Vị Nữ tu người Nigeria lên tiếng báo động về các vụ tấn công chống Kitô giáo

Quang cảnh Nhà thờ Công giáo Thánh Phanxicô ở Owo Nigeria, Chúa nhật, ngày 5 tháng 6 năm 2022 (Ảnh: Rahaman A Yusuf/AP)

Quang cảnh Nhà thờ Công giáo Thánh Phanxicô ở Owo Nigeria, Chúa nhật, ngày 5 tháng 6 năm 2022 (Ảnh: Rahaman A Yusuf/AP)

YAOUNDÈ, Cameroon – Một Nữ tu người Nigeria đã mô tả các vụ tấn công ngày càng tồi tệ nhằm vào các Kitô hữu ở quốc gia đông dân nhất châu Phi, đồng thời cho biết rằng đó là một phần trong nỗ lực Hồi giáo hóa đất nước dưới quyền bá chủ của nhóm sắc tộc Fulani theo Hồi giáo.

Nữ tu Nkiru Esther Ezedinachi thuộc Tu hội Nữ tỳ Chúa Giêsu đã phát biểu trong những bình luận độc quyền với Crux sau một báo cáo mới, trong đó một lần nữa nhấn mạnh Nigeria là một trong những nơi tồi tệ nhất trên trái đất khi trở thành một Kitô hữu.

Nữ tu Ezedinachi cũng đã đổ lỗi cho Vatican dường như đã làm ngơ khi các vụ bắt cóc và giết người tiếp tục không thuyên giảm.

“Một lần nữa, nhiều giáo sĩ hành động như thể không có chuyện gì xảy ra, ngoại trừ một vài người trong số họ. Nhiều người trong chúng tôi ở đây cũng thắc mắc tại sao Vatican và Đức Tổng Giám mục Canterbury lại giữ im lặng như vậy về những sự việc đang xảy ra ở Nigeria – việc bắt cóc và giết hại các Kitô hữu”.

Báo cáo, do Tổ chức Từ thiện Giáo hoàng mang tên Viện trợ các Giáo hội Đau khổ công bố, lưu ý rằng hơn 100 Linh mục và Nữ tu đã bị bắt cóc, bị bắt giữ hoặc bị giết hại vào năm 2022.

“Ít nhất 12 Linh mục và 5 Nữ tu đã bị sát hại trong năm 2022 khi đang thi hành sứ mạng của mình”, báo cáo kết luận.

Báo cáo cho biết “Nigeria là quốc gia có số nạn nhân cao nhất, với 4 Linh mục bị giết hại”, mặc dù Mexico ghi nhận 3 Linh mục bị giết hại và 2 người bị sát hại ở phía Đông của Cộng hòa Dân chủ Congo.

Ngoài ra, năm Nữ tu đã bị sát hại: Nữ tu Luisa Dell’Orto ở Haiti; Nữ tu Mary Daniel Abut và Nữ tu Regina Roba ở Nam Sudan; Nữ tu Mari de Coppi ở Mozambique; và Nữ tu Marie-Sylvie Vakatsuraki, bị giết hại vào tháng 10 tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Bên cạnh các vụ giết người, nhiều Linh mục và Tu sĩ cũng đã bị bắt cóc, với tổng số 42 Linh mục bị bắt cóc ở các quốc gia khác nhau vào năm 2022.

 “Nigeria là quốc gia xảy ra nhiều vụ bắt cóc nhất, với tổng số 28 vụ vào năm 2022”, báo cáo nêu rõ và đồng thời lưu ý rằng quốc láng giềng Cameroon đứng thứ hai trong hạng mục đó, với vụ bắt cóc 6 Linh mục.

“Nigeria cũng chiếm phần lớn các Nữ tu bị bắt cóc vào năm 2022, với 7 người. Một người bị bắt cóc ở Burkina Faso, và một Nữ tu khác bị bắt cóc ở Cameroon”.

 Nữ tu Ezedinachi cho biết rằng Kitô giáo rõ ràng đã bị tấn công.

“Điều khiến tôi ngạc nhiên khi đọc kiểu báo cáo như vậy đó là Kitô giáo đang bị đe dọa nghiêm trọng, và các nhà lãnh đạo Kitô giáo dường như không lo lắng nhiều về điều đó. Nếu họ lo lắng, họ sẽ làm rất ít hoặc không làm gì cả, ngoại trừ rất ít người trong số họ, trong số 500 người”, Nữ tu Ezedinachi phát biểu với Crux.

“Trong trường hợp của Nigeria, ý định của những kẻ bắt cóc và những kẻ giết hại các linh mục và mục sư Kitô giáo đã được biết rõ; Hồi giáo hóa và Fulani hóa”, Nữ tu Ezedinachi nói.

Nữ tu Ezedinachi đã chỉ trích chính phủ của Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari vì điều mà Sơ mô tả là đồng lõa với những người chăn gia súc Fulani tấn công các Kitô hữu.

“Vấn đề là nhiều người không có bất kỳ sự tin tưởng nào vào chính phủ hiện tại”, Nữ tu Ezedinachi nói. “Nhiều người nghi ngờ rằng sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo ở Nigeria là do Tổng thống của nước này là một người Hồi giáo và hầu như tất cả các cơ quan quan trọng của chính phủ Nigeria đều do người Hồi giáo Fulani điều hành”.

Đó là một mối quan tâm đã được nêu lên bởi các vị Giám chức ở Nigeria, và được nhắc lại trong sứ điệp Giáng sinh năm nay.

Đức Giám mục Mathew Hassan Kukah Giáo phận Sokoto đã cáo buộc Tổng thống Buhari vì đã hy sinh ước mơ của người dân Nigeria bằng cách tạo ra một hệ thống đẳng cấp có lợi cho người miền Bắc (những người chủ yếu là người Hồi giáo).

“Tổng thống Buhari đã cố tình hy sinh giấc mơ của những người đã bỏ phiếu cho ông vì điều dường như là một chương trình nhằm phân tầng và thể chế hóa quyền bá chủ phương Bắc bằng cách hạ thấp những người khác trong đời sống công cộng xuống địa vị hạng hai”, vị Giám chức viết.

“Ông ấy đã theo đuổi chính sách tự chuốc lấy thất bại và tách biệt xã hội này với cái giá phải trả là sự gắn kết quốc gia lớn hơn”.

“Ở Nigeria ngày nay, chúng tôi mang những vết sẹo, chúng tôi chịu tổn thương, chúng tôi mang những

nỗi buồn sâu sắc. Con cái của chúng tôi vẫn ở trong rừng rú, trong tay của những kẻ gian ác. Nhưng hầu hết họ đều không có tên tuổi. Họ chỉ là những con số”.

Khi đất nước chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2023, Nữ tu Ezedinachi cảnh giác rằng một chiến thắng dành cho đảng Đại hội Liên minh Tiến bộ (APC) vốn đã chọn liên minh Hồi giáo-Hồi giáo có thể là thảm họa đối với đất nước.

“Mọi thứ có thể trở nên tốt hơn khi một Kitô hữu trở thành tổng thống, nhưng họ đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn điều đó. Nhiều người tin rằng mọi thứ sẽ tồi tệ hơn nếu chính phủ APC với các ứng cử viên người Hồi giáo của họ thành công với chính phủ của tổng thống Buhari thuộc APC”, Nữ tu Ezedinachi nói.

Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, tổ chức từ thiện thuộc Giáo hòang, đã kêu gọi tất cả các quốc gia liên quan “đảm bảo sự an toàn và tự do của các Linh mục, Nữ tu và các nhân viên mục vụ khác, những người làm việc để phục vụ những người cần giúp đỡ nhất”.

 Nữ tu Ezedinachi cho biết giống như hầu hết mọi người, Sơ cảm thấy “sợ hãi” trước các vụ tấn công, nhưng điều đó sẽ không ngăn cản Sơ tiếp tục công việc truyền giáo của mình.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube