Về Amoris Laetitia – Chương VII: Hướng đến một nền giáo dục tốt hơn của con cái

Cha mẹ chịu trách nhiệm gieo vào trong con cái mình sự tin tưởng và tôn trọng yêu thương nhờ tình cảm và gương sáng của mình.

Con cái chúng ta đang ở đâu?

Các gia đình là nơi nâng đỡ, hướng dẫn và định hướng, nên cha mẹ cần xem xem họ muốn con cái họ bộc lộ những gì, ai đang bước vào phòng chúng nhờ tivi hay các thiết bị điện tử và lúc rảnh rỗi chúng thường chơi với ai. Nếu biết dành thời gian cho con cái, tìm ra những cách thức lành mạnh để chúng sử dụng thời gian, họ có thể che chở chúng khỏi những nguy hại. Tỉnh thức bao giờ cũng cần thiết vì giúp cha mẹ ngăn chặn con cái mình khỏi nguy cơ bị tấn công, lạm dụng hay nghiện ngập[1].

Tuy nhiên, ám ảnh không phải là giáo dục. Lúc nào cũng muốn biết con mình đang ở đâu và biết mọi nhất cử nhất động của chúng không phải là cách giáo dục, tăng cường sức mạnh và chuẩn bị cho con cái đương đầu với thách thức. Khả năng yêu thương giúp con cái lớn lên trong tự do, trưởng thành và tự lập đích thật và biết con mình đang ở đâu về mặt hiện sinh, đang ở đâu trong các xác tín, mục đích, khát vọng và mơ ước của chúng quan trọng hơn nhiều[2].

Giáo dục bao gồm khích lệ việc sử dụng tự do cách có trách nhiệm để nhìn các vấn đề cách ý thức và thông minh. Giáo dục đòi hỏi việc đào tạo con người sẵn sàng hiểu rằng cuộc sống của riêng ta và cuộc sống của cộng đoàn, nằm trong tay họ và tự do tự nó là một quà tặng quan trọng[3].

Việc đào tạo đạo đức cho con cái

Cha mẹ chịu trách nhiệm gieo vào trong con cái mình sự tin tưởng và tôn trọng yêu thương nhờ tình cảm và gương sáng của mình. Khi con cái không còn cảm thấy mình quan trọng đối với cha mẹ chúng hay cha mẹ chúng không thật sự quan tâm tới chúng nữa, thì cảm giác này sẽ tạo nên vết thương sâu hoắm và đường tới trưởng thành sẽ gập ghềnh gian khổ. Sự vắng mặt về thể lý hay tình cảm tạo nên thương tích nặng hơn mọi lời chửi bới[4].

Cha mẹ cũng chịu trách nhiệm về việc hình thành ý chí của con cái, nuôi dưỡng các thói quen tốt và khuynh hướng tự nhiên hướng đến sự tốt lành, giúp chúng muốn trở thành hữu ích cho xã hội, khi từ bỏ một niềm vui trước mắt để có được cuộc sống trật tự và tốt đẹp. Việc đào tạo luân lý phải làm sao để sự thiện lý trí hiểu thấu có thể cắm rễ sâu trong ta như một khuynh hướng tình cảm sâu xa, một thèm khát sự thiện, một sở thích của ta[5]. Muốn thế cần lặp đi, lặp lại cách ý thức, tự do và mến chuộng một số mẫu ứng xử tốt[6], vun trồng tự do nhờ các ý tưởng, động cơ, các áp dụng cụ thể, các nhân tố kích thích, phần thưởng, gương sáng, khuôn mẫu, biểu tượng, suy tư, khích lệ, đối thoại và không ngừng suy đi nghĩ lại về cách làm việc của mình[7].

Giá trị của việc trừng phạt như một sự khích lệ

Ta cần khích lệ các em đặt mình vào địa vị của người khác và nhận ra nỗi đau các em đã gây ra; kiên trì huấn luyện các em biết xin tha thứ và sửa lại thiệt hại các em đã làm cho người khác[8].

Trừng phạt cũng là một khích lệ khi các em cảm nhận được sự tin tưởng nhẫn nại và kiên trì của cha mẹ. Khi được sửa dạy cách yêu thương, con cái luôn cảm thấy được quan tâm chăm sóc nhưng cha mẹ không được hành động theo cơn nóng giận, không bao giờ được đối xử với con cái như kẻ thù hay như đối tượng để trút hết thất vọng lên. Chỉ thích phạt thường có hại và thường đưa tới chán nản và phẫn nộ: “Hỡi các bậc làm cha, đừng chọc giận con cái” (Ep 6, 4; x. Col 3, 21)[9].

Điều quan trọng là làm thế nào để con cái nội tâm hóa kỷ luật cách tốt nhất. Muốn thế, ta phải cố làm cho mọi sự xoay quanh những khát vọng của con; và tránh tước mất của con cái ý thức về phẩm giá, căn tính và các quyền của chúng[10]

Chủ nghĩa hiện thực nhẫn nại

Việc giáo dục luân lý không được đòi những hy sinh không cân xứng và chỉ được đòi một mức độ cố gắng không đưa tới căm phẫn hay ép buộc. Đòi hỏi quá mức, ta sẽ chẳng đạt được gì[11].

Lý do khiến trẻ không tán thành việc đào tạo đạo đức là vì sự hờ hững, bực bội, thiếu tình cảm hay thiếu gương mẫu của cha mẹ[12]. Trong khi đưa ra các giá trị, ta phải tiến hành từ từ, xem xét độ tuổi và khả năng của các em, mà áp dụng các phương pháp cứng rắn hay uyển chuyển; cần khai thông và thúc đẩy tự do vì tự do thật thường bị giới hạn và tác động; cần phân biệt đầy đủ các hành vi “tự nguyện” và “tự do”. Một người nào đó có thể khao khát cách tự nguyện một điều xấu, nhưng đó lại là hậu quả của một đam mê không cưỡng lại được. Trong những trường hợp ấy, quyết định thì tự nguyện thật vì không đi ngược với xu hướng của khát vọng, nhưng không tự do, vì trên thực tế, họ không thể chọn điều xấu ấy được[13].

Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R.

(còn tiếp)

[1] Amoris Laetitia, số 260

[2] Amoris Laetitia, số 261

[3] Amoris Laetitia, số 262

[4] Amoris Laetitia, số 263

[5] Amoris Laetitia, số 264

[6] Amoris Laetitia, số 265

[7] Amoris Laetitia, số 267

[8] Amoris Laetitia, số 268

[9] Amoris Laetitia, số 269

[10] Amoris Laetitia, số 270

[11] Amoris Laetitia, số 271

[12] Amoris Laetitia, số 272

[13] Amoris Laetitia, số 273

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube