków.

Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn của Vatican Insider được đăng tải ngày 06/06/2016:

Thưa Đức Hồng y, chỉ còn không đầy 2 tháng nữa là đến Đại Hội giới trẻ Thế giới tại Ba Lan: vậy mọi công tác chuẩn bị đã tiến hành thế nào?

“Điều quan trọng nhất là việc chuẩn bị thiêng liêng và mục vụ cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần này. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông đã không nói nhiều về điều này, mặc dù trong thực thế, ở Ba Lan chúng tôi đã bằng mọi cách để loan tin một cách rộng rãi. Thậm chí ngay cả trong các Giáo phận nơi các bạn trẻ sẽ được tiếp đón một tuần trước cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, đặc biệt là ở Giáo phận Krakow và các Giáo phận lân cận. Chúng tôi không chỉ phải chuẩn bị các chương trình mang đậm nét văn hóa, tôn giáo và tâm linh mà còn phải cố gắng giúp cho các du khách nắm rõ thông tin về nơi mà họ sẽ đến viếng thăm. Krakow đã nỗ lực rất nhiều để cho thế giới biết đến nền văn hóa và nghệ thuật của quốc gia mình, nhưng trên hết là những giá trị tâm linh với những khuôn mặt nổi bật như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Có một ngôi Thánh đường dâng kính Ngài, Thánh Đường Lòng Thương Xót. Đầu tiên và trên hết, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là một kinh nghiệm về một Giáo Hội phổ quát hiện diện nơi tất cả các quốc gia trên toàn thế giới và đây chính là một điều hết sức quan trọng đối với các bạn trẻ. Cuối cùng, sẽ có một gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô, các bạn trẻ Ba Lan đang rất hào hứng và mong đợi sự kiện này. Sự đón tiếp dành cho Đức Phanxicô cũng sẽ nồng hậu như sự đón tiếp dành cho Đức Gioan Phaolô II trước kia. Tôi muốn nói với các bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới rằng: hãy đến với Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, đừng sợ hãi và các bạn sẽ cảm nhận được niềm vui lan tỏa trong đại hội này”.

Các phương tiện truyền thông đại chúng tại Ba Lan rất quan ngại về các rủi ro liên quan tới khủng bố. Vậy ngài có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

“Tôi muốn mọi người hãy bình tâm suy nghĩ về vấn đề này. Điều khiến cho các bạn trẻ và những bậc phụ huynh đặc biệt lo lắng là những sự kiện đã xảy ra trong thời gian gần đây tại Paris và Brussels. Tôi có thể hiểu được cảm giác của họ lúc này, nhưng tôi chắc chắn rằng các cơ quan hữu trách chính phủ và các lực lượng an ninh đã thắt chặt mọi biện pháp an ninh nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và đảm bảo Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sắp tới sẽ thành công tốt đẹp. Dĩ nhiên, vấn đề an ninh không bao giờ có thể đảm bảo 100%, nhưng cùng lắm thì những kẻ khủng bố cũng chỉ có thể buộc chúng tôi phải cắt giảm vài sự kiện tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần này.”

Các bước tiến hành chuẩn bị đã được tiến hành đến đâu rồi?

“Điều quan trọng cần phải ghi nhận đó là chúng tôi đã chứng kiến những thay đổi lớn nơi đây trong vòng hơn một năm qua, những thay đổi nơi chính phủ quốc gia, những thay đổi nơi chính quyền địa phương và trong khu vực Malopolska – nơi Đại Hội Giới Trẻ Thế sẽ diễn ra sắp tới. Ở đây, các công tác chuẩn bị đã được tiến hành từ cách đây hơn 3 năm và họ đã tổ chức một cách rất chuyên nghiệp. Thật là không đúng khi nói rằng các công tác chuẩn bị chỉ mới bắt đầu tiến hành cách đây 6 tháng khi chính phủ mới lên nắm quyền! Các công tác chuẩn bị thực sự đã được tiến hành cách đây 3 năm và tôi chắc chằn rằng công tác này đang tiếp tục được đẩy mạnh”.

Xin Đức Cha cho biết Giáo Hội Ba Lan đã phản ứng thế nào đối với Tông huấn “Amoris Laetitia”?

“Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong cuộc phỏng vấn gần đây với La Croix, tiến trình đã bắt đầu từ Công nghị vào năm 2014 với bài phát biểu của Đức Hồng y Kasper, sau đó là 2 Thượng Hội đồng về gia đình và cuối cùng là bản tường trình đúc kết. Tôi thiết nghĩ Giáo Hội Ba Lan đang đọc Tông huấn “Amoris Laetitia” trong bối cảnh đó. Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha cho biết – cá nhân tôi rất tâm đắc với ý này – rằng chúng ta đã thực hiện một tiến trình dài quan tâm cách đặc biệt đến vấn đề rất quan trọng: Gia đình. Tiến trình đó đã đem lại những suy tư sâu sắc được trình bày trong Tông huấn: một suy niệm về gia đình. Đức Thánh Cha Phanxicô nói chúng đã cần phải học cách nhìn vào công đồng tính của Giáo Hội theo chiều sâu. Trong từng phần của tiến trình kéo dài suốt 3 năm này, chúng ta đã học biết thế nào là Thượng hội đồng “cum Petro“, với Đức Thánh Cha. Cuối cùng, chúng ta đi đến một điểm mà nếu không có điểm này thì không tồn tại công đồng tính: “sub Petro”, dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh Cha.”

Cách cụ thể, Tông huấn được đón nhận như thế nào?

“Nói chung, tại Ba Lan, các tín hữu, các Linh mục và Giám mục đã đón nhận Tông huấn này với những thái độ rất tích cực và điềm tĩnh. Một vài tổ chức truyền thông và một số nhóm giáo dân đã cố gắng giải thích bản văn bản này bằng những thuật ngữ mang tính ý thức hệ. Theo đó, một số người nói “Vắn gọn quá!”, trong khi những người khác lại nói “Dài dòng qua!”. Các phương tiện truyền thông đã chỉ tập trung quá nhiều vào chương tám. Giáo phận của chúng tôi đã nố lực hết sức nhằm giúp cho các tín hữu và các linh mục suy tư về Tông Huấn với 3 chìa khóa quan trọng: chuẩn bị hôn nhân, đồng hành hôn nhân, phân định. Trước khi Tông huấn “Amoris Laetitia” được phổ biến, chúng tôi đã tổ chức những chương trình chăm sóc mục vụ cho các gia đình bằng các khóa học tiền hôn nhân cho các bạn trẻ sắp kết hôn với những nội dung phong phú và chuyên sâu. Hơn nữa, tại Viện Giáo Hoàng về Thần Học của Địa phận Warsaw, chúng tôi đã tổ chức khóa học về gia đình, trong đó, một số cặp vợ chồng trẻ mới cưới đã được đào tạo chuyên sâu để trở thành những nhà lãnh đạo của các nhóm hỗ trợ nhằm giúp đỡ cho các đôi hôn phối đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng, nơi giáo xứ mà họ đang sống”.

Vấn đề hiện đang còn gây nhiều tranh cãi: phân định.

“Điểu rất quan trọng là, nhờ việc phân định các tình cảnh khác nhau, cung cấp các khả thể cho những người đã không thành công trong việc trung thành với cuộc hôn nhân của họ, và đem đến cho họ tất cả những gì mà Hội Thánh có thể. Những điều chúng ta đọc được trong Tông huấn “Amoris Laetitia” chính là sự tiếp nối những gì Đức Gioan Phaolô II đã đề xướng, chứ không hề là một sự thay đổi. Điều đáng nói nhất là Tông huấn này quả thực là một giáo huấn tuyệt vời về chủ đề gia đình. Văn kiện này hết sức thiết thực vì nó bảo vệ những quan niệm cơ bản của tính bí tích và tính bất khả phân ly của định chế hôn nhân, và rất hữu ích nhìn từ quan điểm mục vụ. Trong cuộc phỏng vấn với La Croix, Đức Thánh Cha cho biết ngài đang thu thập rất nhiều lời khuyên hữu ích từ các giáo dân để có thể giúp đỡ các linh mục trong việc phân định, bằng cách chuẩn bị một số tiêu chí rõ ràng và khách quan. Tôi nghĩ không nên để tất cả chỉ tùy thuộc vào đánh giá chủ quan của các cha giải tội”.

Vấn đề về nhập cư đang được tranh luận sôi nổi vào lúc này. Theo Đức Hồng y, với cương vị của mình, chính phủ Ba Lan và một số nước Đông nói chung sẽ làm gì?

“Tình hình ở Ba Lan thì có đôi chút khác biệt, vì người nhập cư không xem quốc gia chúng tôi như một điểm đến, nhưng họ chỉ xem quốc gia chúng tôi như một nơi để quá cảnh mà thôi. Trong tư cách Giáo hội và Hội đồng Giám mục, chúng tôi phân biệt rõ ràng giữa những người tị nạn phải chạy trốn chiến tranh – họ là những người vừa thoát chết và không có chỗ nào để trở về – và những người đang đi tìm cho mình một cuộc sống tốt hơn với một kế sinh nhai nơi xứ người. Kiểu di dân thứ hai này là những gì mà chúng tôi, những người Ba Lan, đã thực hiện cách đây 30 năm dưới chế độ cộng sản. Hồi ấy, người Ý, người Đức, và người Áo đã chào đón chúng tôi! Và ngày nay cũng vậy, có 2 triệu người Ba Lan đang phải sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Tôi cũng muốn cho quý vị biết rằng ở Ba Lan đã có một làn sóng lớn những người nhập cư đến từ Ukraina, hiện nay con số đã lên đến hơn một triệu. Một tỷ lệ nhỏ những người này là những người tị nạn chiến tranh đến từ Donbass, thuộc miền đông Ukraina. Quả thực là có các ý kiến khác nhau về cách đón tiếp những người tị nạn ở châu Âu: một số quốc gia muốn nhận con số không giới hạn chỉ để sau đó lại từ chối họ, hoặc sử dụng hiệp ước với Thổ Nhĩ Kỳ như một giải pháp nhưng trong đó, các điều khoản lại không hoàn toàn rõ ràng. Nhưng theo tôi, những người này đang chạy trốn chiến tranh và chúng ta cần phải giúp đỡ họ! Vấn đề không phải là chúng ta có giúp đỡ họ hay không, chúng ta phải giúp! Vấn đề đặt ra là chúng ta có thể giúp đỡ họ bằng cách nào và ở đâu. Chúng ta cần phải thực hiện điều này sao cho hợp lý”.

Có những tin đồn về nguy cơ Hồi giáo hóa …

“Ba Lan đã tiếp nhận những người tị nạn Hồi giáo từ vùng Caucasus từ 15 năm qua. Đã có khoảng 90.000 người tị nạn. 25.000 di dân hiện còn ở lại đây, tức là chỉ khoảng một phần tư mà thôi: một số đã hồi hương, những người khác đã chuyển đến các khu vực phía Tây. Tôi không biết việc họ đến có gây ra bất kỳ vấn đề xã hội hay tôn giáo nào không nữa. Tôi có thể nói rằng chúng tôi đã sẵn sàng. Tổ chức Caritas Ba Lan, Caritas của Giáo phận, cũng như các tổ chức khác của Giáo hội Đức cũng đang hoạt động ở đây. Tất cả chúng tôi đang nỗ lực hết sức mình để giúp những người đau khổ đến từ Libya, Jordan và Syria, bất kể họ là Kitô hữu hay không. Tôi nghĩ rằng điều này rất quan trọng. Đối với tổ chức Caritas của Giáo phận và chính quyền khu vực tại Warsaw, chúng tôi đã sẵn sàng để đón nhận những người này nếu thực sự họ đang cần giúp đỡ. Chúng tôi cũng có cộng đoàn Sant’Egidio ở đây và chúng tôi làm việc với họ. Tôi không muốn đưa ra một nhận định chính trị về những gì mà chính phủ của các nước Đông Âu đang thực hiện, nhưng nếu tình hình xấu đi, tôi không nghĩ rằng chính phủ Ba Lan sẽ vẫn thờ ơ với những lời mời gọi của Tin Mừng: Ta là khách lạ, và các ngươi đã tiếp rước”.

Người ta cho rằng một số phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt có liên quan đến các mục tử, đã không nhận được sự đồng tình trong Giáo hội Ba Lan. Có đúng như vậy không?

“Không, tôi không nghĩ rằng đó là sự thật. Mặc dù có sự nghi ngờ rằng giáo dân và các giáo sĩ đã phản ứng khác nhau đối với Ngài. Tôi nghĩ rằng có nhiều lý do về vấn đề này. Gần đây, tôi đã được đọc khá nhiều về Đức Thánh Cha Phanxicô và châu Mỹ Latinh, và tôi nhận thấy có một điểm tương đồng: sau 4 năm trên cương vị Giáo hoàng, nếu xét về mặt được người ta ủng hộ, thì Ngài cũng phải đối diện với những vấn đề mà Đức Gioan Phaolô II từng trải qua khi đứng trên cương vị là một Giáo hoàng. Tôi nói điều này theo một cách thức tế nhị nhất có thể: ở châu Mỹ Latinh, Đức Gioan Phaolô II đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của giáo dân, nhưng đó là vì thần học giải phóng cũng như vì những lý do khác, còn các Giám mục và linh mục đã chào đón ngài… theo những cách rất khác!”

Minh Tuệ (theo Vaticaninsider)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube