Về Amoris Laetitia – Chương VII Hường đến một nền giáo dục tốt hơn của con cái (tiếp)

Đời sống gia đình như một môi trường giáo dục

Gia đình là trường học đầu tiên của các giá trị nhân bản, của việc học biết sử dụng tự do cách khôn ngoan. Một số khuynh hướng có từ thời thơ ấu có thể tồn tại suốt đời, nhiều người suy nghĩ và hành động theo một cách nào đó vì họ được học như thế. Gia đình cũng là nơi có thể học phê bình một số sứ điệp do các phương tiện truyền thông đem đến. Hiện một số chương trình truyền hình có ảnh hưởng tiêu cực và cắt xén các giá trị đã được khắc sâu trong đời sống gia đình[1].

Trong thời đại stress và tiến bộ nhanh chóng này, một trong những nhiệm vụ quan trọng của gia đình là cung cấp một nền giáo dục trong hy vọng, tìm cách giúp các em phát triển khả năng phê phán, biết trì hoãn và dẹp bỏ nết xấu này là “muốn là phải có ngay”. Khi được dạy trì hoãn một số việc cho tới khi chín muồi, các em sẽ học được cách làm chủ mình và không dính bén với sự bốc đồng của mình. Khi trẻ nhận ra chúng phải chịu trách nhiệm về mình, các em sẽ biết tự trọng và tôn trọng tự do của người khác[2].

Gia đình là nơi đầu tiên của việc xã hội hóa, nơi ta học cách liên lạc với tha nhân, lắng nghe và chia sẻ, nhẫn nại, tôn trọng, giúp đỡ nhau và sống như một. Ta thoát khỏi tình trạng chỉ biết mình cách tai hại và đi đến chỗ nhận ra rằng ta đang sống với những người khác sát bên ta, những người đáng cho ta quan tâm, đối xử tử tế và yêu thương. Không có khía cạnh chính yếu này, sẽ không có một mối quan hệ xã hội nào cả[3].

Trong gia đình, ta suy nghĩ lại các thói quen ăn xài và hợp tác trong việc chăm sóc môi trường như ngôi nhà chung của mình, vì gia đình gồm tóm nơi mình hai nguyên tắc căn bản của nền văn minh của con người: “nguyên tắc hiệp thông và nguyên tắc sinh sản”[4]. Những lúc khó khăn, gian khổ như khi bệnh hoạn ập tới chẳng hạn cũng là những bài học quan trọng. Thời gian bệnh hoạn luôn làm cho các mối quan hệ gia đình có thể bền chặt hơn. Không khích lệ sự nhạy bén với bệnh hoạn, tâm hồn con người trở nên lạnh lùng, các bạn trẻ sẽ “vô cảm”, sẽ mất khả năng đương đầu với đau khổ và kinh nghiệm về những giới hạn của mình[5].

Các phương tiện truyền thông và giải trí có thể trợ giúp nhưng cũng có thể phá vỡ việc cha mẹ giáo dục con cái. Khi được sử dụng tốt, chúng giúp liên kết các phần tử của gia đình đang sống xa cách nhau[6]. Nhưng, các phương tiện này không thể thay thế nhu cầu đối thoại đích thân và trực tiếp được, một cuộc đối thoại đòi phải có sự hiện diện thể lý hay ít ra cũng nghe được giọng nói của người kia. Đôi khi các phương tiện ấy cũng làm cho người ta xa cách hơn là gần gũi nhau, ví dụ như vừa ăn tối vừa lướt điện thoại di động. Ta không được coi thường những nguy hiểm các hình thức truyền thông mới đang khơi lên cho trẻ em và thanh thiếu niên, nuôi dưỡng sự lãnh cảm và cắt đứt với thế giới thật[7].

Hống hách cũng là điều không tốt đối với cha mẹ. Khi con cái bị buộc chỉ được tin tưởng vào một mình cha mẹ thôi, thì việc này sẽ gây rắc rối cho tiến trình xã hội hóa đầy đủ và việc trưởng thành về mặt tình cảm. Để nuôi dưỡng một nền giáo dục toàn diện, ta cần “canh tân giao ước giữa gia đình và cộng đoàn Kitô hữu”[8]. Các trường học Công giáo “đang đóng một vai trò sống động trong việc trợ giúp các cha mẹ trong bổn phận nuôi dạy con cái của họ… Các trường ấy cần giúp học sinh trở thành những người trưởng thành, có thể nhìn thế giới này bằng tình yêu của Chúa Giêsu và hiểu cuộc sống như một lời kêu gọi phụng sự Thiên Chúa”[9].

Nhu cầu giáo dục tình dục

Công Đồng Vatican II nói về nhu cầu phải có “một nền giáo dục tình dục khôn ngoan và tích cực” phổ biến cho trẻ em và thanh thiếu niên, khi chúng lớn lên. Việc giáo dục này sẽ nằm trong nền giáo dục về tình yêu, về việc hiến mình cho nhau, biết mình và tự kiềm chế để có được niềm vui và cuộc gặp gỡ yêu thương[10].

Nền giáo dục tình dục cần cung cấp thông tin đúng lúc và phù hợp, cần nhớ rằng trẻ em chưa đạt được sự trưởng thành trọn vẹn; giúp chúng phát huy cảm thức có tính phê phán khi đương đầu với các tư tưởng và gợi ý mới, với cơn hồng thủy của sự khiêu dâm và lượng ào ạt những kích thích có thể làm cho giới tính bị dị dạng méo mó; giúp chúng tìm ra những ảnh hưởng tích cực, tránh các sự việc làm lụn bại khả năng yêu thương và cũng cần một thứ “ngôn ngữ mới và thích hợp hơn để đưa trẻ em và thanh thiếu niên tới chủ để về giới tính[11].

E dè vẫn có được giá trị lớn, vì đó là phương thế tự nhiên giúp ta bảo vệ sự riêng tư của ta và ngăn cản mình khỏi bị biến thành các đồ vật cho người ta sử dụng. Không có cảm thức này tình cảm và tình dục có thể chỉ còn là nỗi ám ảnh về cơ quan sinh dục, là những thái độ bóp méo khả năng yêu thương đưa tới chỗ ứng xử phi nhân hoặc gây khổ đau cho người khác[12].

Việc giáo dục tình dục hiện nay thường nói đến “an toàn tình dục”, một thứ ngôn ngữ tiêu cực coi con cái như một cái gì đó phải tránh. Không thể để thanh thiếu niên chơi đùa với thân xác như thể đã có sự trưởng thành, các giá trị, việc cam kết với nhau và những mục đích dành riêng cho hôn nhân được, vì như thế là vô tình khuyến khích chúng sử dụng người khác để hoàn tất các nhu cầu hay giới hạn của mình nhưng phải dạy các em bén nhạy với các cách diễn tả tình yêu khác nhau, quan tâm và chăm sóc nhau, tôn trọng yêu thương và truyền thông cách sâu sắc[13].

Cần phân biệt rõ kết hợp thân xác mà không có tình yêu sẽ làm cho hai người xa lạ vẫn xa lạ như trước[14], chỉ việc hiến mình đích thật mới đem lại sự kết hợp thật. Khi ta dám cho hết mọi sự ngay lập tức, rất có thể ta đã chẳng cho gì. Hiểu người trẻ mỏng dòn và hoang dã thế nào một chuyện, khuyến khích họ kéo dài sự ấu trĩ trong cách bày tỏ tình yêu lại là chuyện khác[15].

Việc giáo dục tình dục cũng cần bao hàm việc tôn trọng và đánh giá đúng các khác biệt, giúp người trẻ biết mở ra cho và chấp nhận người khác và thân xác mình như đã được tạo dựng, khi nào không sợ khác biệt nữa, họ mới có thể được giải thoát khỏi tình trạng qui ngã và chỉ biết mình[16].

Việc giáo dục tình dục cần giúp người trẻ chấp nhận nam tính và nữ tính của mình. Nhưng nam tính và nữ tính không phải là những phạm trù cứng ngắc, mà có thể thích nghi cách linh động. Giặt quần áo hay giúp vợ nuôi con không đánh mất nam tính của chồng, nên cần giúp trẻ đánh giá đúng sự hỗ tương đích thật của hôn nhân và cần phá đi những định kiến sai lầm cho rằng rằng kẻ miệt mài với nghệ thuật hay khiêu vũ, không phải là người nam thật và người nữ không được quyền lãnh đạo, chẳng hạn, vì tại một số nơi, những khái niệm khiếm khuyết vẫn còn cản trợ sự phát triển đích thật của căn tính và tiềm năng đặc biệt của trẻ[17].

Việc truyền lại đức tin

Việc truyền lại đức tin đang trở nên khó vì lối sống, thời khóa biểu làm việc và sự phức tạp của thế giới hôm nay, nhiều người phải lao đao lắm mới theo kịp bước điên cuồng của cuộc sống[18]. Nhưng gia đình vẫn phải tiếp tục là nơi để ta đánh giá đúng ý nghĩa và vẻ đẹp của đức tin, để ta học cầu nguyện và phục vụ đồng loại. Đức tin là ơn Thiên Chúa ban, được đón nhận trong Thánh tẩy, chứ không phải công việc của ta, nhưng cha mẹ là phương tiện Thiên Chúa dùng để đức tin ấy lớn lên và phát triển. Việc truyền lại đức tin cho con cái giả thiết rằng chính cha mẹ thật lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, tìm kiếm Ngài và ý thức nhu cầu cần đến Ngài, vì chỉ khi ấy, thì “thế hệ này mới tán dương các công trình của Ngài cho thế hệ kia và loan báo các việc toàn năng của Ngài” (Is 38, 19). Vì lý do đó, các vợ chồng và cha mẹ phải được trân trọng cách riêng như các tác nhân chủ động trong việc dạy giáo lý. Cha mẹ phải là những người phúc âm hóa gia đình mình[19].

Việc giáo dục trong đức tin phải thích nghi với mỗi em. Trẻ cần các biểu tượng, hành động, và chuyện kể nên gương sáng, các chứng tá hấp dẫn là điều không thể thiếu. Các cha mẹ cần cho con cái thấy cầu nguyện là một cái gì đó thật quan trọng đối với mình. Vì thế, những lúc cầu nguyện của gia đình và các hoạt động đạo đức có thể có tác động mạnh đối với việc phúc âm hóa hơn bất cứ lời giáo lý hay bài giảng nào[20].

Việc truyền lại đức tin cho con cái cũng giúp toàn gia đình trải rộng đức tin cho mọi người chung quanh. Được lớn lên trong các gia đình truyền giáo, các em sẽ là các nhà truyền giáo; lớn lên trong các gia đình ấm cúng và thân tình, các em sẽ liên hệ với thế giới cách thân tình ấm cúng mà không đánh mất đức tin và các xác tín của mình. Chúa Giêsu (x. Mc 2, 16; Mt 11, 19; Ga 45, 7 – 26, Ga 3, 1 – 21; Lc 7, 36 – 50; Mc 1, 40 – 45; 7, 33), và các tông đồ đã không co cụm lại thành các nhóm nhỏ và các nhóm người tinh hoa, đã không tách khỏi đời sống của dân mình. Tuy bị những người có quyền quấy rối, nhưng các ngài vẫn được “mọi người trong dân chúng quý mến” (Cv 2, 47; x. 4, 21, 33; 5, 13)[21].

Như thế, gia đình hoạt động mục vụ qua việc công khai loan báo tin mừng, liên đới với người nghèo, cởi mở với sự đa dạng của con người, bảo vệ tạo thành, liên đới về luân lý và vật chất với các gia đình khác, dấn thân đề cao công ích và sự biến đổi các cơ chế bất công của xã hội, bắt đầu tại nơi gia đình đang sống, nhờ việc thực hành mười bốn mối thương người[22]. Trong mọi gia đình, Tin mừng cần phải luôn âm vang lúc thuận, lúc nghịch, như một nguồn ánh sáng trên đường. Chỉ trên nền tảng của kinh nghiệm này, việc chăm sóc mục vụ của Hội thánh đối với các gia đình mới có thể giúp các gia đình ấy thành Hội thánh tại gia và thành men phúc âm hóa trong xã hội[23].

       Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R.

[1] Amoris Laetitia, số 274

[2] Amoris Laetitia, số 275

[3] Amoris Laetitia, số 276

[4] Giáo lý (30.9.2015), L’Osservatore Romano, 1.10. 2015, tr. 8.

[5] Giáo lý (10.7.2015), L’Osservatore Romano, 11.7.2115, tr. 8; Amoris Laetitia, số 277

[6] X. Relatio Finilis 2015, 67.

[7] Amoris Laetitia, số 27; Amoris Laetitia, số 278

[8] Giáo lý (9.9.2015); L’Osservatore Romano, 10.9.20125, tr.8

[9]Relatio Finalis 2015, 68; Amoris Laetitia, số 279

[10] Amoris Laetitia, số 280

[11]Relatio Finalis 2015, 56; Amoris Laetitia, số 281

[12] Amoris Laetitia, số 282

[13] Amoris Laetitia, số 283

[14] Erich Fromm, The Art of Loving, New York, 1956, tr. 54.

[15] Amoris Laetitia, số 284

[16] Giáo lý (15.4.20150, L’Osservatore Romano, 26.4. 2015, tr.8; Amoris Laetitia, số 285

[17] Amoris Laetitia, số 286

[18] X. Relatio Finalis 2015, 13 – 14.

[19]Relatio Finalis 2015, 89; Amoris Laetitia, số 287.

[20] Amoris Laetitia, số 288

[21] Amoris Laetitia, số 289

[22] Ibid., 93.

[23] Amoris Laetitia, số 290

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube