Về Amoris Laetitia – Chương IV: Tình yêu trong hôn nhân (II)

Tình yêu không vênh vang

Perpereúetai, có nghĩa là sự khoe khoang, kiêu hãnh, huênh hoang. Những người  yêu thương không chỉ cố không nói quá nhiều về mình  mà còn tập trung vào người khác. Một số người nghĩ rằng họ quan trọng vì họ hiểu biết hơn người khác; họ muốn thống trị những người ấy. Ta quan trọng  vì ta yêu thương, hiểu biết, quan tâm, ôm ấp kẻ yếu hèn[1].

Trong các gia đình Kitô giáo, điều quan trọng là bày tỏ tình yêu thương với những người ít hiểu biết về đức tin, yếu hèn hay không  chắc chắn về xác tín của mình. Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng giữa anh em với nhau ai làm lớn thì phải là người phục vụ (Mt 20, 26). Logic nội tại của tình yêu Kitô giáo không phải là sự quan trọng và quyền lực, nhưng là “ai làm đầu giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20, 26). Nên trong gia đình, lúc nào cũng chỉ muốn xem ai là người thông minh hay quyền thế nhất bao giờ cũng phá vỡ tình yêu. Ta phải lấy lòng khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5, 5)[2].

Tình yêu không khiếm nhã

Aschemonéi cho thấy rằng tình yêu không khiếm nhã, không bất lịch sự, không nhẫn tâm, không đem lại đau đớn hay khắt khe. Lịch sự “là trường học dạy sự nhạy bén và  vô vị lợi khi học cho biết nghe, biết nói, và trong một số trường hợp, biết giữ im lặng”[3]. Đây là một đòi hỏi chủ yếu của tình yêu. Mọi ngày, “việc bước vào trong đời người khác, cả khi người ấy đã có một vai trò quan trọng trong đời ta rồi, vẫn đòi sự nhạy bén và kiềm chế, khả dĩ có thể canh tân sự tin tưởng và tôn trọng. Thật thế, tình yêu càng sâu đậm bao nhiêu, thì càng đòi hỏi tôn trọng tự do của người khác và khả năng đợi chờ cho tới khi họ mở cửa lòng bấy nhiêu”[4].

Sự tinh tế này không phù hợp với thái độ tiêu cực lúc nào cũng chỉ thấy cái rác trong mắt tha nhân, còn cái xà trong mắt mình thì không thấy. Sự tinh tế này giúp ta nhẫn nhục và hợp tác với tha nhân, bất kể những khác biệt, giúp vun xới các tương quan, tạo nên những mạng lưới hợp nhất mới và dệt nên tấm vải xã hội vững chắc. Những người phản xã hội nghĩ rằng những người khác có mặt chỉ để thỏa mãn các nhu cầu của họ. Những  người yêu thương bao giờ cũng có khả năng nói lời xoa dịu, củng cố, an ủi và khích lệ như chính Chúa Giêsu (Mt 9, 2; Mt 15, 28; Mc 5, 41;Lc 7, 50; Mt 14, 27). Trong các gia đình, ta phải học theo sự hiền lành của Chúa Giêsu trong lời ăn tiếng nói với tha nhân[5].

Tình yêu không tìm tự lợi

 “Đừng tìm tư lợi”, hay “đừng dán mắt vào quyền lợi của mình mà hãy để ý tới quyền lợi của người khác” (Pl 2, 4). Kinh thánh nói rõ rằng quảng đại phục vụ tha nhân thì quí hơn việc yêu thương chính mình[6].

Thánh Tôma Aquinô giải thích “đối với đức ái, muốn yêu thì hơn là muốn được yêu.”[7]. Tình yêu có thể vượt quá và tràn ngập những đòi hỏi của công lý, “không mong được đền đáp” (Lc 6, 35) và có thể “đưa tới chỗ hy sinh tính mạng” vì tha nhân (Ga 15, 13). Đó là điều Tin mừng đòi hỏi: “Anh em đã nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không!” (Mt 10, 8)[8].

Tình yêu không nuôi hận thù

Paroxynetai – muốn nói tới một phản ứng bạo lực, một sự bực tức thầm kín khiến ta muốn tránh mặt người khác. Nuôi dưỡng sự thù nghịch ấy trong lòng chẳng giúp gì ai, chỉ gây đau đớn và xa cách. Phẫn nộ chỉ lành mạnh khi đó là việc phản ứng lại những  bất công nghiêm trọng; khi phẫn nộ thấm sâu vào thái độ của ta đối với tha nhân thì rất có hại[9].

Lời Chúa dạy ta để ý đến cái xà trong mắt mình (x. Mt 7, 5), đừng nuôi giận hờn (Rm 12, 21), nếu có nổi giận thì cũng “đừng phạm tội, đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4, 26), đừng bao giờ để cho ngày đã tàn mà gia đình lại không làm hòa với nhau bằng một cử chỉ nho nhỏ, một chút âu yếm thôi, chẳng cần nói[10]. Phản ứng đầu tiên của ta, khi bị chọc tức, phải là xin Thiên Chúa chúc lành, giải thoát và chữa lành người ấy (1 Pr 3, 9). Nếu ta phải chống lại sự dữ, thì cứ chống, nhưng bao giờ cũng phải nói “không” với bạo lực trong gia đình[11].

Tình yêu tha thứ tất cả

Cụm từ ou lozizetai to kakon có nghĩa là tình yêu “không chấp nhất sự dữ”; “không căm phẫn”. Phản nghĩa của căm phẫn là tha thứ, bắt nguồn từ một thái độ tích cực luôn tìm cách hiểu sự hèn yếu của tha nhân. Chúa Giêsu đã xin Cha tha cho những kẻ đóng đinh Người (Lc 23, 34). Nhưng ta vẫn cứ tìm kiếm lầm lỗi, tưởng tượng ra những sự dữ ghê gớm hơn, đoán ra đủ mọi loại chủ ý xấu, làm cho căm phẫn phát triển và sâu thêm. Khi nhìn mọi vấn đề nghiêm trọng như nhau, ta sẽ có nguy cơ hà khắc vô lý với những thất bại của tha nhân. Khát vọng muốn cho các quyền của ta được tôn trọng sẽ là khát vọng trả thù hơn là bảo vệ  hợp lý phẩm giá của ta[12].

Khi ta đã bị chống đối hay chà đạp rồi, thì tha thứ là điều có thể và đáng mơ ước, nhưng đó không phải là chuyện dễ vì không một gia đình nào mà lại không biết ích kỷ, bất hòa, căng thẳng và xung đột tấn công mạnh mẽ ra sao, đôi khi còn làm tê liệt sự hiệp thông của gia đình nữa: vì thế, mới xuất hiện nhiều hình thức ly tán trong đời sống gia đình[13].

Để có thể tha thứ cho người khác ta phải biết tha thứ cho mình. Thường các lầm lỗi của ta có thể đưa ta tới chỗ đánh mất lòng tự trọng, xa cách tha nhân, xa tránh tình cảm và sợ hãi trong các mối tương quan liên vị. Kết án tha nhân trở thành việc tái khẳng định mình cách sai lầm. Ta cần học cầu nguyện cho quá  khứ của ta, học chấp nhận mình, học sống với những giới hạn của mình, và tha thứ cho mình, để cũng có thể đối xử với tha nhân như thế[14].

Nếu ta chấp nhận tình yêu Thiên Chúa là một tình yêu vô điều kiện, không thể mua bán, ta sẽ có thể bày tỏ tình yêu vô biên ấy và tha thứ cho những người xúc phạm đến ta. Nếu không, đời sống gia đình sẽ chỉ còn là một nơi muôn đời căng thẳng và chỉ trích nhau[15].

Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR

Chú thích

[1]Amoris Laetitia, số 97

[2]Amoris Laetitia, số 98

[3]Octavio paz, La llama doble, Barcelona, 1993, 35.

[4]Giáo lý (13.5.2005): L’Osservatore Romano, 14.5.2015, p. 8; Amoris Laetitia, số 99

[5]Amoris Laetitia, số 100

[6]Amoris Laetitia, số 101

[7] Thomas aquinas, Summa Theologiae, II-II, q. 27, art. 1, ad 2.

[8]Amoris Laetitia, số 102

[9]Amoris Laetitia, số 103

[10] Catechesis (13.5. 2015): L’Osservatore Romano, 14 .5.2015, p. 8.

[11]Amoris Laetitia, số 104

[12]Amoris Laetitia, số 105

[13] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn,  Familiaris Consortio (22.11. 1981), 21: AAS 74 (1982), 106; Amoris Laetitia, số 106

[14]Amoris Laetitia, số 107

[15]Amoris Laetitia, số 108

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube